9 quy định mới, đáng chú ý có hiệu lực từ tháng 1/2022
Từ 2022, xả rác nhiều sẽ phải trả tiền càng nhiều, ô tô không có camera giám sát bị phạt 1-2 triệu; vi phạm giao thông bị phạt tới 75 triệu đồng; lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội chính thức tăng…
Xả rác nhiều phải trả nhiều tiền
Luật Bảo vệ môi trường 2020 có hiệu lực thi hành từ 1/1/2022 có nhiều chính sách đột phá. Lần đầu tiên cộng đồng dân cư được quy định là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường; tăng cường công khai thông tin, tham vấn và phát huy vai trò giám sát, phản biện, đồng thời, được bảo đảm quyền và lợi ích của cộng đồng dân cư khi tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường…
Một trong những nội dung đáng chú ý nhất của luật này là quy định chặt chẽ về nghĩa vụ phân loại rác thải sinh hoạt của mỗi gia đình, cá nhân. Hộ gia đình, cá nhân có trách nhiệm giảm thiểu, phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, thu gom và chuyển rác thải sinh hoạt đã được phân loại đến đúng nơi quy định.
Giá của dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt sẽ được tính dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại (Ảnh: Đỗ Quân).
Cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có quyền từ chối thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt của hộ gia đình, cá nhân không phân loại, không sử dụng bao bì đúng quy định và thông báo cho cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xử lý. Hiện nay, theo Nghị định 155 năm 2016, không phân loại rác có thể sẽ bị phạt từ 15-20 triệu đồng.
Ngoài ra, luật này cũng quy định giá của dịch vụ thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt sẽ được tính dựa trên khối lượng hoặc thể tích chất thải đã được phân loại. Tức là gia đình, cá nhân nào xả nhiều rác thì phải trả nhiều tiền chứ không “cào bằng” như hiện nay.
Vi phạm giao thông bị phạt đến 75 triệu đồng
Đây là một trong những điểm mới của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ ngày 1/1/2022.
Luật sửa đổi quy định nâng mức phạt tiền tối đa của 10 lĩnh vực như giao thông đường bộ, thủy lợi, kinh doanh bất động sản, báo chí. Điển hình, mức phạt tối đa trong lĩnh vực giao thông đường bộ là 75 triệu đồng thay vì 40 triệu như hiện hành. Mức phạt trong lĩnh vực báo chí cũng tăng từ tối đa 100 triệu lên 250 triệu.
Nguyên tắc xử phạt hành chính cũng được sửa đổi theo hướng một người thực hiện nhiều hành vi vi phạm hành chính hoặc vi phạm hành chính nhiều lần thì bị xử phạt về từng hành vi vi phạm, trừ trường hợp hành vi vi phạm hành chính nhiều lần được Chính phủ quy định là tình tiết tăng nặng.
Cảnh sát giao thông dừng phương tiện vi phạm (Ảnh minh họa: Hoàng Thuận).
Ô tô không có camera giám sát sẽ bị xử phạt 1-2 triệu
Đây là một trong những quy định mà các chủ xe ô tô kinh doanh vận tải cần hết sức lưu ý. Bắt đầu từ ngày 1/1/2022, nếu ô tô không có camera giám sát sẽ bị xử phạt. Đáng lẽ, quy định xử phạt sẽ được áp dụng từ ngày 1/7/2021 theo Nghị định 100 nhưng do tình hình dịch bệnh Covid-19 nên Chính phủ tiếp tục ra Nghị quyết 66 tạm ngưng việc xử phạt cho đến hết ngày 31/12/2021.
Như vậy, kể từ ngày 1/1/2022, ô tô kinh doanh vận tải gồm taxi, xe khách, xe buýt, xe hợp đồng… bắt buộc phải lắp camera giám sát, nếu không sẽ bị xử phạt từ 1 – 2 triệu đồng.
Video đang HOT
Nghiêm cấm việc thu tiền môi giới đi xuất khẩu lao động
Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) có nhiều quy định mới rất đáng chú ý. Luật mới có nhiều quy định nhằm bảo vệ quyền lợi của lao động Việt Nam ở nước ngoài, điển hình là quy định cho phép người lao động được đơn phương chấm dứt hợp đồng khi bị người sử dụng lao động ngược đãi, cưỡng bức lao động hoặc bị quấy rối tình dục trong thời gian làm việc ở nước ngoài.
Luật cũng quy định người đi xuất khẩu lao động không phải đóng bảo hiểm xã hội hoặc thuế thu nhập cá nhân hai lần ở Việt Nam và ở nước đến làm việc, nếu hai nước đã ký hiệp định về bảo hiểm xã hội hoặc hiệp định tránh đánh thuế hai lần. Đặc biệt, luật nghiêm cấm việc thu tiền môi giới đi xuất khẩu lao động của người lao động.
Hộ nghèo có mức thu nhập dưới 2 triệu đồng
Đó là một trong những nội dung của Nghị định 07/2021 về chuẩn nghèo đa chiều, thay thế cho Quyết định 59 đã được ban hành từ năm 2015.
Theo đó, từ năm 2022, hộ gia đình có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2 triệu đồng trở xuống ở thành thị và từ 1,5 triệu đồng trở xuống ở nông thôn; thiếu hụt 3 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên được coi là hộ nghèo.
Đối với các hộ có mức sống trung bình có thu nhập trung bình đầu người/tháng từ 1,5-2,25 triệu đồng/tháng ở nông thôn và trên 2-3 triệu đồng/người ở thành thị.
So với trước đây, điều kiện được xét hộ nghèo có mức thu nhập bình quân đầu người/tháng thấp hơn. Cụ thể, ở thành thị từ đủ 900 nghìn đồng trở xuống hoặc trên 900 nghìn đồng tới 1,3 triệu đồng; ở nông thôn từ đủ 700 nghìn đồng trở xuống hoặc trên 700 nghìn đồng tới 1,3 triệu đồng…
Người lao động làm thủ tục nhận bảo hiểm xã hội một lần (Ảnh: Hoàng Mạnh).
Tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội
Từ ngày 1/1/2022, theo Nghị định số 108/2021 của Chính phủ, những người đang hưởng lương hưu và trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng được tăng lên 7,4% trên mức lương hưu của tháng 12/2021.
Ngoài ra, điều chỉnh tăng thêm đối với các đối tượng quy định tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 108/2021:
Tăng thêm 200.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng từ 2.300.000 đồng/người/tháng trở xuống.
Tăng lên bằng 2.500.000 đồng/người/tháng đối với những người có mức lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng từ 2.300.000 đồng/người/tháng đến dưới 2.500.000 đồng/người/tháng.
Tăng tuổi nghỉ hưu của người lao động
Theo quy định tại Điều 169 Bộ luật Lao động 2019, tuổi nghỉ hưu năm 2022 của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 55 tuổi 8 tháng đối với nữ và đủ 60 tuổi 6 tháng đối với nam.
So với tuổi nghỉ hưu năm 2021 thì tuổi nghỉ hưu năm 2022 đã được điều chỉnh tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và tăng thêm 4 tháng đối với lao động nữ.
Trong trường hợp sức khỏe suy giảm hoặc làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, hoặc làm việc ở vùng đặc biệt khó khăn, người lao động có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn từ 5 – 10 tuổi so với độ tuổi quy định nêu trên.
Thời điểm nghỉ hưu được xác định từ khi kết thúc ngày cuối cùng của tháng đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định. Còn thời điểm người lao động được nhận lương hưu là bắt đầu ngày đầu tiên của tháng liền kề sau thời điểm nghỉ hưu.
Đối với trường hợp người lao động tiếp tục làm việc sau khi đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định thì thời điểm nghỉ hưu là thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động.
Vay ưu đãi tối đa 500 triệu để xây nhà
Thông tư 20 sửa đổi, bổ sung một số điều trong Thông tư 25 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn cho vay vốn ưu đãi thực hiện chính sách nhà ở xã hội có hiệu lực từ ngày 20/1.
Trong đó, mức vốn cho vay đối với khách hàng vay vốn ưu đãi để xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở của mình được quy định cụ thể là: Mức vốn cho vay tối đa bằng 70% giá trị dự toán hoặc phương án vay; mức vốn cho vay tối đa không quá 500 triệu đồng và không vượt quá 70% giá trị tài sản bảo đảm tiền vay.
So với hiện hành, Thông tư 20 đã giới hạn mức vốn cho vay không quá 500 triệu đồng.
Xăng sẽ được điều chỉnh giá 10 ngày 1 lần (Ảnh: Mạnh Quân).
Xăng điều chỉnh giá 10 ngày 1 lần
Nghị định 95 sửa đổi Nghị định 83 về kinh doanh xăng, dầu có hiệu lực từ ngày 2/1/2022, trong đó giá xăng dầu sẽ được điều chỉnh vào các ngày mùng 1, mùng 11 và ngày 21 hằng tháng (tức là 10 ngày một lần). Nếu trùng vào ngày nghỉ, ngày lễ thì được lùi sang ngày làm việc tiếp theo sau ngày nghỉ; nếu trùng vào dịp nghỉ Tết Nguyên đán thì được lùi sang kỳ điều chỉnh tiếp theo.
Trước đây, Nghị định 83/2014 quy định khoảng cách giữa hai lần điều chỉnh giá liên tiếp tối thiểu là 15 ngày đối với trường hợp tăng giá, tối đa là 15 ngày đối với trường hợp giảm giá.
Việc rút ngắn khoảng cách giữa hai lần điều chỉnh giá, xăng của Nghị định 95 được cho là nhằm tránh tình trạng tăng giá sốc, giảm giá chậm như hiện nay.
Chất thải rắn sinh hoạt tại Việt Nam - Bài cuối: Thay đổi, điều chỉnh hành vi theo hướng giảm thiểu chất thải
Luật Bảo vệ môi trường 2020 mới đây đã bổ sung các chính sách, quy định, công cụ mới về quản lý chất thải rắn sinh hoạt.
Các nhà soạn thảo kỳ vọng khi áp dụng vào thực tiễn các quy định này sẽ huy động tối đa nguồn lực từ xã hội, các thành phần kinh tế bao gồm thuế, phí, cơ chế đặt cọc-hoàn trả, ký quỹ, trách nhiệm tái chế của nhà sản xuất... nhằm thay đổi hành vi sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng theo hướng giảm thiểu chất thải.
Thúc đẩy thị trường tái chế, tái sử dụng
Công nhân phân loại rác để xử lý tại Nhà máy xử lý rác thải Quỳnh Côi, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN
Báo cáo Hiện trạng môi trường quốc gia 2019 cho thấy, việc tái chế, tái sử dụng chất thải rắn là một trong những giải pháp quan trọng trong hệ thống quản lý chất thải cũng như thực hiện nội dung về kinh tế tuần hoàn.
Các nước châu Âu, Canada, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc... đã hình thành một thị trường tái chế chất thải với sự tham gia của các bên dựa trên nhu cầu về nguồn cung và sử dụng các sản phẩm tái chế. Tuy nhiên, để duy trì thị trường này, các nước đều có các quy định mang tính bắt buộc và khuyến khích, hỗ trợ để duy trì và phát triển thị trường như: áp dụng chính sách về trách nhiệm của nhà sản xuất; Chương trình hệ thống đặt cọc hoàn trả đặc biệt áp dụng đối với các loại vỏ chai, đồ uống nhằm mục tiêu thu hồi và tái sử dụng... Điển hình, Hàn Quốc đã thực hiện hiệu quả việc tiết kiệm tài nguyên, tăng 75% khối lượng tái chế trong hơn 10 năm (2003-2017), trong đó năm 2017 có tới 92% chất thải nhựa được tái chế. Một số nước có quy định tỷ lệ tái chế tối thiểu, tức phải sử dụng nguyên liệu tái chế làm đầu vào cho quá trình sản xuất thay thế cho nguyên liệu thô khai thác tự nhiên, tạo ra nhu cầu về nguyên liệu cho ngành công nghiệp tái chế chất thải.
Mặt khác, các nước cũng có cơ chế, chính sách để thúc đẩy việc tiêu thụ các sản phẩm từ tái chế chất thải, trước hết là khuyến khích thực hiện thông qua chương trình mua sắm công. Nhà nước và các cơ quan Chính phủ sẽ là nhóm khách hàng đầu tiên, tiếp đến là doanh nghiệp và người dân. Việc đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm tái chế là giải pháp cơ bản để thúc đẩy hoạt động tái chế chất thải. Các sản phẩm tái chế đều được gắn nhãn xanh hoặc logo, biểu tượng đặc trưng giúp người tiêu dùng dễ nhận biết. Bên cạnh đó có các chính sách khuyến khích, ưu đãi về thuế... giúp các sản phẩm tái chế có nhiều hơn cơ hội thâm nhập thị trường.
Ngoài ra, các quốc gia đã sử dụng công cụ tài chính trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt, trong đó nổi bật là phí sản phẩm, hệ thống thu phí rác thải dựa trên khối lượng, hệ thống hoàn trả tiền gửi, trách nhiệm của nhà sản xuất mở rộng.
Luật hóa để đưa vào cuộc sống
Phân loại rác tái chế tại điểm đổi rác phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN
Luật Bảo vệ môi trường 2020, có hiệu lực từ đầu năm 2022 đã bổ sung và áp dụng lần đầu liên quan đến phân loại rác tại nguồn, tiệm cận dần với quy định của các quốc gia phát triển.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đưa vào Luật cơ chế thu phí rác thải, quy định việc thu phí rác thải dựa trên khối lượng, thể tích thay cho việc đổ đồng theo hộ gia đình hoặc đầu người như hiện nay, góp phần thúc đẩy người dân phân loại, giảm thiểu rác thải phát sinh tại nguồn. Đồng thời, hoàn thiện và bổ sung 1 điều quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, theo đó, nhà sản xuất, nhập khẩu có trách nhiệm thu hồi và tái chế sản phẩm hoặc bao bì do mình sản xuất, nhập khẩu theo tỷ lệ tái chế và quy cách, tiêu chuẩn tái chế quy định. Trường hợp, nhà sản xuất, nhập khẩu không thực hiện trách nhiệm tái chế thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Nghị định xử phạt hành chính về bảo vệ môi trường.
Để đảm bảo việc nhà sản xuất, nhập khẩu thực hiện trách nhiệm, Luật Bảo vệ môi trường 2020 bổ sung cơ chế đặt cọc, hoàn trả bao bì sản phẩm, quy định cho phép chủ thể này được bổ sung chi phí thu hồi vào giá sản phẩm để người dân trả lại bao bì sản phẩm được nhận lại khoản tiền này, điều này thúc đẩy việc tăng tỉ lệ tái sử dụng bao bì hoặc tái chế sản phẩm, góp phần làm thay đổi hành vi tiêu dùng.
Về quản lý chất thải rắn sinh hoạt, Luật quy định chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được phân loại theo quy định không phải chi trả kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý (người dân có thể bán). Chất thải chưa phân loại hoặc những loại chất thải khác không có khả năng tái sử dụng, tái chế thì hộ gia đình, cá nhân phải chi trả kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý.
Luật quy định trách nhiệm phân loại của hộ gia đình, cá nhân thay vì khuyến khích việc phân loại như trước đây. Căn cứ thực tế tại địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể lộ trình, hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên khối lượng, chủng loại phát sinh. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm kiểm tra việc tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong việc thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; xử lý hoặc chuyển cấp có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định.
Phân loại rác tái chế tại điểm đổi rác phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN
Tại các điểm tập kết rác thải, việc phân loại không đúng quy định thì đơn vị thu gom, vận chuyển có quyền từ chối và thông báo cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác định hộ gia đình, cá nhân vi phạm và xử lý nghiêm thông qua hệ thống camera giám sát. Tổ dân phố, tổ chức chính trị xã hội có trách nhiệm phối hợp đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt; hướng dẫn, vận động cộng đồng, gia đình, cá nhân phân loại và tập kết rác thải tại địa điểm quy định; giám sát và công khai hành vi vi phạm của gia đình, cá nhân.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã điều chỉnh việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt thành 3 loại gồm chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm và chất thải rắn sinh hoạt khác để bảo đảm khả thi hơn khi thực hiện.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Nguyễn Hưng Thịnh cho biết: Luật đã quy định cụ thể rõ ràng cho phép chính quyền địa phương thu chi phí để chi trả giá xử lý chất thải rắn sinh hoạt thông qua việc bán túi nilon. Người dân sẽ bỏ rác vào túi, túi càng to, giá càng cao nên muốn trả ít tiền, người dân phải hạn chế rác thải và đơn vị thu gom chỉ thu gom rác thải được đựng trong túi nilon này.
Thời hạn phải áp dụng quy định này chậm nhất là ngày 1/1/2025 và giao UBND cấp tỉnh quyết định việc áp dụng lộ trình để bảo đảm tính khả thi, phù hợp với thực tế về nhận thức, hạ tầng kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn ở nước ta hiện nay, bởi vấn đề phân loại rác thải tại nguồn chỉ thực sự hiệu quả khi đồng bộ với hạ tầng thu gom, xử lý.
Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có đề án "Tăng cường công tác quản lý chất thải nhựa ở Việt Nam giai đoạn 2021-2026", góp phần thực hiện thành công chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; xây dựng mô hình nền kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam với định hướng giảm sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy, tăng cường tái sử dụng, tái chế và xử lý chất thải nhựa.
Theo đó, đến năm 2025, sử dụng 100% túi nilon, bao bì thân thiện với môi trường tại các trung tâm thương mại, siêu thị phục vụ cho mục đích sinh hoạt thay thế túi nilon khó phân hủy; đảm bảo thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh; giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương; phấn đấu 100% các khu du lịch, các cơ sở lưu trú du lịch, các khách sạn không sử dụng túi nilon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần; giảm dần sản xuất và sử dụng túi nilon khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt.
Hướng dẫn cụ thể cách tính lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội khi tăng 7,4% từ 1/1/2022 Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã xây dựng dự thảo Thông tư hướng dẫn điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hằng tháng theo Nghị định số 108/2021/NĐ-CP. Chi trả chế độ lương hưu cho người hưởng tại Hải Dương. Theo dự thảo, đối tượng áp dụng gồm: Các đối tượng quy định tại các...