Libya: JMC nhất trí thiết lập cơ chế giải giáp các lực lượng dân quân có vũ trang
Theo phóng viên TTXVN tại Ai Cập, tại cuộc họp đang diễn ra ở Cairo, Ủy ban Quân sự Chung 5 5 (JMC) của Libya đã nhất trí thiết lập một cơ chế giải giáp các lực lượng dân quân có vũ trang và một cơ chế khác để loại bỏ lính đánh thuê và các lực lượng nước ngoài ra khỏi lãnh thổ Libya.
Các đại biểu tại vòng đàm phán thứ tư của Ủy ban Quân sự chung Libya (JMC) 5 5 ở Geneva, Thụy Sĩ, ngày 19/10/2020. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Cuộc họp của JMC do Ai Cập đăng cai tổ chức, dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc (LHQ), đã diễn ra từ ngày 15/6 nhằm tìm kiếm một giải pháp toàn diện cho cuộc khủng hoảng kéo dài hơn 10 năm qua ở Libya, với sự tham gia của Chỉ huy Quân đội Libya ở Tripoli, Trung tướng Abdel-Razzaq al-Nadori, và Chỉ huy lực lượng Quân đội Quốc gia Libya ở miền Tây, ông Muhammad al-Haddad.
Cuộc họp đã thảo luận việc thực hiện các cam kết được thống nhất trong thỏa thuận ngừng bắn năm 2020, đặc biệt là việc giải tán các lực lượng dân quân và cách thức để hợp nhất các lực lượng này vào các thể chế an ninh chính thức. JMC cũng yêu cầu mở lại các mỏ dầu vốn bị đóng cửa hơn hai tháng qua do xung đột về quyền lực và tranh giành nguồn thu từ dầu mỏ giữa hai chính quyền đối địch ở Libya. Tình trạng các mỏ dầu bị phong tỏa đã khiến sản lượng dầu của Libya giảm mạnh xuống còn 100.000 thùng/ngày. Cuộc họp của JMC cũng thảo luận về việc thiết lập một cơ chế chung để chống lại hoạt động khủng bố ở trong nước.
Một nguồn tin từ Ủy ban Hiến pháp Libya cho hay các thành viên của Quốc hội và Hội đồng Cấp cao Nhà nước Libya đã nhất trí về một số điều khoản gây tranh cãi trong dự thảo hiến pháp. Trong số các điều khoản đáng chú nhất được các bên thống nhất là điều khoản liên quan đến điều kiện ứng cử tổng thống, ngoại trừ điều khoản về tư cách quân nhân ứng cử.
Các bên đối địch ở Libya nối lại đàm phán tại Cairo
Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, ngày 12/6, các quan chức Libya đã trở lại thủ đô Cairo của Ai Cập để tham gia vòng đàm phán thứ 3 về sửa đổi hiến pháp để tổ chức các cuộc bầu cử quốc gia, trong bối cảnh quốc gia Bắc Phi này một lần nữa rơi vào bế tắc chính trị với hai chính quyền đối địch cùng tồn tại song song.
Binh sĩ được triển khai tại thủ đô Tripoli của Libya ngày 17/5/2022. Ảnh: THX/ TTXVN
Vòng đàm phán thứ 3 ở Cairo diễn ra sau các cuộc giao tranh dữ dội tại thủ đô Tripoli giữa các lực lượng dân quân đối địch ở Libya.
Các thành viên của Quốc hội Libya và Hội đồng Cấp cao Nhà nước Libya đã bắt đầu tiến trình đàm phán tại Cairo do Liên hợp quốc (LHQ) làm trung gian, trong bối cảnh cộng đồng quốc tế đang gây sức ép buộc hai cơ quan này gạt sang một bên những tranh chấp và thống nhất về cơ sở hiến pháp cho các cuộc bầu cử quốc gia.
Cố vấn đặc biệt của Tổng thống ký LHQ về Libya, bà Stephanie Williams cho biết các cuộc đàm phán tại Cairo sẽ tiếp tục diễn ra cho đến ngày 19/6, với mục đích thiết lập một khuôn khổ hiến pháp cần thiết để Libya tổ chức các cuộc bầu cử quốc gia càng sớm càng tốt. Trong hai vòng đàm phán trước đó, các bên của Libya đã đạt được thống nhất sơ bộ về 137 điều trong dự thảo hiến pháp, bao gồm các điều về các quyền và tự do. Theo bà Williams, họ sẽ tiếp tục thảo luận về một số điều khoản gây tranh chấp liên quan đến quyền lập pháp và tư pháp.
Tranh cãi về cơ sở hiến pháp cho các cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội là một trong những thách thức chủ chốt khiến các cuộc bầu cử quốc gia đã được lên kế hoạch vào tháng 12/2021 bị đình hoãn. Sự thất bại của kế hoạch tổ chức bầu cử là một đòn giáng mạnh vào các nỗ lực của cộng đồng quốc tế nhằm chấm dứt một thập kỷ hỗn loạn ở Libya. Quốc gia Bắc Phi một lần nữa rơi vào bế tắc chính trị phức tạp, với hai chính quyền đối địch đều tuyên bố họ là chính quyền hợp pháp.
Ngày 10/6, các cuộc giao tranh đã nổ ra ở thủ đô Tripoli giữa các lực lượng dân quân đối địch, khiến dân chúng ở Tripoli lo sợ. Bà Williams đã lên án các cuộc đụng độ, nói rằng những người liên quan phải có trách nhiệm giải trình. Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại Libya Richard Norland dọa sẽ trừng phạt những người chịu trách nhiệm về các cuộc giao tranh. Còn Tổng thư ký Liên đoàn Arab (AL) Ahmed Aboul Gheit bày tỏ quan ngại về các cuộc đụng độ diễn ra ở Tripoli trong các ngày 10-11/6. Ông Aboul Gheit kêu gọi tất cả các bên tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn, trong đó có việc rút tất cả lính đánh thuê và binh sĩ nước ngoài ra khỏi lãnh thổ Libya. Tổng thư ký AL cũng kêu gọi Libya tổ chức các cuộc bầu cử quốc gia càng sớm càng tốt.
Tổng thống Ai Cập đánh giá cao mối quan hệ hữu nghị lịch sử với Nga Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi ngày 17/6 nói rằng quan hệ kinh tế giữa Ai Cập và Nga đã ghi nhận bước phát triển rất khởi sắc trong hai năm qua, đồng thời khẳng định Cairo đánh giá cao mối quan hệ hữu nghị lịch sử với Moskva. Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi. Ảnh...