9 điểm quan trọng trong Chiến lược an ninh của Nga 2016
Tổng thống Vladimir Putin vừa đặt bút ký Chiến lược an ninh quốc gia năm 2016 của Nga, trong đó nhấn mạnh, sự bành trướng của tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), vũ khí sinh học… là những mối đe dọa lớn nhất đối với nước này.
Dưới đây là 9 nội dung chính và quan trọng nhất trong Chiến lược an ninh quốc gia năm 2016 của Nga được đăng tải trên hãng tin RT.
Chiến lược an ninh quốc gia năm 2016 của Nga vừa được Tổng thống Putin phê chuẩn.
1. Sự bành trướng thái quá của NATO
Theo Chiến lược an ninh quốc gia Nga năm 2016, việc NATO mở rộng liên minh về phía biên giới của nước Nga là một mối đe dọa an ninh nghiêm trọng. Theo đó, NATO đang thực hiện quá trình quân sự hóa và nâng cấp vũ trang tại các khu vực giáp giới với Nga.
Binh sĩ NATO.
Tuy nhiên, Nga vẫn muốn thúc đẩy quan hệ tốt đẹp và đối thoại công bằng với với NATO, Mỹ, và Liên minh châu Âu (EU) dựa trên cơ sở nghiêm túc tuân thủ các điều ước quốc tế về kiểm soát vũ khí, các biện pháp xây dựng lòng tin, không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, mở rộng hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố, giải quyết các xung đột khu vực…
2. Các nguy cơ từ vũ khí sinh học
Theo Chiến lược an ninh quốc gia của Nga năm 2016, số lượng các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân ngày càng gia tăng đang tạo ra nhiều rủi ro. Ngoài ra, nguy cơ các nước tìm cách sở hữu và sử dụng vũ khí hóa học cũng như vũ khí sinh học cũng đang tăng lên. Nga đã cáo buộc Mỹ đang đặt ra những nguy cơ liên quan đến vũ khí sinh học.
“Mạng lưới phòng thí nghiệm vũ khí sinh học của Mỹ đang mở rộng ra các nước lân cận Nga. Các chính sách đối nội và đối ngoại của Nga đang phải đối mặt với những hành động trả đũa của Mỹ và đồng minh – những nước luôn tìm cách thống trị tình hình thế giới”, văn bản này viết.
3. Cách mạng màu
Danh sách những mối đe dọa lớn nhất tới an ninh quốc gia Nga trong năm 2016 đề cập đến cách mạng màu và những hỗn loạn do nó gây ra; nguy cơ đánh mất những giá trị truyền thống; và nạn tham nhũng.
Nga cảnh báo đối tượng có thể gây ra cách mạng màu đe dọa an ninh ước này là “các tổ chức xã hội lợi dụng những tư tưởng dân tộc và tôn giáo cực đoan, những tổ chức phi chính phủ nước ngoài”.
Ngoài ra, văn bản cũng cho rằng chính các công dân Nga, những người luôn tìm cách phá hoại toàn vẹn lãnh thổ và gây bất ổn chính trị cho đất nước, cũng là những đối tượng tiềm ẩn nguy cơ gây ra cách mạng màu.
4. Vấn đề Ukraine
Nga giữ quan điểm lâu nay cho rằng, sự hậu thuẫn của Mỹ và EU đối với cuộc đảo chính tại Ukraine đã dẫn tới hậu quả là sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội Ukraine, thúc đẩy sự bùng nổ của xung đột vũ trang.
Video đang HOT
Sự nổi lên của tư tưởng dân tộc chủ nghĩa cực hữu và việc cố tình bóp méo hình ảnh nước Nga là “kẻ thù” tại Ukraine đã trở thành “đòn bẩy của sự bất ổn tại châu Âu, và trực tiếp ảnh hưởng tới biên giới Nga”.
5. Không sử dụng vũ khí hạt nhân?
Nga tuyên bố, nước này sẵn sàng đàm phán đa phương về hạn chế tiềm lực hạt nhân, nhưng với điều kiện các thỏa thuận đưa ra phải phục vụ lợi ích của tất cả các bên.
Tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của Nga (Ảnh Reuters)
Nga khẳng định, nước này có thể hạn chế phát triển chương trình hạt nhân trong trường hợp, động thái này đóng vai trò là “đòn bẩy cho việc giảm thiểu vũ khí hạt nhân, mà không ảnh hưởng tới sự ổn định chiến lược cũng như tình hình an ninh quốc tế.
Tuy nhiên, Chiến lược an ninh quốc gia của Nga năm 2016 nhấn mạnh, Nga sẽ vẫn tiếp tục sử dụng vũ khí hạt nhân như một biện pháp răn đe. Đồng thời, nước này cũng sẽ sử dụng biện pháp quân sự nếu như tất cả các hướng giải quyết phi quân sự khác thất bại.
6. Chiến tranh thông tin
Chiến lược an ninh quốc gia mới nhấn mạnh, các cơ quan tình báo của nước này đã và đang hoạt động tích cực hơn và tận dụng mọi khả năng của mình trong cuộc cạnh tranh giành ảnh hường toàn cầu.
“Cả một hệ thống, từ chính trị, tài chính, kinh tế, cho tới thông tin, đã được đem ra tham chiến trên mặt trận tranh giành ảnh hưởng trên trường quốc tế”.
7. Thời điểm sử dụng vũ lực
Chiến lược an ninh quốc gia mới cho phép sử dụng lực lượng quân đội khi tất cả các biện pháp khác nhằm “bảo vệ lợi ích quốc gia” thất bại, không đem lại kết quả.
Trước đó, hồi cuối tháng 9 năm ngoái, Quốc hội Nga đã nhất trí ủy quyền cho Tổng thống Putin điều động Không quân tới Syria để “bảo vệ lợi ích quốc gia” Nga.
8. Vấn đề kinh tế
Chiến lược an ninh quốc gia mới thừa nhận, nền kinh tế Nga đang thiếu đi tính cạnh tranh trên thị trường, cũng như phụ thuộc quá nhiều vào tài nguyên thiên nhiên. Đây là một mối đe dọa đối với an ninh nước Nga.
Ngoài ra, các vấn đề ảnh hưởng đến sự ổn định của nền kinh tế Nga bao gồm công nghệ lạc hậu, lỗ hổng của hệ thống tài chính, sự mất cân bằng của hệ thống ngân sách, sự cạn kiệt của các nguồn nguyên liệu cơ bản, nạn tham nhũng…
Việc Nga phụ thuộc vào môi trường kinh tế thế giới cũng đe dọa sự ổn định của nền kinh tế riêng của nước này.
9. Hướng đi tiếp theo cho nền kinh tế
Để đảm bảo an ninh kinh tế, Chiến lược an ninh quốc gia năm 2016 của Nga nhấn mạnh việc cân bằng ngân sách, không để “chảy máu” vốn và giảm lạm phát.
Chính phủ sẽ thực thi những chính sách xã hội và kinh tế, trong đó bao gồm việc củng cố hệ thống tài chính, đảm bảo sự ổn định của đồng nội tệ để chống lại những mối đe dọa đối với an ninh kinh tế.
Nga cũng nhấn mạnh việc phát triển quan hệ với Trung Quốc, Ấn Độ, các nước Mỹ Latin, và các nước châu Phi là những bước đi quan trọng.
Theo Danviet
Nhân tố tối mật quyết định vị thế Putin
Không ồn ào nhưng mỗi động thái của Putin khi thực thi kế hoạch về quốc phòng hay xuất khẩu vũ khí đều khiến các đối thủ lo ngại.
Sức mạnh luôn đặt trong sự kiểm soát tối mật này đang là yếu tố quan trọng giúp ông Putin lấy lại vị thế của nước Nga.
Dồn tiền cho quân sự
Tờ Themoscowtimes, chi phí quốc phòng 2016 của Nga dự kiến tăng 0,8%, thấp hơn so với mức tăng 10% trong vòng 5 năm tới theo kế hoạch thực hiện mục tiêu hiện đại hóa trang thiết bị đề ra bởi Tổng thống Vladimir Putin.
Tuy nhiên, mức chi tiêu này vẫn là một con số rất lớn so với các nước, nhất là trong bối cảnh Nga đang phải thực hiện chính sách "thắt lưng buộc bụng" cho 2016 khi mà nguồn thu liên tục sụt giảm rất mạnh.
Giá dầu hiện vẫn đang loanh quanh ngưỡng 40 USD/thùng, thấp hơn nhiều so với tính toán của Nga trước đó là 100 USD/thùng khi lập kế hoạch ngân sách cho năm 2015.
Để bù đắp thâm hụt ngân sách, theo kế hoạch, trong năm 2016, Bộ Tài chính Nga sẽ phải vay trong nước gần 20 tỷ USD và có thể vay quốc tế khoảng 2 tỷ USD.
Đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí là một lựa chọn của ông Putin.
Trong bối cảnh đó, việc thu về 18 tỷ USD nhờ xuất khẩu vũ khí trong 10 tháng đầu năm và triển vọng xuất khẩu vũ khí tươi sáng của Nga... là thông tin rất tích cực đối với nước này và có thể giúp ông Putin tiếp tục các chương trình đầy tham vọng của mình.
Trước đó, bắt đầu từ 2011, Kremlin triển khai kế hoạch tái trang bị vũ trang trị giá 20 ngàn tỷ rúp (gần 700 tỷ USD với tỷ giá khi đó) nhằm hiện đại hóa 70% lực lượng vũ trang Nga cho tới năm 2020. Nhưng trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, việc chi tiêu theo kế hoạch của chương trình nói trên đã gặp trở ngại.
Bước vào 2015, Duma Quốc gia Nga (Hạ viện) dự thảo ngân sách 3,3 ngàn tỷ rúp cho chi tiêu quốc phòng, sau đó được cắt giảm 5% xuống còn 3,1 ngàn tỷ rúp. Con số này vẫn tăng khoảng 26% so với năm 2014.
Trong cả năm qua, nước Nga vật lộn với hàng loạt các khó khăn khi giá dầu sụt giảm và bị phương Tây trừng phạt kinh tế. Ông Putin đau đầu với khoản chi hàng trăm tỷ USD hiện đại hóa quân đội. Nước cờ đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí đang là một giải pháp giúp Nga theo đuổi chiến lược trở thành cường quốc hàng đầu về quân sự.
Việc đồng rúp mất giá đã ảnh hưởng rất lớn tới kinh tế nước này. Nhưng ở một góc độ nào đó, nó giúp Nga lợi hơn khi xuất khẩu vũ khí. Mỗi hệ thống tên lửa phòng không S-400 trị giá 500 triệu USD giờ đây đổi được 33 tỷ rúp, thay vì 22,5 tỷ rúp hồi cuối 2014.
Kế hoạch hiện đại hóa quân đội và đầu tư mạnh hơn vào phát triển vũ khí trị giá 20 ngàn tỷ rúp của ông Putin giờ chỉ tương đương khoảng 300 tỷ USD, thay vì gần 700 tỷ USD như hồi năm 2011.
Giữ vững sức mạnh không lời
Hồi cuối 2014, Nga thực sự đau đầu với kế hoạch hiện đại hóa quân đội. Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov khi đó cho rằng, ngân sách nước này không thể triển khai kế hoạch hàng trăm tỷ USD như vậy.
Ba năm trước đó, người tiền nhiệm của Siluanov là Alexei Kudrin đã từ chức vì không đồng tình với kế hoạch chi tiêu cho quân sự vốn đã được Tổng thống Vladimir Putin phê duyệt.
Putin giữ vững sức mạnh quân sự.
Việc giá dầu giảm mạnh đã khiến kinh tế Nga tăng trưởng âm, ngân sách thâm thủng, đồng rúp tụt giảm, lạm phát gia tăng. Những yếu tố này đã tác động tiêu cực tới kế hoạch đầy tham vọng của Putin. Việc chi tiêu mạnh cho quân sự trong bối cảnh khó khăn đang đe dọa vị thế tài chính của Nga.
Gần đây, 2 hãng xếp hạng tín dụng lớn nhất thế giới tiếp tục cảnh báo tài chính nước Nga ngày càng xấu đi. S&P dự báo thâm hụt ngân sách Nga sẽ tăng lên 4,4% trong năm 2015, cao hơn khá nhiều so với mức 3% của Kremlin.
Trong khi đó, theo NHTW Nga, chính phủ nước này vẫn đang tăng chi tiêu quân sự. Riêng trong năm 2014, chi tiêu cho lĩnh vực này đã lên tới 84 tỷ USD. Trong năm 2015, theo như kế hoạch, chi tiêu quân sự vẫn sẽ tăng bất chấp các vấn đề đối ngoại và kinh tế trong nước.
Theo TASS, mức chi quân sự trong năm 2016 sẽ vào khoảng 3.145 tỷ rúp, tương đương 4% GDP. Hơn thế, nhiều hoạt động chi tiêu cho quân sự không nằm trong dự thảo mà chủ yếu được hoạch định cho chi tiêu nghiên cứu khoa học, nghiên cứu và phát triển.
Cùng với đẩy mạnh xuất khẩu vũ khí, Nga đang bước sang giai đoạn 2 cải cách quân đội, thay thế hàng loạt trang bị mới và tiếp tục đầu tư mạnh hơn phục vụ mục tiêu trở thành cường quốc hàng đầu về quân sự.
Theo WB, chi tiêu quốc phòng thực tế của Nga cao hơn so với các con số được nước này công bố. Trong năm 2014, con số này đã chiếm 4,2% GDP. Trên thế giới, chỉ có rất ít nước chi tiêu cho quân sự vượt mức 4%.
Một trong những điểm nhấn trong kế hoạch của Putin là phát triển các vũ khí thiết bị mới, mà theo TASS chiếm khoảng 2/3 ngân sách dành cho lĩnh vực này. Cũng trong dự thảo ngân sách 2016, trừ chi tiêu quốc phòng, hầu hết ngân sách cho các lĩnh vực khác đều bị cắt như: giáo dục, chăm sóc y tế, xã hội...
Đây có thể là tín hiệu cho thấy các nhà lãnh đạo Nga vẫn kiên quyết giữ ngành công nghiệp quốc phòng là một ưu tiên hàng đầu và có thể dựa vào đó để hoạch định các chính sách ngoại giao trong năm 2016.
Và nếu như vậy, rất có thể, ngành công nghiệp quốc phòng sẽ là lĩnh vực cuối cùng cảm nhận được sức ép thâm hụt ngân sách.
Theo V.Minh
Vietnamnet
Nhiều nước kêu gọi hợp tác quốc tế trong chống khủng bố Sau các vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại Pháp, cùng với việc tăng cường các biện pháp tự bảo vệ, nhiều quốc gia trên thế giới đã lên tiếng khẳng định sự cần thiết của hợp tác quốc tế trong cuộc chiến chống khủng bố. Trước hết phải tự bảo vệ mình Trong bối cảnh các vụ tấn công khủng bố...