Agribank cơ cấu lại nợ cho 15 ngàn khách hàng bị ảnh hưởng dịch COVID-19
Gần 30 ngàn tỷ đồng là tổng dư nợ của các khách hàng gặp khó khăn tạm thời do bị ảnh hưởng bởi COVID-19 đã được Agribank thực hiện cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ từ đầu năm 2020 đến nay. Đây là một trong những NHTM tích cực nhất thực hiện chia sẻ khó khăn hỗ trợ bù đắp thiệt hại do dịch COVID-19 gây ra.
Theo số liệu cập nhật đến thời điểm 17/4, Agribank đã thực hiện cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ gần 30 ngàn tỷ đồng, với gần 15 ngàn khách hàng.
Thực hiện Thông tư 01/2020/TT-NHNN quy định về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19 do NHNN ban hành, Agribank đã cơ cấu giữ nguyên nhóm nợ 20.906 tỷ đồng của 4.733 khách hàng.
Có 208 khách hàng với dư nợ 2.474 tỷ đồng được miễn giảm lãi suất; có 21.360 khách hàng với dư nợ 26.066 tỷ đồng được hạ lãi suất.
Lãnh đạo Agribank cho hay, ngân hàng này đang tiếp tục đánh giá, xác định mức độ ảnh hưởng của khách hàng do dịch COVID-19, cùng khách hàng rà soát đánh giá các phương án sản xuất kinh doanh, từ đó tư vấn và hỗ trợ phù hợp.
Video đang HOT
Song song với việc cơ cấu lại nợ, Agribank đang tích cực triển khai chương trình tín dụng dành 100 ngàn tỷ đồng cho vay ưu đãi hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 để phục hồi, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh.
Agribank thống kê doanh số cho vay tính từ 23/1 đến nay đạt trên 300 ngàn tỷ đồng. Trong đó, doanh số cho vay mới đối với các khách hàng bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 đạt hơn 8.186 tỷ đồng với 5.892 khách hàng, góp phần hỗ trợ đáng kể cho khách hàng bị thiệt hại, bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo lãnh đạo Agribank, căn cứ hiệu quả của công tác phòng chống dịch COVID-19, từ tháng 5 trở đi, khi giãn cách xã hội tiếp tục được nới lỏng, việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ cho khách hàng như cơ cấu nợ, miễn giảm lãi, cho vay mới được triển khai trong điều kiện thuận lợi hơn thì tổng số dư nợ Agribank thực hiện hỗ trợ trong quý II và quý III dự kiến đạt mức 250 ngàn tỷ đồng.
“Ngân hàng sẽ tiếp tục cùng khách hàng rà soát đánh giá các phương án, cùng khách hàng đưa sản xuất kinh doanh bật hồi nhanh sau dịch bệnh, thể hiện quyết tâm góp phần hiện thực hóa mục tiêu kép của Chính phủ đề ra đó là vừa chiến thắng dịch bệnh, vừa đảm bảo phát triển kinh tế- xã hội”, lãnh đạo Agribank khẳng định.
Tại Hội nghị trực tuyến “Tăng cường tín dụng ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và người dân khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19″ do NHNN tổ chức mới đây, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) Nguyễn Quốc Hùng cho hay: Để hỗ trợ các thiệt hại, các ngân hàng thương mại (NHTM) đã cơ cấu nợ và giữ nguyên nhóm nợ được thực hiện cho 166.544 khách hàng, với dư nợ là 62.835 tỷ đồng; miễn giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ là 14.368 khách hàng, với dư nợ là 12.319 tỷ đồng; thực hiện hạ lãi suất dư nợ hiện hữu cho 289.204 khách hàng, với dư nợ là 948.407 tỷ đồng; số lãi dự kiến hạ cho khách hàng là 3.530 tỷ đồng…
Như vậy, căn cứ vào tỷ trọng, có thể thấy Agribank là một trong những NHTM tích cực nhất thực hiện chia sẻ khó khăn hỗ trợ các thiệt hại của DN, hộ kinh doanh do dịch COVID-19 gây ra.
Ông Tiết Văn Thành, Tổng giám đốc Agribank đã chia sẻ: Để thực hiện các biện pháp hỗ trợ người dân, DN bị thiệt hại do COVID-19 ngân hàng này cũng phải chịu nhiều áp lực, trong đó, Agribank đã phải xác định lại toàn bộ phương án tài chính, doanh thu năm có thể bị giảm 6 nghìn tỷ, lợi nhuận giảm khoảng 20%…”.
Với những kết quả bước đầu trong việc “trợ lực” các DN, hộ kinh doanh, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng đã đánh giá cao sự tích cực của các NHTM trong việc hỗ trợ nền kinh tế dù bản thân ngành này cũng chịu nhiều thiệt hại. Tuy nhiên, Thống đốc cho rằng, yêu cầu thực tiễn đòi hỏi các NHTM phải quyết liệt hơn nữa để đưa được những giải pháp chính sách theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN đi vào cuộc sống, tháo gỡ kịp thời tất cả khó khăn vướng mắc phát sinh để hỗ trợ DN, người dân.
Anh Minh
Ngân hàng giảm cho khách hàng 560 tỉ đồng phí dịch vụ
Sau 2 lần giảm phí trong năm 2020 đã có trên 63% giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng qua NAPAS được tiếp tục giảm phí trực tiếp cho khách hàng sử dụng dịch vụ với sự tham gia của gần 100% các ngân hàng, tổng số tiền phí mà các ngân hàng giảm cho các khách hàng trong cả 2 lần giảm phí khoảng 560 tỉ đồng.
Ngày 2-4, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết Sau 2 lần giảm phí trong năm 2020 đã có trên 63% giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng qua Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (Napas) được tiếp tục giảm phí trực tiếp cho khách hàng sử dụng dịch vụ với sự tham gia của gần 100% các ngân hàng. Theo đó, tổng số tiền phí mà các ngân hàng giảm cho các khách hàng trong cả 2 lần giảm phí khoảng 560 tỉ đồng.
Trong đó, lần 1, tại Công văn số 727/NHNN-TT ngày 11-2-2020, NHNN chỉ đạo tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài áp dụng chính sách miễn, giảm phí dịch vụ thanh toán với các giao dịch thanh toán trực tuyến (online) các dịch vụ công thực hiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công của các bộ, ngành, địa phương; giảm phí dịch vụ chuyển tiền nhanh liên ngân hàng có giá trị nhỏ (từ 500.000 VND trở xuống) cho người sử dụng dịch vụ. Chính sách này áp dụng từ ngày 25-2-2020.
Trong đợt giảm phí lần 1, Napas đã thực hiện miễn phí chuyển mạch đối với các giao dịch thanh toán trực tuyến các dịch vụ công thực hiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công của các Bộ, ngành, địa phương và một số ngân hàng cũng đã triển khai thực hiện miễn phí dịch vụ như: Vietcombank, Agribank.....
Lần 2, NHNN đã có văn bản số 1680/NHNN-TT ngày 13-3-2020 yêu cầu các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện điều chỉnh giảm phí dịch vụ lần 2 đối với phí dịch vụ thanh toán cho các món thanh toán có giá trị từ 500.001VND-2.000.000VND cho khách hàng và giảm giá sử dụng sản phẩm thông tin tín dụng với khách hàng. Thời gian thực hiện từ ngày 25-3-2020 đến hết ngày 31-12-2020.
Mới đây, ngày 31-3, tại Thông tư số 04/2020/TT-NHNN, NHNN đã điều chỉnh giảm 50% phí giao dịch thanh toán qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng từ ngày 1-4-2020 đến hết ngày 31-12-2020. Từ đó NHNN yêu cầu các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài điều chỉnh giảm phí dịch vụ chuyển tiền qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng của NHNN cho khách hàng với mức giảm tối thiểu bằng số tiền giảm phí mà NHNN đã điều chỉnh giảm cho TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài; khuyến khích giảm phí lớn hơn. Đây là lần thứ 3 NHNN yêu cầu các ngân hàng giảm phí nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân giảm bớt gánh nặng chi phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời thúc đẩy các giao dịch tài chính trực tuyến, hạn chế giao dịch tại quầy nhằm ngăn ngừa sự lây lan dịch bệnh, qua đó cũng góp phần thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt của người dân.
Bên cạnh đó, NHNN cũng đã chỉ đạo các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài miễn phí đối với các giao dịch chuyển tiền ủng hộ của các tổ chức, cá nhân phòng, chống dịch COVID-19 và hạn hán, xâm nhập mặn qua tài khoản ngân hàng.
Không chỉ NHTM giảm phí dịch vụ thanh toán, Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam (CIC) cũng 2 lần giảm phí dịch vụ thông tin tín dụng. Lần 1, mức giảm theo bậc thang từ 5% đến 20% tổng mức thu dịch vụ thông tin tín dụng theo từng TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Số tiền hỗ trợ sẽ được giảm trực tiếp trên tổng số tiền phải thanh toán hàng tháng trong thời gian hỗ trợ trên nguyên tắc mức khai thác càng nhiều, tỉ lệ giảm càng lớn. Thời gian triển khai từ tháng 1-2020 đến hết tháng 4-2020. Lần 2, CIC thực hiện chiết khấu 50% tổng số tiền khai thác sử dụng thông tin tín dụng của TCTD từ ngày 1-3-2020 đến hết ngày 31-12-2020, là cơ sở cho các TCTD giảm phí dịch vụ thông tin tín dụng cho khách hàng.
Bên cạnh các chính sách về miễn, giảm phí, nhiều NHTM còn triển khai các chính sách về giảm lãi suất đối với những khoản vay cũ và cả khoản vay mới, hoãn, giãn nợ cho các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
D.Ngọc
Agribank khu vực miền Nam quyết liệt phòng, chống COVID-19 Cùng với toàn hệ thống, các đơn vị ngân hàng Agribank khu vực miền Nam luôn xác định phòng, chống dịch COVID-19 là trách nhiệm của tất cả cán bộ, nhân viên. Trước những diễn biến mới, phức tạp, khó lường của dịch COVID-19 trên thế giới và tại Việt Nam, các đơn vị vừa quyết liệt phòng, chống, khống chế dịch, vừa...