8.500 khách quốc tế đến Việt Nam, chỉ 27 ca nhiễm Covid-19
Sau khi thí điểm đón khách quốc tế trở lại từ cuối tháng 11.2021, đến hết ngày 23.1, Việt Nam đón được 8.500 khách, trong số này chỉ 27 trường hợp được phát hiện nhiễm Covid-19 và chỉ 1 trường hợp phải điều trị.
Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Đoàn Văn Việt cho biết tại cuộc họp chiều nay 24.1 do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì để bàn về lộ trình mở cửa trường học; phương án, kế hoạch và lộ trình mở cửa đón khách du lịch an toàn, hiệu quả.
Về lộ trình mở lại hoạt động du lịch, Thứ trưởng Đoàn Văn Việt nhận định, việc thí điểm đón khách du lịch quốc tế tại một số địa phương thời gian qua đã đem lại những hiệu ứng, kết quả tích cực.
Khách Nga trở lại Khánh Hoà sau khi địa phương này được thí điểm đón khách quốc tế trở lại. Ảnh T.N
Ông Việt dẫn chứng, từ tháng 11.2021, khi bắt đầu thí điểm mở cửa du lịch tại 5 địa phương và đến tháng 1.2022 mở cửa du lịch tại 2 địa phương nữa (TP.HCM và Bình Định), đến hôm qua 23.1, Việt Nam đã đón được 8.500 khách quốc tế, chủ yếu đến từ Nga, Hàn Quốc, Singapore, một số ít ở Anh, Mỹ…
“Du khách cơ bản bảo đảm được về mặt y tế, an toàn dịch bệnh và chấp hành các quy định thí điểm đón khách du lịch quốc tế”, ông Việt nói, đồng thời cho biết, trong số du khách nói trên, chỉ phát hiện 27 trường hợp nhiễm Covid-19, trong đó chỉ 1 trường hợp phải điều trị.
“Bộ VH-TT-DL kiến nghị tiếp tục mở lại các hoạt động du lịch theo lộ trình, làm từng bước chắc chắn, tích cực, khẩn trương. Bộ sẽ giữ lộ trình mở lại các hoạt động du lịch như bình thường vào dịp nghỉ lễ 30.4 – 1.5, nhưng nếu làm tốt chúng ta có thể mở sớm hơn”, ông Việt cho hay.
Bệnh nhân Covid-19 biến chủng Omicron tại TP.HCM triệu chứng nhẹ, khỏi bệnh sau 1 tuần
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn lưu ý thêm, cần có sự phối hợp đồng bộ để kiểm soát dịch bệnh an toàn, nhất là đối với khách du lịch quốc tế.
Theo ông Sơn, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 5772/QĐ-BYT về biểu mẫu và quy trình cấp “hộ chiếu vắc xin”; tuy nhiên, cần có sự tham gia của các bộ, ngành như Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ VH-TT-DL.
“Du khách quốc tế ngoài hộ chiếu vắc xin thì cần được xét nghiệm, tại điểm đến, lưu trú đầu tiên nên dừng lại một thời gian, di chuyển theo lộ trình có sẵn”, Thứ trưởng Sơn khuyến cáo.
Đa số các ý kiến tại cuộc họp đều ủng hộ việc mở cửa lại du lịch cũng như cho trẻ quay lại trường học song cũng đề nghị Bộ Y tế cần sớm ban hành hướng dẫn mới về xác định cấp độ dịch để các địa phương căn cứ triển khai các biện pháp ứng phó phù hợp.
Người dân về quê ăn Tết cần tra cứu cấp độ dịch Covid-19 ở đâu?
Tùy vào cấp độ dịch nơi bạn sinh sống, các địa phương sẽ có một số điều kiện khác nhau khi về quê ăn Tết.
Hiện nay, các địa phương đang dựa vào một số tiêu chí như đánh giá cấp độ dịch, số mũi tiêm vaccine, kết quả xét nghiệm,... để đưa ra một số điều kiện đối với người dân về quê ăn Tết.
Để biết được nơi mình đang sống thuộc cấp độ dịch nào, người dân có thể truy cập vào "Phần mềm tổng hợp đánh giá cấp độ dịch tại địa phương", theo địa chỉ: https://capdodich.yte.gov.vn/map. Đây là trang web do Cục Công nghệ Thông tin (Bộ Y tế) quản lý.
Sau khi truy cập vào bản đồ đánh giá cấp độ dịch, người dân chỉ cần tìm kiếm địa phương đi/đến. Phần mềm sẽ xuất hiện bảng thống kê chi tiết cấp độ dịch theo từng xã/phường/thị trấn.
Phần mềm tổng hợp đánh giá cấp độ dịch tại địa phương do Bộ Y tế ban hành để người dân tiện tra cứu
Bộ Y tế cho biết sẽ sớm thay đổi hướng dẫn đánh giá cấp độ dịch, bởi việc đánh giá ở mức quá rộng ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế - xã hội và cuộc sống người dân.
Hồi cuối tháng 11/2021, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng thay vì đánh giá cấp độ dịch theo 3 tiêu chí (số ca mắc mới tại cộng đồng, tỷ lệ bao phủ vaccine và khả năng thu dung, điều trị), Bộ Y tế sẽ tập trung vào việc giảm tỷ lệ ca nhập viện, bệnh nhân nặng, tử vong và lấy đó làm chỉ tiêu đánh giá cấp độ dịch.
PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho rằng các địa phương không nên "làm khó" người dân về quê ăn Tết. Vừa qua, Chính phủ đã "thổi còi" một số địa phương đưa ra quy định không hợp lý về cách ly, xét nghiệm đối với người từ địa phương khác về.
Theo ông Phu, khi Việt Nam chấp nhận chuyển từ "Zero Covid" sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả", nghĩa là chuyển sang kiểm soát rủi ro thay vì "ngăn sông cấm chợ". Các địa phương nên tạo điều kiện cho lao động về quê đón Tết an toàn, thực hiện thống nhất, tránh mỗi nơi mỗi kiểu gây "cát cứ" như trước đây.
Ông Phu cho biết, Bộ Y tế đã có quy định cụ thể về cách ly và xét nghiệm người về từ các địa phương khác. Theo đó, không chỉ định xét nghiệm đối với việc đi lại của người dân, chỉ xét nghiệm đối với trường hợp đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 4 hoặc cách ly y tế vùng (phong tỏa) và các trường hợp nghi ngờ như sốt, ho, khó thở... Hoặc có chỉ định điều tra dịch tễ đến từ địa bàn có dịch ở cấp độ 3.
Việc yêu cầu toàn bộ người vào địa bàn phải xét nghiệm vừa không cần thiết, vừa tốn kém, bất tiện vừa gây tâm lý chủ quan phòng bệnh khi có kết quả xét nghiệm âm tính.
"Chúng ta cần kiểm soát tốt và phản ứng với rủi ro. Tình hình dịch vẫn đang diễn biến phức tạp, số ca mắc tăng mỗi ngày. Vì thế, dù về quê ăn Tết người dân vẫn không nên lơ là các biện pháp phòng bệnh", ông Phu khuyến cáo.
Ông cũng nhấn mạnh, "thích ứng trong tình hình mới" nghĩa là không giãn cách xã hội như trước, do đó người dân phải tuyệt đối tuân thủ nghiêm 5K mọi chỗ, mọi nơi, an toàn phòng dịch khi tham gia giao thông, hạn chế tiếp xúc với đám đông, giảm đi lại không cần thiết.
Về quê cúng giỗ tổ tiên, gặp gỡ cha mẹ, con cái nhưng không tổ chức các hoạt động đông người, không tổ chức ăn uống linh đình, hạn chế thăm nom, tụ tập, khai báo y tế theo hệ thống điện tử...
"Ý thức người dân lúc này là quan trọng nhất, không nên vì nghĩ đã tiêm vaccine mà chủ quan, lơ là. Việc không thực hiện tốt 5K sẽ làm lây lan mầm bệnh cho người khác, đặc biệt là những đối tượng dễ bị tổn thương như người cao tuổi, mắc bệnh nền, trẻ em hay những đối tượng chưa được tiêm đủ liều vaccine", ông Phu nói.
Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cũng kiến nghị chính quyền tăng cường tuyên truyền, không tổ chức những hoạt động tạo ra đám đông (như lễ hội chỉ tổ chức phần lễ theo hình thức trực tuyến) có nguy cơ cao, khuyến cáo ăn Tết vui vẻ, an toàn dịch bệnh.
"Nếu không thực hiện các biện pháp quyết liệt thì sau Tết, dịch dễ bùng lên", ông Phu nhấn mạnh.
Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại An Giang Sáng 2/12, Đoàn công tác của Bộ Y tế do PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng Bộ Y tế đã đến kiểm tra công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh An Giang. Tham gia đoàn kiểm tra của Bộ Y tế có lãnh đạo Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Cục Quản lý Môi trường Y tế, Cục Khoa học...