ABBANK: Lãi trước thuế 11 tháng đạt 1.107 tỷ đồng, hoàn thành 91% kế hoạch năm
Ngân hàng TMCP An Bình ( ABBANK) cho biết tính đến hết ngày 30/11/2019, ABBANK đạt 1.107 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, đạt 91% kế hoạch năm; tổng tài sản đạt 94.259 tỷ đồng, tăng 4.021 tỷ đồng so với đầu năm.
ABBANK: Lãi trước thuế 11 tháng đạt 1.107 tỷ đồng, hoàn thành 91% kế hoạch năm. (Ảnh minh họa)
Trong kỳ, ABBANK cũng đã hoàn thành 90% kế hoạch dư nợ tín dụng, đạt 55.221 tỷ đồng và hoàn thành 87% kế hoạch huy động, đạt 71.847 tỷ đồng. Các chỉ tiêu kinh doanh khác cũng đang ghi nhận sự tăng trưởng tích cực. Đặc biệt, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát tốt ở mức 1,8%.
Ông Phạm Duy Hiếu – Quyền Tổng giám đốc ABBANK cho biết: “Trong bốn mảng quan trọng của công nghệ tài chính ngân hàng bao gồm AI, Blockchain, Clouds và Data thì vài năm gần đây ABBANK đã sớm nhận thức và mạnh dạn đầu tư cho bước nền tảng căn bản nhất, đó là cải tiến và làm sạch hệ thống dữ liệu (Data). Việc này có vai trò quan trọng trong việc khẳng định sức cạnh tranh của mô hình kinh doanh và giúp cho ABBANK tạo tiền đề vững chắc cho các cuộc chạy đua phát triển ngân hàng số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn ngành”.
Được biết năm 2019, ABBank đặt kế hoạch tổng tài sản là 123.250 tỷ đồng, tăng 37% so với năm 2018. Dư nợ tín dụng đạt 63,030 tỷ đồng, tăng tương ứng 10%, trong đó cho vay khách hàng là 61.323 tỷ đồng, tăng 17%.
Video đang HOT
ABBank đề ra kế hoạch cho vay phải đi kèm với tăng thu phí và tiền gửi, ưu tiên tăng trưởng tín dụng ngắn hạn. Đối với trung dài hạn, hạn chế cho vay các dự án có thời gian dài, hạn mức cấp cho khách hàng phù hợp, hạn chế tập trung dự án lớn đối với một khách hàng hoặc nhóm khách hàng; phân tán rủi ro bằng hình thức mời gọi các ngân hàng góp vốn. Duy trì LDR của mảng doanh nghiệp ở mức 64%.
Chỉ tiêu huy động vốn dự kiến đạt 105.115 tỷ đồng, tăng 55%; tính riêng tiền gửi khách hàng là 101.605 tỷ đồng, tăng 58%, trong khi huy động từ tổ chức tài chính quốc tế chỉ là 3.510 tỷ đồng, suýt soát cùng kỳ.
Tổng thu nhập theo kế hoạch của ngân hàng đạt hơn 4.033 tỷ đồng, tăng 39%. Chi phí hoạt động kế hoạch gần 2.189 tỷ đồng, tăng 30%, trong đó chủ yếu tăng từ chi phí nhân viên nhằm đáp ứng nhu cầu tăng trưởng quy mô và chi phí tài sản tăng với sự đầu tư về công nghệ thông tin trong năm 2019.
Chi phí dự phòng rủi ro tín dụng và dự phòng trái phiếu VAMC kế hoạch là gần 645 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ thực hiện năm 2018. Do đó, kế hoạch lợi nhuận trước thuế ABBank đặt ra là 1.200 tỷ đồng, tăng 33% so với thực hiện năm 2018.
Về xử lý nợ, năm 2019, ABBank đặt mục tiêu thu hồi/xử lý được gần 817 tỷ đồng và kiểm soát tỷ lệ nợ xấu chính thức dưới 3%. Kế hoạch các chỉ số tài chính cũng được đề ra như ROE đạt 15,4%, ROA đạt 1,1%, hệ số CAR trên 9%.
Bảo Duy
Theo Vietnamfinance.vn
"Nội soi" các ngân hàng chưa lên sàn
Cho đến thời điểm hiện nay, mới có 18/31 ngân hàng thương mại đang niêm yết, đăng ký giao dịch trên các sàn chứng khoán HoSE, HNX và UPCoM. Liệu rằng "sức khỏe" các ngân hàng còn lại có đủ khi cứ "nấn ná" chưa chịu lên sàn?
OCB "rục rịch" kế hoạch lên sàn từ lâu nhưng vẫn chưa thực hiện được Ảnh: ST
Còn "nấn ná"
Với các nhà đầu tư, cổ phiếu ngành ngân hàng của Việt Nam vẫn rất hấp dẫn, nhiều cổ phiếu đóng vai trò dẫn dắt thị trường. Đặc biệt, trong những phiên cuối năm này, thị trường chứng khoán đang hồi phục về mức đỉnh nên sẽ là cơ hội để các ngân hàng niêm yết thu hút nhà đầu tư. Hơn nữa, trong bối cảnh các ngân hàng phải "chạy đua" để đáp ứng tiêu chuẩn về tỷ lệ an toàn vốn theo quy định thì lên sàn sẽ là giải pháp hữu hiệu để tăng vốn.
Tuy nhiên, nhiều ngân hàng vẫn còn chậm trễ với kế hoạch lên sàn chính thức. Tháng 7 vừa qua, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín trở thành ngân hàng thứ 18 giao dịch trên sàn chứng khoán với mã VBB trên sàn UPCoM. Như vậy, nếu xét trong cả năm 2019 thì chỉ có mỗi ngân hàng này thực hiện việc đăng ký giao dịch chính thức. Các ngân hàng còn lại vẫn đang trong giai đoạn hoặc là khởi động, hoặc là xin phép hoặc vẫn chưa có kế hoạch lên sàn và đang giao dịch trên thị trường phi tập trung OTC. Nên trong mùa đại hội cổ đông vào tháng 4 vừa qua, nhiều ngân hàng đã đặt kế hoạch niêm yết trên sàn chứng khoán như MSB, ABBank, OCB, Nam Á hay SeABank... vào cuối năm hoặc chậm nhất vào năm sau. Bởi theo quy định của Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước, hết năm 2020 là hạn chót để các ngân hàng thực hiện việc niêm yết trên thị trường chính thức.
Khỏe nhưng vẫn "ngại"
Kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2019 của ngành ngân hàng đang rất khả quan, phần lớn đều có lợi nhuận tăng trưởng khá. Tiêu biểu như Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB), ĐHCĐ của ngân hàng này đã lên kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn HOSE vào quý III/2019 nhưng đến nay khi đã bước vào quý IV mà chưa thực hiện, cho dù kết quả kinh doanh 9 tháng năm 2019 của MSB khá tốt với mức tăng trưởng lợi nhuận lên tới 267%. Cụ thể, đến hết ngày 30/9/2019, tổng tài sản của MSB tăng 7,7% so với thời điểm cuối năm 2018, đạt hơn 148 nghìn tỷ đồng. Tín dụng tăng trưởng tốt đã đem về 2.041 tỷ đồng thu nhập lãi thuần trong 9 tháng đầu năm, tăng 27,8 % so với cùng kỳ năm trước. Nhờ vậy, kết thúc kỳ 9 tháng, MSB đạt lợi nhuận trước thuế 1.064 tỷ đồng, tăng 267% so với cùng kỳ, riêng quý III đóng góp 497 tỷ đồng, tăng 2.223% so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ nợ xấu vẫn được duy trì dưới 3% theo quy định.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cũng "rục rịch" kế hoạch lên sàn từ lâu nhưng vẫn chưa thực hiện được. Nguyên nhân được lãnh đạo ngân hàng này đưa ra là do muốn tìm kiếm các cổ đông chiến lược hoặc cổ đông nước ngoài có khả năng để gia tăng năng lực tài chính cũng như quản trị nên phải lùi lại thời gian lên sàn, nhằm có phương án và thời điểm niêm yết hiệu quả nhất. Nguyên nhân này được xem là khá "hợp lý" bởi "sức khỏe" của ngân hàng này cũng khá ổn khi hết tháng 9/2019, tổng tài sản của OCB đạt gần 106.412 tỷ đồng, tăng 6% so với đầu năm. Chủ yếu nhờ các khoản lãi, phí phải thu tăng 32% so với hồi đầu năm, lên hơn 1.469 tỷ đồng và cho vay khách hàng tăng 21% lên hơn 67.976 tỷ đồng. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của OCB trong 9 tháng đầu năm tăng gần 8%, đạt gần 2.575 tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay của OCB tăng lên mức 2,62% so với mức 2,29% hồi đầu năm.
Bên cạnh nhiều ngân hàng có "sức khỏe" tốt vẫn còn không ít ngân hàng còn vấn đề đáng ngại. Như tại NamABank, dù lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ngân hàng đến cuối tháng 9 đạt 574 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ, nhưng nợ xấu lại tăng tới 91% lên 1.496 tỷ đồng, chủ yếu do nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) và nợ nhóm 4 (nợ có khả năng mất vốn) tăng vọt. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của NamABank tăng từ 1,54% hồi đầu năm lên 2,37% cuối tháng 9. Hay như tại Ngân hàng TMCP Bản Việt (Vietcapital Bank), 9 tháng qua, ngân hàng này phải tăng mạnh chi phí hoạt động tới 27% so với cùng kỳ khiến cho tổng lợi nhuận thuần trước dự phòng rủi ro đạt 100 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ còn 9 tháng giảm hơn 32% xuống 287 tỷ đồng. Sau khi trích lập dự phòng rủi ro khá mạnh, ngân hàng ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý III là 36 tỷ đồng còn 9 tháng ở mức 84 tỷ đồng, giảm hơn so với cùng kỳ năm trước...
Với tình hình nêu trên, hiện một số cổ phiếu ngân hàng chưa niêm yết nhưng đã giao dịch trên sàn OTC vẫn ở mức khá thấp. Như cổ phiếu của ABBank đang giao dịch ở mức 8.500 đồng/cổ phiếu, MSB là 10.200 đồng/cổ phiếu, NamABank là 8.000 đồng/cổ phiếu, SeABank là 10.000 đồng/cổ phiếu, Bảo Việt Bank là 6.600 đồng/cổ phiếu... nhưng lại có sức hấp dẫn khá lớn khi khối lượng giao dịch có thể lên tới 300.000 đơn vị. Vì thế, việc thúc các ngân hàng lên sàn cần phải được đẩy mạnh, để vừa minh bạch hóa hoạt động vừa giúp tăng sức mạnh cho các ngân hàng này.
Hương Dịu
Theo Haiquanonline.com.vn
Doanh nghiệp vừa và nhỏ "trầy trật" tìm cơ hội bứt phá dịp cuối năm Càng về cuối năm, cuộc đua hoàn thành chỉ tiêu kinh doanh của các doanh nghiệp lại càng gay gắt, vấn đề về nguồn vốn trở thành nỗi "ám ảnh" của các doanh nghiệp, đặc biệt là với nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs). Dù chiếm đông đảo tại Việt Nam nhưng trên thực tế nhiều doanh nghiệp SME thiếu tự tin...