ADB điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) vừa điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên mức 6.9% cho năm 2019 và 6.8% cho năm 2020.
Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) vừa điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam tăng từ mức 6.8% lên 6.9% cho năm 2019, và từ mức 6.7% lên 6.8% cho năm 2020.
Trước đó, trong ấn bản bổ sung cho báo cáo Cập nhật Triển vọng Phát triển Châu Á 2019 (ADOU2019) công bố vào cuối tháng 9 vừa qua, ADB đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế ở Châu Á đang phát triển trong năm nay và năm tới. ADB dự kiến GDP trong khu vực đạt 5,2% trong cả năm 2019 và 2020, giảm so với dự báo tăng trưởng đưa ra trước đó là 5,4% cho năm 2019 và 5,5% cho năm 2020.
ADB điều chỉnh tăng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam. (Ảnh minh họa)
Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, ông Yasuyuki Sawada, nhận định: “Mặc dù tốc độ tăng trưởng ở Châu Á đang phát triển vẫn vững vàng, song căng thẳng thương mại kéo dài đã ảnh hưởng tiêu cực tới khu vực và hiện đang là nguy cơ lớn nhất đối với triển vọng kinh tế trong dài hạn. Đầu tư trong nước cũng đang giảm sút ở rất nhiều quốc gia do niềm tin kinh doanh suy yếu. Mặt khác, lạm phát đang gia tăng trong bối cảnh giá lương thực cao hơn, do dịch tả lợn châu Phi khiến giá thịt lợn tăng lên đáng kể”.
ADB dự báo lạm phát ở mức 2,8% trong năm 2019 và 3,1% vào năm 2020, tăng so với con số dự báo hồi tháng 9 là 2,7% trong cả năm nay và năm sau.
Ở Đông Á, tăng trưởng của Trung Quốc hiện được dự kiến đạt 6,1% trong năm nay và 5,8% trong năm tới, do căng thẳng thương mại và tình trạng suy giảm hoạt động toàn cầu, kết hợp với nhu cầu nội địa suy yếu khi ngân sách của các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi giá thịt lợn đã tăng gần gấp đôi so với năm ngoái.
Tuy nhiên, ADB cho rằng tăng trưởng của Trung Quốc có thể bứt tốc nếu Hoa Kỳ và Trung Quốc đạt được một thỏa thuận về thương mại. Trong tháng 9, ADB dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc là 6,2% trong năm 2019 và 6,0% vào năm 2020.
Ở Nam Á, tăng trưởng của Ấn Độ hiện được dự báo đạt mức thấp hơn là 5,1% trong năm tài khóa 2019, do thua lỗ của một công ty tài chính phi ngân hàng lớn trong năm 2018 đã dẫn tới tâm lý e ngại rủi ro trong lĩnh vực tài chính và thắt chặt tín dụng. Đồng thời, tiêu dùng bị ảnh hưởng bởi tăng trưởng việc làm thấp và khó khăn ở khu vực nông thôn do mất mùa.
Video đang HOT
Tăng trưởng của Ấn Độ có thể lên tới 6,5% trong năm tài khóa 2020 với các chính sách hỗ trợ. Trong tháng 9, ADB đã dự báo mức tăng GDP của Ấn Độ là 6,5% trong năm 2019 và 7,2% vào năm 2020.
Tại Việt Nam, tăng trưởng GDP trong ba quý đầu năm 2019 đã đạt 7,0%, mức cao nhất so với cùng kỳ trong chín năm qua. Tiêu dùng cá nhân đã tăng 7,3%, trong khi đầu tư tăng 7,7% nhờ môi trường kinh doanh được cải thiện, niềm tin của các nhà đầu tư được duy trì và sự gia tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Với xung lực tăng trưởng mạnh mẽ ngoài dự kiến trong Quý 3 nhiều khả năng sẽ tiếp tục duy trì trong Quý 4 năm nay và năm sau, ADB dự báo tăng trưởng cho Việt Nam đã được điều chỉnh tăng từ 6,8% lên 6,9% trong năm 2019 và từ 6,7% lên 6,8% trong năm 2020./.
Theo Trần Ngọc/VOV.VN
Thận trọng với mảng tối thị trường
Triển vọng thị trường chứng khoán những tháng cuối năm nói chung đang được đánh giá khá tươi sáng, tuy vậy vẫn có những mảng màu tối mà nhà đầu tư cần thận trọng.
Thị trường vẫn có những mảng màu tối mà nhà đầu tư cần thận trọng.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), kết quả kinh doanh và triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp (DN) chính là nền tảng quan trọng nhất cho đà tăng của thị trường, nhất là trong bối cảnh nhà đầu tư có sự sàng lọc cổ phiếu để đầu tư so với trước kia.
Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của các DN niêm yết trong nửa đầu năm 2019 đã phát đi tín hiệu kém lạc quan hơn so với cùng kỳ, đặc biệt ở nhóm DN vốn hoá vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, nguy cơ bất ổn kinh tế toàn cầu đang tác động mạnh đến TTCK, nhất là các ngành phụ thuộc vào thương mại quốc tế.
Nhiều tín hiệu kém lạc quan
Quý IV thường là thời điểm mà các nhà đầu tư đặt nhiều kỳ vọng vào kết quả kinh doanh cả năm. Con số tăng trưởng trong kết quả lợi nhuận tại các DN được kỳ vọng sẽ tạo cú hích cho mặt bằng giá cổ phiếu, hấp dẫn được sự chú ý của dòng tiền.
Tuy nhiên, nền kinh tế chung năm 2019 được đánh giá là không thực sự thuận lợi trong bối cảnh thế giới biến động dẫn đến sự phân hoá mạnh trong kết quả kinh doanh của các nhóm ngành.
Nhóm ngân hàng, tài chính, bất động sản công nghiệp, bán lẻ... nhìn chung vẫn được dự báo tăng trưởng dù tốc độ có thể chậm lại. Trong khi đó, một số nhóm ngành được đánh giá sẽ có một kỳ kinh doanh khó khăn với lợi nhuận suy giảm so với năm trước do biến động của giá các nguyên vật liệu sản xuất, giá bán đầu ra, áp lực cạnh tranh..., như thuỷ sản, thép, cao su tự nhiên.
Điển hình như nhóm DN cao su thiên nhiên đang đối mặt với giá hợp đồng kỳ hạn cao su tự nhiên trên sàn Tokyo giảm hơn 16% trong quý III/2019, xuống dưới mức 160 JPY/kg.
Bên cạnh đó, giá mủ cao su đang giảm về vùng thấp nhất 5 năm cũng sẽ ảnh hưởng đáng kể đến lợi nhuận của DN trong ngành, nhất là các DN không có lợi thế về vườn cây cao su hay đất khu công nghiệp.
Với nhóm ngành thủy sản, Tổng cục Thuỷ sản mới đây cũng dự báo xuất khẩu 3 tháng cuối năm có thể khó đạt mức tăng trưởng cao như cùng kỳ năm 2018 do thuỷ sản Việt Nam phải chịu cạnh tranh gay gắt về giá cả và chất lượng.
Dự báo xuất khẩu tôm cả năm 2019 chỉ đạt khoảng 3,4 tỷ USD, giảm 4% so với năm 2018, xuất khẩu cá tra đạt 2,23 tỷ USD, giảm 3%.
Một yếu tố khác tạo sức ép lên giá cổ phiếu là xu hướng bán ròng của khối nhà đầu tư nước ngoài tại nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn thời gian qua như VRE (Vincom Retail), VHM (Vinhomes), MSN (Masan), HPG (Hoà Phát), STB (Sacombank)...
Kết quả kinh doanh không là tất cả
Theo một chuyên gia phân tích của Chứng khoán VietinBank, TTCK trong thời gian tới sẽ không có quá nhiều biến động khác biệt đáng chú ý, trong bối cảnh yếu tố rủi ro vĩ mô như thương chiến Mỹ - Trung vẫn còn là một ẩn số khó dự đoán và sự gia tăng lo ngại về các dấu hiệu suy thoái kinh tế toàn cầu đang dần hiện ra rõ ràng hơn.
Trong suốt nhiều tháng qua, thanh khoản trên thị trường suy giảm phản ánh dòng tiền thận trọng bởi thông tin hỗ trợ không nhiều, trong khi các tin tức tiêu cực lại có tác động lớn đến tâm lý thị trường chung.
Chuyên gia Chứng khoán VietinBank cho rằng có lẽ thị trường chỉ có thể trông chờ vào những thông tin vĩ mô khả quan cùng với báo cáo kết quả kinh doanh năm 2019 của các DN có triển vọng tích cực.
Tuy nhiên, ngay cả những nhóm ngành được đánh giá khả quan như ngân hàng thì vẫn là câu chuyện riêng biệt của từng nhà băng chứ không kỳ vọng vào sự lan toả rộng khắp toàn ngành. Nhóm bất động sản cũng có khả năng tăng trưởng lợi nhuận cao trong năm nay, nhưng rủi ro của ngành cũng đang hiện hữu.
Trên thực tế, việc kết quả kinh doanh của DN khởi sắc, giá cổ phiếu theo sóng là kịch bản bình thường nhất. Tuy nhiên, vẫn có những nghịch lý xảy ra khi kết quả kinh doanh tăng trưởng tốt nhưng giá cổ phiếu lại không tăng, thậm chí giảm giá và ngược lại.
Có thể lấy ví dụ về cổ phiếu CEO của CTCP Tập đoàn C.E.O (CEO Group). Sau khi CEO Group công bố kết quả kinh doanh nửa đầu năm với doanh thu tăng 140% và lợi nhuận sau thuế tăng 124%, giá của cổ phiếu này cũng không có sự chuyển biến, thậm chí có lúc còn xuyên thủng mệnh giá.
Hiện, cổ phiếu CEO chỉ giao dịch quanh vùng mệnh giá 10.000 đồng/cp, ghi nhận giảm 12,3% so với đầu năm 2019 (theo giá điều chỉnh), biến động trong biên độ nhỏ.
Tương tự, cổ phiếu DXG của CTCP Tập đoàn Đất Xanh (Đất Xanh Group) cũng đã có thời điểm liên tiếp giảm sâu về vùng giá 12.000 đồng/cp, bất chấp kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019 tăng trưởng mạnh cả về doanh thu và lợi nhuận.
Hiện, DXG đã hồi phục tạm thời về mức 16.700 đồng/cp nhưng vẫn giảm gần 11% so với đầu năm (theo giá đã điều chỉnh).
Cũng có diễn biến giá cổ phiếu trái chiều kết quả kinh doanh, cổ phiếu POW của PV Power đang rơi về vùng đáy của hơn một năm trở lại đây và đang giao dịch tại mức giá 12.850 đồng/ cp, giảm 18% kể từ đầu năm 2019.
Đà giảm của POW diễn ra trong bối cảnh kết quả kinh doanh của PV Power vẫn đạt mức tăng trưởng cao, cộng thêm sự hỗ trợ từ những thông tin tích cực của giá dầu.
Theo các chuyên gia, đồ thị lên - xuống của giá cổ phiếu phụ thuộc phần lớn vào kết quả kinh doanh, nhưng cũng chịu tác động không hề nhỏ từ thị trường, từ cung cầu của nhà đầu tư.
Theo Linh Đan/thoibaokinhdoanh.vn
Thị trường tài chính tiếp tục tăng trưởng trong 9 tháng đầu năm Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong 9 tháng đầu năm 2019, thị trường tài chính và dịch vụ tài chính có sự tăng trưởng về cả quy mô và chất lượng. Ảnh minh họa. Nguồn: internet Cụ thể, đối với thị trường chứng khoán, Bộ Tài chính đã chỉ đạo đẩy mạnh hoàn thiện các văn bản pháp luật về chứng...