‘Ác quỷ sàn catwalk’: Bữa đại tiệc hình ảnh và âm nhạc
Người ta chưa thể thỏa mãn với câu chuyện và nhân vật của “ The Neon Demon”. Nhưng phần hình ảnh và âm nhạc trong phim sẽ giữ chân khán giả cho đến tận phút chót.
Không cha, không mẹ, cô gái 16 tuổi Jesse ( Elle Fanning) một thân một mình đặt chân đến Los Angeles – thủ phủ của thời trang và điện ảnh nước Mỹ, để kiếm tìm ánh hào quang trên sàn diễn với tài sản duy nhất là vẻ đẹp trong trẻo, tự nhiên, đầy sức sống.
Vốn liếng nhan sắc ít ỏi ấy của Jesse hóa ra lại là món hàng khó tìm ở nơi uy lực dao kéo lấn át nét đẹp trời phú như Los Angeles. Chỉ bằng vài tấm hình do chàng nghệ sĩ nhiếp ảnh nghiệp dư Dean (Karl Glusman) chụp giúp, cô gái trẻ lập tức lọt vào mắt xanh của nhiều tên tuổi trong làng catwalk như nhà tuyển trạch khó tính Roberta Hoffman (Christina Hendricks) hay nhiếp ảnh gia Jack McCarther (Desmond Harrington).
The Neon Demon là bộ phim mới nhất đến từ đạo diễn Nicolas Winding Refn, tác giả của nhiều tác phẩm điện ảnh nổi tiếng như Drive (2011), Only God Forgives (2013)…
Trong những ngày đầu bỡ ngỡ, Jesse tìm thấy những người bạn đầu tiên ở mảnh đất xa lạ. Đó là Dean, là Ruby ( Jena Malone) – cô gái chuyên trang điểm cho cả người sống lẫn tử thi trong nhà xác.
Nhưng bên cạnh đó, thành công nhanh chóng còn đem đến cho cô người mẫu vô danh với bộ mặt non nớt những đối thủ đầu tiên. Đó là Gigi (Bella Heathcote) và Sarah (Abbey Lee), hai người mẫu từng trải, đi lên nhờ vẻ đẹp phẫu thuật thẩm mỹ.
Câu chuyện của cô gái trẻ Jesse cô độc giữa biết bao cám dỗ của ánh hào quang sàn diễn và những thù, hận, yêu, ghét đầy phức tạp trong giới catwalk là nội dung chính của The Neon Demon -bộ phim mới nhất đến từ đạo diễn Nicolas Winding Refn người Đan Mạch.
Cuộc đấu tranh giữa phần “con” và phần “người”
Là đạo diễn “chuyên trị” dòng phim tội ác và kịch tính, Nicolas Winding Refn tạo dựng tên tuổi ở Đan Mạch rồi sau đó là Hollywood với hàng loạt tác phẩm ấn tượng như bộ ba phim Pusher (1996-2005), Bronson (2008), hay Valhalla Rising (2009). Nhưng sự nghiệp của ông chỉ thực sự bùng nổ với Drive (2011) và Only God Forgives (2013), hai bộ phim được lựa chọn tranh giải Cành cọ vàng tại Liên hoan phim Cannes danh giá.
Với nội dung đơn giản nhưng chứa đựng đầy những khung hình biểu tượng, chất lượng hình ảnh ấn tượng thể hiện qua các gam màu đơn giản nhưng mạnh mẽ, tương phản, cùng chất ma mị ngập tràn của nhạc phim, cả Drive và Only God Forgives đã thổi làn gió mới vào việc khắc hoạ sự bạo lực trên màn ảnh, đồng thời giúp tên tuổi tài tử Ryan Gosling thêm nổi bật.
Giống như các bộ phim trước của Winding Refn, nội dung cốt lõi của The Neon Demonlà cuộc đấu tranh nội tâm âm ỉ bên trong các nhân vật, mà bạo lực có thể bùng phát bất cứ lúc nào.
Tuy không có sự xuất hiện của “chàng thơ” Gosling, The Neon Demonvẫn tiếp tục phong cách rất riêng từ hai bộ phim gần đây nhất của Nicolas Winding Refn, cộng thêm một chút gia vị của dòng phim rùng rợn. Thay thế cho thế giới tội ác của các băng đảng trong Drive hay Only God Forgives là thế giới thời trang Los Angeles hào nhoáng.
Nhưng cũng như đám người mẫu luôn bị ám ảnh bởi phẫu thuật thẩm mỹ, sự hào nhoáng bên ngoài không đủ để che đậy sự cằn cỗi đến cùng cực về mặt tâm hồn và nhân tính của những cá nhân sống trong thế giới đó. Không chỉ khiến người ta cảm thấy cô đơn vì thiếu vắng tình cảm chân thành, sự cằn cỗi ấy còn là điều kiện thuận lợi để mầm mống bạo lực bên trong mỗi con người nảy nở, chiếm nốt những phần tốt đẹp còn lại trong tâm hồn họ.
Video đang HOT
Nicolas Winding Refn là vậy. Các tác phẩm của ông luôn là cuộc đấu tranh giữa phần “con” và phần “người” bên trong các nhân vật. Đó là cuộc đấu tranh vừa âm ỉ bên trong tâm hồn, vừa phát tiết thông qua những hành động bạo lực bộc phát khiến người xem phải choáng váng.
Nhân vật phụ lấn át nhân vật chính
Vai diễn trung tâm Jesse trong The Neon Demon được giao cho Elle Fanning, ngôi sao trẻ của Hollywood. Là em gái của nữ diễn viên nhí nổi danh một thời Dakota Fanning, trong những năm gần đây, Elle luôn cố gắng thoát ra khỏi “cái bóng” của người chị với một số tác phẩm gây chú ý như Super 8 (2011), Maleficent (2014) hay Trumbo (2015).
Jena Malone tuy chỉ sắm vai phụ nhưng cô thậm chí còn lấn át ngôi sao Elle Fanning.
Tuy nhiên, cô lại chưa thực sự chứng tỏ được tài năng bản thân trong The Neon Demon, khi vẻ đẹp và diễn xuất mỏng manh của Elle Fanning không mang lại được cho nhân vật chính Jesse nét bí ẩn tương xứng với bối cảnh và không khí huyền ảo mà đạo diễn Nicolas Winding Refn đã dày công tạo dựng.
Thậm chí, Jesse của Elle Fanning còn có phần lép vế nếu so sánh với nhân vật phụ Ruby do Jena Malone thể hiện. Không có quá nhiều đất diễn, nhưng Malone đã kịp khoác lên vai diễn của mình một màn sương huyền ảo thông qua ngón tay cầm thuốc lá lả lơi, qua cử chỉ vồn vã nhưng vẫn ít nhiều ngượng ngùng, và đặc biệt là qua ánh mắt biết nói.
Bữa đại tiệc về hình ảnh và âm nhạc
Song, cũng cần phải thấy rằng Elle Fanning hay các diễn viên phụ như Bella Heathcote hay Abbey Lee khó lòng có thể thành công trong vai diễn của họ, khi mà đạo diễn Nicolas Winding Refn dường như đã tập trung tất cả những gì tinh tuý nhất cho bối cảnh và phần hình ảnh mang đầy tính ẩn dụ.
Do đó, phần xây dựng tuyến nhân vật không thực sự được nhà làm phim người Đan Mạch chăm chút như các tác phẩm trước của ông.
Tuyến nhân vật mỏng, cùng với phần nửa đầu phim mang tiết tấu chậm đã khiến The Neon Demon mất đi sự mạch lạc và nét duyên dáng rất riêng mà Winding Refn từng tạo ra trong Drive. Xuyên suốt tác phẩm mới, khán giả được chứng kiến rất nhiều mẩu chuyện và hình ảnh tuy chứa đựng đầy những thông điệp và hình ảnh ngầm vô cùng ấn tượng, nhưng tất cả lại thiếu đi chất kết nối cần thiết.
Phần hình ảnh và âm nhạc đầy ma quái vẫn giúp cho The Neon Demon là một trải nghiệm điện ảnh không thể bỏ qua đối với các tín đồ của bộ môn nghệ thuật thứ bảy.
Không vượt trội về mặt nhân vật và cốt truyện, nhưng The Neon Demonvẫn khiến người ta thêm một lần nữa phải ngả mũ trước khả năng sáng tạo của Nicolas Winding Refn trong việc xây dựng hình ảnh và không khí.
Với sự trợ giúp của nhà quay phim Natasha Braier người Argentina, Nicolas đã mang tới cho khán giả thế giới thời trang Los Angeles đầy cuốn hút với những bối cảnh tối giản, thanh lịch cả về màu sắc lẫn đường nét, nhưng cũng hết sức ma quái, mộng mị thông qua hàng loạt chi tiết siêu thực giàu tính biểu tượng.
Bổ sung tuyệt hảo cho “phần nhìn” của The Neon Demon là mảng nhạc phim xuất sắc đến từ Cliff Martinez – nhà soạn nhạc cho cả ba bộ phim gần đây nhất của Nicolas Winding Refn. Sử dụng rất nhiều âm thanh điện tử với nhịp điệu nhanh, dồn dập, vừa mang âm hưởng hiện đại, vừa gây tác động mạnh mẽ vào các giác quan người xem, ông đã góp công lớn trong việc tạo ra sức hấp dẫn cho bộ phim.
The Neon Demon (Ác quỷ sàn catwalk) đang được trình chiếu tại các rạp trên toàn quốc.
Zing.vn đánh giá: 3,5/5
Theo Zing
'Ác quỷ sàn catwalk' muốn hé lộ góc tối làng thời trang
Bộ phim mới của đạo diễn Nicolas Winding Refn gây tò mò dư luận kể từ khi ra mắt tại LHP Cannes bởi xoay quanh một trong những ngành giải trí tai tiếng bậc nhất: thời trang.
Với suy nghĩ "sắc đẹp không phải là tất cả, sắc đẹp là điều duy nhất", cô gái tỉnh lẻ Jesse (Elle Fanning) mang nhiều tham vọng khi đặt chân tới Los Angeles để bắt đầu giấc mơ làm người mẫu. Bằng nét đẹp thơ ngây, đầy sức sống, cô nhanh chóng lọt vào mắt xanh của những ông trùm trong ngành giải trí đầy khắc nghiệt.
Không mất quá nhiều thời gian, Jesse giành lấy vị trí mà ngay cả những người mẫu chuyên nghiệp lâu năm cũng phải mơ ước. Thành công chóng vánh khiến cô luôn bị đe dọa bởi những đối thủ ghen ghét. Họ tìm đủ mọi thủ đoạn để tước đi những gì Jesse đang có, nhưng bản thân cô gái tỉnh lẻ năm xưa cũng chẳng còn ngây thơ như thuở nào.
Lần đầu thử sức trong thể loại kinh dị
The Neon Demon thuộc thể loại tâm lý - kinh dị, và là tác phẩm mới nhất đến từ Nicolas Winding Refn - người từng thắng giải Đạo diễn xuất sắc tại Cannes 2011 với bộ phim hành động bạo lực Drive.
"Nhiều năm qua, tôi luôn hào hứng với việc làm ra một bộ phim về sắc đẹp, bởi xung quanh tôi có quá nhiều người đẹp", nhà làm phim 45 tuổi người Đan Mạch chia sẻ.
Sau Drive (2011) rất thành công và Only God Forgives (2013) gây tranh cãi lớn về mức độ bạo lực, Nicolas Winding Refn chuyển sang "tấn công" làng thời trang. Ảnh: Amazon Studios
Ông từng có cơ hội hợp tác với rất nhiều mỹ nhân khi thực hiện phim quảng cáo cho hàng loạt các thương hiệu thời trang hàng đầu thế giới. Winding Refn nhấn mạnh: "Quyền năng của cái đẹp ngày càng tăng và không bao giờ giảm xuống. Tuy nhiên, khi nhận ra tuổi thọ của cái đẹp chỉ có hạn, người ta sẽ ngày một ám ảnh tới mức cực đoan. Nó có thể dẫn đến những hành động điên rồ".
Sau khi thử sức ở nhiều thể loại phim khác nhau qua Bronson (2008),Valhalla Rising (2010), Drive (2011) hay Only God Forgives (2013), ông quyết định bắt tay thực hiện The Neon Demon với hai nhà biên kịch Polly Stenham và Mary Laws. Họ đều là phụ nữ, và Winding Refn tin tưởng rằng hai người sẽ tạo ra những nhân vật nữ giới cuốn hút, biến hóa khôn lường trên màn ảnh.
Dĩ nhiên, vai diễn quan trọng nhất bộ phim là Jesse, cô gái xuất thân từ thị trấn nhỏ ở Georgia cho tới lúc tỏa sáng tại Hollywood và dần mất đi kiểm soát bản thân.
Nicolas Winding Refn lựa chọn Elle Fanning, bởi "cô ấy là sự hòa quyện giữa hình ảnh của một ngôi sao cổ điển trong những bộ phim câm xưa cũ và một diễn viên hiện đại. Elle sở hữu khả năng diễn xuất tuyệt vời và cực kỳ thu hút trước ống kính máy quay".
Thành bại của The Neon Demon phụ thuộc rất nhiều vào nữ diễn viên chính Elle Fanning. Ảnh: Amazon Studios
Bên cạnh Elle Fanning, phim còn quy tụ một số ngôi sao khác như Jena Malone, Bella Heathcote, Abbey Lee, Christina Hendricks và đặc biệt là Keanu Reeves.
"Tôi và Keanu từng hợp tác với nhau cách đây 10 năm, nhưng dự án điện ảnh đó rốt cuộc không thể hoàn thành. Ngay khi nảy ra ý tưởng cho The Neon Demon, tôi đã nghĩ đến anh ấy và nhanh chóng nhận được sự đồng ý", Winding Refn thổ lộ.
Tái hiện cửa ngõ thế giới giải trí
Sau khi hoàn thành Only God Forgives tại Bangkok, Thái Lan, Nicolas Winding Refn muốn quay phim tại Tokyo, Nhật Bản, nhưng không được vợ đồng ý. Cô ấy bèn gợi ý cho ông thành phố Los Angeles và đặt câu chuyện liên quan tới làng thời trang tại đó không phải là lựa chọn tồi.
"Khi nhắc đến làng thời trang cao cấp, người ta hay nghĩ ngay tới New York hoặc Paris. Nhưng Los Angeles lại là nơi dẫn đầu về ngành giải trí. Đó là cửa ngõ của thế giới giải trí và nhiều lĩnh vực khác", nhà làm phim giải thích.
Một phần góc tối của làng thời trang được thể hiện qua câu chuyện lấy bối cảnh ở Los Angeles. Ảnh: Amazon Studios
Khi ghi hình The Neon Demon, Nicolas Winding Refn vẫn giữ nguyên lối làm việc trước đây: quay phim theo trình tự thời gian câu chuyện. "Tôi thích nỗi sợ hãi về khả năng không xem được đầy đủ bộ phim tiến triển ra sao cho đến tận cuối cùng. Như thế, mọi người phải luôn nỗ lực bởi tác phẩm lúc này trở thành tổng thể liên tục cần xử lý", ông nói.
Tại Liên hoan phim Cannes 2016, The Neon Demon có mặt trong danh sách các tác phẩm tranh giải Cành cọ vàng nhưng không được xướng tên chiến thắng. Tuy nhiên, đây cũng đã là tác phẩm thứ ba liên tiếp của Nicolas Winding Refn có vinh dự ấy, sau Drive và Only God Forgives.
Tại Việt Nam, phim khởi chiếu từ 8/7 dưới tựa đề Ác quỷ sàn catwalk.
Theo Zing
'Đi tìm Dory' tiếp tục thống trị phòng vé Bắc Mỹ Bom tấn hoạt hình của xưởng Pixar không khó khăn trong việc bảo vệ ngôi vương phòng vé Bắc Mỹ, bất chấp sự có mặt của "Independence Day: Resurgence" Có mặt tại 4.068 cụm rạp Bắc Mỹ từ 24/6, phần tiếp theo của bom tấnNgày độc lập lập tức thu về 41,6 triệu USD sau ba ngày. Thành tích này kém bộ phim...