Agribank cổ phần hóa và bài toán bán vốn ngoại
Kế hoạch cổ phần hoá hay bán vốn chiến lược trong năm 2020 của Agribank nhiều khả năng lỡ hẹn.
Nhọc nhằn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước lớn
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, cơ quan này đã phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Tài chính chỉ đạo Agribank triển khai các biện pháp để cổ phần hóa theo quy định của Chính phủ. Tuy nhiên, vướng mắc hiện nay là Agribank có quy mô quá lớn về mạng lưới, địa bàn với trên 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch, trong đó vướng mắc lớn nhất là một số cơ sở nhà đất chưa được Bộ Tài chính phê duyệt. Chính vì vậy, NHNN chưa thể ban hành quyết định để cổ phần hóa Agribank.
Là ngân hàng có quy mô và mạng lưới lớn nhất cả nước, việc cổ phần hóa của Agribank liên quan tới rất nhiều văn bản pháp lý cần tháo gỡ. Câu chuyện này không chỉ xảy ra với riêng Agribank, mà còn là thực tế tại một doanh nghiệp lớn khác là VNPT.
Tại cuộc họp ngày 10/8/2020, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp đã đặt thời hạn cho Bộ Tài chính phải hoàn thiện hồ sơ, tờ trình các nghị định sửa đổi 3 nghị định bao gồm: Nghị định số 126/2017/NĐ-CP của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần; Nghị định số 91/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp; Nghị định số 32/2018/NĐ-CP của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.
Ngày 9/10/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 121/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 12 Nghị định số 91/2015/NĐ-CP. Như vậy, còn Nghị định số 126/2017/NĐ-CP và Nghị định số 32/2018/NĐ-CP đợi sửa đổi, bổ sung.
Bộ Tài chính cho biết, đã hoàn thành hồ sơ Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 126/2017/NĐ-CP và Nghị định số 32/2018/NĐ-CP để chuẩn bị trình Chính phủ.
Video đang HOT
Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán SSI, tại Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 126/2017/NĐ-CP, các vấn đề liên quan đến đất đai được sửa đổi, bổ sung. Bên cạnh việc điều chỉnh khấu trừ giá trị lợi thế từ vị trí địa lý đất thuê, Dự thảo cũng điều chỉnh quy định về phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa.
Cụ thể, các điều chỉnh nhằm tách bạch rõ ràng giữa phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định của pháp luật và về quản lý, sử dụng tài sản công (Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và Nghị định số 167/2017/NĐ-CP) cùng phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa của doanh nghiệp cổ phần hóa.
Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 30. Theo đó, doanh nghiệp sau khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cổ phần lần đầu, bên cạnh việc thực hiện các thủ tục để được Nhà nước giao đất, cho thuê đất (như quy định cũ), thì cần thực hiện các nghĩa vụ về tài chính theo quy định của pháp luật đất đai và hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Dự thảo này khi được thông qua và đi vào áp dụng trong thực tiễn được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) như Agribank và VNPT (điều chỉnh quy định về đất đai, bãi bỏ ph ần xác định giá trị thương hiệu dựa vào các yếu tố lịch sử, bề dày truyền thống…). Dù vậy, vẫn còn những vấn đề cần xử lý để đẩy nhanh hoạt động cổ phần hóa tại Agribank hay VNPT.
Cụ thể, các doanh nghiệp này có chi nhánh, văn phòng trải khắp 63 tỉnh, thành phố và không phải tất cả các mảnh đất nằm dưới quyền quản lý của các DNNN này đều có hồ sơ xác minh quyền sở hữu hợp pháp của doanh nghiệp (một số mảnh đất đã được bàn giao từ cách đây trên 30 năm).
“Cần chờ đợi văn bản pháp lý từ phía Bộ Tài Nguyên và Môi trường nhằm xử lý câu chuyện nêu trên, đồng thời cấp quyền sở hữu hợp pháp về đất đai cho DNNN. Chỉ khi có những quy định mới như trên đề cập, thì Dự thảo của Bộ Tài chính mới tạo ra động lực tích cực cho tiến trình cổ phần hóa DNNN”, các chuyên gia phân tích của SSI nhận định.
Được biết, theo Công văn số 991/TTg-ĐMDN, ngày 10/7/2017 và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg, ngày 15/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ, thì đến hết năm 2020, Agribank sẽ phải thực hiện cổ phần hóa, Nhà nước chỉ còn giữ 65% vốn điều lệ trở lên. Đây quả là một nhiệm vụ khó khả thi.
Tìm đối tác chiến lược: vẫn phải chờ!
Hiện tại, theo quy định tại Nghị định số 01/2014/NĐ-CP về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần tại tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam, tỷ lệ sở hữu cổ phần của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài không được vượt quá 20% vốn điều lệ của một TCTD Việt Nam, tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại Việt Nam.
Trong trường hợp đặc biệt, để thực hiện cơ cấu lại TCTD yếu kém, gặp khó khăn, bảo đảm an toàn hệ thống TCTD, Thủ tướng Chính phủ quyết định tỷ lệ sở hữu cổ phần của một tổ chức nước ngoài, một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài, tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài tại một TCTD cổ phần yếu kém được cơ cấu lại vượt quá giới hạn quy định.
“Agribank chưa hoàn thành xong việc thoái vốn, cổ phần hóa DNNN, nên chưa thể trông đợi nguồn vốn ngoại đổ vào. Agribank không phải là trường hợp đặc biệt để thực hiện cơ cấu lại TCTD yếu kém, gặp khó khăn, nên Thủ tướng Chính phủ cũng không phải đưa ra quyết định tỷ lệ sở hữu cổ phần của một tổ chức nước ngoài, một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài cho ngân hàng này”, một lãnh đạo cao cấp NHNN nêu quan điểm.
Ông Tiết Văn Thành, Thành viên Hội đồng Thành viên, Tổng giám đốc Agribank cho biết, tính đến ngày 30/6/2020, Agribank có tổng tài sản đạt trên 1,46 triệu tỷ đồng; nguồn vốn đạt trên 1,35 triệu tỷ đồng; tổng dư nợ và đầu tư đạt trên 1,33 triệu tỷ đồng, trong đó cho vay nền kinh tế đạt trên 1,135 triệu tỷ đồng. Vốn tín dụng Agribank chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ gần 2 triệu tỷ đồng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam và chiếm trên 50% thị phần dư nợ lĩnh vực này của toàn ngành ngân hàng, đóng góp quan trọng cho sự phát triển của nền nông nghiệp Việt Nam nói riêng và nền kinh tế đất nước nói chung.
Điều ông Thành có lẽ không muốn đề cập đến vì nhiều lý do là vốn điều lệ của Agribank hiện chỉ đạt 30.591 tỷ đồng. Nếu tính theo chuẩn mực vốn Basel II (được hướng dẫn tại Thông tư số 41/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016), thời điểm 31/3/2020, tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng này chỉ đạt 6,9% (không đảm bảo yêu cầu vốn tối thiểu 8% theo quy định).
Được biết, do chưa đáp ứng chuẩn mực vốn Basel II, nên Agribank đang được NHNN cho phép thực hiện tỷ lệ an toàn vốn theo quy định của Thông tư số 22/2019/TT-NHNN ngày 15/11/2019. Thời điểm 31/3/2020, tỷ lệ an toàn vốn của Agribank theo Thông tư số 22/2019/TT-NHNN chỉ đạt 9,2%, đã sát ngưỡng tối thiểu theo quy định là 9%. Tuy nhiên, để đáp ứng quy định tại Thông tư số 22/2019/TT-NHNN, Agribank vẫn cần được Nhà nước cấp bổ sung 3.500 tỷ đồng ngay trong năm 2020.
Hiện trong số 4 ngân hàng có vốn nhà nước chi phối (Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV), chỉ duy nhất Agribank “xin” cấp vốn từ Nhà nước do Agribank là ngân hàng 100% sở hữu của Nhà nước, chỉ có thể tăng vốn từ nguồn ngân sách. Ba ngân hàng còn lại đã cổ phần hoá và đang được xem xét cho phép giữ lại lợi nhuận, cổ tức để tăng vốn, đảm bảo tiêu chuẩn Basel II.
Ngày 19/5/2020, Chính phủ đã có Tờ trình số 235/TTr-CP về việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank. Quốc hội đã nhất trí tăng tối đa 3.500 tỷ đồng vốn điều lệ cho Agribank bằng ngân sách từ đề xuất của Chính phủ bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2020. Theo đó, bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2019 và khoản tiền này bằng với lãi sau thuế Agribank nộp ngân sách năm 2020, tối đa 3.500 tỷ đồng. Trường hợp được cấp bổ sung vốn điều lệ 3.500 tỷ đồng trong năm 2020, quy mô vốn điều lệ của Agribank sẽ đạt mức trên 34.000 tỷ đồng.
Ông Trần Đăng Phi, Phó chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng (NHNN) cho biết, cơ quan này đang tích cực triển khai, phối hợp với các bộ, ngành liên quan chuẩn bị các thủ tục thực hiện tăng vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn ngân sách nhà nước theo Nghị quyết của kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.
Và, tất cả mọi việc vẫn phải chờ, đợi.
Lãi suất tiền gửi tiết kiệm 'lép vế' trước trái phiếu
Khi lãi suất tiền gửi tiết kiệm giảm mạnh thì trái phiếu doanh nghiệp đang hút mạnh tiền người dân vì có lợi tức hấp dẫn.
Báo cáo mới phát hành của Công ty chứng khoán SSI cho biết, so với lãi suất tiền gửi, lợi tức trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) cao hơn từ 0,8-1,7%/năm so với lãi suất tiền gửi cạnh tranh nhất.
Chính điều này, tính từ đầu năm 2020 đến nay, nhà đầu tư cá nhân đã mua trực tiếp gần 22,7 ngàn tỉ đồng đồng TPDN trên thị trường sơ cấp, tương đương 15% tổng lượng phát hành, cao hơn mức trung bình gần 10% của năm 2019.
Vì mức giãn cách của lãi suất tiền gửi giữa các nhóm ngân hàng thương mại (NHTM) cũng rất rộng, các NHTM nhỏ huy động với lãi suất cao hơn nhóm 4 NHTM nhà nước từ 1%-2%/năm.
Bởi vậy, nếu so với lãi suất tiền gửi của các NHTM lớn, lợi tức TPDN có thể cao hơn từ 1,8%-4%/năm tùy từng kỳ hạn.
SSI cũng cho biết, tổng quy mô thị trường TPDN hiện tại tương đương khoảng 8,6% tổng tiền gửi toàn hệ thống ngân hàng, xấp xỉ quy mô tiền gửi của Vietinbank, ngân hàng có thị phần tiền gửi thứ 4 tại Việt Nam sau BID, Agribank và Vietcombank; tương đương 9,3% dư nợ tín dụng và 19,5% tổng vốn hóa ba sàn chứng khoán Việt Nam.
Tính luỹ kế 6 tháng đầu năm 2020, tổng lượng TPDN phát hành ước tính ở mức 159 ngàn tỉ đồng, tăng 50% so với 6 tháng đầu năm 2019.
Agribank phát hành 5.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng Trong đợt phát hành trái phiếu ra công chúng lần này, Agribank phát hành 5 triệu trái phiếu, mệnh giá 1 triệu đồng/trái phiếu, kỳ hạn 7 năm, tương đương tổng giá trị phát hành là 5.000 tỷ đồng. Giao dịch tại Agribank. (Ảnh: CTV/Vietnam ) Nhằm tăng vốn cấp 2 để đáp ứng các tỷ lệ đảm bảo an toàn theo quy...