ADB: Tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ vượt chỉ tiêu 13-15%
Tăng trưởng kinh tế dự kiến sẽ tăng tốc trong 6 tháng cuối năm 2015, trên cơ sở tiêu dùng cá nhân, sản xuất định hướng xuất khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục tăng.
Đây là căn cứ để Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế lên 6,5% cho năm 2015 và 6,6% cho năm 2016, theo Báo cáo “Cập nhật triển vọng phát triển châu Á” được ADB công bố hôm qua (22/9).
Ông Aaron Batten, Chuyên gia kinh tế của ADB phân tích, tiêu dùng cá nhân cải thiện nhờ lạm phát thấp, niềm tin của người tiêu dùng hồi phục và tiền lương trong khu vực phi nông nghiệp tăng lên. Một khảo sát thị trường lao động năm 2014 cho biết, mỗi năm, có 800.000 lao động rời khỏi ngành nông nghiệp có năng suất thấp để chuyển sang làm việc cho các DN có tiền lương cao hơn hoặc làm việc cho các ngành khác.
Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp vẫn tiếp tục thu hút các dòng vốn FDI lớn. Trong số 84,8 tỷ USD vốn FDI cam kết mới kể từ năm 2011 đến tháng 8 năm 2015, thì 70% là để mở rộng sản xuất, chủ yếu là sản xuất hàng xuất khẩu.
Giải ngân FDI tăng đến 8,5 tỷ USD trong 8 tháng năm 2015 so với cùng kỳ 2014. Giá trị xuất khẩu trung bình hàng tháng của các DN có vốn đầu tư nước ngoài tăng mạnh, từ gần 3 tỷ USD vào đầu năm 2010 lên 10 tỷ USD vào tháng 8/2015.
“Hiện nay, các DN đầu tư nước ngoài đang sản xuất khoảng 70% lượng hàng xuất khẩu, cao hơn so với tỷ lệ 50% ở thời điểm 5 năm trước đây. Các DN trong nước chỉ xuất khẩu từ 2-4 tỷ USD mỗi tháng, kể từ tháng 1/2010 trở lại đây”, ông Aaron Batten chia sẻ.
Báo cáo của ADB cho biết, tăng trưởng tín dụng trong năm nay dự báo sẽ vượt qua chỉ tiêu ban đầu 13 – 15% và tăng nhanh hơn trong năm 2016. Cầu tín dụng đang tăng và những báo cáo cải thiện tình hình nợ xấu và bảng cân đối kế toán của ngân hàng thương mại sẽ tạo điều kiện để tăng cường hoạt động cho vay. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng đã nới lỏng quy định cho các ngân hàng trong việc sử dụng nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay dài hạn…
Video đang HOT
Tuy nhiên, các chuyên gia của ADB cho rằng, những thách thức vẫn đang phía trước bởi nền kinh tế toàn cầu chưa ổn định với nền kinh tế của các đối tác thương mại và đầu tư lớn là Trung Quốc và Nhật Bản đang chậm lại. Thặng dư thương mại thu hẹp, nhập khẩu tăng cùng với doanh thu từ dầu thô giảm sẽ làm giảm thặng dư của cán cân vãng lai.
Bên cạnh đó, xu thế thời tiết El Nino trên khu vực Thái Bình Dương trong năm nay là một rủi ro đối với triển vọng kinh tế châu Á. Thời tiết khô hạn lan rộng có thể còn làm xấu hơn tình trạng hạn hán hiện nay vốn đã gây nhiều thiệt hại cho hoạt động sản xuất cà phê và lúa gạo và nếu kéo dài có thể làm cho tốc độ tăng trưởng trong ngành nông nghiệp tiếp tục giảm sút, đẩy giá lương thực tăng lên trong năm 2016.
Đặc biệt, những mối quan ngại về nợ công và trả nợ dự báo sẽ buộc Chính phủ phải kìm tốc độ tăng chi tiêu để giảm bội chi ngân sách, bắt đầu từ năm 2016. Khi đó, thách thức đối với Chính phủ sẽ là kiểm soát việc thắt chặt chi tiêu này theo lộ trình dần dần, tiên liệu được để tránh gây sốc cho đà đi lên của nền kinh tế.
Ông Eric Sidgwick, Giám đốc Quốc gia ADB nhận định, khi nợ công tăng, Chính phủ phải giảm chi tiêu, nhưng thực tế không giảm chi tiêu công mà giảm tốc độ tăng chi tiêu công, nghĩa là vẫn còn dư địa để tăng chi tiêu công… Do vậy, Chính phủ đúng đắn khi ưu tiên theo dõi nợ công, bởi tổng nợ công đã và đang tăng thời gian qua, nhưng nếu nhìn vào cơ cấu bao gồm nợ trong nước và nợ nước ngoài thì tỷ lệ nợ trong nước cao hơn nước ngoài.
“Điều quan trọng là phải nhìn vào cấu trúc nợ, xem bao nhiêu là ngắn hạn, dài hạn và ưu đãi, theo dõi và tìm giải pháp theo thời gian tái cấu trúc nợ công, giảm chi phí ít nhất cho Chính phủ”, ông Eric Sidgwick nhấn mạnh.
Một thách thức được chuyên gia kinh tế ADB, Aaron Batten nhấn mạnh, đó là, DN trong nước vẫn đang chật vật cạnh tranh trên thị trường toàn cầu và một trong những giải pháp là tăng cường cải cách DN Nhà nước và khu vực tài chính ngân hàng để gia tăng tính cạnh tranh quốc tế. Gần đây, Chính phủ Việt Nam đã ban hành chính sách nới lỏng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài đối với các công ty niêm yết trên TTCK nhằm tháo gỡ bất cập này, song các nhà đầu tư nước ngoài có thể vẫn chưa hào hứng, do còn quan ngại về vấn đề quản trị DN và minh bạch tài chính.
Nhuệ Mẫn
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Lãi suất cho vay khó giảm thêm
Tín dụng đang tăng nhanh, 8 tháng đầu năm đạt 10,23% so với mục tiêu cả năm khoảng 15 - 17%.
Lãi suất huy động ngắn hạn của các NHTM đã tăng 0,1 - 0,5%/năm trong 2 tuần đầu của tháng 9
Bài toán tỷ giá đã được hóa giải khi Fed giữ nguyên chính sách lãi suất thấp, nhưng câu chuyện lãi suất cao lại đang nóng lên khi ngân hàng tiếp tục tăng nhẹ chi phí đầu vào. Vì vậy, lãi suất cho vay khó giảm thêm, nhất là với vốn trung, dài hạn.
Tăng trưởng tín dụng đang là điểm sáng của nền kinh tế và được dự báo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian còn lại của năm khi các doanh nghiệp bước vào mùa kinh doanh cao điểm. Tuy nhiên, một nỗi lo đang khiến không ít doanh nghiệp phải suy tính khi lãi suất đầu vào của ngân hàng nhích lên, tạo mặt bằng mới. Theo nhiều chuyên gia tài chính, trước bối cảnh này, lãi suất cho vay khó kỳ vọng giảm sâu. Bài toán giảm lãi suất đang gặp trở ngại lớn khi tỷ giá tăng thời gian vừa qua.
Lãi suất huy động các ngân hàng cổ phần, nhất là ở những nhà băng quy mô nhỏ, đã nhích lên trong 2 tuần đầu của tháng 9, với các kỳ hạn ngắn điều chỉnh tăng 0,1 - 0,5%/năm. Saigonbank đã tăng thêm 0,1%/năm; VIB tăng từ 0,2 - 0,3%/năm; ABBank tăng lãi suất huy động các kỳ hạn ngắn thêm 0,2%/năm. Mức lãi suất cao nhất được áp dụng tại các kỳ hạn dài. Đơn cử tại SeABank, lãi suất kỳ hạn 12 tháng là 6,8%/năm; Viet Capital Bank là 7,4%/năm; VietA Bank cũng ở mức tương đương, nhưng dành cho khách hàng 45 tuổi trở lên.
Sở dĩ lãi suất huy động vốn tăng nhẹ, theo nhận định của các chuyên gia tài chính - tiền tệ, do áp lực huy động vốn cuối năm gia tăng khi nhu cầu tín dụng mùa cao điểm của doanh nghiệp cải thiện tích cực hơn. Vì thế, lãi suất cho vay ra khó có thể giảm dù cạnh tranh về thị phần tín dụng khá gay gắt và chính sách lãi suất thấp được xem là công cụ tốt để ngân hàng thu hút khách hàng.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, lãi suất tiết kiệm đang tăng nhẹ do các ngân hàng thương mại e ngại sẽ có một sự chuyển dịch dòng tiền từ tiết kiệm VND sang USD và các kênh đầu tư khác, nhất là với bất động sản. Vì thế, ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm để giữ chân khách hàng và thu hút nguồn tiền nhàn rỗi.
"Khi lãi suất huy động trong xu hướng tăng vào cuối năm thì lãi suất cho vay cũng khó giảm", TS. Hiếu nói.
Thực tế, huy động vốn của ngân hàng có dấu hiệu chững lại từ giữa năm 2015, trong khi tăng trưởng tín dụng lại cao hơn nhiều so với tỷ lệ tăng trưởng dư nợ tín dụng. Số liệu đưa ra từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, tính đến 20/8/2015, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng ước tăng 7,26% so với đầu năm (cùng kỳ năm 2014 tăng 7,92%).
Do vậy, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng, lãi suất cho vay sẽ khó giảm, vì tỷ lệ NIM (tỷ lệ thu nhập lãi thuần) của các ngân hàng hiện nay tương đối thấp, khoảng 2,5 - 2,7%. Nợ xấu vẫn đang ám ảnh ngân hàng, nên điều chỉnh lãi suất giảm khó.
Theo thông tin từ NHNN, hiện mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến với các lĩnh vực ưu tiên ở mức khoảng 6 - 7%/năm đối với kỳ hạn vay ngắn hạn. Các ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước tiếp tục áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên là 9 - 10%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh thông thường 6,8 - 9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3 - 11%/năm đối với trung và dài hạn.
Với mức lãi suất này, TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, ngân hàng cần thiết phải xem xét điều chỉnh giảm thêm lãi suất, nhất là đối với vốn trung, dài hạn (giảm khoảng 1%), mới khuyến khích doanh nghiệp tiếp cận vốn tái mở rộng đầu tư, sản xuất - kinh doanh. Tuy nhiên, theo TS. Lịch, để kỳ vọng lãi suất cho vay giảm sâu trong bối cảnh hiện nay không dễ, bởi lạm phát kiểm soát ở mức thấp, nhưng áp lực chi phí đầu vào khó giảm khi các kênh đầu tư khác có dấu hiệu ấm lên, nhất là bất động sản; nợ xấu đòi hỏi trích dự phòng cao...
Đồng quan điểm, một thành viên trong Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, lãi suất tiền gửi được các ngân hàng tăng nhẹ lên gần đây chỉ là một biến động nhỏ của thị trường khi tỷ giá VND/USD tăng lên. Mặt khác hiện nay, nhu cầu vay đang có xu hướng tăng, đặc biệt là trong các tháng cuối năm, nên lãi suất có phần tăng nhẹ và đó là yếu tố bình thường trong việc cung cầu vốn cho thị trường.
"Tuy nhiên, ngân hàng nên duy trì lãi suất tiền đồng 4 - 7%/năm, bảo đảm lãi suất cho vay phổ biến từ 6 - 10%/năm để không tăng thêm chi phí sản xuất của doanh nghiệp", vị chuyên gia trên khuyến nghị.
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
Vay ngân hàng như thế nào lợi nhất Vay từng lần hiện là phương thức phổ biến nhất, tuy nhiên khách hàng cần thoả thuận rõ ràng với ngân hàng để tránh bị phạt trước hạn hoặc những khoản phí khác. Anh Thanh Tâm, Trưởng phòng của một công ty viễn thông tại quận 10, TP HCM đang có nhu cầu vay 300 triệu đồng trong khoảng một năm để sửa...