A Christmas Carol – Phim Noel cho những ai không bị yếu tim
Đạo diễn: Robert Zemeckis Diễn viên: Jim Carrey, Gary Oldman, Colin Firth,… Thể loại: Hoạt hình / Gia đình Thời lượng: 96 phút Phân loại: PG (Trẻ em nên có phụ huynh đi kèm khi ra rạp) Đánh giá: 3.5 / 5*
Hàng năm cứ đến mỗi mùa Giáng Sinh, Hollywood lại tung ra hàng loạt những tác phẩm điện ảnh đặc sắc có chủ đề về ngày lễ này. Rất nhiều bộ phim trong số đó đã để lại ấn tượng khó phai trong lòng khán giả và còn đánh dấu những bước ngoặt lớn của điện ảnh thế giới. Home Alone (Ở Nhà Một Mình), The Santa Claus (Ông Già Tuyết), Love Actually (Yêu Thực Sự)… là những cái tên kinh điển của loạt phim về Giáng Sinh và đủ sức khiến người xem nhớ mãi. Năm 2004, đạo diễn tài ba Robert Zemackis đã làm 1 cuộc cách mạng kỹ thuật số với bộ phim The Polar Express nói về truyền thuyết ông già Noel được chuyển thể từ cuốn sách thiếu nhi cùng tên của nhà văn Chris Van Allsburg. Phim đã giành được nhiều giải thưởng lớn và luôn được đưa vào Top những bộ phim hay nhất về Giáng Sinh. Còn trong mùa X”Mas năm nay, Robert lại tiếp tục đem đến cho khán giả 1 tác phẩm hấp dẫn nữa có tên A Christmas Carol (Giáng Sinh Yêu Thương).
A Christmas Carol được chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên vô cùng nổi tiếng của nhà văn Charles Dickens xuất bản lần đầu tiên vào năm 1843. Charles Dickens là 1 trong những nhà văn vĩ đại nhất của nền văn học Anh Quốc với biết bao tác phẩm ý nghĩa và giàu giá trị nhân văn như The Adventures of Oliver Twist, Dombey And Son, Great Expectations… Trong số đó thì chắc chắn phải kể đến A Christmas Carol – câu chuyện ngắn đã được triệu triệu người qua rất nhiều thế hệ kể cho nhau nghe vào mỗi dịp Giáng Sinh hàng năm. Và trong năm nay, khi được dựng thành phim hoạt hình thì liệu A Christmas Carol có đủ sức lay động lớn như những gì cuốn tiểu thuyết gốc đã làm được từ hơn 1 thế kỷ trước? Liệu nó có trở thành bộ phim Giáng Sinh đáng nhớ đối với tất cả khán giả yêu điện ảnh trên toàn thế giới? Mỗi chúng ta sẽ tìm được câu trả lời riêng sau 96 phút trải nghiệm bộ phim ấm áp này.
Video đang HOT
Câu chuyện xảy ra tại nước Anh vào thế kỷ 19. Một mùa Giáng Sinh đang đến gần đem theo sự náo nức, hân hoan của tất cả mọi người, trừ Ebenezer Scrooge (Jim Carrey). Ông già vừa khó tính lại vừa keo kiệt, bủn xỉn bắt đầu kỳ nghỉ lễ bằng việc mắng chửi người giúp việc trung thành Cratchit (Gary Oldman lồng tiếng) và đứa cháu trai Fred (Colin Firth lồng tiếng). Như thường lệ, Scrooge đi về nhà 1 mình và chẳng hề có ý định tận hưởng không khí Giáng Sinh như mọi người khác. Đêm hôm ấy, Scrooge đã bắt gặp hồn ma của Joseph Marley – đối tác kinh doanh đã chết của mình và Marley cảnh báo rằng Scrooge sẽ bị 3 hồn ma của Giáng Sinh: Quá Khứ, Hiện Tại và Tương Lai “viếng thăm”. Các hồn ma này đã đưa Scrooge bước vào những chuyến du hành kỳ lạ để nhắc nhở về lòng tốt đã bị lãng quên và giúp ông tỉnh ngộ, chuộc lại những lỗi lầm do đã sống quá ích kỷ trong quá khứ trước khi mọi chuyện trở nên muộn màng…
A Christmas Carol là 1 bộ phim Giáng Sinh khá “nặng” đúng theo nghĩa. Ngay từ phần mở đầu với xác chết và quan tài, phim đã mang màu sắc u ám đúng “chất” của 1 phim kinh dị cấp độ cao, xuyên suốt trong phim là hàng loạt những tình tiết ly kỳ, rùng rợn gây giật mình nữa. Chính vì vậy, khác với những bộ phim hoạt hình Giáng Sinh khác, A Christmas Carol đã được xếp loại PG (Trẻ em nên có người lớn kèm khi đi xem rạp) bởi lẽ những đứa trẻ chắc hẳn sẽ khóc thét lên khi trông thấy những hồn ma vô cùng đáng sợ. Đặc biệt hơn, gương mặt và dáng vẻ của nhân vật Scrooge trong nửa đầu phim rất dễ khiến cho các bé liên tưởng tới… ông ba bị chuyên đi bắt trẻ con. Nội dung của A Christmas Carol cũng không hề nhẹ nhàng như các bộ phim Giáng Sinh trước đó mà mang nặng những bài học về cuộc sống, về cách đối nhân xử thế.
Giống như The Polar Express của 5 năm về trước, A Christmas Carol cũng được sử dụng kỹ thuật chính là Performance Capture – kết hợp giữa diễn xuất của người thật với kỹ xảo máy tính đem đến cảm giác sống động cho người xem. Kỹ thuật này đưa tầm mắt của khán giả đến với thế giới của trí tưởng tượng không có giới hạn. Những hình ảnh tuyệt đẹp về thủ đô London của nước Anh vào thế kỷ 19 với những ngôi nhà cổ kính, những khu phố nhộn nhịp chuẩn bị cho Giáng Sinh, những nhà thờ hàng trăm năm tuổi tuyết phủ trắng xóa… hiện lên tuyệt đẹp và chắc chắn sẽ khiến cho bất kỳ ai khi xem phim cũng phải trầm trồ.
A Christmas Carol còn xây dựng rất nhiều những hình ảnh đối lập nhau. Bên cạnh mảng màu u tối gợi lên sự chết chóc trong suốt nửa đầu phim là xen kẽ những gam màu ấm áp của Giáng Sinh ví dụ như là ánh sáng vàng rực phát ra từ những khu bếp, lò sưởi, những ngọn nến hay màu đỏ của các gói quà lộng lẫy và màu xanh của cây thông Noel. Nhưng có lẽ hình ảnh đối lập đem đến nhiều cảm xúc nhất chính là sự vui mừng, hạnh phúc của tất cả mọi người khi Giáng Sinh đến và sự thờ lơ, vô cảm với mọi thứ xung quanh của nhân vật Scrooge. Sự phân chia giàu nghèo của xã hội Anh trong thế kỷ 19 cũng được xây dựng thật rõ rệt với một bên là hình ảnh những đứa trẻ nhà nghèo tranh nhau miếng đùi gà với 1 con chó hoang, một bên là những bữa tiệc xa hoa, tốn kém của giai cấp quý tộc.
Jim Carrey dường như rất thích hợp với những kiểu nhân vật “ghét” Noel. Sau khi hóa thân vào vai 1 quái nhân xấu xí tìm mọi cách để… đánh cắp lễ Giáng Sinh trong bộ phim nổi tiếng How The Grinch Stole Christmas vào năm 2000, danh hài lừng danh của điện ảnh Hollywood này lại tiếp tục “thờ ơ” và “lạnh nhạt” với lễ hội này trong A Christmas Carol. Jim đã đem đến nhiều bất ngờ cho khán giả khi xuất hiện với 8 tạo hình khác nhau và đặc biệt có lẽ ngoại hình, thần thái của anh là lựa chọn hoàn hảo cho Scrooge. Sự biến đổi gương mặt, dáng vẻ của nhân vật này từ vẻ cau có, khó chịu ban đầu dần chuyển sang đáng thương ở khúc giữa và hiền hậu, dễ mến ở đoạn cuối thực sự để lại rất nhiều ấn tượng cho khán giả.
Một điểm cộng cho A Christmas Carol là phần âm nhạc tuyệt vời. Nhà soạn nhạc lừng danh Alan Silvestri đã đem đến cho khán giả một sự rạo rực và háo hức mùa lễ hội với những bản nhạc Giáng Sinh kinh điển được ghi âm từ 1 dàn nhạc vô cùng hoành tráng. Những tuyệt phẩm như Deck The Halls, Oh Come All Ye Faithful, Hark The Herald Angels Sing, The First Noel hay Ave Maria quen thuộc đã mang lại nhiều cung bậc cảm xúc và tâm trạng khác nhau tạo nên hiệu quả cao cho từng cảnh phim. Những giai điệu ấm áp ấy dường như làm giảm nhẹ đi cái không khí nặng nề và rùng rợn của bộ phim, đồng thời cũng như báo hiệu, thôi thúc cho khán giả biết rằng Giáng Sinh đã đến rồi.
Tuy nhiên, nhiều khán giả sau khi xem xong A Christmas Carol cho rằng phim quá đơn giản, nội dung không mới, dễ đoán trước được và có phần hơi… sến. Nhưng nếu nhận xét như vậy thì dường như là hơi quá khắt khe và không được công bằng lắm. Nhìn vào thực tế, câu chuyện này đã được nhà văn Charles Dickens viết từ năm 1843, tức là hơn 1 thế kỷ trước mà đương nhiên là “thời ấy” và “thời nay” hoàn toàn có sự khác biệt. Các nhà làm phim đã cố gắng truyền tải đến cho khán giả những hình ảnh đẹp nhất và gần như hoàn toàn trung thành với câu chuyện gốc. Thêm nữa, đây là một bộ phim về Giáng Sinh và cái mà những bộ phim ở đề tài này muốn đem đến cho khán giả chính là không khí và màu sắc Giáng Sinh. Mặc dù khá nặng nề nhưng không thể phủ nhận rằng, A Christmas Carol cũng có rất nhiều khoảnh khoắc sâu lắng và gây xúc động mạnh mẽ. Sợ hãi, hồi hộp, hài hước, xót xa, hạnh phúc và ấm áp sẽ là thứ tự những cảm giác của đa số người xem khi thưởng thức bộ phim này.
Sự thực, nếu bạn muốn tìm đến 1 tác phẩm nhẹ nhàng và hài hước cho mùa Giáng Sinh năm nay thì A Christmas Carol không phải là 1 lựa chọn thích hợp. Nhưng đối với những ai đã từng biết đến câu chuyện gốc được yêu thích trên khắp thế giới của nhà văn Charles Dickens, hay mong muốn được thưởng thức 1 bộ phim Giáng Sinh hoành tráng mà vừa rùng rợn, vừa hài hước, vừa có tính phiêu lưu lại vừa cảm động thì A Christmas Carol sẽ khiến cho ngày lễ Giáng Sinh của bạn trở nên ý nghĩa hơn bao giờ hết.
* Phim đang được trình chiếu tại các rạp trên toàn quốc.