9 vấn đề cần xem xét để biết chàng có hợp với bạn không
Quá trình hẹn hò cũng là quá trình thử nghiệm để bạn tìm ra câu trả lời chính xác cho câu hỏi: chàng có phù hợp với mình hay không?
Dưới đây là một vài vấn đề bạn cần tìm hiểu trong quá trình yêu để đi tìm đáp án cho chính mình:
Mục đích hẹn hò
Một người nghiêm túc hẹn hò để tìm ra người bạn đời lý tưởng và tương lai là để kết hôn. Song cũng có người coi hẹn hò chỉ là cuộc chinh phục, tán tỉnh, để đưa đối phương lên giường, để thêm “gia vị” cho cuộc sống của mình…
Ngay từ thời gian đầu hẹn hò, bạn đã phải tìm hiểu để xem mục đích của chàng đến với mình chính xác là gì? Chỉ khi hai người có cùng một mục đích hẹn hò thì bạn mới xác định được nửa kia là đối tượng phù hợp với mình.
Các chủ đề nói chuyện
Không nên né tránh bất cứ chủ đề nào khi nói chuyện với chàng trai bạn đang hẹn hò để có thể cung cấp cho bản thân cái nhìn khách quan, công bằng về người ấy.
Bạn có thể nhận ra cả hai có sở thích tương tự nhau nhưng lại khác nhau trong lối sống. Hoặc bạn tìm thấy điểm gặp gỡ chung giữa mình và bạn trai là đam mê phim ảnh song lại có các mục tiêu về tiền bạc khác nhau…
Hiểu được những vấn đề phức tạp liên quan tới cá nhân bạn đời tương lai là rất quan trọng để bạn tránh được những cạm bẫy sau này khi đã bước vào mối quan hệ chính thức.
Hoàn cảnh gia đình
Trái ngược với suy nghĩ của hầu hết các bạn trẻ đang say đắm trong tình yêu, hoàn cảnh gia đình giữ vai trò đặc biệt quan trọng giúp bạn thử nghiệm khả năng tương thích giữa hai người.
Sự khác biệt trong nền tảng giáo dục, quan niệm về giá trị sống và thái độ đối với mọi người trong gia đình… hoàn toàn đủ sức làm nên rào cản mà hai bạn dù yêu nhau đến mấy cũng không thể hòa hợp được.
Các mối quan hệ trong quá khứ
Biết được các mối quan hệ trong quá khứ của nhau cũng là cách giúp bạn thử nghiệm mình có hợp với người ấy hay không bởi khi cả hai không giấu giếm những chuyện đã trải qua, họ đối xử thoải mái với nhau hơn.
Đồng thời việc tìm hiểu và chia sẻ về các mối quan hệ cũ cũng sẽ thiết lập sự trung thực, tin tưởng trong mối quan hệ hiện tại – một nền tảng vững chắc của tình yêu nghiêm túc và tương lai là hôn nhân.
Video đang HOT
Không nhất thiết bạn phải tra hỏi người yêu về các mối quan hệ trong quá khứ của chàng mà để khách quan, bạn nên tìm hiểu qua bạn bè hay những người liên quan.
Quá trình hẹn hò cũng là quá trình thử nghiệm để nhận ra một nửa đích thực dành cho mình (Ảnh minh họa).
Các vấn đề tạo cảm xúc mạnh
Nếu bạn tin tưởng mạnh mẽ hoặc cực kì căm ghét một vấn đề nào đó, bạn cần phải thể hiện nó trước mặt chàng trai đang hẹn hò càng sớm càng tốt. Xung đột ý thức hệ trước những vấn đề dễ gây cảm xúc mạnh cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự thiếu tương thích trong một mối quan hệ.
Chẳng hạn, quan điểm của bạn là không bao giờ tha thứ nếu nửa kia trót qua lại với một đối tượng khác, ngay khi hẹn hò, bạn nên cho người yêu biết thái độ cực đoan này của mình. Người phù hợp với bạn cần biết điều này sớm và chấp nhận nó thì mối quan hệ của bạn mới có tương lai.
Lối sống
Cách chi tiêu, thói quen tiết kiệm, tiệc tùng, đối xử với các thành viên khác trong gia đình, quan niệm về cuộc sống tự do, lối sống độc lập… và hàng loạt điều tương tự góp phần hình thành nên lối sống của một con người.
Tất cả những điều này bạn cần phải thử nghiệm trong quá trình hẹn hò để biết lối sống của mình có tương thích với lối sống của nửa kia hay không? Chỉ khi hai người chấp nhận lối sống của nhau thì mối quan hệ của bạn mới có khả năng kéo dài.
Sở thích và những điều không thích
Tìm hiểu về sở thích và những điều không thích của nhau tiết lộ phần lớn tính cách đặc trưng của hai người. Và đây cũng là một trong nhiều vấn đề cần thiết những người đang yêu nên thử nghiệm ngay từ khi mới hẹn hò.
Không nhất thiết phải giới hạn việc thảo luận về những điều thích – không thích trong một chủ đề, lĩnh vực nào. Bạn có thể đưa ra sự lựa chọn của mình về một loại nước hoa, chocolate, phim ảnh… cho đến những vấn đề to tát hơn như nghề nghiệp, mẫu người… Càng biết rõ sở thích của nhau, bạn càng nhận ra chàng có hợp với mình hay không?
Thói quen hàng ngày
Những thói quen nhỏ nhặt hàng ngày từ việc đánh răng, uống cà phê sáng, dọn dẹp phòng ốc cho đến việc thức khuya, tập thể dục… đủ sức tạo nên sự gắn kết cũng như phá vỡ một mối quan hệ.
Khoảng thời gian ở bên nhau, đi ăn uống, vui chơi cùng nhau hay đến nhà nhau ăn cơm… chính là thời điểm thích hợp để bạn thử nghiệm thói quen hàng ngày của bạn và người ấy có bị lệch tông quá nhiều hay không? Nếu khi phát hiện hai người có nhiều chênh lệch trong thói quen hàng ngày, bạn nên thẳng thắn trao đổi, thương lượng để biết chàng thực sự có phải người chung sống lâu dài được với bạn?
Mục tiêu và tham vọng
Mục tiêu và tham vọng tương tự nhau trong cuộc sống giúp tăng cường mạnh mẽ khả năng tương thích của mọi cặp đôi. Nếu cả hai đều là người tham vọng, ưa mạo hiểm và định hướng rõ ràng về sự nghiệp, tương lai của mình… bạn sẽ dành nhiều thời gian để hỗ trợ người ấy và ngược lại. Trái lại, khi những mục tiêu sống khác nhau, hai người rất dễ đối mặt với tranh cãi.
Vì thế, hãy coi mục tiêu sống cũng là một trong những vấn đề bạn cần thử nghiệm trong quá trình hẹn hò để xác định đối tượng phù hợp với mình nhất.
Theo VNE
Thai nhi bất thường: Làm sao để biết?
Ngoài các xét nghiệm thường quy, đôi khi mẹ bầu phải làm thêm nhiều xét nghiệm khác để xác định triệu chứng bất thường ở thai nhi.
Trong suốt quá trình thăm khám tiền sản, ngoài những kiểm tra thường quy như cân đo trọng lượng, huyết áp, chiều cao tử cung v.v... và các xét nghiệm căn bản như xét nghiệm máu, nước tiểu, có thể mẹ bầu sẽ bị chỉ định làm thêm 1 số xét nghiệm chuyên sâu khác nếu bác sĩ thấy xuất hiện dấu hiệu cảnh báo rủi ro ở thai nhi như nguy cơ thai dị tật, bị Down, nứt đốt sống, não úng thủy v.v...
Các xét nghiệm tầm soát và xét nghiệm chẩn đoán này rất quan trọng để khẳng định có hay không các bất thường ở thai nhi, làm an lòng, hoặc ngược lại, buộc vợ chồng bạn phải lựa chọn có nên duy trì tiếp tục thai kì. Vì vậy, hiểu biết về các phương pháp giúp phát hiện thai bất thường, một số rủi ro có thể xảy ra ở mỗi phương pháp sẽ giúp mẹ bầu bình tĩnh và chủ động hơn khi đối mặt với những chỉ định xét nghiệm quan trọng trong thai kì.
1. Siêu âm
Ngoài việc kiểm tra số lượng thai, vị trí, tình trạng và sự phát triển của thai nhi, siêu âm còn được dùng để phát hiện các dị tật hình thể, hội chứng Down, tật nứt đốt sống v.v.... Trong đó, siêu âm xuyên gáy được thực hiện trong giai đoạn 11 - 14 tuần tuổi nhằm tầm soát ban đầu xem thai nhi có gặp các bất thường nào về nhiễm sắc thể hay mắc hội chứng Down hay không.
Mọi thai nhi phát triển có một lớp dịch giữa da và mô mềm bên dưới gáy. Những bé có khiếm khuyết nhiễm sắc thể và tim bẩm sinh thường có nhiều nước bình thường hơn trong lớp này. Nếu siêu âm cho thấy kích thước bất thường trong không gian chứa dịch gần phía sau cổ của thai nhi, thể hiện bằng hình ảnh mờ đục trên màn hình siêu âm; căn cứ vào kích thước và hình dạng bóng mờ sẽ có thể chỉ ra được các bất thường nhiễm sắc thể như hội chứng Down hay tim bẩm sinh. Khi đó, thai phụ sẽ phải thực hiện tiếp các xét nghiệm chẩn đoán để biết kết quả chính xác hơn.
Để xác định thai nhi phát triển chậm hay suy dinh dưỡng, có thể bạn sẽ được bác sĩ cho thực hiện siêu âm màu. Máy siêu âm này dùng 1 loại sóng âm hơi khác siêu âm thường và sẽ phát hiện được tốc độ di chuyển của những tế bào máu trong mạch máu của thai nhi, từ đó giúp chẩn đoán tình trạng có hay không thai nhi nhỏ hơn tuổi thai, hay phát triển không nhanh như bình thường.
Lạm dụng siêu âm 4 chiều để lưu hình ảnh thai nhi có thể khiến mẹ bầu tiếp xúc lâu với tia bức xạ đến mức gây hại cho 2 mẹ con (hình minh họa).
Ngoài ra, siêu âm đa chiều như siêu âm 4 chiều - hình thái thai nhi cũng có mục đích kiểm tra, phát hiện dị tật thai nhi sớm. Thông thường, siêu âm 4 chiều - hình thái thai nhi được chỉ định trong khoảng thai nhi được 12 - 14 tuần tuổi, 22 - 24 tuần tuổi và 30 - 32 tuần tuổi. Ở 12 - 14 tuần, siêu âm sẽ xác định xem các cơ quan nội tạng thai nhi có đủ, có lắp đặt đúng vị trí, và những dị tật khác như thai vô sọ, thoát vị não - màng não, thoát vị rốn, khe hở thành bụng, chân, tay vẹo v.v... Siêu âm ở tuần thai 22 - 24 sẽ xác định - loại trừ các dị tật như: dị tật về đầu - mặt - ống thần kinh: sứt môi, hở hàm ếch, não úng thủy, không phân chia não trước, thoát vị màng não tủy,...; dị tật về tim - phổi - lồng ngực: thông liên thất, đảo gốc động mạch, giãn gốc động mạch chủ, hẹp eo động mạch chủ, tim to, tràn dịch màng ngoài tim, phổi biệt lập, bệnh phổi tuyến nang, tràn dịch màng phổi, hẹp lồng ngực v.v...; và bệnh lý các cơ quan ổ bụng như thoát vị cơ hoành, teo thực quản, tắc tá tràng, tắc ruột, thận đa nang, dị dạng số lượng thận, bàng quang to v.v...; bệnh lý về tay chân như chân, tay vẹo, bàn tay 6 ngón, thiểu sản xương quay, lùn tứ chi, v.v... Siêu âm vào tuần 30 -32 sẽ giúp phát hiện các dị tật xuất hiện muộn như thoát vị cơ hoành thứ phát, não úng thủy thứ phát, giãn hố sau thứ phát v.v...
Dù vậy, tỷ lệ phát hiện dị tật chỉ nằm trong khoảng từ 80 - 90%, và siêu âm quá nhiều như siêu âm 4 chiều để lưu hình ảnh thai nhi vào VCD có thể khiến mẹ phải nằm lâu trong quá trình siêu âm, đồng nghĩa tia bức xạ có thể nhiều đến mức gây hại cho cả mẹ và con.
2. Xét nghiệm máu
Đo nồng độ 1 số chất trong máu có thể giúp xác định nguy cơ thai bị dị tật như thai vô sọ, hội chứng Down, nứt đốt sống, bất thường nhiễm sắc thể và 1 số các rối loạn về di truyền. Có 2 xét nghiệm tầm soát phổ biến là Double Test được thực hiện ở quý 1 và Triple Test được làm vào quý 2 của thai kỳ.
Double test được thực hiện bằng cách đo lượng -hCG tự do và PAPP-A trong máu thai phụ, sau đó kết hợp tính toán cùng với cân nặng, chiều cao của mẹ, tuổi thai, độ mờ da gáy và chiều dài đầu mông đo bằng siêu âm,... để đánh giá nguy cơ các hội chứng Down, Edwards hoặc Patau của thai từ 11 tuần đến 13 tuần tuổi. Các chất hóa sinh nêu trên do thai nhi sản xuất, xuất hiện ở máu mẹ. Nếu thai có sự lệch bôi lẻ nhiễm sắc thể, nồng độ của các chất này sẽ thay đổi trong máu mẹ và việc định lượng chúng cùng với kết quả siêu âm,... có thể giúp đánh giá nguy cơ dị tật bẩm sinh của thai.
Tuy nhiên, xét nghiệm này không có khả năng phát hiện tất cả các dị tật nhiễm sắc thể. Nó chỉ cảnh báo thai có nguy cơ tăng đối với một số dị tật nêu trên. Nếu Double Test chỉ ra nguy cơ dị tật bẩm sinh cao, cần phải tiến hành các xét nghiệm chẩn đoán. Nếu thai có nguy cơ dị tật ở mức ranh giới, cần thử tiếp Triple test ở quý 2 thai kỳ để đánh giá rõ ràng hơn.
Được thực hiện từ tuần thứ 14 - 22 của thai kỳ, Triple test sử dụng máu mẹ để đo mức độ của 3 chất trong huyết thanh gồm AFP, hCG và Estriol. Nếu nồng độ AFP tăng gợi ý thai có nguy cơ bị dị tật ống thần kinh như cột sống chẻ đôi và vô sọ. Nồng độ AFP giảm nếu kết hợp với nồng độ hCG và estriol giảm thì thai có tăng nguy cơ bị hội chứng Down, Edwards hoặc bất thường nhiễm sắc thể. Mặc dù vậy, để ước tính chính xác mức độ nguy cơ phải kết hợp kết quả xét nghiệm ba chất trên với nhiều yếu tố khác như tuổi mẹ, chủng tộc, cân nặng, chiều cao, tiền sử người mẹ như tiểu đường, hút thuốc, tình trạng thai như đơn thai hay song thai, tuổi thai vào thời điểm xét nghiệm, và tiền sử sản khoa.
3. Chọc dò ối
Chọc dò ối thường được chỉ định ở thai phụ trên 35 tuổi để ước lượng nguy cơ thai bị Down, hoặc với những trường hợp test sàng lọc huyết thanh dương tính, siêu âm phát hiện tăng khoảng sáng sau gáy, mẹ có tiền sử đẻ thai bất thường v.v... , thực hiện ở tuần thai 16 - 18. Bác sĩ sẽ tiêm thuốc tê vào thành bụng của thai phụ rồi đưa kim vào trong túi ối theo hướng dẫn của siêu âm. Khoảng 14g nước ối được lấy ra để phân tích về di truyền.
Chọc dò ối có thể cho kết quả chẩn đoán các nguy cơ ở thai nhi như thai bị Down, bệnh lý hồng cầu, nhược cơ, xơ hoán nang, Tay - Sachs và các bệnh tương tự. Chọc dò ối còn cho phép bác sĩ đo lường mức độ alpha-fetoprotein trong nước ối để xem xét liệu thai nhi có các vấn đề về não hay khuyết tật cột sống hay không. Kết quả từ chọc dò ối trong trường hợp này đáng tin cậy hơn so với xét nghiệm máu ở mẹ.
Dù độ chính xác ở chọc dò ối khá cao, khoảng 99,4%, nhưng đây là 1 xét nghiệm xâm lấn nên có thể ảnh hưởng đến mẹ và thai nhi. Theo thống kê, nguy cơ sẩy thai từ phương pháp này là khoảng 1/200 và có khoảng 1% bé sẽ bị khó thở sau khi chọc ối. Ngoài ra, một số thai phụ cũng cảm thấy đau nhức trong 1 - 2 giờ sau khi thực hiện thủ thuật này, khoảng 1 - 2 % chị em bị rò rỉ máu hoặc nước ối ở âm đạo ...
4. Lấy mẫu màng nhau (CVS)
Gai nhau, giống như ngón tay mọc ra từ bờ màng đệm, giống với thai nhi về mặt gien. Nó phát triển sớm trước khi có nước ối, vì thế xét nghiệm một mẫu nhau sẽ cho nhiều thông tin về bé trước khi chọc dò nước ối. CVS có thể dùng để chẩn đoán thai nhi bị hội chứng Down, có bất thường về huyết sắc tố, bị bệnh hồng cầu liềm, bệnh thiếu máu vùng biển, bệnh do bất thường gien như xơ nang, bệnh ưa chảy máu, chứng co giật Huntington và teo cơ v.v...
Lấy mẫu màng nhau có ưu điểm là thời gian cho kết quả sớm hơn so với chọc dò ối, nhờ đó giảm căng thăng tâm lý cho cả hai vợ chồng. Nếu thai được khẳng định là bất thường thì can thiệp đình chỉ thai kỳ cũng đơn giản hơn do tuổi thai còn nhỏ. Ngoài ra, CVS còn cho phép bác sĩ điều trị sớm cho thai nhi trước khi sinh, ví dụ thai phụ có thể dùng corticosteroid để ngăn chặn các đặc điểm nam tính phát triển trong bào thai nữ do rối loạn di truyền làm tuyến thượng thận mở rộng dẫn đến sản xuất quá nhiều hormone nam.
CVS được tiến hành dưới sự trợ giúp của siêu âm, thường giữa tuần 10 - 12 của thai kỳ trước khi túi ối đầy nước và có thể dùng 2 đường: xuyên qua tử cung hoặc qua thành bụng. Một số thai phụ thực hiện CVS qua tử cung có thể thấy khó chịu, trong khi lấy mẫu màng nhau qua thành bụng làm vài mẹ bầu hơi đau phía trên bụng 1 - 2 giờ sau đó. Rủi ro hàng đầu của lấy mẫu màng nhau là sẩy thai, với tỷ lệ 1/500.
5. Chọc dò cuống rốn (lấy mẫu tĩnh mạch rốn)
Dưới sự hướng dẫn của siêu âm, 1 đầu kim tiêm được đưa qua vách bụng và tử cung để vào mạch máu trong dây rốn, khoảng 1cm từ chỗ lá nhau. Một lượng máu nhỏ được lấy ra để xét nghiệm và cho kết quả chẩn đoán trong các trường hợp nghi ngờ thai nhi bị thiếu máu, bị nhiễm bệnh sởi, toxoplasma, mụn rộp hoặc chậm phát triển. Nguy cơ xảy ra cho thai nhi khi thực hiện phương pháp này khá cao, từ 1 - 2%.
Theo VNE
8 cách để biết chàng có phải một nửa của bạn Nếu chàng thuộc tuýp người sẵn sàng hy sinh vì hạnh phúc của hai người thì đó chính là một nửa đích thực mà bạn nên hẹn hò. Hãy cùng tham khảo các gợi ý dưới đây để có câu trả lời chính xác nhé! 1. Chàng khen bạn trước mặt bạn bè Nếu chàng hết lời khen ngợi bạn trước mặt các...