Ai bao che cho công trình và cán bộ vi phạm?
Mặc dù được kết luận có nhiều vi phạm từ hơn 1 năm qua nhưng công trình xây dựng tại số 10 Hàng Chuối thuộc phường Phạm Đình Hổ ( quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) vẫn không bị xử lý.
Nhiều cán bộ “bảo kê” công trình vi phạm và tiếp tay vu khống PV Tiền Phong trên mạng xã hội thì được xử lý kiểu “giơ cao đánh khẽ”…
Công trình căng biển bán café giải khát tại số 10 Hàng Chuối vi phạm nghiêm trọng trật tự xây dựng
Hứa một đằng, làm một nẻo!
Chiều 14/5/2019, ông Dương Tuấn Anh, Chủ tịch UBND phường Phạm Đình Hổ cho phóng viên biết: Phường đã nhận được chỉ đạo của Thành ủy Hà Nội về xử lý vụ việc. Ông Tuấn Anh thừa nhận các cơ quan đã xử lý vụ việc quá chậm. Ông cho biết: Hôm 7/5, UBND phường đã gửi quyết định tự khắc phục hậu quả đến chủ công trình. Trong 30 ngày nếu chủ công trình không tự khắc phục hậu quả, tháo dỡ phần công trình vi phạm thì phường sẽ tiến hành cưỡng chế. “Hiện nay tôi đang lập kế hoạch cưỡng chế công trình”, ông Tuấn Anh cho hay.
Ngày 8/5, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng-Cáp Sỹ Phong ký văn bản gửi báo Tiền Phong về vụ việc. Văn bản UBND quận Hai Bà Trưng viết: “Nhận thấy đây là vụ việc nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của phóng viên quý báo, UBND quận Hai Bà Trưng đã khẩn trương đôn đốc xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng đô thị tại số 10 Hàng Chuối, phường Phạm Đình Hổ, xem xét kiểm điểm trách nhiệm cán bộ đội thanh tra xây dựng có liên quan”.
Thực tế, vụ việc được xác định là “nghiêm trọng” nhưng không hiểu vì lý do gì UBND quận Hai Bà Trưng đã chỉ đạo xử lý quá chậm. Không hề có sự “khẩn trương đôn đốc xử lý” như khẳng định của công văn trên kia.
Cụ thể là cho đến 28/3/2019, hơn 1 năm xảy ra vụ việc, mặc dù Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội có chỉ đạo làm rõ và thông tin đến báo Tiền Phong, tuy nhiên báo Tiền Phong vẫn không hề nhận được thông tin về kết quả xử lý. Cho đến tận 10/5/2019,sau khi báo Tiền Phong tiếp tục gửi công văn đến các cơ quan chức năng, UBND quận mới có công văn thông tin diễn biến xử lý công trình vi phạm và cán bộ liên quan.
Mặc dù văn bản của quận, của phường cam kết xử lý khá “hùng hồn” nhưng cho đến chiều 14/5, PV ghi nhận: công trình vi phạm vốn đã hoàn thiện cả năm qua, hiện sừng sững ở số 10 Hàng Chuối, và căng biển kinh doanh nhộn nhịp.
Video đang HOT
Mức kỷ luật quá nhẹ?
Như Tiền Phong đã thông tin, vào ngày 8/2/2018 khi làm việc với phóng viên về công trình vi phạm tại số 10 Hàng Chuối, ông Vũ Minh Cường-Thanh tra Xây dựng quận Hai Bà Trưng-tổ trưởng tổ công tác đặt tại địa bàn phường Phạm Đình Hổ đã sao chụp toàn bộ tài liệu công vụ của phóng viên để cung cấp cho chủ công trình vi phạm, từ đó tung lên mạng xã hội với mục đích vu khống, bôi nhọ nhà báo.
Ông Vũ Minh Cường cũng là thanh tra xây dựng phụ trách địa bàn nơi có công trình vi phạm. UBND quận Hai Bà Trưng thông báo: ông Vũ Minh Cường bị kỷ luật với hình thức cảnh cáo, không nêu việc xử lý các cán bộ liên quan khác ra sao. Tuy nhiên, theo nguồn tin của Tiền Phong, mức kỷ luật chủ yếu là kiểm điểm rút kinh nghiệm.
Cụ thể, đối với đội thanh tra xây dựng quận Hai Bà Trưng: Tổ chức họp, rút kinh nghiệm trong chấp hành kỷ cương hành chính, quy tắc ứng xử và công tác quản lý trật tự xây dựng trong toàn đội. Kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc với các cá nhân: Nguyễn Vinh Quang-đội trưởng; Phùng Quang Trung-đội phó; Nguyễn Như Quỳnh, cán bộ quản lý địa bàn phường Phạm Đình Hổ; Trần Văn Hiệp-tổ viên tổ công tác đội TTXD quận Hai Bà Trưng đặt tại địa bàn phường Phạm Đình Hổ.
Ngoài ra, liên quan những khuyết điểm, tồn tại của chi bộ và đơn vị, ông Nguyễn Vinh Quang, Bí thư Chi bộ, đội trưởng đội Thanh tra xây dựng quận Hai Bà Trưng bị xử lý kỷ luật Đảng hình thức khiển trách; bị xử lý kỷ luật trách nhiệm cán bộ, công chức hình thức khiển trách…
Vấn đề đặt ra:Công trình xây dựng vi phạm tại số 10 Hàng Chuối nhiều lần được từ phường, quận đến thành phố “hợp lý hóa” thời gian dài, vẫn tồn tại thách thức dư luận thì việc xử lý cán bộ như trên liệu có quá nhẹ so với hậu quả xảy ra? Việc cố tình chậm thông tin đến Tiền Phong theo yêu cầu của UBND thành phố về quá trình xử lý phải chăng nhằm bao che cho cán bộ và công trình vi phạm?
Như Tiền Phong đã thông tin, ngày 8/2/2018, nhóm PV Tiền Phong đến làm việc tại UBND phường Phạm Đình Hổ về công trình vi phạm tại số 10 Hàng Chuối. Ông Vũ Minh Cường, thanh tra xây dựng đã sao chụp và cung cấp giấy tờ công vụ của nhà báo cho chủ công trình vi phạm. Buổi tối cùng ngày, thẻ nhà báo, giấy giới thiệu của phóng viên đã bị FB Huong Vu tung lên Diễn đàn độc giả trẻ với mục đích vu khống, bôi nhọ. Liên tiếp những ngày sau đó, trên Diễn đàn độc giả trẻ tiếp tục xuất hiện nhiều thông tin bôi nhọ, vu khống phóng viên Tiền Phong.
Ban biên tập báo Tiền Phong đã cử cán bộ làm rõ vụ việc. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã vào cuộc và khẳng định sát cánh cùng báo Tiền Phong đấu tranh, bảo vệ quyền lợi chính đáng của PV Tiền Phong.
Tiền Phong sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.
NHÓM PHÓNG VIÊN
Theo TPO
Yêu cầu báo cáo rõ nguồn gốc 18 công trình sẽ cưỡng chế tại Sóc Sơn
UBND huyện Sóc Sơn (Hà Nội) yêu cầu UBND xã Minh Phú báo cáo việc xác nhận nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất, thời điểm xây dựng các công trình; việc thiết lập hồ sơ, xử lý vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng với 18 trường hợp trên gửi về UBND huyện.
Liên quan đến việc cưỡng chế công trình vi phạm trật tự xây dựng trên đất rừng tại xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, TP.Hà Nội, phản ánh với PV Dân Việt, người dân thôn Lâm Trường (Xã Minh Phú) cho biết, ngày 7.11, 18 hộ dân có trong danh sách công trình vi phạm trật tự xây dựng trên đất rừng phòng hộ nhận được thông báo về việc cưỡng chế, phá dỡ công trình vi phạm đất đai, trật tự xây dựng trên đất lâm nghiệp thuộc địa bàn thôn Lâm Trường.
Theo đó, nếu không tiến hành phá dỡ công trình trước ngày 11.11 UBND xã sẽ tiến hành cưỡng chế công trình vi phạm.
Nhiều công trình xây dựng tại xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn đang "đóng cửa" trong quá trình Hà Nội tiến hành thanh tra toàn diện. Ảnh: THÀNH AN
Trước khi cưỡng chế theo dự kiến, ngày 8.11, UBND xã Minh Phú đã tiến hành đối thoại với đại diện 18 hộ gia đình trong danh sách bị cưỡng chế, giải tỏa, đồng thời ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của người dân. Theo phản ánh, tại cuộc đối thoại, lãnh đạo UBND xã Minh Phú chưa trả lời thỏa đáng những kiến nghị của người dân.
Ông Ngô Văn Cam - Trưởng thôn Lâm Trường cho biết, các hộ dân đã nắm được các văn bản chỉ đạo xử lý tại khu vực rừng phòng hộ Sóc Sơn, tuy nhiên, hiện TP.Hà Nội đang tiến hành thanh tra toàn diện các vấn đề về đất đai và công trình xây dựng trên địa bàn hai xã Minh Phú và Minh Trí. Do đó, người dân có kiến nghị dừng việc cưỡng chế, tháo dỡ cho đến khi có kết luận của đoàn Thanh tra liên ngành TP.Hà Nội.
Đồng thời, người dân cũng kiến nghị huyện Sóc Sơn, xã Minh Phú cần trả lời những thắc mắc của người dân tại buổi đối thoại này 8.11 cũng như tiếp tục tổ chức đối thoại với người dân để có cơ sở làm việc với đoàn Thanh tra của TP.
Được biết, ngày 14.11, UBND huyện Sóc Sơn có công văn gửi đến các đơn vị liên quan về việc xử lý đơn thư của công dân. UBND huyện giao cho Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị huyện thiết lập hồ sơ, xử lý xác định rõ loại công trình, diện tích, thời điểm xây dựng công trình, diện tích vi phạm đối với 18 hộ dân trên gửi về UBND huyện.
Bên cạnh đó, giao Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc dụng Hà Nội báo cáo tình hình, việc sử dụng đất, việc nâng cấp, sửa chữa nhà của các hộ dân; kiểm tra, phát hiện, xử lý các công trình vi phạm trật tự xây dựng đối với 18 trường hợp trên.
Nhiều khu vực đất rừng tại xã Minh Phú, huyện Sóc Sơn, TP.Hà Nội đang bị san ủi, cây cối bị chặt hạ. Ảnh: THÀNH AN
Đồng thời, giao UBND xã Minh Phú báo cáo việc xác nhận nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất, thời điểm xây dựng các công trình; việc thiết lập hồ sơ, xử lý vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng với 18 trường hợp trên gửi về UBND huyện.
Ngoài ra, huyện Sóc Sơn còn giao cho phòng Tài nguyên và Môi trường xác minh nội dung đơn thư, tổng hợp báo cáo các đơn vị và tham mưu cho UBND huyện trả lời đơn thư của công dân theo quy định trước ngày 30.11.2018.
Liên quan đến việc quản lý đất đai tại huyện Sóc Sơn gây bức xúc trong nhân nhân, mới đây trả lời cử tri tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hoàn Kiếm trước kỳ họp thứ 7 HĐND khóa XV, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, trong việc này có nhiều bất cập.
Từ những năm 1985 -1986 và giai đoạn 1995-1999, UBND huyện Sóc Sơn có chính sách di dời khoảng 300 hộ dân từ xã Minh Trí và Tân Dân vào trong rừng để xây dựng kinh tế mới. Thậm chí đến năm 2008, khu vực này vẫn là đồi núi trọc. Năm 2009 - 2011, khi tiến hành quy hoạch lại quy hoạch những khu dân cư vào rừng phòng hộ. Đến khi lập quy hoạch chung, bộ phận lập quy hoạch cũng đưa chỗ quy hoạch di cư của người dân vào quy hoạch rừng phòng hộ,...
Theo đó, TP đang giao Thanh tra Hà Nội tổ chức thanh tra toàn diện việc quản lý sử dụng đất, trật tự xây dựng, trong giai đoạn từ năm 2008 đến nay tại xã Minh Phú và xã Minh Trí, đồng thời thực hiện các nội dung của kết luận Thanh tra Chính phủ, Thanh tra Hà Nội, chỉ đạo sau thanh tra để báo cáo.
Trước đó, UBND huyện Sóc Sơn đã ra văn bản chỉ đạo UBND xã Minh Phú phối hợp với các đơn vị chức năng xử lý dứt điểm vi phạm xây dựng trên đất rừng phòng hộ - đặc dụng trong tháng 11.2018.
Theo Danviet
"Điểm mặt" chủ đầu tư 45 công trình "xẻ thịt" rừng Sóc Sơn Chủ 18 công trình vi phạm trật tự xây dựng trên đất quy hoạch rừng phòng hộ ở xã Minh Phú không chịu tháo dỡ. Còn xã Minh Trí đang đợi huyện thẩm định hồ sơ 27 công trình mới quy được vi phạm thế nào để xử lý. Cách đây hơn hai tháng (8/2018), Ban Quản lý rừng phòng hộ - đặc...