90% phụ nữ Việt mắc các bệnh viêm nhiễm phụ khoa: Chuyên gia đưa ra lời khuyên phòng bệnh
Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện nay có đến 90% phụ nữ Việt mắc các bệnh liên quan đến phụ khoa. Đáng nói, số ca mắc bệnh phụ khoa mỗi năm tăng 15%-27% và tỷ lệ chị em mắc bệnh viêm âm đạo chiếm tỷ lệ cao nhất.
Vậy nguyên nhân của bệnh lý này là gì và cần làm gì để phòng tránh được bệnh lý này?
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với TS. BS Lê Thị Anh Đào – Trưởng khoa A5 – Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
TS. BS Lê Thị Anh Đào – Trưởng khoa A5 – Bệnh viện Phụ sản Hà Nội.
PV: Thưa BS, BS có thể cho biết tình trạng phụ nữ mắc các bệnh phụ khoa ở Việt nam như thế nào?
BS Lê Thị Anh Đào: Bệnh lý phụ khoa là mảng sức khỏe rất rộng. Phụ nữ Việt Nam lại ít có thói quen đi khám phụ khoa. Theo khuyến cáo của Tổ chức y tế Thế giới, mỗi năm phụ nữ cần đi khám phụ khoa 1 lần. Việc thăm khám phụ khoa sẽ giúp phát hiện ra những bệnh lý rất thông thường và có thể ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản của người phụ nữ. Ví dụ đơn giản nhất là các viêm nhiễm âm đạo, rối loạn kinh nguyệt do các bệnh lý về u xơ tử cung hoặc những trường hợp ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm… Từ đó giúp cho việc điều trị hiệu quả hơn và nâng cao sức khỏe sinh sản.
PV: BS có thể cho biết những dấu hiệu ban đầu của các bệnh lý phụ khoa như thế nào?
BS Lê Thị Anh Đào: Một người phụ nữ có sức khỏe sinh sản bình thường sẽ có chu kỳ kinh nguyệt đều. Nếu như người phụ nữ bị rối loạn kinh nguyệt như ra kinh kéo dài, ra kinh quá nhiều, ra kinh sớm thì cần phải đi khám sớm. Bên cạnh đó còn có các dấu hiệu như ra khí hư, ra huyết bất thường nhất là ra huyết sau khi quan hệ tình dục là những dấu hiệu cần đi khám phụ khoa. Một dấu hiệu viêm âm đạo khác mà chị em cũng hay gặp phải đó là tình trạng âm đạo có mùi hôi khó chịu, ngoài ra viêm nhiễm âm đạo còn có thể xuất hiện biểu hiện đau, ngứa, rát, bị xót khi đi tiểu…
Ngoài ra, bệnh nhân có thể tự sờ ở phần bụng dưới khối u. Trong quá trình thăm khám, chúng tôi đã gặp những người phụ nữ để tình trạng khối u rất to lên tới 2-3kg. Đó là những trường hợp đã phát hiện quá muộn.
Viêm nhiễm phụ khoa là bệnh lý khá phổ biến, song, phụ nữ Việt Nam hầu hết lại ít có thói quen đi khám. (Ảnh: internet)
PV: Vậy ngoài nguyên nhân do chị em phụ nữ không đi khám phụ khoa định kỳ thì còn nguyên nhân nào dẫn đến các bệnh lý phụ khoa đặc biệt là viêm nhiễm âm đạo thưa BS?
Video đang HOT
BS Lê Thị Anh Đào: Bệnh lý viêm nhiễm âm đạo khá phổ biến. Viêm nhiễm âm đạo do vi khuẩn khoảng 25-30% phụ nữ có thể đã mắc phải trong đời. Nguyên nhân do sự mất cân bằng môi trường vi khuẩn trong âm đạo, vi khuẩn phát triển dẫn đến bệnh lý viêm nhiễm âm đạo. Các yếu tố dẫn tới tăng tỷ lệ viêm nhiễm âm đạo còn do thói quen vệ sinh không đúng như ngâm âm đạo, hoặc rửa từ đằng sau ra đằng trước hoặc cách chăm sóc trong các chu kỳ kinh nguyệt cũng cần đúng cách. Việc sử dụng dung dịch vệ sinh phụ nữ hằng ngày không phù hợp, các thảo dược tự pha như trà xanh, nước muối với nồng độ không phù hợp cũng làm ảnh hưởng đến môi trường âm đạo.
PV: Lứa tuổi nào thường mắc viêm nhiễm phụ khoa thưa BS?
BS Lê Thị Anh Đào: Viêm nhiễm phụ khoa gặp nhiều nhất ở độ tuổi quan hệ tình dục. Tuy nhiên vẫn có trường hợp các bạn trẻ hoặc phụ nữ mãn kinh vẫn có thể mắc viêm nhiễm phụ khoa.
PV: Đối với các sản phụ đang mang thai thì nguy cơ viêm nhiễm phụ khoa ra sao và cách điều trị như thế nào cho phù hợp thưa BS?
BS Lê Thị Anh Đào: Sản phụ đang mang thai rất dễ bị nhiễm nấm bởi họ có lượng nội tiết Estrogen tăng cao dẫn đến pH âm đạo thấp. Đấy là môi trường thuận lợi để nấm phát triển. Khi sản phụ gặp các vấn đề về viêm nhiễm âm đạo, sản phụ cần gặp các bác sĩ phụ khoa để được thăm khám và điều trị thích hợp và sớm nhất để tránh những nguy cơ xấu có thể xảy ra.
Viêm nhiễm phụ khoa gặp nhiều nhất ở độ tuổi quan hệ tình dục. (Ảnh: Internet)
PV: Bác sĩ có khuyến cáo như thế nào để giúp chị em phụ nữ phòng ngừa các bệnh lý phụ khoa?
BS Lê Thị Anh Đào: Để phòng ngừa viêm nhiễm phụ khoa thì chúng ta nên giữ thói quen âm đạo đúng cách. Bên cạnh đó nhiều bệnh lý phụ khoa còn do một số bệnh lây truyền qua đường tình dục cho nên quan hệ tình dục an toàn là phương pháp rất hữu hiệu phòng ngừa viêm nhiễm phụ khoa. Ngoài ra cần tránh các yếu tố nguy cơ như tôi vừa đề cập ở trên.
Có một thực tế là nhiều chị em khi bị bệnh thường có tâm lý e ngại, dù có biểu hiện ban đầu nhưng vẫn cố chịu, tự điều trị chứ không đi khám. Chỉ khi bệnh chuyển sang giai đoạn nặng mới đến viện, nhưng khi đó việc điều trị sẽ tốn kém và mất nhiều thời gian. Bệnh viêm nhiễm phụ khoa có thể chữa trị được bằng thuốc. Tuy nhiên nếu như không được phát hiện sớm và chữa kịp thời sẽ khiến bệnh trở nặng và chuyển biến xấu. Do vậy, mỗi người phụ nữ hãy tự bảo vệ mình để phòng ngừa những hiểm họa khôn lường từ bệnh lý phụ khoa.
PV: Trân trọng cảm ơn BS.
Điểm mặt "thủ phạm" có thể gây vô sinh, hiếm muộn
Tỷ lệ phụ nữ bị vô sinh, hiếm muộn hiện nay đang có xu hướng gia tăng. Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng này, nhưng các nguyên nhân chính thường do các vấn đề ở nội tiết, cơ quan sinh dục hoặc do viêm nhiễm phụ khoa...
Bệnh nội tiết
Vấn đề về nội tiết là một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến hiện tượng chu kỳ rụng trứng. Quá trình rụng trứng phụ thuộc vào sự cân bằng của các hormone và sự tương tác. Bất cứ sự gián đoạn nào trong quá trình này đều có thể ngăn chặn sự rụng trứng. Một số rối loạn rụng trứng do bệnh nội tiết có thể gây ra vô sinh ở nữ:
Rối loạn phóng noãn: Là hiện tượng thời điểm xảy ra rụng trứng không thường xuyên hoặc hoàn toàn không theo quy luật của chu kỳ kinh nguyệt. Khả năng này gây vô sinh ở khoảng 25% cặp vợ chồng hiếm muộn. Đây chỉ là hệ quả của các bất thường trong sự điều hòa của hormone sinh sản bởi vùng dưới đồi hay tuyến yên hoặc các vấn đề trong buồng trứng có thể gây ra rối loạn này.
Hội chứng buồng trứng đa nang: Hiện tượng này do vấn đề mất cân bằng hormon nữ, làm các nang noãn không thể phát triển, trứng không thể trưởng thành nên không có hiện tượng rụng trứng. Từ đó gây ra các triệu chứng rối loạn kinh nguyệt, vô kinh, rậm lông, mụn, thừa cân, rụng tóc... Hội chứng buồng trứng đa nang còn liên quan đến tình trạng đề kháng insulin, gây ra thừa cân, béo phì, đái tháo đường. Chính vì vậy, bệnh lý này là nguyên nhân hàng đầu khi nghi ngờ vô sinh nữ.
Có nhiều nguyên nhân khiến cho việc thụ thai không thành công.
Rối loạn chức năng vùng dưới đồi: Hai hormone do tuyến yên sản xuất có trách nhiệm kích thích rụng trứng mỗi tháng là FSH và LH. Khi bị stress quá mức, thừa cân béo phì hoặc suy dinh dưỡng, hoặc tăng/giảm cân quá nhiều trong thời gian ngắn... đều có thể khiến cơ thể gián đoạn sản xuất các hormone này và sẽ ảnh hưởng đến sự rụng trứng, chu kỳ kinh nguyệt không đều... dẫn đến khó thụ thai.
Suy chức năng buồng trứng sớm: Khi gặp tình trạng này, phụ nữ thường có biểu hiện chu kỳ kinh nguyệt bất thường, loãng xương, trầm cảm, lo âu và nguy hiểm nhất là ảnh hưởng xấu đến sức khỏe sinh sản, thậm chí là vô sinh. Chức năng buồng trứng giảm thì chất lượng trứng, quá trình thụ thai và làm tổ cũng ít có khả năng. Bệnh lý này còn được gọi là suy buồng trứng nguyên phát, do các phản ứng tự miễn hoặc giảm số lượng trứng theo di truyền hoặc do dùng hóa trị liệu... Khi buồng trứng không còn khả năng nuôi dưỡng và phóng thích trứng, phụ nữ không chỉ không thể mang thai mà còn phải chịu đựng một loạt rối loạn toàn thân khác do giảm sản xuất estrogen ở độ tuổi trước 40.
Ngoài ra còn một số bệnh nội tiết gây ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của nữ giới như: Bệnh suy tuyến yên, bệnh cường giáp hoặc suy giáp, bệnh tuyến thượng thận (suy tuyến thượng thận hoặc u tuyến thượng thận, u vỏ thượng thận), bệnh đái tháo đường hoặc tiền đái tháo đường...
Tắc vòi trứng, buồng trứng đa nang là nguyên nhân gây vô sinh, hiếm muộn.
Bệnh ở cơ quan sinh dục
Lạc nội mạc tử cung: Là hiện tượng tuyến niêm mạc tử cung phát triển bên ngoài lòng tử cung làm thay đổi cấu trúc, giải phẫu buồng trứng và vùng chậu, ảnh hưởng đến khả năng thụ thai.
Viêm nội mạc tử cung: Là hiện tượng buồng tử cung bị viêm nhiễm, thường xảy ra do một số thủ thuật can thiệp không đảm bảo vô trùng như nạo hút thai, nạo sinh thiết, đặt vòng, lấy vòng. Viêm nội mạc tử cung nếu không được điều trị đúng có thể gây ra biến chứng nguy hiểm như nhiễm khuẩn huyết, dính tử cung, viêm phần phụ gây dính tắc vòi trứng và cuối cùng dẫn đến các hiện tượng vô sinh do tinh trùng không gặp trứng để thụ tinh, trứng đã thụ tinh không về được tử cung làm tổ, tử cung không đảm bảo chức năng cho trứng làm tổ.
Polyp nội mạc tử cung: Polyp lòng tử cung là một trong những nguyên nhân gây ra hiếm muộn ở nữ giới. Khi kích thước polyp lớn hoặc đa polyp sẽ ảnh hưởng tới sự di chuyển của tinh trùng và sự làm tổ của trứng.
Ung thư nội mạc tử cung: Là ung thư phát triển từ nội mạc tử cung với các biểu hiện như ra máu âm đạo bất thường, khí hư nhiều, có mùi hôi, đau vùng chậu. Ung thư không được phát hiện sớm có thể phải cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tử cung.
Dính buồng tử cung: Hiện tượng lớp đáy nội mạc tử cung bị tổn thương làm thành tử cung phía trước và phía sau dính vào với nhau được gọi là dính buồng tử cung làm mất khả năng làm tổ của trứng sau khi thụ thai.
Ung thư buồng trứng: Hầu hết bệnh nhân ung thư buồng trứng đều phát hiện ở giai đoạn muộn nên đều phải phẫu thuật cắt bỏ và hóa trị dẫn đến vô sinh.
Tắc ống dẫn trứng: Ống dẫn trứng có thể bị tắc một phần hay tắc hoàn toàn, làm chậm hoặc ngăn cản tinh trùng gặp trứng, tức ngăn cản quá trình thụ thai.
Những bệnh phụ khoa gây vô sinh
Viêm âm đạo: Viêm âm đạo là bệnh do ký sinh trùng, nấm hoặc viêm lộ tuyến cổ tử cung gây ra. Phụ nữ bị viêm âm đạo sẽ làm thay đổi độ pH trong âm đạo, môi trường trong âm đạo thay đổi gây bất lợi cho quá trình tinh trùng di chuyển vào gặp trứng để thụ tinh.
Viêm lộ tuyến cổ tử cung: Khi bị bệnh, lượng dịch trong âm đạo nhiều hơn, khiến tinh trùng gặp khó khăn trong quá trình di chuyển đến gặp trứng. Ngoài ra, bệnh làm thay đổi môi trường trong âm đạo gây khó khăn trong vấn đề thụ thai, thậm chí có thể vô sinh.
Ứ dịch ống dẫn trứng: Xảy ra do hậu quả của các viêm nhiễm phụ khoa như viêm âm đạo, viêm cổ tử cung, tiền sử phẫu thuật vùng chậu... Ứ dịch cũng giống như tắc ống dẫn trứng làm ngăn cản tinh trùng gặp trứng.
Viêm buồng trứng: Viêm buồng trứng ảnh hưởng xấu đến chất lượng và số lượng trứng, thậm chí ảnh hưởng đến khả năng rụng trứng của phụ nữ gây vô sinh, hiếm muộn.
Bệnh áp xe hai buồng trứng: Là một bệnh nghiêm trọng có thể gây vô sinh. Nguyên nhân do các bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục xâm nhập vào tử cung, lan lên buồng trứng và vòi trứng. Tình trạng tụ mủ ở buồng trứng làm giảm chức năng buồng trứng, gây ra các tổn thương lâu dài.
5 việc nhất định không được làm sau khi vừa hết kinh nguyệt Kinh nguyệt là điều mà bất kỳ cô nàng nào cũng sẽ phải đối mặt nhưng sau khi kết thúc thời kỳ này, bạn không nên làm 5 việc sau. Kỳ "đèn đỏ" (hay còn gọi là bà dì) luôn là giai đoạn gây khó chịu về cả thể xác lẫn tinh thần của nữ giới. Tuy nhiên, chỉ khi "bà dì" qua...