90% người dân Việt Nam mắc bệnh răng miệng
Theo công bố tại hội nghị Khoa học Quốc gia ngành Răng hàm Mặt và Triển lãm Nha khoa Quốc tế lần thứ 4 (tháng 7/2011), Việt Nam hiện là nước có tỷ lệ người dân mắc bệnh răng miệng thuộc hàng cao nhất thế giới với 90%.
Thực tế cho thấy đa phần người Việt Nam tìm đến bác sĩ răng hàm mặt (trừ mục đích thẩm mỹ) khi thấy răng có vấn đề, cụ thể là sưng tấy, đau nhức do sâu răng, viêm nướu, lợi nặng… Ý thức chăm sóc sức khỏe răng miệng định kỳ ở người dân còn thấp, dẫn đến tỷ lệ mắc bệnh răng miệng cao, đặc biệt là sâu răng. Điều này sẽ dễ hiểu nếu xảy ra ở trẻ em, nhóm đối tượng chưa thực sự có cấu trúc răng hoàn thiện, chưa tự ý thức được vấn đề chăm sóc sức khỏe răng miệng, hay ở người già khi tỷ lệ mất răng hoặc sử dụng răng giả rất cao.
Tuy nhiên, tỷ lệ người trẻ tuổi có vấn đề về răng miệng cũng không thấp (60 – 70%). Thực tế này cho thấy hơn một nửa dân số không đi khám răng (cũng theo số liệu tại hội nghị trên). Các số liệu cho thấy việc mắc các vấn đề về răng miệng không còn là chuyện của tuổi tác.
Tỷ lệ mắc bệnh sâu răng ở người trưởng thành còn cao hơn trẻ nhỏ. Chuyện cả nhà sâu răng không phải là hiếm.
Một khảo sát nhanh về thói quen chăm sóc răng miệng gia đình tại TP HCM cho thấy trẻ 7 – 12 tuổi hay có thói quen ăn vặt, số lần ăn có thể lên đến 7 lần một ngày nhưng phần lớn các em chỉ đánh răng một lần duy nhất vào buổi sáng sau khi ngủ dậy hoặc thỉnh thoảng thêm một lần chải răng trước khi đi ngủ. Các bậc cha mẹ đôi khi còn lơ là hơn con trẻ. Với người lớn tuổi (trong đó không ít người mất răng) dường như động thái chăm sóc răng miệng của họ chỉ đơn giản là súc bằng nước muối 1-2 lần trong ngày.
Bạn nên xây dựng thói quen chăm sóc răng miệng đúng cách và khám răng định kỳ để phát hiện sớm sâu răng.
Video đang HOT
Chế độ ăn uống, cách thức vệ sinh răng miệng là hai nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe răng miệng của mọi người. Ngoài ra, theo tiến sĩ nha khoa David Cochran (Chủ tịch Học viện nha khoa Mỹ), stress cũng là nguyên nhân ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe răng miệng. Hầu hết các bệnh về răng miệng ở những giai đoạn đầu thường tiến triển âm thầm và không đau nên rất khó phát hiện. Đến khi sâu, viêm nặng, vết sâu sẽ lan đến tủy răng, nơi có chứa nhiều dây thần kinh và mạch máu, nó có thể sẽ gây ra những cơn đau nhức liên miên. Đến giai đoạn này, các phương án chọn lựa cho điều trị sẽ bị hạn chế, phức tạp, tốn kém cả về tiền bạc lẫn thời gian và không có khả năng hồi phục như ban đầu. Do đó, để duy trì sức khỏe răng miệng lành mạnh, bên cạnh việc cải thiện thói quen chăm sóc răng miệng hàng ngày tại nhà đúng cách, việc khám răng định kỳ cũng nên được duy trì đều đặn.
Theo VNE
Trẻ em có cần chỉnh nha?
Do bẩm sinh, chấn thương, chăm sóc răng miệng chưa tốt, răng trẻ có thể gặp phải tình trạng răng mọc chen chúc, răng mọc ngầm, mọc kẹt, ảnh hưởng lớn đến thẩm mỹ và sức khỏe. Vậy tuổi nào xử lý các rắc rối này là hiệu quả và ít tốn kém nhất?
Giai đoạn răng sữa
Giai đoạn này là từ khi trẻ mọc răng sữa đầu tiên cho đến khi 5 tuổi. Đây là giai đoạn tiền đề cho một bộ răng vĩnh viễn.
Lúc này, trẻ sẽ có 10 răng trên và 10 răng dưới. Cùng với sự lớn lên của trẻ, răng sữa thường có những khe hở giữa các răng. Điều này là tốt vì nó giúp cho răng vĩnh viễn có đủ chỗ để mọc lên sau này.
Giai đoạn này tập trung kiểm soát sâu răng là chính, ít khi chỉ định điều trị chỉnh nha vì chỉnh nha là nhằm mục đích chỉnh răng vĩnh viễn.
Giai đoạn răng hỗn hợp
Giai đoạn này từ 6-12 tuổi.
Những răng vĩnh viễn đầu tiên sẽ mọc là răng cối lớn trong cùng (răng số 6), răng cửa hàm dưới và răng cửa hàm trên.
Khoảng 9 tuổi đến 12 tuổi, trẻ bắt đầu mọc các răng còn lại: răng nanh, răng cối nhỏ thứ nhất và thứ hai (bác sĩ thường gọi là răng 3,4,5).
Ở độ tuổi này, phụ huynh nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ chỉnh nha sớm, để kiểm tra xem có răng ngầm hay thiếu răng bẩm sinh (chủ yếu là răng cửa bên hàm trên hoặc răng cối nhỏ thứ 2). Cách tốt nhất để phát hiện là chụp phim toàn cảnh Panorex khi trẻ đến khám định kỳ ở giai đoạn này. Chụp Panorex cũng giúp phát hiện răng ngầm, răng dư, và những nguyên nhân khác làm cho răng không mọc lên được.
Trẻ cũng có thể có những sai lệch ban đầu như răng chen chúc, răng cắn chéo, hay khoảng hở giữa các răng.
Khoảng hở giữa các răng là một hiện tượng không quá nghiêm trọng. Do răng vĩnh viễn khi mọc lên thường sẽ đóng lại các khoảng này. Chỉ khi răng vĩnh viễn đã mọc đủ mà vẫn còn khoảng hở thì mới nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ chỉnh nha vì đôi khi răng nanh ngầm cũng làm cho răng cửa vĩnh viễn bị thưa.
Hiện tượng răng chen chúc, mọc không ngay ngắn thường ít khi phải điều trị vì lưỡi sẽ đẩy răng vào đúng vị trí của nó trên cung hàm sau khi nhổ răng sữa. Nếu sau khi răng đã mọc ra đầy đủ hết thân răng mà vẫn chen chúc, bạn nên đưa trẻ đến gặp bác sĩ chỉnh nha.
Với trường hợp răng cắn chéo, chỉ có điều trị đưa răng về đúng vị trí khớp cắn mới không ảnh hưởng tới khả năng nhai cũng như khớp thái dương hàm.
Ở giai đoạn này, trẻ nên được chỉnh nha sớm nếu có xu hướng phát triển xương theo khuynh hướng sai lệch hô, hoặc móm, răng chen chúc,...
Giai đoạn răng vĩnh viễn: trên 12 tuổi
(Răng sữa đã được thay thế bởi các răng vĩnh viễn)
Bộ răng sẽ mọc thêm răng cối lớn thứ hai (răng số 7) vào lúc 12-13 tuổi, và cuối cùng là răng cối lớn thứ ba (răng số 8 hay răng khôn) vào lúc 18 tuổi.
Trong giai đoạn này những vấn đề phát triển xương hàm (như hô hoặc móm) và răng (răng chen chúc, cắn sâu, cắn hở, v.v...) sẽ biểu hiện rõ rệt hơn. Vì vậy, đây là giai đoạn mà phụ huynh đưa trẻ đến gặp bác sĩ chỉnh nha nhiều nhất.
Như vậy, kết quả chỉnh nha đạt được sẽ phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm phụ huynh đưa trẻ đến gặp bác sĩ chuyên về chỉnh nha. Đưa trẻ đến đúng thời điểm hoặc đến sớm có thể giúp bác sĩ kiểm soát được sự tăng trưởng của răng và xương, nhờ đó kế hoạch điều trị đạt được tốt nhất mà không phải nhổ răng hoặc phẫu thuật. Đưa trẻ đến muộn sẽ làm bác sĩ thụ động hơn, và kế hoạch đề ra chủ yếu là sửa chữa những sai lệch, chứ không còn là ngăn chặn và định hướng phát triển nữa.
Theo Dân Trí
Mẹo nhỏ chữa đau răng hiệu quả Bạn đau răng và cảm thây vô cùng đau đớn, khó chịu. Nêu chưa thê đi khám và lây thuôc theo chỉ dân của bác sĩ ngay, bạn có thê tham khảo những mẹo chữa đau răng dưới đây. Bạn đã từng trải qua những cơn đau răng? Bạn cảm thây vô cùng đau đớn và khó chịu. Chắc chắn môi lân đau...