Ai Cập cảnh báo nguy cơ xảy ra chiến tranh khu vực
Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, Ai Cập vừa lên tiếng cảnh báo nguy cơ về một mặt trận mới ở Liban sau vụ tấn công nhằm vào ngôi làng Majdal Shams ở Cao nguyên Golan do Israel kiểm soát.
Binh sĩ Israel được triển khai tại hiện trường vụ tấn công bằng rocket từ Liban vào ngôi làng ở Majdal Shams, miền bắc Israel, ngày 27/7/2024. Ảnh: THX/TTXVN
Trong một tuyên bố đưa ra ngày 28/7, Bộ Ngoại giao Ai Cập nhấn mạnh “diễn biến mới nhất nêu trên có thể đẩy Trung Đông vào một cuộc chiến tranh khu vực toàn diện”, đồng thời kêu gọi hỗ trợ và bảo vệ Liban, người dân và các thể chế của nước này khỏi thảm họa chiến tranh. Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ai Cập cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế can thiệp ngay lập tức để ngăn chặn những hậu quả thảm khốc từ tình trạng leo thang xung đột, điều mà Ai Cập cảnh báo có thể đe dọa hòa bình và an ninh toàn cầu.
Ngoài ra, Ai Cập cũng nhắc lại cảnh báo về các mối nguy hiểm của cuộc xung đột ở Gaza, đồng thời kêu gọi các bên tiến tới lệnh ngừng bắn toàn diện và ngay lập tức để chấm dứt thảm họa nhân đạo ở Gaza càng sớm càng tốt cũng như khôi phục an ninh và ổn định trong khu vực.
Video đang HOT
Căng thẳng ngày càng leo thang nguy hiểm giữa Israel và phong trào Hezbollah ở Liban kể từ khi cuộc xung đột Gaza bắt đầu nổ ra vào ngày 7/10/2023, với cuộc tấn công hôm 28/7 nhằm vào ngôi làng Majdal Shams ở Cao nguyên Golan làm phức tạp thêm tình hình. Israel đã cáo buộc Hezbollah nã rocket vào một sân bóng đá ở Cao nguyên Golan, khiến 12 trẻ em thiệt mạng.
Tel Aviv đe dọa sẽ tấn công trả đũa lực lượng Hezbollah. Tuy nhiên, Hezbollah đã phủ nhận các buộc có liên quan vụ tấn công này.
Israel bình luận về cơ hội cuối cùng để ngăn chặn cuộc chiến với Liban
Liên quan đến vụ tấn công Cao nguyên Golan hôm 27/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Israel Oren Marmorstein tuyên bố cách duy nhất để ngăn chặn cuộc chiến tiềm tàng với Liban là phong trào Hezbollah phải rút quân.
Khói bốc lên sau vụ không kích của Israel xuống Shihin, Liban ngày 13/2/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo Quân đội Israel, 12 thanh niên và trẻ em đã thiệt mạng hôm 27/7 tại Cao nguyên Golan do các cuộc pháo kích từ Liban. Israel cho biết đã xác định được khoảng 30 quả rocket bay từ Liban vào lãnh thổ Israel và cáo buộc phong trào Hezbollah gây ra vụ tấn công này.
Tuy nhiên, Hezbollah đã phủ nhận liên quan đến cuộc tấn công trên.
"Cách duy nhất mà thế giới có thể ngăn chặn cuộc chiến toàn diện có thể tàn phá cả Liban là buộc Hezbollah thực hiện Nghị quyết 1701 của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Thời điểm hiện tại chính là phút chót để thực hiện điều đó bằng biện pháp ngoại giao", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Israel tuyên bố trên mạng xã hội X.
Cuộc tấn công tại Cao nguyên Golan là sự leo thang lớn trong những tháng bất ổn ở khu vực biên giới Israel - Liban. Israel và Hezbollah đã đấu súng ở khu vực biên giới trong gần 10 tháng với mức độ ngày càng dữ dội và thậm chí trước cuộc tấn công hôm 27/7, các lãnh đạo khu vực đã cảnh báo rằng cuộc xung đột đang đạt đến đỉnh điểm.
Các vụ đấu hỏa lực trở nên thường xuyên hơn trong những tuần gần đây và cả Hezbollah lẫn Israel đều nhắm mục tiêu vào những địa điểm ngày càng sâu hơn trong lãnh thổ Liban, Israel.
Căng thẳng gia tăng khi Israel tiêu diệt hai chỉ huy cấp cao của Hezbollah là Sami Taleb Abdullah vào tháng 5 và Muhammed Neamah Naser vào tháng 6. Israel cáo buộc hai nhân vật này chỉ đạo các cuộc tấn công khủng bố trước và sau vụ việc ngày 7/10/2023. Hezbollah đã trả đũa bằng cách bắn hàng trăm tên lửa vào Israel. Tuy nhiên, căng thẳng vẫn chưa leo thang thành một cuộc xung đột toàn diện.
Trước năm 1967, Cao nguyên Golan là một phần của tỉnh Quneitra của Syria, nơi sinh sống chủ yếu của cộng đồng người Arab Druze. Tuy nhiên, 2/3 lãnh thổ chiến lược của cao nguyên này đã bị Israel chiếm giữ trong cuộc Chiến tranh Sáu ngày năm 1967 và Chiến tranh Arab - Israel lần thứ tư năm 1973. Tel Aviv đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với khu vực này vào năm 1981, nhưng Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc bác bỏ tuyên bố này, coi Cao nguyên Golan là lãnh thổ Syria bị chiếm đóng.
Cuộc sống khó khăn của người dân ở miền Bắc Israel khi chiến sự kéo dài Các cuộc tấn công qua lại giữa Israel và phong trào Hezbollah ở Liban khiến hàng chục nghìn người dân sống ở các khu vực gần biên giới phải rời bỏ nhà cửa gần 9 tháng qua. Với những người chọn ở lại, họ phải đối mặt với cuộc sống vô vàn khó khăn. Gia đình ông Moneeb có một cửa hàng kinh...