Agribank tiết giảm chi phí, hướng mạnh tín dụng vào “tam nông”
Các khoản tín dụng cho vay nông nghiệp thường có chi phí lớn, nhưng lãi suất cho vay nông nghiệp bao giờ thấp nhất trong các phân ngành kinh tế nhưng Agribank đã làm tốt. Ngân hàng đã thực hiện đúng chỉ đạo của NHNN trong việc kiểm soát chi phí, tăng trưởng tín dụng đúng định hướng, duy trì tỉ trọng cho vay “tam nông” 70%.
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) vừa tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2020.
Báo cáo đánh giá kết quả hoạt động năm 2019 của Agribank, ông Tiết Văn Thành – Thành viên Hội đồng thành viên (HĐTV), Tổng Giám đốc nhấn mạnh, năm 2019 là năm thứ tư Agribank triển khai tái cơ cấu giai đoạn 2 cũng là thực hiện Chiến lược kinh doanh giai đoạn 2016-2020 gắn với xử lý nợ xấu và quá trình cổ phần hóa.
Bám sát chủ trương, chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đến nay Agribank đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu đề ra: nâng cao năng lực tài chính; kiểm soát, nâng cao chất lượng tài sản, nhất là chất lượng tín dụng, giảm nợ xấu; tăng trưởng tín dụng được kiểm soát phù hợp với mục tiêu đề ra;…
Hoạt động kinh doanh năm 2019 của Agribank tiếp tục tăng trưởng. Các chỉ số về hiệu quả kinh doanh tăng cao, hoàn thành vượt mức kế hoạch về chỉ tiêu lợi nhuận. Tổng tài sản đạt trên 1,45 triệu tỷ đồng. Nguồn vốn đạt trên 1,34 triệu tỷ đồng. Tổng dư nợ và đầu tư đạt trên 1,3 triệu tỷ đồng, trong đó cho vay nền kinh tế đạt trên 1,12 triệu tỷ đồng (dư nợ tín dụng toàn hệ thống hiện đạt hơn 8,2 triệu tỷ đồng). Thu dịch vụ đạt gần 6.700 tỷ đồng. Tỉ lệ nợ xấu 1,4%. Thu nợ sau xử lý đạt trên 12.000 tỷ đồng, hoàn thành việc mua lại trước hạn toàn bộ các khoản nợ đã bán cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC), được đánh giá là một trong số Ngân hàng có kết quả xử lý nợ xấu tốt nhất hệ thống tổ chức tín dụng.
Thành viên Hội đồng thành viên (HĐTV), Tổng Giám đốc Agribank Tiết Văn Thành tại Hội nghị. Ảnh:VGP.
Ngân hàng tiếp tục khẳng định sự kiên định của một thương hiệu gắn với sứ mệnh nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Nguồn vốn Agribank chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ gần 2 triệu tỷ đồng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam. Agribank tiên phong, chủ lực triển khai hiệu quả 7 chương trình tín dụng chính sách, 2 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Từ đầu năm 2019, Agribank đã cho vay hỗ trợ thu mua lúa gạo doanh số đạt trên 7.000 tỷ đồng (chiếm 40% doanh số cho vay của toàn ngành); cho vay ngành chăn nuôi lợn 25.000 tỷ đồng, hỗ trợ người chăn nuôi lợn bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi. Riêng cho vay xây dựng nông thôn mới, Agribank đã triển khai đến 100% số xã, góp phần tạo nên thành công chung của phong trào xây dựng nông thôn mới trên cả nước.
Trong năm 2019, Agribank 2 lần chủ động giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng và các lĩnh vực ưu tiên, các chương trình tín dụng chính sách, hiện nay lãi suất cho vay ngắn hạn của Agribank thấp hơn trần quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Agribank hoàn thành tốt vai trò là một trong những NHTM Nhà nước đóng vai trò chủ lực về quy mô thị phần, khả năng điều tiết thị trường, giữ vai trò chủ đạo trong lĩnh vực tín dụng nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam.
Ngân hàng đã không ngừng đơn giản hóa thủ tục cho vay, cải tiến mô hình, phương thức cho vay, kết hợp với chính quyền địa phương, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, các tổ chức chính trị- xã hội triển khai trên 71.000 tổ vay vốn với gần 1,5 triệu thành viên…
Video đang HOT
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, ông Lê Minh Hưng – Thống đốc NHNN ghi nhận đánh giá cao những kết quả toàn diện Agribank đạt được trong năm 2019; cho rằng Agribank đã luôn tiên phong, chủ lực trong cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn, triển khai các chương trình trọng điểm, chia sẻ khó khăn với khách hàng nhất là những lúc khó khăn thể hiện qua việc giảm lãi suất, tiên phong cho vay thu mua lúa gạo, hỗ trợ người chăn nuôi….
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Lê Minh Hưng tại Hội nghị. Ảnh:VGP.
“Agribank là định chế tài chính lớn, các khoản tín dụng cho vay nông nghiệp thường có chi phí lớn, nhưng lãi suất cho vay nông nghiệp bao giờ thấp nhất trong các phân ngành kinh tế nhưng ngân hàng đã làm tốt. Ngân hàng đã thực hiện tốt chỉ đạo của NHNN trong việc kiểm soát chi phí, tăng năng lực xử lý nợ xấu, giảm lãi suất cho vay, tập trung cho vay những lĩnh vực ưu tiên với chi phí hợp lý”, Thống đốc Lê Minh Hưng ghi nhận.
Thống đốc cho biết, trên bình diện quốc tế, Agribank là ngân hàng đứng 142/150 ngân hàng lớn nhất châu Á về quy mô tài sản, mặt bằng lãi suất khá thấp, thu dịch vụ tăng gần 25% là đáng ghi nhận. Nhất là trong bối cảnh việc áp dụng các công cụ phát hành trái phiểu đặc biệt huy động nguồn vốn trung và dài hạn không đơn giản, Thống đốc đánh giá cao việc Agribank tăng tín dụng đúng chỉ tiêu định hướng đề ra. Tăng trưởng tín dụng đúng định hướng chỉ tiêu của NHNN, duy trì tỉ trọng cho vay “tam nông” 70%. Công tác cơ cấu lại gắn xử lý nợ xấu đạt những kết quả quan trọng.
Về triển khai nhiệm vụ năm 2020, Thống đốc NHNN đề nghị Agribank bám sát Nghị quyết của Chính phủ, Chỉ thị 01 của NHNN, tiếp tục là Ngân hàng đi đầu dẫn dắt thị trường, góp phần ổn định lãi suất, chủ động tham gia cùng các bộ, ngành, địa phương triển khai các giải pháp đẩy lùi tín dụng đen; tập trung nguồn lực triển khai cổ phần hóa ngay sau khi NHNN có quyết định phê duyệt; xử lý nợ xấu hiệu quả theo Nghị quyết 42; tiếp tục đẩy mạnh phát triển công nghệ, giải pháp thanh toán. ..
Thống đốc Lê Minh Hưng cũng lưu ý Agribank cần chú trọng phát triển tín dụng ở các lĩnh vực ưu tiên nhiều hơn, đồng thời, cần kiểm soát chặt tín dụng tiềm ẩn rủi ro. Đặc biệt, NHNN luôn giám sát chỉ tiêu dữ liệu, phát hành cảnh báo tín dụng. Do đó, lãnh đạo Agribank cũng như các ngân hàng phải quan tâm cảnh báo sớm, chủ động xử lý rủi ro vấn đề phát sinh.
Thống đốc NHNN tin tưởng, với bề dày truyền thống, sự đoàn kết, đồng lòng của tập thể Ban lãnh đạo, cán bộ trên toàn hệ thống, Agribank sẽ đạt được mọi mục tiêu đề ra trong năm 2020 để chào mừng các sự kiện quan trọng của đất nước.
Anh Minh
Theo baochinhphu.vn
Nguy cơ bị phạt cổ tức, ngân hàng dồn dập xóa nợ tại VAMC
Rất có thể, từ năm 2020, các ngân hàng còn nợ xấu gửi tại Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) sẽ bị cấm chia cổ tức. Đây là một trong những nguyên nhân khiến các ngân hàng ồ ạt mua lại nợ xấu gửi tại "kho" VAMC trước thời hạn.
Chạy đua nhận nợ từ "kho" VAMC
Cuối tuần qua, Agribank trở thành ngân hàng thứ 10 thông báo đã hoàn thành việc mua lại trước hạn 100% các khoản nợ đã bán cho VAMC. Trước Agribank, VPBank cũng cho biết, đã mua lại toàn bộ nợ xấu gửi tại "kho" VAMC, đồng thời tích lập dự phòng 45% cho số nợ này. Trước đó, 8 ngân hàng là Vietcombank, VIB, Techcombank, TPBank, MB, OCB, Nam A Bank và Kienlongbank đã hoàn tất xử lý nợ xấu. Một số ngân hàng khác như BIDV, Eximbank... cũng lên kế hoạch sạch nợ tại VAMC năm nay.
Thành lập năm 2013, VAMC bắt đầu cấp tập mua nợ trong năm 2015-2016. Tuy nhiên, số lượng nợ xấu mà VAMC xử lý được không nhiều. Về cơ bản, VAMC chỉ là "kho" giữ nợ tạm thời trong 5 năm, sau đó các ngân hàng phải nhận về. Cuối năm 2019, đầu năm 2020 là thời điểm nhiều khoản nợ bán cho VAMC đã đến hạn 5 năm. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi các ngân hàng dồn dập mua về nợ xấu gửi tại VAMC.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia ngân hàng, dù chỉ là nơi giữ nợ tạm thời, song VAMC có ý nghĩa rất lớn với các ngân hang. Nhờ nợ ngoại bảng được gửi tại VAMC, các ngân hàng đã có thời gian phục hồi sức khỏe, có nguồn lợi nhuận để từ đó quay lại xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, VAMC chỉ là giải pháp tạm thời, một khi các ngân hàng đã qua tình trạng "nguy kịch", việc đưa nợ xấu về một sổ duy nhất để quản lý là cần thiết.
Được biết, kế hoạch đưa nợ xấu từ tình trạng hai sổ về một sổ thống nhất đã được các ngân hàng đề ra từ nhiều năm. Theo đó, tùy vào kết quả kinh doanh, khả năng tài chính của mình mà mỗi năm, các ngân hàng đều trích một phần lợi nhuận để mua về nợ xấu từ VAMC. Đơn cử, năm 2019, TPBank đã phải chi 756,5 tỷ đồng mua toàn bộ nợ xấu gửi tại VAMC, cùng với khoản trích lập dự phòng bổ sung hơn 400 tỷ đồng.
Hay VPBank cũng phải "ăn dè hà tiện", không dám đặt mục tiêu lợi nhuận năm 2019 quá cao cũng chỉ vì ưu tiên mục tiêu xử lý toàn bộ nợ xấu tại VAMC. Tỷ lệ nợ xấu của VPBank (bao gồm nợ ngoại bảng) đã giảm từ mức 5,73% tại quý III/2018 còn 2,84% vào quý III/2019.
Việc ngân hàng chạy đua mua nợ tại VAMC không chỉ do thời hạn 5 năm sắp kết thúc, mà còn là để tránh nguy cơ nhận "án phạt" từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Theo đó, theo dự thảo quy định về việc mua, bán và xử lý nợ xấu của VAMC thay thế cho Thông tư 19/2013/TT-NHNN, NHNN bổ sung quy định: "Các tổ chức tín dụng bán nợ nhận trái phiếu đặc biệt không chia cổ tức bằng tiền mặt để nâng cao năng lực tài chính và tạo nguồn xử lý nợ xấu cho đến khi trái phiếu đặc biệt được thanh toán".
Trên thực tế, một số ngân hàng có dư nợ trái phiếu đặc biệt lớn tại VAMC cũng không được chia cổ tức tiền mặt. Tại Đại hội đồng cổ đông SHB diễn ra đầu năm nay, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch HĐQT SHB - ngân hàng sở hữu nhiều khoản nợ xấu liên quan đến Vinashin, nhận lại từ Habubank - cho biết, NHNN có quy định, những tổ chức tín dụng có trái phiếu tại VAMC trên 5 năm sẽ không được chia cổ tức.
Lợi nhuận, cổ tức sẽ bứt phá năm 2020
Dù việc mua lại nợ xấu từ VAMC sẽ khiến các ngân hàng phải hy sinh một khoản lợi nhuận không nhỏ, song xử lý nợ xấu tại "kho" VAMC cũng sẽ giúp các ngân hàng giảm bớt khoản chi phí dự phòng lên tới 20% mỗi năm cho số nợ này trong thời gian tới.
Quan trọng nhất, theo TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia ngân hàng, việc xử lý dứt điểm nợ xấu tại VAMC sẽ giúp các ngân hàng chủ động hơn trong xử lý nợ xấu, tự chủ kế hoạch kinh doanh và có thể tăng trưởng bứt phá giai đoạn tới.
Kết quả kinh doanh của một số ngân hàng hoàn tất xử lý nợ tại VAMC thời gian qua hết sức khả quan. Chẳng hạn, cuối năm 2016, Vietcombank công bố sạch nợ tại VAMC, lợi nhuận lúc đó là 8.200 tỷ đồng. Chỉ sau 1 năm, lợi nhuận của ngân hàng này đã đạt 11.000 tỷ đồng. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2019, lợi nhuận Vietcombank đã đạt hơn 17.600 tỷ đồng, gần gấp đôi năm 2016 và dự kiến có thể đạt gần 1 tỷ USD cuối năm 2019.
Tương tự, tại VIB, sau một năm hoàn tất mua nợ tại VAMC, lợi nhuận cũng tăng gấp rưỡi. Rõ ràng, đưa nợ xấu gửi tại VAMC về ngân hàng không chỉ giúp số liệu nợ xấu được phản ánh một cách chính xác, mà còn giúp ngân hàng có thêm động lực xử lý nợ xấu, tạo tiền đề tăng trưởng những năm sau.
Việc hoàn tất xử lý nợ xấu tại VAMC, như đã nói, còn giúp các nhà băng thoát "án phạt" về cổ tức của NHNN - có thể ban hành năm 2020, đồng thời giúp lãnh đạo các nhà băng "ghi điểm" với cổ đông khi mùa đại hội cổ đông thường niên chuẩn bị bắt đầu vào năm tới.
Với những kết quả xử lý nợ xấu tích cực hiện nay, TS. Trần Hoàng Ngân, chuyên gia kinh tế cho rằng: "VAMC và các ngân hàng đã có tiếng nói chung trong xử lý nợ xấu và đang tích cực xử lý nợ xấu. Tôi tin rằng, từ nay đến cuối năm, nợ xấu toàn hệ thống sẽ về dưới 3%".
Thùy Liên
Theo Baodautu.com
Agribank xử lý sạch nợ xấu tại VAMC 2019 tiếp tục một năm thành công của Agribank trong giai đoạn tái cơ cấu 2016- 2020. Các chỉ số về hiệu quả kinh doanh tăng cao. Đặc biệt, Agribank đã hoàn thành việc mua lại trước hạn 100% các khoản nợ đã bán cho VAMC. Agribank là một trong số ít ngân hàng hoàn tất xử lý nợ xấu tại VAMC trước...