86% ca nhiễm tại TP HCM đã tiêm vaccine
Khảo sát hai ngày trước của Sở Y tế TP HCM trên nhóm F0 mới nhập các bệnh viện tầng hai, cho thấy 86% bệnh nhân đã tiêm một hoặc hai mũi vaccine.
Các bệnh nhân này có triệu chứng rất nhẹ, không cần hồi sức, bác sĩ Nguyễn Văn Vĩnh Châu, phó giám đốc Sở Y tế TP HCM cho biết tại họp báo cung cấp thông tin về công tác phòng chống Covid-19, chiều 4/11.
14% bệnh nhân còn lại là người chưa tiêm vaccine, 90% trong số này dưới 18 tuổi. Họ là F0 mới phát hiện tại các khu công nghiệp, khu cách ly tập trung trên địa bàn thành phố.
Một khảo sát khác, thực hiện hồi giữa tháng 10 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (nơi điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng – tầng 3 trong tháp 3 tầng), trên 349 bệnh nhân đang điều trị, cho thấy 45% ở mức độ nhẹ, 55% nặng (cần thở oxy, thở máy không xâm lấn, xâm lấn và ECMO), theo bác sĩ Châu.
So sánh giữa hai nhóm bệnh nhẹ và nặng với yếu tố đã tiêm và không tiêm vaccine, nhóm chưa tiêm có 74% bệnh nặng, 26% nhẹ. Nhóm đã tiêm (gồm một hoặc hai mũi) thì 40% mắc bệnh nặng, 60% nhẹ. Trong đó, những người đã tiêm một mũi thì 49% bị nặng, 51% nhẹ. Người đã tiêm hai mũi thì chỉ có 12% nặng, 88% nhẹ.
Phân tích sâu hơn ở nhóm bệnh nặng, trong nhóm đã tiêm hai mũi chỉ có một trường hợp cần thở máy xâm lấn, 5 ca phải thở oxy. Nhóm đã tiêm một mũi thì 10 ca phải thở máy xâm lấn. Nhóm không tiêm vaccine có tới 51 trường hợp phải thở máy xâm lấn, 3 ca ECMO.
Bác sĩ Châu lưu ý đây là khảo sát ở quy mô một bệnh viện chuyên khoa của thành phố, không đại diện cho toàn bộ thông tin về vaccine và bệnh nặng. Tuy nhiên kết quả này xác nhận lại thông tin mà y văn thế giới đã khẳng định: nếu tiêm đủ hai mũi vaccine phòng Covid-19 thì khả năng bảo vệ tốt hơn và tỷ lệ trở nặng khi nhiễm virus sẽ giảm đáng kể.
Số bệnh nhân thở oxy, thở máy xâm lấn tại TP HCM đang giảm. Ngày 3/11 còn 246 F0 đang thở máy xâm lấn, 40 F0 nặng cần lọc máu, 12 ca cần can thiệp ECMO (hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể).
“Tiêm vaccine vẫn có thể mắc bệnh, thậm chí trở nặng và tử vong nếu không điều trị kịp thời, nhưng tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với không tiêm vaccine. Do đó, dù đã tiêm đủ hai mũi vaccine, người dân vẫn cần tuân thủ 5K” bác sĩ Châu nhấn mạnh.
Video đang HOT
Bác sĩ điều trị, chăm sóc người mắc Covid-19 tại Trung tâm hồi sức Covid-19 TP Thủ Đức, (Bệnh viện Ung Bướu TP HCM cơ sở 2). Ảnh: Quỳnh Trần
Bác sĩ Châu cho biết thêm, số liệu của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP HCM (HCDC) trong 1-2 tuần qua, cho thấy số ca mắc mới và số ca nhập bệnh viện Covid-19 tại tầng hai có xu hướng tăng. Riêng số F0 tầng hai tăng nhẹ do nhiều nguyên nhân, như một số bệnh nhân thực sự cần nhập viện; một số có bệnh nền. Đúng ra F0 có bệnh nền có thể theo dõi tại các cơ sở cách ly tại cộng đồng, song TP HCM đang thu gọn khu cách ly để trả cơ sở, trong khi đó bệnh viện dã chiến tầng hai còn chỗ trống nên chuyển bệnh nhân đến đây, tính vào tổng số F0 nhập viện.
Tuy nhiên, lãnh đạo Sở Y tế cũng cảnh báo nguy cơ dịch bùng trở lại, nếu người dân chủ quan, không tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch. Bên cạnh đó, độ phủ vaccine tại thành phố đang cao nhưng người dân từ các tỉnh trở về thành phố làm việc cũng tăng lên. Nếu họ chưa tiêm vaccine, nguy cơ tăng ca mắc mới, trở nặng và nhập viện.
Hai tuần qua, nếu chỉ tính riêng tiêu chí là số ca mắc mới thì với 50-150 ca mắc mới/tuần/100.000 dân thì TP HCM ở cấp độ dịch 3. Với những tiêu chí đánh giá cấp độ dịch khác, như tỷ lệ tiêm vaccine cho nhóm người nguy cơ cao; năng lực điều trị… nên nhìn chung dịch TP HCM được đánh giá ở cấp độ 2. Với cấp độ này, thành phố vẫn sẽ thực hiện kịch bản tương ứng. Thành phố đã chuẩn bị 4 kịch bản để đối phó với 4 cấp độ dịch khác nhau.
Tại cuộc họp, ông Phạm Đức Hải, Phó ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 TP HCM cũng nhận định, số ca mắc mới, nhập viện và tử vong do Covid-19 tăng trở lại cho thấy dịch trên địa bàn vẫn khó lường. Ông cũng nêu thực trạng những ngày qua vẫn còn khá nhiều người dân trên địa bàn không tuân thủ các quy định phòng chống dịch. Nhiều người chở trẻ con ra đường nhưng không cho con đeo khẩu trang. Nhiều người tụ tập ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, công viên không giữ khoảng cách, không đeo khẩu trang. Nhiều người vào nhà hàng, quán ăn chưa tuân thủ khuyến cáo của ngành y tế…
4 'điểm nóng' Covid-19 ở miền Tây
Kiên Giang, An Giang, Bạc Liêu và Sóc Trăng ghi nhận nhiều F0 trong cộng đồng mấy ngày qua và đang dồn toàn lực để khống chế, dập dịch.
An Giang là địa bàn ghi nhận số ca nhiễm tăng nhanh nhất các tỉnh miền Tây. Bảy ngày qua, tỉnh phát hiện 1.481 ca Covid-19, tăng 170% so với tuần trước. Trong đó, 407 trường hợp trong cộng đồng, chiếm 27%; số ca từ các tỉnh, thành khác về quê chiếm 20%. Địa phương đã phát hiện 1.034 ca dương tính trong hơn 65.000 người hồi hương thời gian qua.
"Lo nhất là người dân về nhưng không khai báo y tế. Tỉnh đang phát huy vai trò của các tổ Covid cộng đồng nhanh chóng phát hiện những trường hợp như thế", Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình nói và cho biết địa phương đang lên phương án cách ly, điều trị F0 không triệu chứng tại nhà, cùng với tăng cường các trạm y tế lưu động.
Tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân tại huyện Phú Tân, An Giang. Ảnh: An Phú
Trong số địa phương của An Giang, huyện Chợ Mới ghi nhận số ca dương tính nCoV tăng cao. Ba ngày gần đây, huyện phát hiện 236 ca, nâng tổng số trường hợp mắc nCoV ở địa phương lên 948 ca. Địa phương đã phong toả nhiều khu vực ca nhiễm, nâng cấp độ dịch từ 2 lên 3 - nguy cơ cao, thiết lập khu điều trị F0 không triệu chứng quy mô 400 giường.
Ngoài các ổ dịch tại huyện Chợ Mới, chùm ca lây nhiễm tại Bệnh viện đa khoa trung tâm An Giang đã phát hiện 104 F0. Qua truy vết người ra vào bệnh viện ghi nhận thêm 55 ca mắc ở 7 địa phương trong tỉnh. Đến nay, tỉnh An Giang ghi nhận tổng cộng 9.286 ca Covid-19.
Trước diễn biến dịch phức tạp, mới đây An Giang đã vận hành Bệnh viện điều trị bệnh Covid-19 ở huyện Phú Tân quy mô 100 giường. Trước đó, tỉnh phê duyệt kinh phí gần 120 tỷ đồng đầu tư khẩn cấp phòng ICU điều trị Covid-19 tại Bệnh viện đa khoa Trung tâm An Giang (TP Long Xuyên).
Tại Sóc Trăng, ông Trần Văn Khải, Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế cho biết, tình hình Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Ngày 24/10, toàn tỉnh ghi nhận 98 trường hợp dương tính nCoV. Trong số này, 71 trường hợp là F1 chuyển thành F0, 7 ca về từ vùng dịch; 20 ca qua xét nghiệm cộng đồng và khu phong toả.
Từ đợt dịch thứ 4 bùng phát tại địa phương ngày 4/7, Sóc Trăng ghi nhận tổng cộng 4.376 ca dương tính nCoV. Trong số này, 2.152 người khỏi bệnh, 35 ca tử vong. Gần một tháng qua, Sóc Trăng tiếp nhận trên 43.000 người về từ Long An, TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương. Từ 30/9 đến nay, số người mắc Covid 19 tại Sóc Trăng tăng mạnh, hơn 3 lần.
Ông Khải cho biết, hệ thống y tế của tỉnh có khả năng điều trị hơn 2.000 F0. Tình hình dịch vẫn phức tạp nên địa phương đã xây dựng 5 bệnh viện dã chiến, nâng công suất lên 3.000 F0, đồng thời đẩy mạnh tiêm vaccine cho người dân.
Một khu cách ly tập trung tại TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu. Ảnh: Hưng Lợi
Tại Bạc Liêu, ổ dịch lớn nhất hiện nay tại một công ty thuỷ sản với 700 lao động ở TX Giá Rai với 131 F0 trong 5 ngày qua. Đánh giá ổ dịch này có nguy cơ lây nhiễm cao và lan rộng, ngành y tế đã nhanh chóng triển khai các biện pháp khoanh vùng, truy vết, cách ly, điều trị...
Ở phạm vi toàn tỉnh, từ ngày 19 đến 24/10, địa phương ghi nhận 474 ca dương tính nCoV. Trong số này, 59 ca phát hiện trong cộng đồng tại TX Giá Rai, TP Bạc Liêu và các huyện Đông Hải, Phước Long, Hồng Dân; 19 ca dương tính với nCoV tại các khu cách ly thu dung, điều trị, trong đó 5 trường hợp là nhân viên y tế; 40 ca tại các khu phong toả ở huyện Hồng Dân; 36 ca là người về quê hiện ở tại các khu cách ly tập trung.
Trước diễn biến F0 bùng phát nhiều nơi, từ 26/10 tỉnh quy định tại khu vực cấp 3 (vùng cam - nguy cơ cao), chỉ những người đã tiêm vaccine (1-2 mũi) hoặc F0 khỏi bệnh mới được ra đường. Ở vùng cấp 4 (vùng đỏ - nguy cơ rất cao), người đã tiêm 2 mũi vaccine hoặc F0 khỏi bệnh mới được ra đường. Chính quyền sẽ thiết lập chốt chặn kiểm soát ở những khu vực này.
Hiện, Bạc Liêu có 9 trong tổng số 64 xã, phường, thị trấn thuộc vùng đỏ tại TX Giá Rai, TP Bạc Liêu và hai huyện Đông Hải, Phước Long. Bốn xã ở TX Giá Rai, huyện Đông Hải và Hồng Dân thuộc vùng cam.
Người dân chờ tiêm vaccine tại phường An Thới, TP Phú Quốc, Kiên Giang. Ảnh: Dương Đông
Kiên Giang cũng ghi nhận số ca mắc Covid-19 tăng nhanh trong thời gian gần đây, trung bình mỗi ngày khoảng 100 trường hợp, trong đó số ca cộng đồng chiếm 10%. Đến ngày 24/10, toàn tỉnh phát hiện 7.629 ca Covid-19. Giám đốc Sở Y tế Kiên Giang Hà Văn Phúc cho biết, dịch tăng do một số người về từ vùng dịch không tuân thủ khi cách ly tại nhà.
Cùng với việc nâng cao ý thức nguời dân, Kiên Giang đặt mục tiêu nhanh chóng phủ vaccine. Khi phát hiện ổ dịch, ngành y tế khẩn trương khoanh vùng gọn, dập dịch nhanh. Đến nay, tỉnh đã tiêm vaccine cho 65% trong tổng số 1,2 triệu người dân trên 18 tuổi, trong đó số người tiêm đủ 2 mũi chiếm 8%.
7 tỉnh, thành miền Tây liên kết chống dịch, phục hồi kinh tế Sóc Trăng kiến nghị Chính phủ tạm ngưng người dân tự về quê 32 Miền Tây chật vật tiếp nhận người về quê 78
Nhật ký "xung trận" chống COVID-19 của cô giáo mầm non Ngày dịch bệnh ập đến, Việt Yên (Bắc Giang) trở thành tâm dịch của cả nước. Như bao thầy cô giáo khác, "gác bút nghiên" lên đường... chống dịch, cô Cao Thị Vân - Hiệu trưởng Trường Mầm non Quảng Minh (Việt Yên, Bắc Giang) đã xung phong ở lại điểm cách ly, phục vụ công tác hậu cần. Cô Cao Thị Vân-...