Ai Cập lo ngại về sự mở rộng của cuộc xung đột ra khu vực
Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, ngày 31/3, Ngoại trưởng Ai Cập Sameh Shoukry và người đồng cấp Iran Hossein Amir Abdollahian đã thảo luận về những diễn biến mới nhất ở Dải Gaza, nhấn mạnh sự cần thiết của việc Israel phải cam kết thực hiện lệnh ngừng bắn ở Gaza theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ).
Một tòa nhà bị phá hủy sau cuộc không kích của Israel xuống Dải Gaza ngày 29/3/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Theo tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ai Cập, trong cuộc điện đàm, ông Shoukry và ông Abdollahian đã nhất trí về “ưu tiên cao nhất là ngừng bắn và chấm dứt xung đột đang diễn ra ở Dải Gaza”. Cả hai Ngoại trưởng đều lên tiếng bác bỏ việc cưỡng bức di dời người Palestine ra khỏi Dải Gaza và phản đối bất kỳ cuộc tấn công trên bộ nào nhằm vào thành phố Rafah của Palestine.
Hai bên cũng kêu gọi đảm bảo khả năng tiếp cận đầy đủ và bền vững để viện trợ nhân đạo cho vùng lãnh thổ của Palestine được diễn ra suôn sẻ, đồng thời hối thúc Israel dỡ bỏ những rào cản vốn gây khó khăn cho việc cung cấp viện trợ nhân đạo cho người dân ở Gaza và tuân thủ các nghị quyết liên quan của HĐBA LHQ.
Ngoại trưởng Shoukry bày tỏ quan ngại sâu sắc của Ai Cập về sự mở rộng của cuộc xung đột ra khu vực, đặc biệt là ở phía Nam Biển Đỏ. Ông Shoukry cho biết việc mở rộng leo thang trên tuyến hàng hải quốc tế quan trọng này có ảnh hưởng nghiêm trọng đến dòng chảy thương mại toàn cầu. Người đứng đầu ngành ngoại giao Ai Cập cho rằng việc mở rộng xung đột ảnh hưởng tiêu cực đến các nỗ lực khu vực và quốc tế nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng giữa Israel và Palestine.
Video đang HOT
Ngoài ra, trong cuộc điện đàm, ông Shoukry và ông Abdollahian đã đồng ý duy trì các cuộc tham vấn để bình thường hóa quan hệ song phương, nhấn mạnh các nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau và tình láng giềng tốt đẹp.
Hai Ngoại trưởng bày tỏ quyết tâm thúc đẩy lợi ích của nhân dân Ai Cập và Iran cũng như sự ổn định trong khu vực.
Trong khi đó, cũng liên quan đến tình hình ở Gaza, Lực lượng Không quân Ai Cập (EAF) ngày 31/3 thông báo tiếp tục tiến hành thả hàng tấn hàng viện trợ nhân đạo, bao gồm thực phẩm và hàng cứu trợ, xuống các khu vực khó tiếp cận ở phía Bắc của Dải Gaza. Theo thông báo, hoạt động này được thực hiện liên tục trong nhiều ngày qua với sự cộng tác cùng với Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Bên cạnh đó, Ai Cập cũng đã tiến hành các đợt thả hàng viện trợ, với sự phối hợp của Jordan và các đối tác quốc tế khác, để cung cấp viện trợ cho Dải Gaza. Các đợt thả hàng viện trợ này được triển khai giữa lúc tình hình nhân đạo ngày càng xấu đi ở Gaza, trong bối cảnh cuộc xung đột giữa Israel và Hamas đã bước sang tháng thứ 6.
Mỹ cảnh báo Israel sẽ phạm sai lầm lớn nếu tấn công Rafah
Ngày 21/3, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nêu rõ bất kỳ hoạt động quân sự nào của Israel ở thành phố Rafah, phía Nam Dải Gaza, sẽ chỉ làm tình hình nhân đạo trở nên tồi tệ hơn, đồng thời khẳng định Mỹ phản đối mọi hành động cưỡng bức di dời người Palestine ở Gaza hoặc tái chiếm đóng dải đất này.
Tòa nhà bị phá hủy sau vụ không kích của Israel xuống thành phố Rafah, Dải Gaza ngày 3/3/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, phát biểu tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Ai Cập Sameh Shoukry sau cuộc gặp với các quan chức Arab ở Cairo, Ngoại trưởng Blinken cho biết 100% dân số ở Gaza đang đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực ở mức độ nghiêm trọng. Ông nhấn mạnh trẻ em tử vong do suy dinh dưỡng là điều không thể chấp nhận được. Do vậy, cộng đồng quốc tế không thể và không cho phép điều đó tiếp tục xảy ra.
Ông Blinken cũng nhấn mạnh bất kỳ hoạt động quân sự nào của Israel ở thành phố Rafah sẽ càng làm trầm trọng thêm tình hình nhân đạo vì 1,5 triệu người Palestine đang lánh nạn ở thành phố biên giới này, đồng thời tuyên bố Mỹ phản đối mọi hành động cưỡng bức di dời người Palestine ở Gaza hoặc tái chiếm đóng dải đất này.
Người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cảnh báo rằng Israel sẽ phạm phải sai lầm lớn nếu tấn công thành phố Rafah. Ông cho rằng thỏa thuận ngừng bắn mà Mỹ đang thúc đẩy sẽ là cách tốt nhất để cung cấp viện trợ nhân đạo cho Gaza bằng cả đường bộ, đường biển và đường không. Mỹ đã làm việc với Ai Cập, Qatar và Israel để đưa ra một đề xuất mạnh mẽ liên quan đến tình hình ở Dải Gaza.
Ông Blinken nói thêm rằng Phong trào Hamas đã đáp lại đề xuất ngừng bắn của Mỹ, đồng thời nhấn mạnh các cuộc đàm phán ở Doha (Qatar) đang tiến tới một thỏa thuận. Bên cạnh đó, Ngoại trưởng Mỹ khẳng định khoảng cách đang được thu hẹp trong các cuộc đàm phán và cho biết Mỹ đã trình lên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) một dự thảo nghị quyết để thúc đẩy các nỗ lực này. Mỹ mong muốn nhận được sự ủng hộ của tất cả các quốc gia thành viên HĐBA đối với dự thảo nghị quyết.
Về phần mình, Ngoại trưởng Ai Cập Shoukry cho biết ông và các quan chức Arab đã nhấn mạnh với Ngoại trưởng Mỹ về hậu quả nghiêm trọng của việc Israel tiến hành cuộc tấn công trên bộ vào Rafah. Ông Shoukry lưu ý Tổng thống Mỹ Joe Biden và Ngoại trưởng Blinken đã phản đối kế hoạch của Israel tấn công thành phố Rafah. Ông Shoukry cho hay ông đã thảo luận với người đồng cấp Mỹ về sự cần thiết phải đạt được lệnh ngừng bắn ở Gaza, trả tự do cho các con tin và tù nhân cũng như tăng cường đưa viện trợ nhân đạo vào dải đất này.
Ngoại trưởng Shoukry kêu gọi thực hiện giải pháp hai nhà nước và thành lập một nhà nước Palestine độc lập dựa trên đường biên giới năm 1967.
* Trong diễn biến cùng ngày, Văn phòng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tuyên bố nước này chuẩn bị cử một phái đoàn khởi hành tới Qatar vào ngày 22/3 để đàm phán về thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza cũng như thúc đẩy các nỗ lực trao trả con tin. Phái đoàn do người đứng đầu cơ quan tình báo Mossad của Israel, ông David Barnea dẫn đầu.
Phái đoàn này sẽ tiến hành các cuộc đàm phán với người đứng đầu Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) Mỹ William Burns, Thủ tướng Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani và Bộ trưởng Tình báo Ai Cập Abbas Kamel.
* Cũng trong ngày 21/3, theo phóng viên TTXVN tại Brussels (Bỉ), các nhà lãnh đạo 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã ra tuyên bố chung, kêu gọi "tạm dừng giao tranh ngay lập tức vì mục đích nhân đạo" ở Gaza.
Tuyên bố chung cũng nhắc lại lời kêu gọi thả tất cả các con tin, đồng thời hối thúc Chính phủ Israel không tiến hành chiến dịch quân sự ở Rafah. EU nhấn mạnh nguy cơ về một nạn đói, do đó kêu gọi mở các tuyến đường bộ để viện trợ nhân đạo, bên cạnh các đợt thả hàng viện trợ bằng đường không và hành lang hàng hải từ Cyprus. Các nhà lãnh đạo đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục do Cơ quan cứu trợ người tị nạn Palestine của LHQ (UNRWA) tại Trung Đông cung cấp.
Xung đột Hamas - Israel: Đàm phán ngừng bắn ở Gaza đạt 'tiến triển đáng kể' Ngày 4/3, đài truyền hình Al-Qahera News đưa tin các nhà hòa giải và phái đoàn của phong trào Hồi giáo Hamas đã đạt được "tiến triển đáng kể" hướng tới thỏa thuận ngừng bắn ở Dải Gaza, khi cuộc đàm phán ở thủ đô Cairo (Ai Cập) bước sang ngày thứ hai. Một tòa nhà bị phá hủy sau cuộc không kích...