Ai Cập huy động được 10 tỷ USD để phát triển năng lượng tái tạo
Bộ trưởng Hợp tác quốc tế Ai Cập Rania al-Mashat vừa thông báo Ai Cập – nước chủ nhà Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) đã huy động được các khoản hỗ trợ trị giá 10 tỷ USD trong các cuộc đàm phán về khí hậu, đồng thời mong muốn chia sẻ kinh nghiệm về mô hình tài chính này với các nước đang phát triển khác.
Môt cơ sở lọc dâu tại Ai Câp. Ảnh tư liệu, minh họa: Reuters
Tài chính là một trong những vấn đề gây nhiều bất đồng nhất tại các cuộc đàm phán về khí hậu, khi các nước nghèo hơn muốn các nước giàu (cũng là những nước thải ra nhiều khí thải gây hiệu ứng nhà kính) gánh vác phần lớn chi phí để ứng phó với tình trạng Trái Đất ấm lên. Trong năm tới, Ai Cập sẽ tiếp tục giữ vai trò Chủ tịch COP cho đến khi COP28 diễn ra tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và nước này sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm có được để nhân rộng mô hình tài chính này sang những nước khác.
Khoản tiền trên gồm hỗ trợ tiền mặt, các khoản vay và 100 triệu euro (103,82 triệu USD) từ hoán đổi nợ thành cổ phần với Đức, tập trung vào các dự án phát triển trong loạt lĩnh vực năng lượng, an ninh lương thực, nước, vận tải và môi trường. Trả lời phỏng vấn bên lề COP27, Bộ trưởng al-Mashat nhấn mạnh Ai Cập muốn thể hiện cách thức một quốc quốc gia có thể huy động và hiện thực hóa cam kết thành các dự án khả thi. Ai Cập có 9 dự án trong khuôn khổ Chương trình Nước, thực phẩm và năng lượng (NWFE), nền tảng E-PACT tập trung vào lĩnh vực vận tải và môi trường. Theo bà, nhiều quốc gia đã thảo luận với các ngân hàng phát triển đa phương về các hành động tương tự như NWFE. Chương trình này bao gồm các dự án cải thiện tưới tiêu, sản lượng cho nông dân, phát triển công nghệ khử muối để bổ sung cho nguồn nước vốn khan hiếm. Phần lớn khoản ngân sách trên sẽ được sử dụng cho năng lượng tái tạo, bao gồm việc chấm dứt hoạt động của nhà máy điện khí lỗi thời có tổng công suất 5GW và tăng công suất năng lượng tái tạo thêm 10GW, trong đó chủ yếu là năng lượng gió.
Tuần này, Mỹ, Đức và Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu (EBRD) đã cam kết hỗ trợ hơn 500 triệu USD cho dự án năng lượng của Ai Cập. Số tiền này sẽ được dùng để đầu tư vào mạng lưới truyền tải điện và hỗ trợ các lao động bị ảnh hưởng của việc chấm dứt hoạt động các trạm điện, mở đường cho đầu tư tư nhân vào năng lượng tái tạo. Theo Tổng thống Mỹ Joe Biden, khoản đầu tư này sẽ giúp Ai Cập giảm 10% lượng khí nhà kính và sớm đạt mục tiêu về nâng sản lượng điện được sản xuất từ các nguồn tái tạo trong 5 năm tới.
Ai Cập là nơi chỉ sản sinh ra 0,6% tổng lượng khí thải CO2 toàn cầu, nhưng quốc gia đông dân nhất trong thế giới Arab này lại là một trong những nước dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu, đặc biệt khi nước biển dâng đang đe dọa vùng đồng bằng sông Nile của Ai Cập. Đầu tháng 10 vừa qua, Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG) đã thông qua thỏa thuận hỗ trợ phát triển trị giá 400 triệu USD để giúp Ai Cập triển khai kế hoạch khử carbon trong lĩnh vực hạ từng giao thông vận tải bằng cách phát triển hành lang đường sắt Alexandria – Thành phố 6 tháng 10 – Vùng Cairo mở rộng.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak xác nhận tới tham dự COP27
Ngày 2/11, Thủ tướng Anh Rishi Sunak thông báo sẽ tới tham dự Hội nghị Các bên tham gia Công ước của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 27 (COP27) tại Ai Cập vào tuần tới.
Thủ tướng Anh Rishi Sunak phát biểu tại London ngày 25/10/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Trước đó, ông Sunak cho biết sẽ không thể đến Ai Cập tham dự COP27 vì cần phải ở lại giải quyết những vấn đề cấp bách trong nước sau khi ông lên thay thế bà Liz Truss làm Thủ tướng Anh trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế và chính trị. Tuy nhiên, trong bài đăng mới nhất trên Twitter, ông Sunak nêu rõ sẽ không có thịnh vượng bền vững nếu không hành động ngăn chặn biến đổi khí hậu, không có năng lượng mà không đầu tư cho năng lượng tái tạo. Đó là lý do ông sẽ đến COP27 vào tuần tới, mang theo di sản của COP26 ở Glasgow về xây dựng một tương lai an ninh và bền vững. COP26 được tổ chức tại Scotland khi vấn đề biến đổi khí hậu và các tham vọng giúp Anh đạt được mục tiêu trung hòa khí thải carbon là một chính sách đặc trưng của chính quyền cựu Thủ tướng Boris Johnson.
Trong khi đó, Thủ tướng Israel Yair Lapid ngày 2/11 thông báo hoãn các kế hoạch tham dự COP27 trong tuần tới khi các kết quả sơ bộ của cuộc bầu cử diễn ra ngày 1/11 cho thấy đối thủ của ông Lapid có khả năng giành chiến thắng. Thông báo của Văn phòng Thủ tướng Israel nêu rõ Tổng thống Isaac Herzog sẽ đại diện Israel tới tham dự COP27.
Trước đó, ông Lapid dự kiến tới Ai Cập vào ngày 7/11 để tham dự COP27. Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh Ủy ban bầu cử Israel ngày 2/11 cho biết với khoảng 80% số phiếu được kiểm trong cuộc bầu cử Quốc hội nước này, khối các đảng cánh hữu do cựu Thủ tướng Benjamin Netanyahu dẫn đầu có khả năng giành chiến thắng. Dự kiến kết quả kiểm phiếu chính thức sẽ được thông báo trước cuối ngày 3/11 và hạn cuối để chỉ định một đại diện của các đảng đứng ra thành lập chính phủ là ngày 17/11.
COP27 được tổ chức tại khu nghỉ dưỡng Sharm el-Sheikh ven biển Đỏ của Ai Cập từ ngày 6 - 18/11, với sự tham dự của hơn 90 nhà lãnh đạo các nhà nước và chính phủ trên thế giới.
COP27: Thêm hàng chục quốc gia tham gia hiệp ước cắt giảm khí methane Ngày 17/11, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) thông báo trên 150 quốc gia và vùng lãnh thổ đã ký hiệp ước Cam kết Methane toàn cầu nhằm giảm khí methane, tăng khoảng 50 quốc gia tham gia so với thời điểm sáng kiến này được công bố tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 26 Các bên tham gia công ước...