9 quy tắc nhất định phải làm theo để có một cuộc đời dễ dàng, theo lời khuyên từ những quốc gia hạnh phúc bậc nhất thế giới
Người dân tại các quốc gia Bắc Âu đã luôn nằm trong top đầu hạnh phúc bậc nhất thế giới những năm gần đây. Bí kíp của họ là gì?
Nghe đến quốc gia hạnh phúc nhất, hẳn ai cũng nghĩ đến Bhutan. Nhưng dành cho những ai chưa biết, các quốc gia tại Bắc Âu nhiều năm qua đã luôn nằm trong top đầu những nước hạnh phúc bậc nhất thế giới – theo bảng xếp hạng của Liên hợp quốc (UN). Thậm chí, top 1 trong 2 năm gần đây thuộc về Phần Lan, chứ không phải Bhutan như những gì chúng ta lầm tưởng.
“Hạnh phúc” ở đây được đánh giá dựa trên nhiều yếu tố: sức khỏe, tài sản, sự thịnh vượng, độ hài lòng với cuộc sống thường ngày… Nhưng bí kíp nào giúp các quốc gia Bắc Âu có được cuộc sống khiến cả thế giới phải ghen tị đến như vậy?
Cũng chẳng có gì nhiều đâu. Họ hạnh phúc là bởi người dân tuân theo một số quy tắc nhất định, và chúng giúp cuộc sống của họ trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
1. Luôn lên kế hoạch trước
Có một điểm chung tại các quốc gia Bắc Âu, đó là họ luôn lên kế hoạch trước cho mọi việc. Người dân sẵn sàng lên lịch hẹn trước một thời gian rất lâu – thậm chí lên tới cả năm, và họ hoàn toàn thoải mái với điều đó.
Chẳng hạn, họ có thể đặt lịch hẹn thú y trước cả tháng, lịch hẹn với nha sĩ trong 6 tháng, đặt du lịch vào tháng 8 từ tháng 1, hoặc đặt tiệc ngay từ đầu tuần. Khoa học cũng đã công nhận việc lên kế hoạch và đặt lịch trước có thể cải thiện chất lượng cuộc sống của mỗi người, đồng thời giảm bớt mức độ căng thẳng.
Để có thể quản lý thời gian cho thật tốt (theo cách của người Bắc Âu), hãy thử lên lịch theo chiều ngược lại. Nếu điểm cuối của cuộc hành trình là trở về nhà (11h đêm chẳng hạn), hãy đặt thời gian ngược lại kể từ lúc này, lên lịch cụ thể – bao gồm cả thời gian di chuyển. Ngoài ra, hãy chia các công việc lớn thành những mục tiêu nhỏ hơn, để dễ dàng hoàn thành chúng.
2. Sống một cuộc đời năng động
Cơ sở vật chất và điều kiện tự nhiên tại Bắc Âu giúp người dân không thể… lười được. Tất cả mọi người đều phải sống một cách hết sức năng động.
Với người Scandivania (địa danh chỉ các nước khu vực Bắc Âu), leo núi và đi bộ trở thành một phần của cuộc sống, từ trẻ con tới người già. Đây có thể cũng là lý do vì sao đa số dân Bắc Âu đều có sức khỏe tốt. Như tại Na-Uy, 77% dân số luôn cảm thấy sức khỏe của mình ở trạng thái hoàn hảo.
Thực ra, việc duy trì lối sống năng động không hề khó. Chẳng hạn khi nghe điện thoại, thay vì ngồi một chỗ, hãy đứng dậy và vừa đi vừa nói chuyện. Thói quen này không những tốt cho sức khỏe, mà còn giúp bạn tập trung hơn (do phải đứng, thay vì ngồi). Hay lúc đi xe bus, đừng vội vàng chiếm chỗ ngồi, mà hãy chọn đứng (trừ phi quá mệt mỏi).
Theo một nghiên cứu vào năm 1950, các chuyên gia khảo sát tình hình sức khỏe của tài xế xe bus – người chỉ ngồi cả ngày – và người soát vé (phải đi lại thường xuyên). Kết quả, rủi ro mắc bệnh tim của cánh tài xế cao hơn gấp 2 lần.
3. Mua đồ xuất xứ từ địa phương
Video đang HOT
Người Bắc Âu khi mua sắm sẽ chuộng những sản phẩm đắt tiền, nhưng họ sẽ luôn chọn đồ sản xuất nội địa, vì tin tưởng vào chất lượng của chúng. Như tại Phần Lan, các đồ dùng của họ thường có một dấu hiệu đặc biệt: là hình lá cờ, cho thấy chúng sản xuất trong nước và đạt đủ tiêu chuẩn cần thiết.
Quy tắc này không chỉ áp dụng cho thực phẩm, mà còn liên quan đến quần áo, nội thất và đồ công nghệ. Người Phần Lan chuộng các sản phẩm từ thương hiệu Marimekko, trong khi người Thụy Điển chăm mua đồ IKEA.
4. Phân tách công việc và thư giãn, hết giờ làm việc là thôi
Người Bắc Âu gần như không có khái niệm làm thêm giờ. Nếu một công ty yêu cầu làm từ 8h sáng đến 16h45 phút chiều, kèm thời gian ăn trưa kéo dài 45 phút, người Bắc Âu sẽ làm đúng như thế. Theo khảo sát, tại Na-Uy chỉ có khoảng 2,9% dân số làm thêm giờ mà thôi. Thời gian còn lại, họ dành cho gia đình, cho sở thích cá nhân, hoặc đơn giản chỉ là để nghỉ ngơi.
5. Chẳng bao giờ vội vã
Trong xã hội hiện đại, việc tỏ ra từ tốn thực sự không dễ. Nhưng tại Bắc Âu, họ làm được điều đó.
Hãy quên cảnh tượng chen lấn lên xe bus khi tới Bắc Âu. Tại đây, bạn sẽ luôn thấy mình đứng xếp hàng một cách bình thản tại các trạm xe bus, bởi sự vội vã không được thể hiện ra ngoài. Bởi lẽ, sự vội vã, hối thúc sẽ ngăn bạn tận hưởng hương vị thực sự của cuộc sống.
Sự từ tốn này còn được thể hiện ở nhiều lĩnh vực khác, chẳng hạn như ăn uống. Người Bắc Âu ăn uống khá chậm rãi, tập trung thưởng thức hương vị và chú trọng vào cảm xúc. Và dù có từ tốn đến đâu, họ vẫn nằm trong nhóm lao động hiệu quả nhất thế giới.
6. Ăn lành mạnh, giàu dinh dưỡng
Người Bắc Âu có một chế độ ăn khá đặc trưng – lấy từ người Viking thời xưa: cá, quả dại, nấm, hạt và bánh mì. Tất cả đều là thức ăn có giá trị dinh dưỡng cao mà rất lành mạnh, từ đó giúp họ duy trì mức cholesterol và huyết áp thấp.
7. Chăm… xông hơi
Có một thực tế là người Bắc Âu cực kỳ thích xông hơi. Sau một thời gian phải đi bộ dưới tiết trời lạnh giá, người Bắc Âu thả mình vào buồng xông hơi – thứ cực kỳ phổ biến, thậm chí có mặt trong nhiều hộ gia đình.
Như tại Phần Lan, dân số của họ là 5,4 triệu người, thì cũng có đến 3,2 triệu phòng xông hơi. Các nghiên cứu chỉ ra rằng xông hơi sẽ giúp giải tỏa căng thẳng, mệt mỏi, hạ huyết áp và chống đau đầu, giúp bạn tư duy một cách thông suốt hơn.
8. Chú trọng bảo vệ môi trường
Người Bắc Âu thực sự rất tôn trọng thiên nhiên. Họ luôn mang bên mình một chiếc túi để nhặt rác, dù là đi làm hay đang tập thể dục. Thói quen này được gọi là “Plogging” – kết hợp bởi 2 từ tiếng Thụy Điển: “Plocka” – nhặt nhạnh, và “jogging” – đi bộ nhanh/chạy chậm.
Theo thống kê từ ứng dụng Lifesum, việc đi bộ thông thường tiêu tốn khoảng 120 calorie/30 phút, trong khi kèm theo nhặt rác có thể lên tới 288 calorie lận.
Ngoài ra, người Bắc Âu cũng chăm an uống ở nhà, qua đó góp phần giảm được rác nhựa thải ra.
9. Tôn trọng không gian riêng
Người Phần Lan có một quy tắc bất thành văn, đó là nếu các băng ghế đôi trên xe bus đã có người ngồi trước, họ thường sẽ chọn đứng (dù chỉ có 1 người ngồi thôi). Tương tự với các băng ghế trong công viên.
Việc tự tách biệt thực chất không xấu. Nó giúp bạn thư giãn, để tâm trí được thoải mái, cải thiện sự tập trung, và qua đó thậm chí còn giúp mối quan hệ với những người xung quanh được cải thiện.
Dĩ nhiên, tách biệt không có nghĩa là phải xa lánh xã hội. Bạn có thể dành thời gian – khoảng nửa tiếng mỗi ngày – để đi bộ, suy ngẫm, dành thời gian cho bản thân. Trong thời gian này, hãy thử tắt điện thoại, ngắt kết nối với mạng xã hội, và xem tâm trạng của bạn có tốt hơn không.
Câu chuyện chống Covid-19 ở Bhutan khi nằm giữa 2 nước đông dân nhất
Không ca tử vong, không ca Covid-19 trong cộng đồng, Bhutan đã chống dịch như thế nào dù nằm giữa 2 nước đông dân nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ?
Tại Bhutan, những buổi lễ cầu nguyện vẫn diễn ra hàng ngày với niềm tin rằng việc này sẽ bảo vệ họ khỏi mối đe dọa của đại dịch Covid-19. Với 20 ca mắc Covid-19 và không có ca tử vong nào (tính đến ngày 15/5), nhiều người dân ở Vương quốc nằm dưới dãy Himalaya này tin rằng họ được những vị thần bảo hộ.
Thủ tướng Bhutan Lotay Tshering. Ảnh: vajiramias.com
Có thể vận may cũng đóng vai trò nhất định nhưng trên thực tế, nếu không có những sáng kiến mạnh mẽ được nhà vua, chính phủ và người dân thực hiện, quốc gia với khoảng 750.000 dân này có thể đối mặt với một thực tế tồi tệ.
Khó khăn trăm bề
Khi virus SARS-CoV-2 mới xuất hiện, Bhutan dường như là một quốc gia đặc biệt dễ tổn thương. Đất nước đang phát triển này "kẹt giữa" 2 quốc gia đông dân nhất thế giới là Ấn Độ và Trung Quốc, trong đó Trung Quốc là nơi các ca mắc Covid-19 đầu tiên được ghi nhận. Bhutan có chung đường biên giới với Ấn Độ và có nhiều du khách Trung Quốc ghé thăm. Trong khi đó, nhiều học sinh, sinh viên Bhutan cũng về nước từ những nơi có nhiều ca mắc Covid-19 trên thế giới, trước khi các lệnh phong tỏa toàn quốc ở các quốc gia được thực hiện.
Không chỉ đứng trước những thách thức bên ngoài biên giới, Bhutan cũng dễ bị tổn thương ở bên trong nếu dịch Covid-19 bùng phát vượt tầm kiểm soát. Quốc gia này chỉ có 300 bác sĩ. Bộ Y tế Bhutan cũng chỉ có 1 chuyên gia về Chăm sóc tích cực (ICU) và một vài chuyên gia làm việc trong phòng thí nghiệm.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã hỗ trợ kít xét nghiệm cho quốc gia này nhưng tình trạng khan hiếm các trang thiết bị y tế như máy thở và đồ bảo hộ vẫn xảy ra ở Bhutan. Mặc dù Bhutan là một quốc gia ít dân nhưng khoảng 1/5 dân số sống ở 3 khu vực đô thị đông dân nhất của đất nước, trong đó có thủ đô Thimphu.
Hành động quyết đoán
Trước thực tế khó khăn này, sự phản ứng hiệu quả và tận dụng tối đa các nguồn lực là vô cùng quan trọng và cần thiết. Trường hợp mắc Covid-19 đầu tiên tại Bhutan được ghi nhận vào ngày 6/3 là một du khách người Mỹ 76 tuổi. Người này đã nhận được sự chăm sóc đặc biệt từ Bhutan, thậm chí còn được nhà vua đích thân tới thăm. Bạn của du khách này, cũng là một công dân Mỹ, sau đó đã dương tính với SARS-CoV-2. Cả hai bệnh nhân mắc Covid-19 này vẫn đang được chăm sóc và xét nghiệm thường xuyên tại Bhutan cho đến khi hồi phục.
Mặc dù phải phụ thuộc lớn vào nguồn hỗ trợ bên ngoài nhưng chương trình chăm sóc sức khỏe toàn dân miễn phí ở Bhutan - một trụ cột quan trọng của Tổng Hạnh phúc Quốc gia, được cho là tuyến phòng thủ đầu tiên của nước này trước "bệnh nhân số 0", cùng với các cam kết xét nghiệm thường xuyên cho bất kỳ ai có triệu chứng, hoặc tiếp xúc với những người mắc bệnh.
Thủ tướng Bhutan Lotay Tshering và Bộ trưởng Y tế Dechen Wangmo đều là những người phụ trách về y tế cộng đồng trước khi bước chân vào chính trị. Cuối tháng 2/2020, Kế hoạch Phản ứng và Chuẩn bị toàn quốc cùng Ủy ban các vấn đề khẩn cấp đã cùng hợp tác với nhau tìm cách ứng phó với dịch Covid-19. Trong khi đó, các thông tin cập nhật hàng ngày và các cuộc họp báo có nhiệm vụ cung cấp thông tin cho người dân về tình trạng các ca mắc Covid-19.
Sau khi xuất hiện 2 ca mắc Covid-19 đầu tiên, Bhutan ngay lập tức theo dõi và xét nghiệm bất kỳ ai tiếp xúc với các du khách này. Lệnh cách ly 14 ngày ban đầu được áp dụng với những người nhập cảnh vào Bhutan tại 120 cơ sở cách ly được dựng lên nhanh chóng. Tuy nhiên sau đó, quãng thời gian này đã mở rộng thêm 1 tuần để khiến người dân an tâm hơn.
Thay vì phong tỏa trên diện rộng, các trường học ở Thimphu được yêu cầu đóng cửa, du khách bị cấm nhập cảnh trong thời gian có dịch và các quy chuẩn về giãn cách xã hội được khuyến khích.
Mặc dù hầu như có rất ít ca mắc nhưng Bhutan không lơ là thực hiện các biện pháp phòng ngừa ngay từ sớm. Ngày 22/3, Quốc vương Bhutan quyết định đóng cửa biên giới đất nước, bất chấp việc quốc gia này phụ thuộc lớn vào hàng xuất khẩu, đặc biệt là lương thực và nhiên liệu từ Ấn Độ, cũng như nền kinh tế chủ yếu dựa vào các hoạt động du lịch. Dù vậy, gói hỗ trợ các khoản vay và các biện pháp giảm nhẹ tác động của dịch bệnh đã nhanh chóng được thông báo để hỗ trợ những người bán lẻ, các công ty du lịch và các ngành công nghiệp nhỏ tại Bhutan.
Các chuyến bay thuê bao cũng được cử đi để đón sinh viên và người lao động ở nước ngoài muốn về nước. Đến nay, Bhutan chưa ghi nhận ca mắc Covid-19 nào lây lan trong cộng đồng.
Đề cao giá trị cộng đồng
Tăng cường tinh thần cộng đồng cũng là một chiến lược của Bhutan vào thời điểm chống dịch Covid-19. Các khách sạn tư nhân đề nghị hỗ trợ miễn phí làm cơ sở cách ly, các doanh nghiệp đóng góp tiền, nông dân và các tổ chức nông nghiệp hỗ trợ các sản phẩm mình làm ra trong khi các nhà hàng cung cấp đồ ăn miễn phí. Hợp tác với chính phủ, người dân địa phương hỗ trợ lập nên các khu cách ly tạm thời tại nhiều ngôi làng.
Sự lãnh đạo của Quốc vương Bhutan và các chính trị gia ở đây cũng là một nhân tố góp phần vào thành công chống dịch của quốc gia này. Nhà vua đã đi tới hầu hết các quận, huyện, trong đó có cả khu vực phía nam Bhutan tiếp giáp với Ấn Độ để ủng hộ nỗ lực của những người đang chống dịch tại các cơ sở cách ly.
Dưới sự chỉ đạo của nhà vua, các quân nhân thuộc Quân đội Hoàng gia Bhutan và các tình nguyện viên đã xây dựng được những ngôi nhà tạm thời cho hàng nghìn người dân Bhutan cần cách ly. Chính phủ cũng cung cấp đồ ăn tại những cơ sở cách ly này và xây dựng một khoản tài chính qua quỹ phản ứng Covid-19 quốc gia, một hoạt động nhanh chóng thu hút được sự đóng góp của người dân.
Sau khi thực hiện các biện pháp dựa trên những cơ sở khoa học như xét nghiệm, cách ly hiệu quả và kiểm soát biên giới, Bhutan đã có thể tránh được tình trạng hệ thống y tế bị quá tải do Covid-19. Sự phản ứng của quốc gia còn thiếu thốn về nguồn lực này đã được tiếp thêm sức mạnh từ những giá trị cộng đồng truyền thống khi nhà vua, người dân và chính phủ đều đồng lòng chống lại đại dịch.
Từng là một quốc gia hoàn toàn biệt lập, cho đến những năm 1950, Bhutan bắt đầu tăng cường giao lưu với thế giới bên ngoài. Nhưng điều mà Vương quốc này nhanh chóng hiểu ra là mặc dù tiếp nhận toàn cầu hóa và những tiến bộ khoa học thì Bhutan cũng cần tìm về những di sản truyền thống để vượt qua giai đoạn khó khăn, trong đó có những giá trị đề cao sự chia sẻ và tinh thần vì cộng đồng.
Hai start-up Việt Nam giành giải thưởng của Liên Hiệp Quốc Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc vừa công bố kết quả cuộc thi dành cho các start-up vì môi trường của năm 2020, trong đó 2/9 người đoạt giải là các doanh nhân trẻ của Việt Nam. Trần Nguyễn Duy Tuấn (giữa) nhận giải nhất cuộc thi Việt Nam startup wheel 2019 bảng thi cá nhân/nhóm khởi nghiệp - Ảnh: QUỐC LINH...