“À lôi” leo top 1 Youtube: Lý do khiến cộng đồng mạng rần rần bắt “trend”
Sức hút của bài rap “À lôi” bắt nguồn từ những yếu tố như gần gũi và dễ nhận thấy trong thị trường nhạc Việt những năm gần đây.
“Tại vì thích em nhiều quá nhưng em lại nói là “à lôi”/ Cũng định solo hiphop cùng với trai bản nhưng mà thôi…” là những câu rap đã quen thuộc với khán giả trong gần hai tuần qua.
Những câu rap trên thuộc ca khúc À lôi của rapper Double2T (tên thật Bùi Xuân Trường – PV) cùng bản phối được sản xuất bởi Masew.
Chỉ trong một thời gian ngắn, MV lyric (lời bài hát) đã leo lên vị trí top 1 của danh mục “Âm nhạc thịnh hành” Youtube và đạt hơn 13 triệu lượt xem.
Không chỉ vậy, “à lôi” còn là xu hướng phủ sóng mạng xã hội Tiktok với trào lưu “biến hình à lôi”.
Những video có hình ảnh trai xinh, gái đẹp được lồng ghép với nền nhạc ca khúc À lôi đã thu hút lượt theo dõi “khủng” của cộng đồng mạng. Nhiều sao Việt như ca sĩ Hòa Minzy, người mẫu Andrea Aybar… cũng nhanh chóng “bắt trend”.
Video “đu trend à lôi” của Hòa Minzy (Ảnh: Chụp màn hình).
“Giai điệu khiến khán giả nhớ ngay”
Bên cạnh việc hưởng ứng, nhiều khán giả cũng đặt câu hỏi về lý do cho sự phát triển của hiệu ứng “à lôi”.
Lấy cảm hứng từ câu nói đặc trưng của người dân tộc Tày là “à lôi” với nghĩa là “hả?” hay “trời ơi”, ca khúc đã mang đến những cảm xúc mới mẻ cho khán giả nghe nhạc.
Việc đưa một câu cảm thán quen thuộc của người Tày vào bài nhạc phần nào giúp công chúng quan tâm hơn đến nét đẹp trong ngôn ngữ vùng dân tộc thiểu số. Rất nhiều bài đăng, video được chia sẻ trên mạng xã hội cùng dòng trạng thái: “À lôi… À lôi là gì?”, “À lôi nghe thú vị quá!”…
Ngoài câu nói “à lôi” ấn tượng, điểm sáng của bài hát còn nằm ở cách sử dụng từ ngữ và gieo vần điệu uyển chuyển, dễ nhớ như: “Anh gửi vào trong câu rap cho em dính cả thính cả mồi/ Nhà em có mấy quả đồi ừ thì anh cũng tính cả rồi”;
“Ừ thì noọng ơi, à lôi/ Hai chúng mình thì cùng đẹp nết, đẹp cả đôi/ Hội trai bản để anh dẹp hết, chấp cả hội/ Trồng cây kín cả quả đồi, xong dắt em đi về nhà thôi”…
Đây cũng là “công thức” được nhiều ê-kíp sản xuất chú trọng nhằm tăng độ nhận diện của sản phẩm âm nhạc đó với khán giả.
Lời bài rap À lôi không chỉ dễ nhớ, dễ thuộc mà còn vẽ lên cho khán giả một bức tranh sáng rõ về văn hóa của người dân tộc miền núi, với những cách theo đuổi tình yêu đầy thú vị.
Video ca khúc “À lôi” (Nguồn: YouTube).
Chia sẻ với phóng viên Dân trí, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long nhận định, việc đưa những ca từ, giai điệu dễ nghe, bắt tai vào bài hát hiện là đặc điểm trong âm nhạc hiện nay, không chỉ với nhạc Việt Nam mà còn với khu vực và thế giới.
Anh cho biết: “Để ca khúc được phổ biến rộng khắp, cần có giai điệu khiến khán giả nhớ ngay, có một câu từ nào đó tạo ấn tượng mạnh mẽ hoặc có đoạn nhạc khiến họ muốn nhảy theo luôn.
Như trong ca khúc này chỉ bằng 2 từ “à lôi” cũng có thể thu hút khán giả. Từ đó, họ đã sáng tạo ra rất nhiều nội dung khác nhau trên nền nhạc của ca khúc”.
Ngoài điểm sáng về ca từ, giai điệu sức hút của À lôi còn nằm ở bản phối của nhà sản xuất âm nhạc Masew. Sở hữu thế mạnh với chất liệu văn hóa truyền thống, Masew từng khẳng định tên tuổi qua loạt ca khúc hit như Bạc phận, Mời trầu, Ái nộ…
Bên cạnh đó, anh cũng từng phù phép cho các bản phối của Đóa hoa hồng, Truyền thái y, 2 phút hơn, Điêu toa…
Nhà sản xuất âm nhạc Masew (Ảnh: Facebook nhân vật).
Qua bản phối của Masew, khán giả có thể nghe được những âm thanh núi rừng trong ca khúc À lôi.
Trong bản phối này, Masew đã kết hợp giữa tiếng khèn, sáo mèo hòa quyện với giai điệu ở mỗi phần của tác phẩm, mang đến những tiết tấu đặc biệt.
Trên các diễn đàn có thể dễ dàng bắt gặp những bình luận của khán giả như: “Âm thanh thực sự quá lôi cuốn, quyến rũ”.
“Khi nghe bản phối, tôi có thể hình dung ra ngay khung cảnh miền núi thơ mộng, lãng mạn”… Điều này cũng cho thấy rõ xu hướng phát triển của nhạc Việt – bản phối và vai trò quan trọng của nhà sản xuất âm nhạc hiện nay.
Theo ca sĩ, rapper Hà Lê, yếu tố làm nên thành công của bài nhạc này được tổng hòa của nhiều thứ. Bên cạnh chất lượng của ca khúc cùng màn thể hiện của rapper Double2T, bản phối của Masew cũng giúp cho Double2T thể hiện rõ nét bản sắc cá nhân.
Nam rapper nhận xét: “Bản phối đậm chất Masew với những âm thanh đặc trưng của các dân tộc miền núi. Việc Double2T dùng tiếng địa phương ở trong phần hook (điệp khúc) càng làm cho bài hát thêm đặc biệt và có sự cuốn hút.
Double2T gieo vần bài này cũng rất hay, nhưng theo tôi chất giọng của bạn ấy vẫn cần phải cải thiện thêm để có thêm nhiều sắc thái hơn”.
Hướng đi cũ nhưng không lỗi thời
Thành công của À lôi một lần nữa minh chứng cho sức hút của việc đưa chất liệu văn hóa dân tộc hay yếu tố văn học, lịch sử vào âm nhạc hiện đại.
Trước À lôi, khán giả từng say mê với loạt tác phẩm đình đám như Để Mị nói cho mà nghe, See tình (Hoàng Thùy Linh), Người ơi người ở đừng về (Đức Phúc), Thị Mầu (Hòa Minzy), Nam quốc sơn hà (Erik, Phương Mỹ Chi), Đẩy xe bò (Phương Mỹ Chi)…
Trả lời câu hỏi của PV Dân trí về xu hướng các nghệ sĩ Việt đưa chất liệu dân tộc vào tác phẩm âm nhạc hiện nay, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long khẳng định đây là một tín hiệu đáng mừng.
“Điều này chứng tỏ giới trẻ hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc đại chúng không thờ ơ với các chất liệu dân tộc. Việc khai thác như thế sẽ tạo ra màu sắc riêng, “chất” Việt Nam cho các ca khúc dành cho giới trẻ hiện nay”, anh nói.
“Để Mị nói cho mà nghe” của Hoàng Thùy Linh là một trong những ca khúc góp phần phát triển xu hướng sử dụng chất liệu dân tộc vào âm nhạc (Ảnh: MV).
Cũng theo đánh giá của nhà nghiên cứu âm nhạc Quang Long, trước đây có không ít những băn khoăn liệu nhạc Việt có quá bị lệ thuộc vào âm nhạc đại chúng thế giới, đại loại kiểu như một phiên bản Việt của Kpop hay không.
Do đó, việc các nghệ sĩ lựa chọn khai thác chất liệu dân tộc vào âm nhạc là điều khiến anh rất vui.
“Tất nhiên chúng ta còn đang trên con đường mới mẻ, việc khai thác có thể đạt hiệu quả hoặc chưa như kỳ vọng nhưng điều đấy rất tốt cho giai điệu đại chúng hiện nay”, anh khẳng định.
Phương Mỹ Chi gây ấn tượng với MV “Đẩy xe bò”, lấy cảm hứng từ tác phẩm “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân (Ảnh: Chụp màn hình)
Trước vấn đề những nghệ sĩ mãi đi theo con đường khai thác chất liệu dân gian, dân tộc có được coi là lối mòn, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long phủ nhận và cho rằng nghệ thuật là sự sáng tạo.
Với anh, điều quan trọng để làm nên sức sống cho tác phẩm âm nhạc ấy nằm ở việc người nghệ sĩ sử dụng những chất liệu sáng tạo như thế nào.
“Hơn nửa thế kỷ trước, chúng ta đã có những bài hát khai thác chất dân gian rất hay rồi. Sau đó, chúng ta luôn có những ca khúc mang màu sắc dân gian góp vào đời sống âm nhạc.
Những năm gần đây, chúng ta lại được nghe những bài kiểu như Để Mị nói cho mà nghe, vẫn mang chất liệu Tây Bắc nhưng nó rất khác vì mang dấu ấn của âm nhạc dành cho giới trẻ hiện nay và không kém phần quyến rũ.
Yếu tố quan trọng nhất là góc nhìn và khả năng của người khai thác. Điều đó nằm ở tố chất và khả năng tìm tòi của mỗi người, thêm nữa là người nghệ sĩ ấy nếu được đào tạo bài bản, ham học hỏi, chịu khó tìm tòi kho tàng văn hóa Việt thì tác phẩm sẽ càng chứa hàm lượng nghệ thuật cao hơn”, nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long phân tích.
Đồng quan điểm với nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Quang Long, rapper Hà Lê cho biết, bản sắc và văn hóa dân tộc chính là kho dữ liệu khổng lồ cho các nghệ sĩ có thể sáng tạo và vun đắp thêm cho sự thiếu thốn của mình.
Truyền tải câu chuyện tích cực
Giữa những ca khúc ballad ra mắt thời gian vừa qua như Vì em chưa bao giờ khóc, Sự mập mờ… hay một số bản hit gần nhất như Cô ấy của anh ấy, Mưa tháng sáu…, sự xuất hiện của À lôi đã mang đến năng lượng tích cực, vui vẻ cho công chúng.
Kể về câu chuyện tình yêu đẹp cùng ca từ dễ thương, À lôi giống như một làn gió mới đối với khán giả. Không đau khổ, bi kịch, không buồn bã, sầu bi, ca khúc trở thành lựa chọn cho nhiều khán giả sau những giờ làm việc căng thẳng, mệt mỏi. Điều này cũng phần nào lý giải sức hút của À lôi trên các nền tảng mạng xã hội.
Độ nổi tiếng của cụm từ “à lôi” và bài rap cùng tên đã thu hẹp khoảng cách giữa vùng núi và vùng đồng bằng, giúp lan tỏa hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp cũng như những văn hóa đặc trưng của Tây Bắc. Nhiều khán giả hy vọng giai điệu của À lôi sẽ có thể vươn tầm thế giới giống như thành công của ca khúc See tình.
Khán giả trẻ hoang mang khi nghe bản cover See Tình và Có Không Giữ Mất Đừng Tìm của 2 nữ Diva
Bản cover See Tình và Có Không Giữ Mất Đừng Tìm của 2 diva đình đám đang thu hút sự chú ý của đông đảo cộng đồng mạng.
Thời gian vừa qua, nhờ độ phủ sóng và thành công của hai sản phẩm đình đám See Tình và Có Không Giữ Mất Đừng Tìm mà liên tục có những bản cover của nhiều nghệ sĩ tên tuổi khác được ra đời. Trong đó, được chú ý nhất chính là bản cover hit đàn em của hai giọng ca nổi tiếng Thanh Lam và Thu Minh, thu hút sự bàn tán sôi nổi của đông đảo cộng đồng mạng.
Diva Thanh Lam cover Có Không Giữ Mất Đừng Tìm
Không thể phủ nhận nếu xét về phương diện chuyên môn, thanh nhạc thì đây là hai bản cover có chất lượng cực tốt bởi được thể hiện qua hai giọng ca đình đám, dày dặn kinh nghiệm hàng đầu Việt Nam. Nếu như hit gốc của Hoàng Thuỳ Linh và Trúc Nhân mang giai điệu hiện đại, trẻ trung thì hai bản cover này lại đem đến cho khán giả một See Tình và Có Không Giữ Mất Đừng Tìm hoàn toàn khác.
Thanh Lam biến tấu Có Không Giữ Mất Đừng Tìm với phiên bản hoàn toàn khác
Mặc dù phô diễn được nhiều kĩ thuật cùng giọng hát khỏe, đầy nội lực nhưng bản cover của Thanh Lam và Thu Minh vẫn khiến người nghe cảm thấy chưa hài lòng, đặc biệt là những khán giả trẻ. Đa phần, dân tình cho rằng việc hai nữ Diva phô diễn quá nhiều kĩ thuật là điều không phù hợp với bài hát, khiến người nghe cảm thấy nặng nề cũng như làm mất đi màu sắc vui tươi, giai điệu hiện đại vốn đang rất được yêu thích của bản gốc. Bên cạnh đó, cách thể hiện và luyến láy trong hai phiên bản cover này cũng cũ kĩ, không phù hợp với thị hiếu nghe nhạc của công chúng hiện nay.
Thu Minh với bản cover See Tình đầy luyến láy nhưng có phần hơi "cũ"
Một số bình luận của netizen:
- Điểm cộng rõ lời, giọng hát khỏe, nội lực, điểm trừ sến, mệt người nghe nha!
- Đúng là không phải cứ hát hay là sẽ cover hay, còn phải tùy thuộc vào phong cách hát với cách xử lý nữa. Thấy hai bản cover này giọng hát thì khỏi bàn nhưng không phù hợp lắm!
- Không xét phong thái biểu diễn thì giọng của hai cô vẫn hay, nội lực và rõ lời. Xét về chuyên môn là hơn bản gốc rồi nhưng không hợp thị hiếu giới trẻ bây giờ, nghe đúng kiểu nhạc của thế hệ trước.
- Dù biết giọng hát Thanh Lam với Thu Minh thuộc hàng top rồi nhưng hai bản cover này nghe mệt quá, nghe xong phải quay về cày lại bản gốc liền.
- Đúng kiểu cách xử lý và luyến láy của thế hệ ca sĩ trước, nghe bị cũ quá!
- Giọng thì khoẻ, đẳng cấp với sử dụng nhiều kỹ thuật khó nhưng nghe đúng là không hợp. Các cô vẫn nên hát nhạc của mình thì hơn.
Có thể một phần là do khoảng cách giữa hai thế hệ nghệ sĩ nên sẽ có những phương pháp thể hiện, cách hát khác nhau. Tuy nhiên, chắn hẳn cả Hoàng Thuỳ Linh và Trúc Nhân cũng không thể ngờ được hai ca khúc của mình lại được cover theo một phong cách hoàn toàn mới lạ, độc đáo và phá cách như vậy, khiến khán giả nghe xong quên luôn cả bản gốc.
Cả Hoàng Thuỳ Linh...
và Trúc Nhân chắc cũng không lường trước được ca khúc sẽ được cover theo style này
Miu Lê đòi tự tử nếu không mua được 'Người lạ ơi' Nhạc sĩ Châu Đăng Khoa, chủ nhân của nhiều bản hit, kể về hành trình ra đời của những bản hit, trong đó có Người lạ ơi. Nhạc sĩ Châu Đăng Khoa Tác giả hit "Người lạ ơi", nhạc sĩ Châu Đăng Khoa, chia sẻ đã sáng tác nhạc từ rất sớm. Năm 2012 Châu Đăng Khoa đã viết ca khúc đầu tay...