Ai Cập kêu gọi cộng đồng quốc tế ngăn chặn leo thang ở Trung Đông
Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Hà Lan Dick Schoof ngày 28/10, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi đã kêu gọi tăng cường các nỗ lực của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các cường quốc châu Âu chủ chốt, để ngăn chặn tình trạng leo thang hiện nay ở Trung Đông.
Khói bốc lên sau các cuộc không kích của Israel xuống Kfar Remen, Liban ngày 25/10/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, trong cuộc điện đàm, Tổng thống El-Sisi và Thủ tướng Schoof đã thảo luận về những diễn biến mới nhất ở Trung Đông, đồng thời nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng của tình trạng leo thang gần đây trong khu vực.
Tổng thống El-Sisi đã điểm lại những nỗ lực của Ai Cập trong quá trình thúc đẩy các bên giảm leo thang để đạt được lệnh ngừng bắn tại các vùng lãnh thổ của Palestine và Liban. Ông nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường các nỗ lực của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các cường quốc châu Âu, nhằm ngăn chặn tình trạng leo thang ở Trung Đông.
Nhà lãng đạo Ai Cập cũng nêu bật tầm quan trọng của các cường quốc này trong tiến trình theo đuổi giải pháp hai nhà nước và thành lập Nhà nước Palestine độc lập theo các nghị quyết quốc tế hợp pháp.
Tuyên bố của Phủ Tổng thống Ai Cập khẳng định giải pháp hai nhà nước và việc thành lập Nhà nước Palestine độc lập nhằm mục đích khôi phục sự ổn định trong khu vực và đạt được nền an ninh bền vững cho tất cả các quốc gia ở Trung Đông.
Video đang HOT
Cùng ngày, trong cuộc gặp Chủ tịch đảng Nhân dân châu Âu (EPP) Manfred Weber ở Cairo, Tổng thống El-Sisi đã nhấn mạnh sự cần thiết phải có những nỗ lực phối hợp từ tất cả các bên quốc tế, trong đó có Liên minh châu Âu (EU), nhằm thúc đẩy giảm leo thang và đảm bảo lệnh ngừng bắn ngay lập tức ở Dải Gaza và Liban.
Ông El-Sisi cũng nhấn mạnh tính cấp bách của nhiệm vụ ngăn chặn các hành động gây hấn ở Bờ Tây và đảm bảo quyền tiếp cận ngay lập tức, đầy đủ và không bị cản trở đối với viện trợ nhân đạo cho dải đất ven Địa Trung Hải của Palestine. Nhà lãnh đạo Ai Cập khẳng định giải pháp hai nhà nước và việc thành lập Nhà nước Palestine độc lập là điều cần thiết để đạt được hòa bình và ổn định ở Trung Đông.
Về phần mình, Chủ tịch EPP, nhóm chính trị lớn nhất trong Nghị viện châu Âu, đánh giá cao vai trò then chốt của Ai Cập trong quá trình thúc đẩy sự ổn định khu vực cũng như những nỗ lực không ngừng nghỉ của Cairo nhằm giải quyết các cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Trung Đông.
Trước đó, ngày 27/10, Tổng thống El-Sisi đã công bố sáng kiến mới của Ai Cập về lệnh ngừng bắn kéo dài 2 ngày ở Dải Gaza nhằm tạo điều kiện cho việc trao đổi 4 con tin Israel lấy một số tù nhân Palestine bị giam giữ trong các nhà tù của Tel Aviv.
Xây 'Kim tự tháp' bằng niềm tin
Ngày 2/4, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi nhậm chức nhiệm kỳ ba, tiếp tục nắm quyền điều hành đất nước có vai trò địa chính trị quan trọng ở Trung Đông-Bắc Phi đến giữa năm 2030.
Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi phát biểu trong cuộc họp báo ở Cairo ngày 25/10/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Tuy nhiên, những thách thức lớn đang chờ Tổng thống El-Sisi, bởi nền kinh tế Ai Cập vẫn đối mặt với khó khăn do thiếu hụt ngoại tệ nghiêm trọng và lạm phát leo thang, khu vực Bắc Phi-Trung Đông tiếp tục chứng kiến một loạt bất ổn địa chính trị, đặc biệt là cuộc xung đột tại Dải Gaza và căng thẳng ngày càng leo thang tại Biển Đỏ.
Có thể khẳng định uy tín cũng như những thành tựu đạt được trên các lĩnh vực chính trị, an ninh, đối ngoại và kinh tế-xã hội trong hai nhiệm kỳ từ năm 2014 đã giúp ông El-Sisi giành được niềm tin của cử tri để tiếp tục lãnh đạo Ai Cập thêm ít nhất 6 năm nữa. Tình hình an ninh và chính trị nội bộ của Ai Cập cơ bản được giữ vững, đời sống xã hội ngày càng được cải thiện, Ai Cập tiếp tục khẳng định ảnh hưởng, vị thế và vai trò trụ cột then chốt đối với an ninh và hòa bình khu vực. Đó là những thuận lợi lớn để nhà lãnh đạo Ai Cập vững tin bước vào nhiệm kỳ 3.
Tuy nhiên, khi đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột Nga-Ukraine vẫn để lại những hậu quả chưa thể khắc phục đối với nền kinh tế Ai Cập, đất nước "Kim tự tháp" lại hứng chịu tác động nặng nề do khủng hoảng tại Dải Gaza và bất ổn ở Biển Đỏ. Đơn cử, các vụ tấn công do lực lượng Houthi thực hiện nhằm vào tàu thuyền đi qua Biển Đỏ, eo biển Bab Al-Mandeb và Vịnh Arab đã ảnh hưởng đến Kênh đào Suez của Ai Cập. Từng ghi nhận mức doanh thu kỷ lục 9,4 tỷ USD trong tài khóa 2022-2023, doanh thu của Kênh đào Suez trong 3 tháng đầu năm nay đã giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Là nước phụ thuộc nhiều vào hàng hóa tiêu dùng và nguyên vật liệu nhập khẩu, thâm hụt thương mại của Ai Cập luôn ở mức cao. Năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu của Ai Cập chỉ đạt hơn 42 tỷ USD, trong khi nhập khẩu ghi nhận con số 83,2 tỷ USD. Nợ nước ngoài hiện đã ở mức gần 170 tỷ USD, năm nay Ai Cập sẽ phải thanh toán 32 tỷ USD nợ đến hạn. Do thiếu ngoại tệ, nhiều tỷ USD hàng hóa nhập khẩu hiện vẫn mắc kẹt tại các cảng. Tình trạng khan hiếm ngoại tệ cũng khiến nhiều ngành sản xuất thiếu nguyên vật liệu đầu vào. Giá cả hàng hóa ở thị trường trong nước tăng mạnh khiến đời sống của người dân càng thêm khó khăn. Tỷ lệ lạm phát vẫn chưa có dấu hiệu đi xuống khi ghi nhận lần lượt 29,8% và 35,7% trong tháng 1 và tháng 2/2024.
Việc đáp ứng những điều kiện của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để nhận được các khoản vay, như phá giá đồng nội tệ, tăng giá điện, giá nhiên liệu và cắt giảm các chương trình trợ cấp xã hội,... càng làm cho đời sống của người dân thêm khó khăn, nhất là tầng lớp người nghèo. Trong khi đó, chính sách thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Ai Cập cũng gây khó cho các doanh nghiệp khi họ phải chịu mức lãi suất 22,25%/năm.
Bên cạnh đó là những thách thức an ninh do ảnh hưởng từ các cuộc xung đột trong khu vực. Cuộc xung đột Gaza có thể dẫn đến làn sóng người tị nạn hết sức phức tạp, giữa lúc Ai Cập đã tiếp nhận hơn 9 triệu người tị nạn và di cư từ nhiều quốc gia khác nhau. Hơn nữa, một số nhóm khủng bố, nhất là tổ chức Anh em Hồi giáo, Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xựng, Al-Qaeda... có thể lợi dụng khoảng trống an ninh do các cuộc xung đột ở Sudan và Gaza tạo ra để tấn công các mục tiêu ở Ai Cập, đe dọa nghiêm trọng an ninh quốc gia của đất nước Kim tự tháp. Ai Cập cũng đang đối mặt với các thách thức an ninh phi truyền thống khác như làn sóng người di cư, tốc độ tăng dân quá nhanh và vấn đề an ninh nguồn nước do chưa thể giải quyết được những bất đồng sâu sắc với Ethiopia liên quan đến Đập thủy điện Đại phục hưng.
Để đưa đất nước thoát khỏi tình trạng khó khăn cũng như ứng phó với mọi thách thức an ninh khu vực, trong nhiệm kỳ 6 năm tới, Tổng thống El-Sisi sẽ phải thực hiện các cải cách cơ cấu cũng như triển khai các chính sách và giải pháp kịp thời để tiếp sức cho nền kinh tế, giải quyết tình trạng thiếu hụt ngoại tệ và lạm phát leo thang. Trong các chiến lược của mình, bên cạnh việc hoàn thành Tầm nhìn phát triển năm 2030 và đưa về đích Sáng kiến "Cuộc sống Sung túc" nhằm thúc đẩy phát triển khu vực nông thôn, ông El-Sisi cần chú trọng phát triển ngành công nghiệp, thúc đẩy hoạt động sản xuất trong nước, đẩy mạnh xuất khẩu, thực hiện các kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, hỗ trợ khu vực tư nhân, phát triển các ngành năng lượng, tăng gấp đôi diện tích đất nông nghiệp nhằm đảm bảo an ninh lương thực, thực hiện các chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư nước ngoài, cũng như đảm bảo an sinh xã hội và tạo việc làm.
Đặc biệt, Ai Cập cần tiếp tục tăng cường năng lực quốc phòng và hiện đại hóa quân đội, đẩy mạnh cuộc chiến chống khủng bố nhằm giữ vững an ninh quốc gia, trong bối cảnh khu vực Trung Đông-Bắc Phi vẫn đang chìm trong bất ổn.
Về ngoại giao, Ai Cập chắc chắn vẫn kiên định chính sách đối ngoại chủ động, linh hoạt, đa dạng hóa, đa phương hóa các mối quan hệ nhằm đảm bảo các lợi ích chiến lược về kinh tế và an ninh, tiếp tục khẳng định ảnh hưởng và vị thế tại châu Phi-Trung Đông cũng như vai trò là trụ cột an ninh trong khu vực.
Tuy nhiên, những diễn biến ở Gaza, khu vực Biển Đỏ và các cuộc xung đột khác tại Trung Đông sẽ thúc đẩy chính quyền của Tổng thống El-Sisi định hình lại một số chính sách khu vực và xác định lại quan hệ với các quốc gia Trung Đông khác.
Tình hình Trung Đông có thể trở nên nguy hiểm hơn khi Israel quyết tâm tiến hành cuộc tấn công trên bộ vào thành phố Rafah ở phía Nam Gaza và đòi thực hiện quyền kiểm soát an ninh đối với Hành lang Philadelphia, khu vực biên giới dài 14km và rộng 100m giữa Ai Cập và Dải Gaza. Ai Cập đã tính toán tất cả các phương án phản ứng, bao gồm cả việc đình chỉ Hiệp ước hòa bình năm 1979 hoặc hạ cấp quan hệ ngoại giao với Israel. Mặc dù vậy, với vai trò là nhà hòa giải chủ chốt trong cuộc xung đột Gaza, Ai Cập sẽ cân nhắc lựa chọn giải pháp để duy trì hòa bình và ổn định khu vực.
Từ xa xưa, các Kim tự tháp vẫn được xem như biểu tượng cho sức mạnh và sự thịnh vượng của nền văn minh Ai Cập cổ đại, cũng được gắn với niềm tin vào sự tái sinh. Nếu nói rằng chính niềm tin của cử tri đã tạo nền tảng để Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi tiếp tục nắm quyền nhiệm kỳ thứ ba, thì giờ là lúc nhà lãnh đạo kỳ cựu thực hiện cam kết tiếp tục gây dựng "Kim tự tháp" Ai Cập hùng mạnh và thịnh vượng, khẳng định vị thế một cường quốc quan trọng, có ảnh hưởng đáng kể trong khu vực.
Nhiệm kỳ mới, gánh nặng mới Không ngoài dự đoán, với uy tín và thành tựu đạt được trong 2 nhiệm kỳ vừa qua, đương kim Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi đã tái đắc cử nhiệm kỳ thứ ba khi giành được số phiếu áp đảo 89,6% trong cuộc bầu cử diễn ra từ ngày 10-12/12. Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah al-Sisi tại một cuộc họp ở...