ADB ưu tiên hỗ trợ các nước ‘dễ tổn thương’ trong chiến lược mới
Ngân hàng sẽ áp dụng những cách tiếp cận khác biệt để đáp ứng nhu cầu đa dạng của các nhóm quốc gia khác nhau tại châu Á – Thái Bình Dương trong chiến lược mới.
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã phê duyệt chiến lược tổng thể dài hạn mới trong đó xác định tầm nhìn chung của tổ chức và sự đáp ứng chiến lược trước các nhu cầu đang thay đổi của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, theo thông cáo của ngân hàng ngày 26/7.
“Chiến lược 2030″ thừa nhận rằng chương trình nghị sự phát triển toàn cầu cần phải được xây dựng phù hợp với những bối cảnh cụ thể của địa phương. ADB sẽ áp dụng những cách tiếp cận khác biệt để đáp ứng nhu cầu đa dạng của các nhóm quốc gia khác nhau, trong đó sẽ tiếp tục ưu tiên hỗ trợ cho các nước nghèo nhất và dễ tổn thương nhất khu vực.
Chủ tịch ADB Takehiko Nakao. Ảnh: AFP.
Chủ tịch ADB Takehiko Nakao cho rằng châu Á – Thái Bình Dương đã đạt được những tiến bộ vượt bậc về giảm nghèo và tăng trưởng kinh tế trong một nửa thế kỷ qua, song vẫn còn những chương trình nghị sự phát triển chưa hoàn thành.
Video đang HOT
“Trong Chiến lược 2030, chúng tôi sẽ kết hợp tài chính, tri thức và quan hệ đối tác để duy trì nỗ lực của mình nhằm xóa bỏ tình trạng nghèo khổ cùng cực và mở rộng tầm nhìn hướng tới một khu vực thịnh vượng, đồng đều, thích ứng và bền vững”, ông nói.
Thông cáo cũng cho biết các mục tiêu của ADB trong hơn 10 năm tới phù hợp với những cam kết toàn cầu chủ chốt, như Các Mục tiêu Phát triển bền vững, Tài chính cho Chương trình nghị sự phát triển, Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu và Khung hành động Sendai về giảm thiểu rủi ro thiên tai.
Để hỗ trợ 7 ưu tiên hoạt động trong Chiến lược 2030, ADB sẽ mở rộng và đa dạng hóa các nghiệp vụ khu vực tư nhân nhằm đạt chỉ tiêu chiếm 1/3 tổng số các hoạt động vào năm 2024.
Được thành lập năm 1966, ADB thuộc sở hữu của 67 thành viên, trong đó có 48 thành viên trong khu vực. Năm 2017, tổng giá trị các hoạt động của ADB đạt 32,2 tỷ USD, bao gồm 11,9 tỷ USD đồng tài trợ.
Theo Zing.vn
"Ngoại giao bẫy nợ" của Trung Quốc tại châu Á - Thái Bình Dương
Các học giả người Mỹ đã cảnh báo viễn cảnh Trung Quốc sẽ biến các khoản cho vay khó có khả năng hoàn trả thành đòn bẩy nhằm gia tăng sức ảnh hưởng về mặt quân sự và chính trị đối với ít nhất 16 quốc gia "dễ tổn thương" trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương.
Cảng nước sâu Hambantota của Sri Lanka, công trình nước này cho Trung Quốc thuê 99 năm nhằm đổi lại hơn 1 tỷ USD trả nợ cho Trung Quốc (Ảnh minh họa: AFP)
Sputnik ngày 16/5 đưa tin, nhóm nghiên cứu tại Đại học Harvard Kennedy (Mỹ) đã gửi lên Bộ Ngoại giao Mỹ một bản báo cáo trong đó mô tả về khái niệm "ngoại giao sổ nợ" mà Trung Quốc đang áp dụng đối với ít nhất 16 quốc gia trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương.
Báo cáo cho biết đây dường như là chiến lược của Trung Quốc khi cho các quốc gia này vay nhưng khoản tiền lớn và vượt ngoài sức chi trả của họ, sau đó dùng chính những món nợ này để giành thế chủ động trong tình hình chính trị và quân sự khu vực.
Các nhà quan sát đã lấy ví dụ 2 quốc gia Pakistan và Sri Lanka. Hồi cuối tháng 7 năm ngoái, chính phủ Sri Lanka đã ký thỏa thuận trị giá 1,12 tỷ USD cho phép một tập đoàn nhà nước Trung Quốc khai thác cảng nước sâu Hambantota trong vòng 99 năm. Số tiền này sẽ được dùng để trang trải khoản nợ 6 tỷ USD Sri Lanka vay Bắc Kinh trước đó. Các học giả lo ngại Sri Lanka có thể rơi vào "bẫy nợ" của Trung Quốc và cảng chiến lược nhìn ra Ấn Độ Dương có thể sẽ trở thành căn cứ hải quân của Bắc Kinh trong tương lai gần.
Ngoài ra, bản báo cáo còn nhắc tới một số nước như Papua New Guinea, Thái Lan, Campuchia, Lào và Philippines, cho rằng Trung Quốc dường như đang áp dụng chính sách tương tự lên các quốc gia này, nhằm tìm kiếm tiếng nói lớn hơn trong nền chính trị nội bộ, cũng như mong muốn có thể tác động tới "quyền phủ quyết" của các quốc gia này khi họ bàn bạc về vấn đề quan trọng trong các hiệp hội, liên minh khu vực.
Bản báo cáo đề xuất rằng Mỹ nên thực hiện các khoản đầu tư và quản lý nợ tốt hơn ở châu Á, cũng như thúc đẩy nhằm củng cố vai trò của Ấn Độ làm đối trọng với Trung Quốc trong khu vực.
Năm ngoái, Ấn Độ đã công khai chỉ trích sáng kiến "Vành đai, con đường" của Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh đang muốn mở rộng dự án bằng mọi giá và không để tâm tới các quốc gia tham gia dự án phải gánh chịu những khoản nợ khổng lồ, không có khả năng chi trả. Trung Quốc đã phản bác quan điểm này.
Trong khoảng 10 năm tính tới năm 2016, Trung Quốc đã cho các quốc gia khu vực Thái Bình Dương vay 2,2 tỷ USD. Dù các khoản tiền này được chuyển tới dưới danh nghĩa quà tặng, song tổ chức Lowy Institute (Australia) cho biết đây là những khoản vay ưu đãi hoặc vay với lãi suất thấp. Các chuyên gia cho rằng Trung Quốc sẽ buộc các quốc gia nhận tiền vay xây các công trình cơ sở hạ tầng và chọn thuê các nhà thầu của Bắc Kinh.
Đức Hoàng
Theo Dantri
Hội nghị Paris về Việt Nam - Hội nghị ngoại giao dài nhất trong lịch sử thế giới Hội nghị Paris là Hội nghị ngoại giao dài nhất trong lịch sử thế giới với đỉnh cao là việc ký kết Hiệp định Paris ngày 27/1/1973 chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Sau 45 năm, ý nghĩa và bài học của Hiệp định Paris còn nguyên giá trị với hoạt động ngoại giao nước nhà ngày nay....