AI CẬP: Tại sao làn sóng chống đối vẫn tiếp diễn?
Quảng trường Tahrir lại chứng kiến một quang cảnh quen thuộc: những người Ai Cập chống đối xung đột với những lực lượng an ninh, trong khi những người khác ca hát những bài ngợi ca tự do. Nhưng bây giờ sự thay đổi chế độ mà những người chống đối kêu gọi không còn là ông Hosni Mubarak nữa nhưng là Hội đồng tối cao các lực lượng vũ trang ( SCAF), nhà nước kế tiếp cầm quyền trong nước, sau khi ông Mubarak đã ra đi.
Ảnh của Time
Những trận xung đột trên đường phố bắt đầu từ ngày 18-11 dẫn đến 33 người chết, 1.700 người bị thương trong vòng bốn ngày trên khắp đất nước. Nhiều người nói rằng cuộc cách mạng vẫn không có kết quả và chưa hoàn tất. Ông Samir, nhà khảo cổ học tham gia phe chống đối, cho biết: “SCAF đang đi theo vết xe đổ của ông Mubarak. Đây là sự nối tiếp của cuộc cách mạng đầu tiên, bởi vì cuộc cách mạng đầu tiên đã bị thất bại”.
Những người chống đối ở Cairo đang gợi lại những từ đã trở thành biểu tượng cho cuộc nổi dậy hồi tháng giêng và tháng hai mà những cuộc cách mạng khác ở Ả Rập vẫn sử dụng: “Người dân muốn lật đổ chế độ”. Và trong một số trường hợp, họ đã thêm vào một vài từ nữa là “và ông thống chế”. Đó là khuôn mặt nổi bật nhất của chế độ mới – Thống chế Mohamed Hussein Tantawi, 76 tuổi, người đã cầm đầu Hội đồng quân đội từ khi lật đổ ông Mubarak, thời đó ông còn là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Đồng thời với việc hứa hẹn đem lại một chế độ dân chủ, SCAF cũng duy trì một chế độ độc đoán. Ngày 22-11, SCAF chấp nhận giải thể nội các lâm thời nhằm để xoa dịu những người chống đối. Thủ tướng lâm thời Essam Sharaf nằm trong số những mục tiêu lớn nhất của phe chống đối trong những tháng gần đây. Những tướng lĩnh đã đi đến một nhượng bộ: họ sẽ chuyển giao quyền lực cho một chính quyền dân sự không trễ hơn thời gian giữa năm 2012, nhưng họ vẫn gặp phải sự hoài nghi từ những người chống đối. Người ta so sánh nó với những bước đi nửa vời của ông Mubarak trên quá trình thoái vị.
Tuy vậy, một số người Ai Cập, bao gồm những quan chức dân sự của nhà nước, đã cảnh báo rằng những cuộc chống đối đi xa hơn có thể làm hủy hoại quá trình chuyển đổi sang chế độ dân chủ. Một số đảng chính trị đã thúc đẩy những chiến dịch hoạt động nhằm kiềm chế và lên án đường lối của quân đội. Người ta nhận ra rằng nhà nước dân chủ thích hợp hơn nhà nước quân sự. Nhưng liệu những cuộc bầu cử có thể thực sự đem lại những đổi mới hay không? Nếu không, có thể người dân Ai Cập lại phải thực hiện một cuộc cách mạng khác không? Ông Mamdouh nói: “Tôi hy vọng mọi việc sẽ lắng dịu xuống, bởi vì nếu cứ mãi như thế này, tình trạng chỉ tệ hại hơn mà thôi”.
Theo CATP
SCAF kêu gọi chấm dứt bạo lực chống người biểu tình
Hội đồng Tối cao các Lực lượng vũ trang (SCAF) đang cầm quyền tại Ai Cập ngày 24/11 đã kêu gọi chấm dứt các hành vi bạo lực nhằm vào những người biểu tình tại nước này.
Đụng độ giữa quân đội và người biểu tình ở quảng trường Tahrir. (Nguồn: AP)
Phát biểu trước báo giới, Thiếu tướng Mukhtar Almoullah, thành viên SCAF, cho rằng "quan trọng nhất là chấm dứt các hành vi bạo lực nhằm vào người biểu tình."
Tướng Almoullah khẳng định "vũ khí của Ai Cập không bao giờ được chĩa vào người Ai Cập", đồng thời nhấn mạnh quân đội nước này chưa từng sử dụng đạn cao su để trấn áp người biểu tình.
Tướng Almoullah cũng cho biết quyền lợi của đất nước ở trên bất kỳ quyền lợi nào của quân đội, đồng thời kêu gọi phóng thích ngay những người biểu tình bị bắt giữ trong các cuộc đụng độ bùng phát mạnh từ ngày 19/11 vừa qua. Tướng Almoullah cũng cam kết cuộc bầu cử quốc hội sẽ được tiến hành đúng kế hoạch từ ngày 28/11.
Trước đó, SCAF đã bày tỏ lấy làm tiếc và đưa ra những lời xin lỗi vì gây ra cái chết cho những người trung thành với đất nước trong những sự kiện vừa qua ở quảng trường Tahrir.
Chủ tịch SCAF Hussein Tantawi ngày 23/11 cũng khẳng định trên truyền hình rằng "quân đội không có ý định duy trì quyền lực" mà sẵn sàng chuyển giao ngay lập tức nếu người dân muốn điều đó thông qua một cuộc trưng cầu ý dân. Ngoài ra, SCAF cũng đã chấp nhận quyết định từ chức của nội các của Thủ tướng Essam Sharaf và cho biết cuộc bầu cử tổng thống sẽ diễn ra trước cuối tháng 6/2012.
Tuy nhiên, bất chấp các cam kết của SCAF, trong ngày 23/11, biểu tình và bạo lực vẫn tái diễn tại nhiều địa phương ở Ai Cập.
Trong sáng 24/11, hàng trăm người biểu tình vẫn tập trung tại quảng trường Tahrir, nơi đã xảy ra các vụ đụng độ trong vài ngày qua làm hơn 30 người thiệt mạng và gần 2.000 người bị thương./.
Theo TTXVN