Ai Cập cung cấp thêm 650 tấn lương thực cho người Palestine ở Dải Gaza
Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, ngày 14/11, người phát ngôn của Phủ Tổng thống Ai Cập Ahmed Fahmy cho biết Tổng thống Abdel Fattah El-Sisi đã chỉ đạo cung cấp thêm 650 tấn thực phẩm cho người dân Palestine, trong một nỗ lực nhằm thể hiện vai trò đi đầu của Ai Cập trong việc hỗ trợ Dải Gaza ở mọi cấp độ.
Bốc dỡ hàng viện trợ cho người dân Gaza tại khu vực cửa khẩu Rafah ngày 2/11/2023. Ảnh: THX/TTXVN
Quyết định được đưa ra trong cuộc gặp giữa Tổng thống El-Sisi với Thủ tướng Mostafa Madbouly và Bộ trưởng Cung ứng và Thương mại Nội địa Ali Moselhi.
Theo Tổ chức Trăng lưỡi liềm Đỏ Ai Cập, quốc gia Bắc Phi này đã chuyển gần 6.944 tấn viện trợ cho Dải Gaza kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột đến ngày 10/11, đưa Gaza lên đầu danh sách các quốc gia/vùng lãnh thổ được gửi hàng cứu trợ.
Hàng trăm xe tải viện trợ đã vào Dải Gaza qua cửa khẩu biên giới Rafah của Ai Cập, tuy nhiên theo Liên hợp quốc (LHQ), số lượng hàng viện trợ được phép vào vùng đất bị Israel bao vây này là hoàn toàn không đủ, vì cần khoảng hơn 100 xe mỗi ngày để đáp ứng các nhu cầu cơ bản của thành phố này. Một bộ phận đáng kể dân số Dải Gaza đã bị thiếu các mặt hàng thực phẩm thiết yếu như thịt, trứng và sữa, chỉ sống sót bằng một bữa ăn mỗi ngày.
Người phát ngôn của Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của LHQ, bà Alia Zaki cho biết có “mối đe dọa thực sự về tình trạng suy dinh dưỡng” và “nhiều người đang chết đói” ở Dải Gaza.
Theo giới chức Israel, khoảng 1.200 người ở miền Nam nước này, chủ yếu là dân thường, thiệt mạng trong khi khoảng 240 người bị bắt làm con tin kể từ khi xung đột giữa Israel và phong trào Hamas nổ ra ngày 7/10 vừa qua. Trong khi đó, phía Hamas thông báo hơn 11.200 người, cũng chủ yếu là dân thường, đã thiệt mạng do các vụ tấn công của Israel vào Gaza.
Xung đột Hamas - Israel: Ấn Độ, Mỹ ủng hộ 'khoảng dừng nhân đạo'
Theo phóng viên TTXVN tại New Delhi, Ấn Độ và Mỹ đã ký một tuyên bố chung bày tỏ ủng hộ "khoảng dừng nhân đạo" trong cuộc xung đột Hamas - Israel, và nhằm "ngăn xung đột lan rộng" ở Trung Đông.
Bốc dỡ hàng viện trợ tại Dải Gaza ngày 2/11/2023. Ảnh: AFP/TTXVN
Tuyên bố được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Subrahmanyam Jaishankar và Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh của Ấn Độ cùng với Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd J Austin của Mỹ tham dự Đối thoại cấp bộ trưởng Ấn-Mỹ 2 2 vào ngày 10/11 tại thủ đô New Delhi. Tuyên bố cũng kêu gọi Hamas thả những người bị bắt làm con tin. Các bộ trưởng cũng đã cam kết tiếp tục phối hợp với các đối tác trong khu vực về hỗ trợ nhân đạo nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết của người dân Palestine ở Dải Gaza. Họ bày tỏ ủng hộ thực hiện "khoảng dừng nhân đạo" vì lý do nhân đạo và cam kết tiếp tục phối hợp ngoại giao chặt chẽ, trong đó với cả các đối tác quan trọng trong khu vực, để ngăn xung đột lan rộng, duy trì sự ổn định ở Trung Đông và nỗ lực hướng tới một giải pháp chính trị và hòa bình lâu dài.
Ngoại trưởng Jaishankar đã nhắc lại quan điểm của Ấn Độ rằng nước này luôn ủng hộ giải pháp hai nhà nước và sớm nối lại đối thoại. Ông cho biết thêm Ấn Độ đã gửi khoảng 38 tấn hàng viện trợ nhân đạo để hỗ trợ Dải Gaza. Theo ông Jaishankar, Ấn Độ đã yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt luật nhân đạo quốc tế, giảm leo thang tình hình và đồng thời lên án những hành động gây thương vong cho dân thường.
Trong khi đó, ngày 10/11, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cho biết chính quyền Palestine có thể đóng một vai trò trong việc quản lý Dải Gaza, với điều kiện là có một giải pháp chính trị toàn diện, trong đó tính cả khu vực Bờ Tây bị chiếm đóng. Ông cho rằng chính quyền Palestine có thể là một phần của giải pháp chính trị toàn diện hơn với tư cách là một Nhà nước Palestine độc lập. Theo ông Abbas, Gaza là một phần không thể thiếu của Nhà nước Palestine trong tương lai và Palestine sẽ đảm nhận toàn bộ trách nhiệm trong khuôn khổ một giải pháp chính trị toàn diện, bao gồm cả Bờ Tây, Đông Jerusalem và Gaza. Ông Abbas cũng cho rằng cần phải tổ chức một hội nghị hòa bình quốc tế để vạch ra các mốc thời gian cụ thể được cộng đồng quốc tế hỗ trợ.
Về phía Israel, Thủ tướng Benjamin Netanyahu cùng ngày tuyên bố Quân đội Israel (IDF) sẽ nắm quyền kiểm soát Dải Gaza sau khi xung đột Hamas - Israel kết thúc.
Trong cuộc họp tại Tel Aviv với lãnh đạo các thị trấn gần Gaza, Thủ tướng Netanyahu cho hay Israel sẽ kiểm soát an ninh toàn bộ Dải Gaza, trong đó có cả việc phi quân sự hóa hoàn toàn vùng lãnh thổ này.
Đoàn xe cứu trợ lớn nhất đi vào Dải Gaza Đoàn cứu trợ lớn nhất kể từ ngày 7/10 gồm hơn 30 xe tải chở đầy nhu yếu phẩm vừa vượt biên giới Ai Cập đi vào Dải Gaza, giúp xoa dịu phần nào cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ với người Palestine. AP hôm nay (30/10) cho biết một đoàn xe cứu trợ gồm 33 xe tải chở theo nước sạch,...