9X ân hận khi mua xe trả góp: Xe 600 triệu lỗi thời sau 5 năm, lỗ 300 triệu và chịu gánh nặng tài chính
Chọn hình thức trả góp mua xe, Anh Duy ban đầu nghĩ đến tương lại đầy màu hồng nhưng cuối cùng đã phải hối hận vì những tính toán không kỹ lưỡng.
“Có nên mua ô tô trả góp hay thu nhập bao nhiêu có thể mua xe trả góp là những câu hỏi tôi thường xuyên nhận được từ những người xung quanh khi họ có ý định mua ô tô”, Vũ Anh Duy, một nhân viên ngân hàng tại Hà Nội, chia sẻ.
Duy nói thêm: “Với trải nghiệm của chính mình với chiếc Suzuki Swift đã dùng được 5 năm, tôi đã phải ngậm trái đắng khi mua xe trả góp mà không hề tính toán cẩn thận, nhưng cũng chính điều đó đã dạy cho tôi bài học để rút kinh nghiệm sau này cũng như để tư vấn khách hàng của tôi lựa chọn vay ngân hàng mua xe như thế nào là hợp lý”.
Nhu cầu mua xe bằng cách vay ngân hàng tại Việt Nam khá lớn, các ngân hàng cũng tung ra nhiều ưu đãi cho khách hàng có nhu cầu vay để mua ô tô. Là một nhân viên Ngân hàng vốn đã được ưu đãi hơn những người không trong ngành nên anh Vũ Anh Duy đã quyết định vay tiền ngân hàng để mua ô tô trả góp vào năm 2017.
Duy cho biết rằng hồi đó quyết định mua ô tô đến đơn giản lắm. Mới 25 tuổi, vừa ra trường hai năm, anh đã nghĩ ngay đến việc mua một chiếc xe để “đánh bóng” hình ảnh, cũng để thuận lợi trong việc kiếm khách hàng. Được bố mẹ cho 200 triệu, anh nhẩm tính vay hẳn thêm 400 triệu nữa trả góp trong 5 năm để mua một chiếc xe có giá khoảng hơn 500 triệu đồng, cộng thêm chi phí lăn bánh thì vừa đủ.
Nghĩ trong đầu rằng mỗi tháng trả ngân hàng khoảng hơn 8 triệu, với mức lương khi đó là 12 triệu cộng thêm thưởng tổng cộng ước tính 16 triệu/tháng, Duy tự cho rằng việc trả góp hoàn toàn nằm trong tầm tay.
Chiếc xe mà anh đã chọn vào năm 2017 là Suzuki Swift, với những lý do chính là phù hợp về tài chính hiện có khi đó, trông cũng đẹp, không bị chê là xe dịch vụ như Toyota Vios, lại có phần hao hao xe sang MINI Cooper đến từ Anh quốc. Chi phí ra biển một chiếc Swift khi đó là khoảng 620 triệu nhưng cộng thêm lãi trả góp nên thành 700 triệu đồng.
“Hồi đó còn non nớt, lại thêm cái tính húng của tuổi trẻ nên tôi đã sai lầm khi không tính toán kỹ các khoản chi phí phát sinh khác”, Duy tâm sự.
Duy sống ở một chung cư trên đường Tố Hữu, cơ quan lại ở trên phố Lý Thường Kiệt, nên quãng đường đi làm hàng ngày lên đến gần 10 km. Anh chia sẻ rằng chi phí gửi xe trên phố khiến anh đau đầu. Trên phố tấc đất tấc vàng, muốn gửi xe đúng khu vực có biển đỗ xe thì mỗi ngày tốn không dưới 200.000 đồng. May mắn, Duy kiếm được một bãi gửi xe quen gần đó và trả hơn 2 triệu mỗi tháng để gửi. Ở chung cư, anh lại mất thêm 1 triệu nữa để đóng phí gửi xe tháng. Như vậy, mỗi tháng, Duy tốn hẳn hơn 3 triệu đồng chỉ để gửi xe. Đó là chưa kể mỗi lần lên phố đi chơi, Duy lại phải trả 50.000 đến 100.000 gửi xe mỗi lần nữa.
Về xăng xe, Duy cho biết mình tốn khoảng hơn 1 triệu mỗi tháng (tuỳ từng tháng) để đi lại. Anh cho rằng may mắn chọn được chiếc xe chạy rất tiết kiệm xăng nên không tốn quá nhiều tiền đổ xăng.
Một khoản phí khác phát sinh mà Duy không lường tới nữa là sơn sửa và chăm sóc xe. Là lái mới nên Duy không tránh khỏi những lúc va quệt. Tất nhiên chiếc xe này có bảo hiểm, nhưng để làm những dịch vụ chăm sóc như đánh bóng hay vệ sinh nội thất, Duy vẫn phải ra garage ngoài làm. Anh cho biết tiền mua bảo hiểm, spa xe tổng thể cũng như tiền bảo dưỡng xe định kỳ tốn khoảng 12 triệu mỗi năm.
“Mỗi khoản chỉ 1, 2 hay 3 triệu nhưng cộng dồn lại thì lại thành gánh nặng hàng tháng. Lương đi làm cuối cùng không để ra được đồng nào. Ban đầu tôi nghĩ mọi thứ đều ổn, nhưng sau 3 năm, tôi bắt đầu nản. Vì thu nhập tăng hàng năm nên cũng đỡ được phần nào, tôi vẫn gắng sử dụng xe đến nay là năm thứ 5″, Anh Duy chia sẻ.
Covid-19 làm thu nhập Duy bị ảnh hưởng nặng nề trong năm 2021. Anh đã nghĩ tới việc bán chiếc xe để có khoản tiền đầu tư vào các mảng khác sinh lời.
Video đang HOT
“Tôi ngã ngửa khi người thợ showroom trả giá 350 triệu đồng để mua lại chiếc xe này. Khi đó, tôi tìm kiếm trên mạng thì thấy chiếc xe cũng chỉ được định giá khoảng trên dưới 400 triệu đồng. Điều đó có nghĩa là chiếc xe khấu hao tới hơn 300 triệu đồng – một con số khiến tôi cảm thấy sốc”, Duy cho biết.
Đến nay, Duy vẫn phân vân giữa việc có nên bán xe hay không. Số tiền nhận lại quá ít so với những gì bỏ ra trong suốt 5 năm qua. Dẫu sao, anh cho biết chiếc ô tô cũng giúp anh thuận lợi hơn trong công việc.
“Cứ mỗi năm các xe lại ra thêm công nghệ mới, mình nhìn mà thấy tủi thân với chiếc xe đang dùng. Ngay cả Vios vốn là xe hay dùng dịch vụ mà nay trang bị chẳng thiếu gì. Gần đây tôi xem chiếc Raize và thấy thực sự choáng với trang bị trên một chiếc xe chỉ hơn 500 triệu đồng, thậm chí rẻ hơn giá tôi mua Swift ngày xưa”, Duy chia sẻ.
Theo Anh Duy, chiếc Swift đời 2017 đã quá lạc hậu chỉ sau khoảng 3 năm chứ chưa nói đến 5 năm. Anh đã phải nâng cấp thêm một chiếc màn hình Android, thay bộ loa mới, thêm cảm biến lùi và camera lùi. Ghế xe phải bọc lại da. Tất cả chỗ đồ chơi nâng cấp thêm đó tốn của anh khoảng 30 triệu đồng. Anh đã nghĩ đến việc nâng cấp đèn vì đèn halogen nguyên bản quá tối nhưng khi biết chi phí khoảng hơn 10 triệu đồng thì lại chần chừ.
“Những đồ gắn thêm khi bán không được thêm giá chút nào, coi như tặng lại cho chủ sau. Mình lắp sướng bản thân nhưng khi bán xe thì mất giá quá nhiều”, Duy cho biết thêm.
Đứng trên góc độ của một nhân viên ngân hàng, làm việc trong ngành tài chính, anh Duy có đưa ra lời nhận xét về việc vay tiền ngân hàng để mua ô tô trả góp: “Trước khi đưa ra quyết định để mua xe trả góp bạn cần cân đối 3 điểm chính sau: Một là hãy cân đối tài chính, nếu có vốn chưa sử dụng để mua thì hãy để đầu tư thêm, đừng dồn hết tiền vào để mua xe. Hai là hãy chuẩn bị tâm lý cho việc trả nợ hàng tháng cộng thêm các chi phí phát sinh trong quá trình sử dụng. Cuối cùng là hãy chọn cho mình một chiếc xe bền bỉ, giữ được giá qua các năm để sau này có thể dễ dàng bán lại khi cần một khoản tiền lớn hay để đổi một chiếc xe khác tốt hơn. Đảm bảo được 3 điểm trên, tôi tin là người mua xe sẽ không bị tiếc nuối”.
Một số hình ảnh khác của chiếc Suzuki Swift 2017 của Vũ Anh Duy:
Chiếc xe đã được sơn lại và spa một vài lần do xước xát. Bộ mâm cũng đã được sơn lại.
Đèn halogen là nhược điểm trên chiếc xe có giá lăn bánh tới hơn 600 triệu đồng.
Nội thất xe đã được bọc lại da thay cho nỉ nguyên bản.
Màn hình và loa được lắp thêm để tăng trải nghiệm giải trí.
Chiếc xe mới lăn bánh chưa đầy 25.000 km sau 5 năm sử dụng.
Chi tiết thủ tục mua xe trả góp
Thủ tục mua xe trả góp không quá phức tạp, dưới đây là thông tin chi tiết.
Mua xe trả góp và những điều cần biết. Đồ họa: M.H
Điều kiện được vay mua xe trả góp
Để được vay trả góp, chủ xe cần có các điều kiện sau:
- Có tài sản thế chấp hoặc thế chấp bằng chiếc xe;
- Chứng minh được khả năng tài chính để trả nợ như chứng minh thu nhập (hợp đồng lao động, bảng lương, sổ tiết kiệm...); chứng minh tài sản (đất đai, nhà cửa)...
- Có giấy tờ như hộ khẩu, chứng minh nhân dân/căn cước công dân.
Thủ tục mua xe trả góp
Bước 1: Sau khi lựa chọn được chiếc xe muốn mua, bạn cần lựa chọn ngân hàng hoặc công ty tài chính uy tín để vay vốn mua xe trả góp.
Tiếp đó, bạn sẽ gặp nhân viên tín dụng để biết về các gói vay và lựa chọn hình thức vay, gói vay.
Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ
- Đơn xin vay vốn và phương án trả lãi (mẫu do bên cho vay cung cấp);
- Chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân; hộ khẩu; giấy chứng nhận độc thân/đăng ký kết hôn.
Các loại giấy tờ chứng minh thu nhập như:
- Cá nhân: Hợp đồng lao động, bảng lương, sổ tiết kiệm,...
- Doanh nghiệp: Đăng ký kinh doanh; báo cáo tài chính, báo cáo thuế, bảng lương, bảng chia lợi nhuận công ty,...
Bước 3: Ngân hàng thẩm định hồ sơ
Sau khi nhận được hồ sơ, ngân hàng thẩm định hồ sơ mà bạn cung cấp. Nếu hồ sơ bạn được ngân hàng duyệt cho vay thì ngân hàng sẽ thông báo bảo lãnh khoản vay.
Tiếp đó, bạn sẽ nộp bảo lãnh và 1 khoản tiền đối ứng cho đại lý bán xe.
Bước 4: Tiến hành đăng ký xe
Đại lý bán xe xuất hóa đơn và gửi hồ sơ cho bạn để làm thủ tục đăng ký xe.
Bước 5: Ký hợp đồng vay với ngân hàng
Khi đã nhận được biển số xe và bản gốc giấy đăng ký xe, bạn phải đến ngân hàng để ký hợp đồng tín dụng. Ngân hàng sẽ cấp bản sao giấy đăng ký xe và chuyển tiền cho đại lý bán xe.
Cuối cùng, người mua quay lại đại lý để nhận xe.
Kinh nghiệm kiểm tra tình trạng pháp lý khi mua xe cũ tránh rắc rối Khi có nhu cầu mua xe cũ thì ngoài chất lượng xe đúng yêu cầu ra thì yếu tố pháp lý cũng là vấn đề rất quan trọng bạn cần kiểm tra cẩn thận. Mua xe cũ là nhu cầu rất bình thường với nhiều người với muôn vàn lý do, vì giá rẻ, mua xe hiếm hoặc xe được "dọn" sẵn... Tuy...