8X lái máy bay Su-30MK2
Từ hàng ngàn ứng viên mới chọn ra được một người đủ điều kiện học phi công chiến đấu và trong hàng trăm học viên, vài người xuất sắc nhất mới có thể lái Su-30MK2.
Ấn tượng của chúng tôi khi đến Trung đoàn Không quân 923 – đơn vị máy bay chiến đấu hiện đại nhất Việt Nam thuộc Sư đoàn 371 – không phải từ những chiếc Su-30MK2 mà lại là những người đang vận hành loại máy bay bề thế, dũng mãnh này. Trong số 25 phi công lái chiến đấu cơ Su-30KM2 của Trung đoàn 923, có 9 người ở thế hệ 8X với khát vọng canh giữ bầu trời Tổ quốc luôn bình yên.
Chọn lọc, huấn luyện gắt gao
Ở lứa tuổi 8X nhưng lớp phi công trẻ vận hành chiến đấu cơ tiêm kích không bị choáng ngợp, lúng túng khi được giao trọng trách lớn. Họ nhanh chóng làm chủ máy bay, vũ khí hiện đại và say mê với những bài tập chiến đấu thực tế đầy thách thức.
Từ cuối năm 2012, phi công điều khiển Su-30MK2 của Trung đoàn 923 đã đạt đủ số giờ bay huấn luyện để đi vào nhận nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu. Ít ai biết rằng nhiều người trong số họ là những chàng trai trẻ, mới chỉ có một năm làm quen với chiến đấu cơ tiêm kích thế hệ thứ 4 do Nga chế tạo.
Theo đại tá Nguyễn Việt Hùng, Phó Chính ủy Sư đoàn 371, việc sử dụng người trẻ đã qua đào tạo bài bản trong nước là ưu tiên của đơn vị. Phi công Su-30MK2 cần những phẩm chất và sự rèn luyện đặc biệt. “Họ phải nắm bắt nhanh kỹ thuật mới, phải thông thạo tiếng Nga, có khả năng chịu áp lực tốt, hợp đồng chiến đấu nhuần nhuyễn vì Su-30MK2 bay 2 người” – ông giải thích.
Các phi công trẻ chuẩn bị bay với Su-30MK2. Ảnh: TRUNG ĐOÀN 923
Thượng úy phi công Trần Văn Hiệp, SN 1985, cho biết trước khi ngồi vào buồng lái Su-30MK2, anh đã được huấn luyện qua rất nhiều loại máy bay. “Khi nhận thông báo sẽ được học chuyển loại để trở thành phi công bay Su-30MK2, tôi không dám tin mình được trao vinh dự ấy. Trước đây, chỉ những sĩ quan phi công được đào tạo bài bản ở Nga mới có thể tiếp cận loại máy bay này” – anh tự hào.
Quê ở huyện Thái Thụy – Thái Bình, Hiệp là “hàng xóm” của anh hùng phi công Phạm Tuân. Chàng thượng úy trẻ thừa nhận những giai thoại và tấm gương của Phạm Tuân là một trong nhiều lý do thôi thúc anh phấn đấu gia nhập lực lượng canh giữ bầu trời Tổ quốc. Hiệp đã vượt qua hàng trăm người cùng trang lứa để được chứng nhận có đủ sức khỏe lái chiến đấu cơ. Sau rất nhiều bài kiểm tra về khả năng, Hiệp còn phải vượt qua kỳ sát hạch như thi đại học trước khi vào Trường Sĩ quan Không quân ở Nha Trang.
Trong suốt 5 năm luyện bay, quá trình chọn lọc, đào thải và huấn luyện rất gắt gao vẫn tiếp tục. Đại tá Hùng cho biết từ hàng ngàn ứng viên mới chọn ra được một người đủ điều kiện học phi công chiến đấu và trong hàng trăm học viên, vài người xuất sắc nhất mới có thể lái Su-30MK2.
Khát vọng cao vợi
Thượng úy Trần Trịnh Tố Nguyên, SN 1984, bảo rằng với bất kỳ phi công chiến đấu cơ nào, thời khắc đáng nhớ nhất trong đời chính là lần đầu tiên được độc lập tác chiến, tự mình làm chủ chiếc máy bay trên bầu trời Tổ quốc. Có lẽ vì phi công lấy bầu trời là không gian làm việc nên ai cũng có nguồn cảm hứng bao la lãng mạn và những khát vọng cao vợi. “Vùng nào của đất nước mình cũng đẹp, bay trên trời nhìn xuống, ai cũng có cảm giác muốn làm điều gì đó cho Tổ quốc” – Nguyên tâm sự.
Video đang HOT
Thời gian theo học Trường Sĩ quan Không quân, Nguyên từng gặp chuyện khó xử khi cha mẹ khuyên anh nghỉ ngang vì sợ con trai út gặp nguy hiểm cũng như bị quá nhiều áp lực. “Nghiệp bay và niềm khát khao được vút lên không trung, tung hoành khắp nơi để canh gác biển trời Tổ quốc trong tôi lớn hơn tất cả. Mọi áp lực trở nên quá nhỏ bé với niềm đam mê ấy” – thượng úy Nguyên thổ lộ.
Các phi công trẻ chuẩn bị bay với Su-30MK2. Ảnh: TRUNG ĐOÀN 923
Khác với vẻ ngoài hiền lành, cả hai thượng úy Trần Văn Hiệp và Trần Trịnh Tố Nguyên đều là người ưa thích những bài bay mạo hiểm. Trên đường băng của phi trường chỉ dành riêng cho Su-30MK2, Hiệp hào hứng: “Tôi thích nhất là những bài tập nhào lộn và công kích mục tiêu trên không. Đây là những bài tập khó vì ở vận tốc siêu thanh, phi công phải có khả năng chịu áp lực cực cao. Cảm giác khi bộ quần áo kháng áp căng mạnh, áp lực gần 400 kg đè lên cơ thể không làm tôi sợ hay căng thẳng mà còn phấn khích tột độ”.
Chàng thượng úy 28 tuổi này vẫn cảm thấy tiếc nuối khi chưa có điều kiện thực hành bay nhiều hơn. Tuy vậy, Hiệp vẫn khẳng định: “Trong điều kiện huấn luyện hiện có, chúng tôi luôn hoàn thành tốt mọi phương án tác chiến. Anh em phi công trẻ rất chịu khó mày mò tìm hiểu và đọc thêm sách về hoạt động, cấu tạo của Su-30MK2, trau dồi vốn tiếng Nga để hoàn toàn làm chủ phương tiện, khí tài”.
Phi công Đỗ Trung Dũng, SN 1982, nhắc lại niềm tự hào riêng: “Tôi đã từng được bay ra Trường Sa, bay bảo vệ các tàu thăm dò dầu khí trên biển của ta. Nhiều người cho rằng đó là những chuyến bay nguy hiểm nhưng anh em phi công trẻ lại xem là vinh dự”. Nhiệm vụ bay biển, bay đêm, bay trong điều kiện khí tượng phức tạp cũng đều được những phi công dưới 30 tuổi hoàn thành xuất sắc, không thua kém gì lớp đàn anh.
Tại Trung đoàn 923, chúng tôi còn gặp nhiều phi công thế hệ 8X khác: Hoàng Văn Thái, Vũ Đức Hùng, Lê Hoài Nam, Nguyễn Duy Hùng, Đỗ Toàn Thịnh, Trần Quốc Toản. Họ đều là những sĩ quan phi công cấp thượng úy, người trẻ nhất mới 26 tuổi và phân nửa vẫn chưa lập gia đình. Cả Su-30MK2 và những phi công lứa 8X này đều là những niềm kiêu hãnh mới của không quân Việt Nam anh hùng.
Tết này, trực chiến với Su-30MK2
Ngoài lực lượng phi công trẻ, các kỹ sư bảo dưỡng Su-30MK2 của Trung đoàn 923 cũng hầu hết ở lứa tuổi 8X. Thiếu tá Trần Việt Hà, chính trị viên tiểu đoàn kỹ thuật, khoe: “Trong một lần bay, chim trời làm hỏng hoàn toàn một động cơ Su-30MK2. Khi ấy, không có chuyên gia Nga nhưng anh em kỹ sư đã khắc phục toàn bộ hỏng hóc và thay thế động cơ mới để máy bay tiếp tục đưa vào vận hành”.
Với Trung đoàn 923, từ đầu năm mới 2013, quá trình làm quen và huấn luyện thực hành sử dụng Su-30MK2 kết thúc để bước vào nhiệm vụ mới: Trực ban sẵn sàng chiến đấu 24/24 giờ. “Tết này, anh em trung đoàn trực chiến với 2 chiếc Su-30MK2!” – thiếu tá Hà khẳng định.
Theo 24h
Thủ tướng thị sát máy bay tiêm kích Su-30MK2
Sáng 26/1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến thăm Đoàn Không quân Yên Thế (Trung đoàn 923, Sư 371 Quân chủng Phòng Không) tại huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa.
Thủ tướng trên buồng lái Su 30 MK2
48 năm phấn đấu rèn luyện trưởng thành, Trung đoàn đã lập nhiều thành tích vượt trội trong chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu.
Các anh hùng không quân lập công xuất sắc từng bắn rơi nhiều máy bay Mỹ như Nguyễn Văn Bảy (A) Nguyễn Văn Bảy B, Lưu Huy Chao... đều là lính của Trung đoàn.
Đặc biệt thời gian gần đây, Trung đoàn không quân Yên Thế với những thành tích huấn luyện xuất sắc đã được cấp trên giao trọng trách tiếp cận với loại máy bay chiến đấu hiện đại SU 30 MK2.
Trong thời gian rất ngắn, bằng quyết tâm và tài trí thông minh sáng tạo, cán bộ chiến sĩ Trung đoàn đã tiếp cận chuyển loại vũ khí mới rất thành công, có nhiều sáng kiến trong công tác bảo trì bảo dưỡng máy bay cùng vũ khí khí tài hiện đại làm lợi và tiết kiệm nhiều triệu USD...
Thủ tướng với cán bộ chiến sĩ Đoàn không quân Yên Thế
Nói chuyện với CBCS Trung đoàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: Càng tự hào kiêu hãnh với truyền thống anh hùng của quân chủng, tôi lại càng dấy thêm niềm tự hào cùng niềm tin bởi trong thời gian ngắn Đoàn không quân Yên Thế nói riêng và Quân chủng chúng ta nói chung đã nhanh chóng làm chủ những vũ khí khí tài hiện đại trong đó có loại máy bay SU 30MK2 với những tính năng chiến đấu vượt trội.
Phương tiện chiến đấu hiện đại cùng công sức thành tích huấn luyện làm chủ vũ khí hiện đại cán bộ chiến sĩ Đoàn Yên Thế và của toàn quân chủng là niềm tin là chỗ dựa vững chắc của quân dân ta đang ngày đêm bám biển bám đảo giữ vững chủ quyền lãnh thổ lãnh hải của quốc gia.
Thành tích trong huấn luyện, đặc biệt việc nhanh chóng làm chủ vũ khí khí tài hiện đại của quân đội ta cũng là lời cảnh cáo răn đe nghiêm khắc đối với mọi mưu đồ vi phạm chủ quyền quốc gia của những thế lực thù địch.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng nhiều quan chức cùng đi đã tới thăm nơi đóng quân của CBCS Trung đoàn không quân Yên Thế, kho chứa máy bay SU30 MK2, vũ khí và lên tận buồng lái động viên thăm hỏi các chiến sĩ không quân đang tập luyện và thị sát một phần buổi tập luyện chiến đấu của Cán bộ chiến sĩ Trung đoàn.
Tên lửa được lắp đặt trên máy bay Su 30 MK2
Thủ tướng cũng ghé thăm sân bay dân dụng kề bên sân bay quân sự Sao Vàng có tên là sân bay Thọ Xuân mới được xây dựng. Tại sân bay Thọ Xuân, ngày 6-2 sẽ khai trương đường bay nối liền Thanh Hóa với TPHCM và nhiều tỉnh thành khác
Chiều 26/1, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng đoàn công tác của Chính phủ có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thanh Hóa về tình hình kinh tế xã hội của địa phương.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao những cố gắng vượt qua khó khăn và đạt nhiều thành tích quan trọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thanh Hóa trong năm 2012, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.
"Khẳng định những thành quả đạt được, nhưng Thanh Hóa cũng phải thấy rõ những khó khăn, tồn tại, hạn chế cần khắc phục, trong đó nổi lên là tỷ lệ hộ nghèo còn cao, hạ tầng kém phát triển, chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra..." - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu ro.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo Thanh Hóa tập trung sức lực để đẩy mạnh phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và chăn nuôi gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới và công tác giảm nghèo, nhất là các huyện phía Tây của tỉnh.
Khuyến khích phát triển mô hình cánh đồng mẫu lớn tạo điều kiện ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hoá trong sản xuất, phát triển chăn nuôi trang trại; có chính sách phát triển kinh tế hộ, ưu tiên hỗ trợ vốn, giống cây trồng, vật nuôi cho các hộ dân.
Nhấn mạnh là một tỉnh có dân số đông, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Thanh Hóa cần đặc biệt quan tâm đến công tác đảm bảo an sinh xã hội, phát triển y tế, giáo dục...
Trước mắt, phải thực hiện hiệu quả các giải pháp kiểm soát thị trường hàng hóa, giá cả, tránh tình trạng đầu cơ, găm giá; thực hiện tốt công tác chăm lo Tết cho đồng bào, các đối tượng chính sách.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương đã xem xét, cho ý kiến cụ thể đối với các đề xuất, kiến nghị của Thanh Hóa liên quan đến lập điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; chủ trương mở rộng Khu kinh tế Nghi Sơn...
Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đến thăm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - Chi nhánh Thanh Hóa.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, trong bối cảnh doanh nghiệp đang phải đối mặt nhiều khó khăn, BIDV cần triển khai một cách tích cực, chủ động, có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, chú trọng rà soát khách hàng, cơ cấu lại nợ, đưa tín dụng vào thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và tạo việc làm.
Trong khuôn khổ tài chính cho phép, BIDV cần tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác hỗ trợ giảm nghèo, phát triển cơ sở hạ tầng vùng sâu, vùng xa.
Hôm nay, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ dự Lễ trao thầu EPC cho các nhà thầu quốc tế tham gia xây dựng Trung tâm Lọc hóa Dầu ở Nghi Sơn, Thanh Hóa.
Theo xahoi
Thủ tướng đi thị sát máy bay Su-30MK2 Sáng 26/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cùng Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quanh Thanh đã tới thăm và kiểm tra công tác huấn luyện, chế độ trực ban sẵn sàng chiến đấu tại Trung đoàn Không quân 923, Sư đoàn 371, Quân chủng Phòng không - Không quân tại huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Thủ tướng nhấn mạnh, hiện...