AEM-54: Thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và các đối tác
Trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 54 ( AEM-54) và các hội nghị liên quan đang diễn ra tại tỉnh Siem Reap ( Campuchia) trong hai ngày 17 – 18/9, các hội nghị tham vấn cấp Bộ trưởng Kinh tế giữa ASEAN với các đối tác còn lại đã lần lượt diễn ra với sự tham dự của Bộ trưởng Kinh tế 10 nước thành viên ASEAN và từng đối tác.
Ông Pan Sorasak, Bộ trưởng Bộ Thương mại Campuchia, Chủ tịch AEM-54, chủ trì Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN – EU, sáng 18/9.
Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, trong ngày làm việc cuối cùng của Hội nghị AEM-54 và các hội nghị liên quan diễn ra hội nghị tham vấn cấp Bộ trưởng Kinh tế giữa ASEAN và các đối tác Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Vương quốc Anh, Australia và New Zeland.
Tại hội nghị tham vấn Bộ trưởng Kinh tế ASEAN – Mỹ, các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và đại diện thương mại Mỹ ghi nhận tình hình triển khai các hoạt động hợp tác kinh tế giữa ASEAN và Mỹ trong khuôn khổ Thỏa thuận khung thương mại và đầu tư ASEAN – Mỹ (TIFA) và Sáng kiến hợp tác kinh tế mở rộng (E3) giai đoạn 2021-2022, cũng như các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật của Mỹ trong các chương trình kết nối ASEAN-Mỹ, Tăng trưởng bao trùm ở ASEAN thông qua Đổi mới, Thương mại và Thương mại điện tử (IGNITE). Hội nghị cũng đã thông qua Chương trình làm việc Thỏa thuận TIFA và Sáng kiến E3 giai đoạn 2022-2023.
Với tư cách là đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ trong khu vực, Việt Nam ủng hộ và đóng góp tích cực vào việc triển khai các sáng kiến đã được ASEAN và Mỹ thống nhất. Việt Nam cũng kêu gọi Mỹ hợp tác mạnh mẽ hơn nữa trong một số lĩnh vực mà ASEAN và Mỹ cùng có tiềm năng như chuyển đổi năng lượng, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số…
Tại Hội nghị tham vấn giữa Bộ trưởng Kinh tế ASEAN và EU, các Bộ trưởng đã trao đổi về khả năng triển khai các hoạt động hợp tác trong các lĩnh vực hai bên cùng có lợi ích như liên kết chuỗi cung ứng, thương mại điện tử, công nghệ xanh, dịch vụ xanh… Các bộ trưởng cũng thông qua Chương trình làm việc về thương mại và đầu tư giai đoạn 2022-2023.
Đây là chương trình mang tính tham vọng, thể hiện mong muốn tăng cường hợp tác giữa ASEAN với EU trong bối cảnh quốc tế có nhiều diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho kinh tế hai bên. Tuy nhiên, nhu cầu hợp tác trong các lĩnh vực như thương mại, đầu tư, chống biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng… đang đòi hỏi các bên phải tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác.
Hướng đến chào mừng kỷ niệm 50 năm Quan hệ hợp tác hữu nghị ASEAN – Nhật Bản vào năm 2023, các Bộ trưởng ASEAN và Nhật Bản đã rà soát kỹ lưỡng tình hình thực thi Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản (AJCEP), cũng như việc triển khai các hoạt động hợp tác kinh tế ASEAN – Nhật Bản trong các khuôn khổ như Kế hoạch hành động phục hồi kinh tế ASEAN – Nhật Bản, Lộ trình 10 năm Hợp tác đối tác kinh tế chiến lược ASEAN – Nhật Bản…; đồng thời thảo luận về các đề xuất mới của Nhật Bản cho năm 2023 như Kế hoạch hành động hướng tới Mô hình tương lai và Kế hoạch hành động cho Quan hệ đối tác kinh tế ASEAN – Nhật Bản sáng tạo và bền vững, cũng như Dự án Tầm nhìn đồng sáng tạo kinh tế ASEAN – Nhật Bản.
Video đang HOT
Tại Hội nghị tham vấn Bộ trưởng kinh tế ASEAN – Australia – New Zealand, các Bộ trưởng tập trung trao đổi về tình hình đàm phán nâng cấp Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Australia – New Zealand (AANZFTA) nhằm đảm bảo Hiệp định này sau khi được nâng cấp sẽ tiếp tục có ý nghĩa và tạo giá trị gia tăng đối với quan hệ thương mại, đầu tư và kinh doanh giữa các bên.
Các Bộ trưởng thống nhất sẽ nỗ lực hết sức để kết thúc cơ bản đàm phán nâng cấp Hiệp định trong năm 2022 do đây là một trong những sáng kiến ưu tiên hợp tác kinh tế của Campuchia trong năm Chủ tịch ASEAN 2022. Bên cạnh đó, các Bộ trưởng cũng ghi nhận tình hình triển khai Chương trình hỗ trợ hợp tác kinh tế trong Hiệp định AANZFTA.
Tham gia thảo luận tại các hội nghị trên, Việt Nam đã tích cực đóng góp ý kiến về định hướng hợp tác kinh tế giữa ASEAN với Australia – New Zealand trong thời gian tới nhằm mục tiêu đạt được những lợi ích thiết thực cho Việt Nam nói riêng và ASEAN nói chung.
Về vấn đề nâng cấp Hiệp định AANZFTA, Việt Nam nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tập trung nâng cấp các nội dung đem lại giá trị gia tăng thực tế cho tất cả các bên, giúp củng cố chuỗi cung ứng khu vực, góp phần phục hồi kinh tế hậu đại dịch COVID-19 và thúc đẩy phát triển bền vững.
Trong khuôn khổ các hội nghị trên, các Bộ trưởng đã dành thời gian trao đổi với các đại diện Hội đồng Kinh doanh ASEAN – Nhật Bản (AJBC), Hội đồng Kinh doanh ASEAN – EU (EUABC), Hội đồng Kinh doanh ASEAN – Vương quốc Anh (UKABC), Hội đồng Kinh doanh ASEAN – Mỹ (USABC), Phòng Thương mại Australia, Hội đồng Kinh doanh ASEAN – New Zeland, thảo luận về các hoạt động hợp tác liên quan, cũng như khuyến nghị của cộng đồng doanh nghiệp nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư trong khu vực, hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Trước đó, ngày 17/9, Hội nghị Bộ trưởng Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và các hội nghị tham vấn cấp Bộ trưởng Kinh tế giữa ASEAN và các đối tác Trung Quốc, Canada, 3 nước Đông Bắc Á và Hong Kong (Trung Quốc) đã lần lượt diễn ra.
Quang cảnh Hội nghị Bộ trưởng kinh tế ASEAN – EU, sáng 18/9.
Tại Hội nghị RCEP, Bộ trưởng các nước ASEAN và đối tác đã trao đổi về tình hình kinh tế khu vực và toàn cầu trong thời gian qua và dự báo tình hình năm 2023; chia sẻ thông tin, cập nhật tình hình triển khai các biện pháp phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, tình hình thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) hiện có giữa ASEAN và các đối tác như Hiệp định RCEP, Khu vực mậu dịch tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA), Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định đầu tư giữa ASEAN và Hong Kong – Trung Quốc (AHKFTA và AHKIA) và tiến độ đàm phán Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Canada (ACAFTA).
Kể từ khi Hiệp định RCEP có hiệu lực vào ngày 1/1/2022, đây là lần đầu tiên Bộ trưởng các nước tham gia Hiệp định RCEP cùng nhóm họp và trao đổi quan điểm về tình hình thực thi Hiệp định, phương hướng tận dụng hiệu quả các lợi ích của Hiệp định RCEP nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực.
Hội nghị hoan nghênh việc Indonesia hoàn thành việc phê chuẩn Hiệp định RCEP và thống nhất mục tiêu toàn bộ các nước hoàn thành quá trình phê chuẩn trước cuối năm nay, sớm đem lại lợi ích thiết thực cho người dân trong khu vực.
Trong thời gian tới, các nước cũng thống nhất các biện pháp nhằm thúc đẩy và tạo thuận lợi cho quá trình thực thi, đặc biệt là đem lại lợi ích thiết thực cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong khu vực.
Liên quan đến hợp tác ASEAN – Trung Quốc, các Bộ trưởng ASEAN và Trung Quốc đã nhất trí thông qua Tuyên bố chung cấp Bộ trưởng ASEAN – Trung Quốc về hợp tác phục hồi kinh tế hậu COVID-19 và Báo cáo Nghiên cứu khả thi về việc tăng cường Khu vực mậu dịch tự do ASEAN – Trung Quốc (ACFTA), nhằm đưa ra định hướng và phạm vi cho đàm phán nâng cấp Hiệp định ACFTA trong thời gian tới.
Với Canada, các Bộ trưởng ghi nhận tình hình thực hiện Kế hoạch triển khai Tuyên bố chung về thương mại và đầu tư ASEAN – Canada, tập trung vào các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ ở ASEAN phát triển, cũng như việc triển khai phiên đàm phán đầu tiên Hiệp định thương mại tự do ASEAN – Canada trong tháng 8 vừa qua.
Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN với các nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc (ASEAN 3) đã ghi nhận và hoan nghênh những tiến bộ đạt được trong việc thực hiện Kế hoạch hành động ASEAN 3 về giảm thiểu tác động kinh tế của đại dịch COVID-19 cũng như Chương trình làm việc về hợp tác kinh tế ASEAN 3 năm 2021-2022.
Trên cơ sở đó, các Bộ trưởng đã thông qua Chương trình làm việc về Hợp tác kinh tế giai đoạn 2023 – 2024 và khuyến khích các nước tăng cường hơn nữa hợp tác để cải thiện dòng chảy thương mại và đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, tiếp cận chuyển đổi kỹ thuật số, tạo thuận lợi thương mại, kết nối chuỗi cung ứng…
Với Hong Kong (Trung Quốc), các Bộ trưởng ghi nhận quan tâm của Hong Kong (Trung Quốc) đến Hiệp định RCEP và thông báo Ủy ban hỗn hợp thực hiện Hiệp định RCEP sẽ thảo luận vấn đề này khi điều khoản gia nhập Hiệp định RCEP có hiệu lực trong thời gian tới.
Ngoài ra, trong khuôn khổ các hội nghị trên, các Bộ trưởng đã dành thời gian trao đổi với Hội đồng kinh doanh Đông Á (EABC), trao đổi về các hoạt động hợp tác liên quan, cũng như khuyến nghị của Hội đồng kinh doanh nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư trong khu vực, hỗ trợ phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Các hội nghị trên đã kết thúc chuỗi hoạt động trong tuần làm việc bận rộn với các gặp song phương, đa phương, trong khuôn khổ Hội nghị AEM-54 và các hội nghị liên quan, diễn ra từ ngày 11 – 18/9 vừa qua.
Trung Quốc sẵn sàng hợp tác cùng ASEAN khôi phục sau đại dịch COVID-19
Trung Quốc ngày 16/9 tuyên bố sẵn sàng tăng cường hợp tác với các nước thành viên Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhằm đẩy nhanh tiến trình phục hồi sau đại dịch COVID-19, trong đó có việc đào tạo 1.000 nhân viên kỹ thuật, chính sách, chuyên gia trong lĩnh vực y tế cho các nước thành viên ASEAN.
Một điểm tiêm vaccine ngừa COVID-19 ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Jakarta, phát biểu tại Diễn đàn Trung Quốc - ASEAN về vấn đề sức khỏe, Phó Giám đốc Ủy ban Y tế Quốc gia của Trung Quốc (NHC), ông Cao Xuetao cho biết Trung Quốc muốn đẩy nhanh ký kết Bản ghi nhớ về hợp tác y tế với các nước ASEAN và tăng cường hợp tác trong cuộc chiến chống COVID-19 nhằm thúc đẩy sự phục hồi của khu vực sau đại dịch.
Trong khi đó, nhiều dự án hợp tác thiết thực trong lĩnh vực sức khỏe bà mẹ và trẻ em, y học cổ truyền và sức khỏe nghề nghiệp cũng nằm trong chương trình nghị sự. Trong 3 năm tới, Trung Quốc có kế hoạch đào tạo 1.000 nhân viên chính sách y tế và chuyên môn kỹ thuật cho các nước thành viên ASEAN.
Theo ông Cao Xuetao, hợp tác y tế là một trong những điểm nhấn quan trọng trong hợp tác Trung Quốc - ASEAN. Cả hai đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng các nền tảng hợp tác y tế, chung tay chống COVID-19 và quảng bá các loại dược phẩm truyền thống. Trung Quốc sẵn sàng tiếp tục hợp tác với các nước ASEAN để tận dụng tốt hơn các cơ chế và nền tảng hợp tác khu vực.
Ông Cao Xuetao cho rằng cần thúc đẩy hợp tác giữa hai bên để đối phó với những vấn đề về sức khỏe cộng đồng, trong đó nhấn mạnh tính liên kết chặt chẽ giữa Kế hoạch sức khỏe Trung Quốc đến năm 2030 và Chương trình nghị sự về Phát triển y tế ASEAN sau năm 2015. Để đối phó tốt hơn với các cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng, các quốc gia tiến hành đầu tư nhiều hơn và tối ưu hóa các cơ chế ứng phó.
Khi đại dịch COVID-19 hoành hành khắp thế giới vào năm 2021, lãnh đạo các nước ASEAN và Trung Quốc đã cùng hợp tác xây dựng "lá chắn y tế" cho khu vực. Trung Quốc đã cam kết hỗ trợ 150 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 cho các nước ASEAN, đồng thời hỗ trợ 5 triệu USD cho Quỹ ứng phó COVID-19 của ASEAN. Trung Quốc cũng sẽ đẩy mạnh sản xuất vaccine chung và chuyển giao công nghệ, bên cạnh hợp tác nghiên cứu và phát triển các loại thuốc thiết yếu, để giúp ASEAN tăng cường khả năng tự cường.
Tín hiệu từ hai chuyến thăm nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Philippines Chỉ 2 tháng sau khi tuyên thệ nhậm chức, Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. đã có chuyến công du nước ngoài đầu tiên tới 2 nước ASEAN là Indonesia và Singapore. Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. Ảnh: AFP/TTXVN Tiếp nối truyền thống từ năm 1986 của tất cả các tổng thống Philippines, Tổng thống Marcos đã chọn các nước láng giềng...