Abe-Aquino cùng phản đối Trung Quốc
Mỹ kêu gọi Hàn Quốc lên tiếng phản đối yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc.
Ngày 4-6, Thủ tướng Shinzo Abe (phải) bắt tay Tổng thống Aquino sau khi hai bên ký Tuyên bố chung Nhật-Philippines về tăng cường quan hệ đối tác chiến lược. Ảnh: AP
Tại cuộc họp báo chung vào tối 4-6 ở Tokyo (Nhật) sau hội đàm với Tổng thống Philippines Benigno Aquino III, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe tuyên bố hai bên phản đối hành động đơn phương thay đổi nguyên trạng trên biển Đông.
Báo Philippines Star đưa tin Tổng thống Aquino nhấn mạnh Tuyên bố chung Nhật-Philippines về tăng cường quan hệ đối tác chiến lược hai bên vừa ký kết chỉ nhằm củng cố hòa bình, an ninh và thịnh vượng cho Philippines, Nhật và toàn khu vực.
Trong hội đàm, hai bên đã nhất trí sẽ bắt đầu đàm phán về vấn đề Nhật chuyển giao công nghệ và thiết bị quân sự cho Philippines. Nhật cũng cam kết sẽ hỗ trợ nâng cao năng lực của cảnh sát biển Philippines.
Hôm trước đó, phát biểu tại hội thảo do báo Nikkei (Nhật) tổ chức, Tổng thống Aquino đã so sánh chuyện Trung Quốc cải tạo đất trái phép ở biển Đông giống như âm mưu thôn tính các nước của Đức quốc xã trước Chiến tranh thế giới thứ hai.
Video đang HOT
Phản ứng trước phát biểu này, ngày 4-6, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã chụp mũ cho Philippines câu kết với các nước ngoài khu vực để bôi nhọ Trung Quốc vì lợi ích riêng của mình.
Bà đổ lỗi nguồn cơn dẫn đến tranh chấp ở biển Đông là Philippines dùng vũ lực chiếm một số đảo nhỏ trên biển Đông từ những năm 1990. Bà cảnh báo Philippines chấm dứt khiêu khích và quay trở lại con đường đàm phán và tham vấn.
Tại Philippines sáng 4-6, đảng đối lập Bayan Muna đã tổ chức biểu tình trước lãnh sự quán Trung Quốc ở Manila để yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hành động gây hấn.
Tổng Thư ký Renato Reyes Jr. nhấn mạnh: “Chúng tôi tìm kiếm giải pháp hòa bình nhưng chúng tôi không thụ động. Chúng tôi sẽ chống lại nếu bị tấn công”.
Đảng Bayan nêu rõ họ cũng không ủng hộ Mỹ can thiệp vào tranh chấp ở biển Đông. Ông Renato Reyes Jr. giải thích: “Chúng tôi không muốn bị kẹp giữa hai cường quốc lớn đang cố gắng chứng tỏ mình trong khu vực. Trung Quốc lẫn Mỹ đều cần tôn trọng chủ quyền của Philippines. Không ai ngoài Philippines sẽ bảo vệ lợi ích quốc gia bằng đường lối khôn ngoan nhất”.
Trong khi đó, hãng tin Yonhap (Hàn Quốc) đưa tin tại một cuộc hội thảo ở Washington hôm 3-6, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Daniel Russel đã kêu gọi Hàn Quốc cần lên tiếng phản đối yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở biển Đông nhằm thiết lập lại trật tự quốc tế.
Ông Daniel Russel ghi nhận cũng như Mỹ, Hàn Quốc không phải là một bên tranh chấp ở biển Đông và điều đó cho phép Seoul có lý do lên tiếng ủng hộ các nguyên tắc chung và luật pháp quốc tế.
Ngày 4-6, Thủ tướng Úc Tony Abbott đã tiếp tục cảnh báo Úc lấy làm tiếc về bất kỳ thay đổi đơn phương nào đối với hiện trạng ở biển Đông. Ông nói Úc tin rằng tranh chấp phải được giải quyết theo cách hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế. Trước đó, phát biểu trước Quốc hội Úc, nghị sĩ Peter Hendy khẳng định Trung Quốc không được phép áp đặt giải pháp trong vùng biển quốc tế tranh chấp (ám chỉ áp đặt vùng nhận dạng phòng không). Ông nhấn mạnh: “Không mơ hồ để nhận thấy các đảo nhân tạo là các tàu sân bay không thể chìm của Trung Quốc”. Ông nhận định các yếu tố dẫn đến xung đột Mỹ-Trung chưa nhiều nhưng nguy cơ xung đột khu vực có thể xảy ra. Tiêu điểm Philippines và Nhật cam kết hợp tác để thúc đẩy các nước phòng thủ chung theo cách có trách nhiệm… Chúng tôi tin rằng điều này có thể được thực hiện qua tìm kiếm các giải pháp đúng đắn và hòa bình đối với vấn đề tranh chấp lãnh thổ và các mối quan tâm về hàng hải bằng cách tôn trọng tính chất tối thượng của luật pháp, thiết lập môi trường an toàn và ổn định. Tổng thốngBENIGNO AQUINO III Úc sẽ làm những gì mà Úc có thể để duy trì tự do trên biển và trên không. Đó là lập trường từ lâu của chúng tôi và sẽ mãi mãi là như thế. Thủ tướng Úc TONY ABBOTT
QUÂN KHOA – TNL
Theo_PLO
Trung Quốc càng hung hãn, Mỹ càng giám sát biển Đông
Trung Quốc đang hoạt động cực kỳ cật lực nhưng trái phép trong vùng Biển Đông.Trong 18 tháng qua, Bắc Kinh đã có một chiến dịch xây dựng đảo trên 3 vùng đặc biệt tại khu vực, trong một nỗ lực rõ ràng nhằm để tạo ra chủ quyền lãnh thổ mới.
Theo hãng tin CNN, Trung Quốc đến nay đã xây dựng được 2.000 mẫu (hơn 8km2) diện tích lãnh thổ trên các đảo san hô và các mỏm đá - tương đương với diện tích của 1.500 sân bóng đá. Khi việc xây dựng này vẫn tiếp tục, mối đe dọa cho tự do hàng hải - bao gồm cả tự do hàng hải của Mỹ - cũng đang tăng lên. Ví dụ là dải đá ngầm Subi, một khu vực chìm dưới mặt biển cách bờ biển Trung Quốc khoảng chừng 660 mile (1062km) đã được biến đổi thành một hòn đảo nhân tạo khổng lồ, chứa được 1 đường băng 3000 mét có thể dùng cho cả chiếc máy bay quân sự lớn nhất.
Trong khi đó, vào 6 tuần qua, máy bay tuần tra biên giới của Phillipine và Mỹ đã bị cảnh báo phải tránh xa hòn đảo nhân tạo này, như thể Trung Quốc đang tuyên bố tạo lập một lãnh hải và không phận quốc gia mới.
Đô đốc Hải quân Mỹ Harry Harris đã bác bỏ những tuyên bố này, và cho rằng điều đó thật "lố bịch", trong khi Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter tuyên bố rằng Mỹ sẽ "Bay, lái tàu và hoạt động bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép".
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter trong bài phát biểu "Mỹ và an ninh của châu Á - Thái Bình Dương" tại Đối thoại Shangri-la, ngày 30-5-2015
"Mỹ và mọi người trong khu vực đều có vai trò trong việc này" vì "đây là vấn đề về quyền tự do hàng hải, tự do trên biển, tự do không chịu sự áp bức, tôn trọng các quá trình hòa bình và hợp pháp," Bộ trưởng Carter nói khi ông đang trên đường tới Singapore dự hội nghị an ninh Đối thoại Shangri-La. "Và đó là vai trò lâu đời của Mỹ, cũng như quyền tự do bay, tự do hàng hải." Luật pháp quốc tế cũng ủng hộ cho thái độ lên án của quan chức Mỹ về tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc. Theo Điều 121 của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), chỉ chấp nhận hình thành một lãnh hải chừng 12 hải lý với những đảo hoặc mỏm đá "hình thành tự nhiên" trên mặt nước khi triều cao - không có tính hợp pháp nào cho chủ quyền trên dãy đá ngầm hoặc đảo nhân tạo.
Mặc dù vậy, vào ngày 24-4, Trung Quốc đã chiếu đèn cảnh báo vào máy bay của Phillipines gần bãi đá ngầm Subi, buộc máy bay này phải rời khỏi cái gọi là "lãnh thổ" Trung Quốc.
Đá Chữ Thập trong vùng quần đảo Trường Sa
Tương tự, vào ngày 26-5, máy bay tuần tra biển của Hải quân Mỹ P-8A Poseidon cũng bị nhà chức trách Trung Quốc chỉ trích vì đã bay vào "vùng cảnh báo quân sự" quanh dải đá ngầm Subi, và bị yêu cầu 8 lần "nhanh chóng rời khỏi". Phản ứng với những động thái này, Bộ trưởng Carter lưu ý tại Singapore rằng "biến một dải đá ngầm thành sân bay cũng đơn giản là không lấy được quyền sở hữu lãnh thổ hoặc được phép ngăn cấm giao thông hàng không, hàng hải quốc tế." Ý kiến này cho thấy rằng hành động của Trung Quốc đang khiến mọi người tập trung chú ý vào tầm quan trọng của tự do hàng hải, lần đầu tiên trong nhiều năm nay. Mỹ đã và sẽ tiếp tục phản ứng với tất cả điều này. Khởi đầu, quân đội Mỹ liên tục thách thức "đường 9 đoạn" của Trung Quốc "nuốt" trên 90% diện tích Biển Đông. Tàu chiến và máy bay quân sự của Hạm đội 7 đã luôn thường lệ có mặt ở Biển Đông. Thứ hai, quân đội Mỹ đã thách thức tuyên bố bất hợp pháp của Trung Quốc hạn chế các hoạt động quân sự trong vùng đặc quyền kinh tế cách đảo 200 hải lý theo điều 121. Tiếp đến, Mỹ nên thách thức rõ ràng với tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trong lãnh hải 12 hải lý quanh những dãy đá ngầm. Theo điều luật quốc tế, xây dựng đảo nhân tạo không tạo nên chủ quyền với vùng biển lân cận, và Mỹ cần làm rõ rằng họ không tôn trọng tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên không phận và hải phận quốc tế. Như Bộ trưởng Carter đã nói: "12 dặm hải lý không liên quan đến các vùng đảo ngầm dưới nước và vùng hiện tại không còn là đảo ngầm." Với quan điểm này, các chuyến bay và tàu chiến tuần tra của Mỹ trong khu vực bác bỏ khẳng định chủ quyền của Trung Quốc với các địa điểm đặc biệt. Theo hãng tin CNN, ngay cả nếu Đá Chữ Thập (thuộc chủ quyền Việt Nam) là một bãi đá thực sự tạo nên lãnh hải 12 hải lý, Trung Quốc vẫn thiếu danh phận hợp pháp với vùng này khi dùng vũ lực chiếm cứ. Cho đến khi tranh chấp lãnh thổ được giải quyết, Mỹ sẽ không bị ràng buộc phải tuân thủ bất cứ lãnh hải nào được "tạo ra" trong vùng đất tự nhiên mà Trung Quốc đã cảnh báo. Cuối tháng trước, phát ngôn viên của Nhà Trắng Steve Warren cho biết "các hoạt động tự do hàng hải" sẽ tiếp tục trong vùng Biển Đông, nhưng máy bay quân sự Mỹ sẽ không bay trực tiếp vào vùng Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên quần đảo Trường Sa. Nhưng thực sự Mỹ nên làm điều này. Điều này sẽ chặn đứng Trung Quốc, và có thể sẽ khiến Bắc Kinh phải tìm cách giải quyết thông qua các cuộc đàm phán đa phương theo khuôn khổ luật pháp quốc tế. Chúng ta vẫn phải chờ xem những hành động tiếp theo của Trung Quốc. Đó là lý do tại sao Mỹ nên đẩy mạnh chương trình hợp tác quân sự trong khu vực, bao gồm những nước then chốt như Ấn Độ, Nhật Bản và Úc. Đó là cách tốt nhất để chống lại các tuyên bố của Trung Quốc sau này - và bảo đảm tự do hàng hải trong vùng Biển Đông tương lai.
Bích Thảo
Theo_PLO
Ukraine dọa triển khai NMD: Nga đe tung đòn đáp trả đáng sợ nhất Đáp trả lại đe dọa của Kiev về việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa trên lãnh thổ Ukraine để chống lại "mối đe dọa từ Nga", Moscow đã đưa ra phương án đáp trả rất đáng sợ. Ukraine đe dọa triển khai NMD chống "mối đe dọa từ Nga" Trong một phát biểu ngày 20-5 tại Kiev, Thư ký Hội...