AFC: ‘Việt Nam dạo chơi cũng thắng đậm hiện tượng Campuchia’
Trang chủ Liên đoàn Bóng đá châu Á so sánh chiến thắng nhọc nhằn của Indonesia trước Myanmar và việc thầy trò HLV Park nhẹ nhàng vượt qua Campuchia trong hai trận bán kết SEA Games 30.
U22 Việt Nam có trận thắng dễ dàng trước Campuchia trái với dự đoán có thể gặp nhiều khó khăn trước đội bóng hàng xóm được nghỉ nhiều hơn và đã quen với sân cỏ nhân tạo. Ảnh: Đức Đồng.
“Indonesia cần tới hiệp phụ mới vượt qua một Myanmar kiên cường với tỷ số 4-2 trong khi Việt Nam có cuộc dạo chơi nhẹ nhàng và thắng 4-0 đội bất ngờ lọt và bán kết Campuchia”, trang chủ AFC nhận xét trong bài báo tiêu đề: Indonesia, Việt Nam tranh HC vàng bóng đá nam SEA Games 30.
Trang này ấn tượng với việc các học trò của ông Park khi ngay từ đầu đã tấn công dồn dập. “Hàng phòng ngự Campuchia ban đầu thi đấu chặt chẽ nhưng sau đó không chống đỡ được các đợt phản công liên tục của Việt Nam và bị thủng lưới ở phút 20 sau pha phối hợp của Nguyễn Tiến Linh và Hà Đức Chinh. Đức Chinh giúp Việt Nam đặt một chân vào chung kết với cú đúp. Campuchia lúc này không khác gì phải trèo qua một ngọn núi cao nếu muốn đi tiếp. Nhiệm vụ ấy trở nên bất khả thi khi phút 69 Hà Đức Chinh khiến hâu vệ đội bạn tự đưa bóng về lưới nhà”.
Hà Đức Chinh tiếp tục thi đấu ấn tượng là ứng cử viên danh hiệu Vua phá lưới với 8 bàn thắng, hơn Osvaldo Haay của Indonesia một bàn. Ảnh: Đức Đồng.
“Dù đội nào giành chiến thắng trong trận chung kết vào ngày thứ ba tới thì họ cũng đã đợi rất lâu rồi. Lần gần đây nhất Indonesia vô địch là vào năm 1991 trong khi đó Việt Nam – trước đó là đội tuyển miền nam Việt Nam – giành chiến thắng ở kỳ đại hội được coi là tiền SEA Games tổ chức lần đầu năm 1959″, tờ báo này viết thêm.
Trong khi Việt Nam có chiến thắng dễ dàng, U22 Indonesia phải mất tới 120 phút mới đánh bại được Myanmar. Đối thủ của Việt Nam trong trận chung kết ngày 10/12 tới đáng lẽ có thể kết thúc trận đấu sau 90 phút nhưng đánh mất lợi thế dẫn 2-0 vì sai lầm của thủ môn và hàng thủ.
Trận chung kết giữa Việt Nam và Indonesia tái hiện cuộc so tài ở vòng bảng hôm 1/12, hứa hẹn rất hấp dẫn và kịch tính. Trong cuộc đấu vòng bảng, Indonesia là đội mở tỷ số trước trong hiệp một nhưng hai bàn thắng của Thành Chung và Hoàng Đức khiến các học trò của HLV Indra Sjafri trắng tay. Phát biểu sau trận thua 1-2, nhà cầm quân Indonesia hẹn phục thù Việt Nam nếu cả hai lọt vào chung kết.
Video đang HOT
Hoàng Trang (Theo AFC)
HLV Park xử lý kỹ, U22 Việt Nam chơi trận hay nhất SEA Games
U22 Việt Nam vào chung kết SEA Games 30 sau chiến thắng thuyết phục 4-0 trước Campuchia. Huấn luyện viên Park Hang-seo thêm lần nữa thể hiện sự tính toán rất kỹ cho từng trận đấu.
Campuchia có thể là hiện tượng thú vị của bóng đá nam SEA Games lần này, nhưng 90 phút trận bán kết đã cho thấy thực tế rất rõ: Cầu thủ của U22 Campuchia không ở cùng đẳng cấp.
Nói thẳng, không hề kiêu ngạo chút nào, tuyển thủ U22 của đội bạn còn "non" nhiều so với Hà Đức Chinh, Tiến Linh, Hùng Dũng, Trọng Hoàng, Văn Hậu... Tuy nhiên, sự chênh lệch đẳng cấp đó không có nghĩa là chúng ta không thể dành lời khen ngợi cho những xử lý của ông Park Hang-seo trong trận bán kết có thể được nhận xét bằng đúng một từ: Kỹ.
Bàn mở tỷ số của Tiến Linh là kết quả của sự lựa chọn kỹ lưỡng. Ảnh: Thuận Thắng.
Kỹ từ đội hình xuất phát
Ông Park Hang-seo đã thực sự rất kỹ khi chọn lựa đội hình xuất phát. Sử dụng cả Tiến Linh và Hà Đức Chinh ngay từ đầu, chứng tỏ ông đã cân nhắc phương án tốt nhất trước đối thủ ông biết thừa là không khó khăn như Thái Lan, Indonesia hay Singapore.
Tiến Linh - Đức Chinh được lựa chọn từ kiểm nghiệm qua những lần thay người ở các trận trước đó. Và lựa chọn ấy là kỹ thực sự khi ông Park chỉ mang theo đúng hai tiền đạo đến SEA Games. Chính vì kỹ, ông mới tung tất tay hàng công của mình thay vì dưỡng sức cho trận chung kết mục tiêu.
Lựa chọn kỹ lưỡng này đã cho kết quả ngay lập tức. Pha mở tỷ số của Tiến Linh rất đẹp. Nó đẹp từ cú tạt chuẩn xác của Đức Chinh cho tới cú đánh đầu hiểm của Tiến Linh.
Nếu nhìn vào cái cách mà cầu thủ phòng ngự Campuchia đối diện Đức Chinh ở tình huống ấy, chúng ta sẽ thấy Campuchia còn non nớt như thế nào. Nếu đối thủ là Indonesia, Thái Lan hay Myanmar, chắc chắn Chinh không có khoảng không và thời gian đủ để căn thước ngắm cho đường tạt bóng đó.
Đức Chinh tỏa sáng khi được ông Park xếp đá chính. Ảnh: Thuận Thắng.
Cái đáng ngợi khen nhất của cặp Tiến Linh - Đức Chinh chính là khả năng khai thác cực tốt khu vực giao tuyến (between the lines - khu vực giữa hàng hậu vệ và tiền vệ) của Campuchia. Việc Chinh chơi rộng, chịu lùi sâu trong khi Tiến Linh chủ động di chuyển đa điểm ở khu vực giao tuyến đã khiến hệ thống phòng ngự Campuchia gặp nhiều khó khăn.
Điển hình của khó khăn ấy chính là pha bóng Tiến Linh nhận bóng từ Đức Chinh và băng xuống dứt điểm không thành công ở sau tình huống mở tỷ số. Khi một mũi nhọn xuất phát từ giao tuyến, tiền đạo ấy sẽ có không gian trước mặt mở rộng hơn với nhiều hướng lựa chọn và khiến hàng thủ đối phương phải bất ngờ.
Cái kỹ thứ hai của Park Hang-seo chính là việc chọn Đức Chiến vào chơi ở trung tâm hàng tiền vệ ngay từ đầu. Trong bóng đá hiện đại, sự hoán đổi vị trí giữa các cầu thủ số 6 - số 8 và số 10 là rất quan trọng và do đó thường các tiền vệ trung tâm hiện đại được yêu cầu phải chơi đa năng. Đức Chiến, với sở trường là trung vệ, đã được Park Hang-seo chọn chơi ở vị trí số 6 đơn thuần.
Thử nghiệm phát huy hiệu quả
Với chốt chặn mang tên Đức Chiến, trung tâm hàng tiền vệ U22 Việt Nam có nhiều lúc chơi kiểu 2 số 6 bên cạnh 1 số 8. Cũng nhờ có Đức Chiến, Hùng Dũng và Hoàng Đức có thể hoán đổi cho nhau nhiều hơn. Đặc biệt là Hùng Dũng. Anh chơi đúng kiểu "lên 8 về 6" và nếu nói vui, Dũng chơi 1 trận đúng kiểu Matuidi thi đấu trong đội hình tuyển Pháp.
Đức Chiến đá tiền vệ phòng ngự là sự thử nghiệm thành công của ông Park.
Với hàng tiền vệ như thế, ông Park kỹ hơn nữa khi trận này ông không để Trọng Hoàng và Thanh Thịnh dâng cao tham gia tấn công. Vai trò của họ chỉ là hỗ trợ đơn thuần. Lựa chọn này xuất phát từ việc ông Park đọc bài Campuchia thường xuyên khai thác cơ hội từ hai biên. Và khi Trọng Hoàng, Thanh Thịnh hạn chế dâng cao hơn, hai hàng lang đã bị khóa chặt. Campuchia hoàn toàn không có cơ hội nào cũng vì thế.
Cái kỹ đáng nói nhất là việc ông Park rút hàng loạt trụ cột như Tiến Linh, Hoàng Đức và Hùng Dũng ra sân. Không phải ông chủ quan vì tỷ số 3-0 sau hiệp một. Cũng không phải ông chỉ muốn dưỡng sức cầu thủ cho trận chung kết đơn thuần.
Ông muốn mượn chính trận cầu mà U22 Việt Nam đã áp đảo về thế trận và tỷ số để thực chiến thử nghiệm hệ thống phòng ngự nhiều lớp chắc chắn và biết làm chủ nhịp độ trận đấu.
Và những thử nghiệm ấy đã vận hành nhuần nhuyễn. Việc xoay chuyển về sơ đồ 5-4-1 ở phần lớn của hiệp 2 đã trình diện một U22 Việt Nam chơi khoan thai và chắc chắn khi đã có tỷ số lợi thế nhưng vẫn có những cơ hội có thể ăn bàn.
Sự kỹ lưỡng của ông Park sẽ giúp Việt Nam giành huy chương vàng?
Và dẫu Campuchia không ở đẳng cấp với U22 Việt Nam, nhưng phải khẳng định đây chính là trận mà U22 Việt Nam chơi hay nhất từ đầu mùa SEA Games đến nay.
Bây giờ chỉ còn chung kết nữa là giấc mơ vàng SEA Games của bóng đá nam Việt Nam sẽ toại nguyện. Và ở trận chung kết ấy, Park Hang-seo sẽ càng phải kỹ hơn nữa. Indonesia không phải Campuchia và bản thân họ vẫn chưa tâm phục khẩu phục sau trận thua ở vòng bảng.
Cũng chính trận thắng ấy sẽ đòi hỏi chúng ta càng phải kỹ hơn, đặc biệt là kỹ với chính mình để sự chủ quan không được phép tồn tại.
Theo Zing
HLV Park Hang-seo: 'Việt Nam sẽ chơi trận chung kết cho giấc mơ vàng SEA Games' Sau khi hạ Campuchia 4-0 ở bán kết, U.22 Việt Nam đã giành chiếc vé chơi trận chung kết SEA Games 30 với Indonesia ngày 10.12 Phát biểu sau trận thắng, HLV Park Hang-seo đã cho biết ông rất hài lòng và cảm ơn các học trò của mình đã chơi trận tưng bừng này để vào chung kết, tiến gần hơn chiếc...