Ai Cập và Nga xem xét sử dụng đồng nội tệ trong thanh toán thương mại
Truyền thông Ai Cập ngày 17/9 dẫn lời Đại sứ Nga tại nước này, ông Georgy Borisenko, cho biết Moskva và Cairo đang xem xét sử dụng đồng nội tệ trong thanh toán thương mại giữa hai nước, trong bối cảnh các biện pháp trừng phạt của phương Tây đã ngăn Moskva tiếp cận đồng USD và đồng euro kể từ khi xảy ra cuộc xung đột với Ukraine.
Kiểm đồng bảng Ai Cập tại một cửa hàng ở Menufia Governorate, Ai Cập. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, trả lời phỏng vấn của kênh truyền hình Sada El-Balad, ông Borisenko giải thích Nga sẽ sử dụng cơ chế thanh toán bằng đồng nội tệ (đồng ruble hoặc đồng bảng Ai Cập) với Ai Cập, tương tự như trong trao đổi thương mại với Trung Quốc trong khuôn khổ Hệ thống chuyển thông điệp tài chính của Nga (SPFS).
Nga đã thúc đẩy hệ thống SPFS thay thế hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, sau khi các ngân hàng lớn của nước này bị loại khỏi hệ thống SWIFT theo lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moskva sau khi triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2 vừa qua.
Video đang HOT
Bên cạnh đó, Nga đang cố gắng mở rộng số lượng các quốc gia cho phép công dân nước này thanh toán ở nước ngoài thông qua thẻ thanh toán Mir, được phát hành lần đầu tiên vào năm 2014, sau khi các công ty thanh toán Visa Inc và Mastercard có trụ sở tại Mỹ ngừng hoạt động tại Nga. Hiện một số quốc gia đã chấp thuận sử dụng thẻ Mir, trong đó có Thổ Nhĩ Kỳ, Cuba, Hàn Quốc. Nga đang làm việc với Ngân hàng Trung ương Ai Cập (CBE) để sớm phê duyệt việc sử dụng thẻ Mir trong thanh toán ở Ai Cập. Ông Borisenko cho rằng việc chấp thuận sử dụng thẻ Mir ở Ai Cập sẽ góp phần làm tăng lượng du khách Nga đến quốc gia Bắc Phi này.
Trong những năm gần đây, quan hệ hợp tác kinh tế giữa Ai Cập và Nga đã có những bước tiến mạnh mẽ, với trao đổi thương mại song phương đạt 4,7 tỷ USD vào năm 2021, so với mức 2,7 tỷ USD của năm 2018. Nga là một trong những nước có lượng du khách đông đảo đến Ai Cập hằng năm. Thống kê cho thấy riêng trong tháng 2/2021, hơn 700.000 lượt du khách Nga đã đến thăm đất nước “Kim tự tháp”.
Ai Cập là nước nhập khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, với tổng khối lượng nhập khẩu lên tới 13 triệu tấn/năm. Nga và Ukraine cung cấp khoảng 80% lượng lúa mì nhập khẩu của quốc gia Bắc Phi này. Hiện Nga cũng đang hỗ trợ Ai Cập xây dựng nhà máy hạt nhân đầu tiên El Dabaa để sản xuất điện vì mục đích hòa bình.
Kênh đào Suez sẽ tăng phí quá cảnh lên 10 - 15%
Cơ quan quản lý kênh đào Suez của Ai Cập (SCA) ngày 17/9 thông báo sẽ tăng phí quá cảnh lên 10 - 15% bắt đầu áp dụng từ tháng 1/2023 để đối phó với tác động của lạm phát toàn cầu hiện nay.
Tàu thuyền đi lại qua Kênh đào Suez, Ai Cập. Ảnh: AFP/TTXVN
Phóng viên TTXVN tại Cairo cho biết, theo tuyên bố chính thức của SCA, phí quá cảnh sẽ tăng 15% áp dụng với mọi loại tàu và 10% với tàu hàng rời và tàu du lịch. Chủ tịch của SCA Osama Rabie lý giải việc tăng phí qua kênh đào Suez "là không thể tránh khỏi và cần thiết" để ứng phó với tỷ lệ lạm phát toàn cầu hiện đã lên tới hơn 8%. Lạm phát toàn cầu đã kéo theo sự gia tăng chi phí vận hành và bảo trì kênh đào Suez cũng như tăng chi phí của các dịch vụ hàng hải cung cấp cho tàu thuyền di chuyên qua kênh nối Địa Trung Hải với Biển Đỏ.
SCA đã theo dõi mức tăng giá thuê tàu theo ngày "chưa từng có" với hầu hết các loại tàu và dự báo xu hướng này sẽ tiếp diễn trong năm tới. Giá thuê tàu chở dầu thô theo ngày tăng trung bình 88% vào năm 2022 so với năm 2021. Trong khi đó, giá thuê tàu theo ngày của các hãng vận tải khí đốt hóa lỏng (LNG) tăng trung bình 11% vào năm 2022 so với năm 2021.
Yếu tố quan trọng nhất trong việc xác định phí quá cảnh qua Kênh đào Suez là giá cước trung bình của nhiều loại tàu khác nhau. Theo Chủ tịch SCA, giá cước vận tải, đặc biệt với tàu container, đã tăng mạnh và liên tục trong những tháng gần đây, cao hơn nhiều so với giai đoạn xảy ra đại dịch COVID-19.
Ông Rabie cho rằng các hãng vận tải hàng hải sẽ đạt được lợi nhuận hoạt động cao trong suốt năm 2023 do tác động liên tục của những xáo trộn trong chuỗi cung ứng toàn cầu và tình trạng tắc nghẽn tại các cảng trên toàn thế giới, cũng như thực tế là các hãng tàu đã ký kết nhiều hợp đồng vận chuyển dài hạn với tỷ lệ rất cao.
Cũng theo ông Rabie, giá năng lượng cao hơn vào thời điểm hiện tại cũng ảnh hưởng đến các tính toán phí của SCA. Trong năm nay, SCA đã hai lần tăng phí quá cảnh qua kênh đào Suez với mức tăng 6% vào tháng 2 và 5 đến 10% vào tháng 3.
Kênh đào Suez là tuyến hàng hải ngắn nhất kết nối giữa châu Á và châu Âu đồng thời là tuyến nhanh nhất nối Đại Tây Dương với Ấn Độ Dương. Tuyến đường thủy này của Ai Cập chiếm khoảng 12% trao đổi thương mại toàn cầu có thời gian di chuyển trung bình khoảng 13-15 giờ. Đây cũng là một trong những nguồn cung cấp ngoại tệ chính cho Ai Cập, đạt doanh thu kỷ lục 7 tỷ USD trong năm 2021/22, tăng từ 5,8 tỷ USD trong năm tài chính trước đó.
Ai Cập, Qatar thảo luận về tình hình tại Dải Gaza Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi ngày 9/8 đã thảo luận với Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad Al-Thani về những diễn biến khu vực mới nhất, đặc biệt là tình hình tại Dải Gaza và lệnh ngừng bắn do Ai Cập làm trung gian giữa Israel và nhóm Hồi giáo Jihad Palestine (PIJ). Binh sĩ thuộc quân đoàn pháo binh...