8 tháng, Việt Nam xuất siêu 2,45 tỷ USD
Trong tháng 8, Việt Nam xuất siêu 200 triệu USD, tính chung 8 tháng, cả nước xuất siêu khoảng 2,45 tỷ USD (cùng kỳ năm 2015 nhập siêu 3,6 tỷ USD).
Ảnh Internet
Xuất khẩu 8 tháng đạt 112,19 tỷ USD
Theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 8 ước đạt 15,20 tỷ USD, tăng 2% so với tháng trước. Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 4,54 tỷ USD, tăng 2,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 10,66 tỷ USD, tăng 1,6%.
So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 8 tăng 5,6%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 11,0%.
Như vậy, tính chung 8 tháng năm nay, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 112,19 tỷ USD, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 32,62 tỷ USD, tăng 4,0%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 79,57 tỷ USD, tăng 6,1%.
Một số mặt hàng chủ lực có kim ngạch xuất khẩu tăng so với cùng kỳ năm trước là: Điện thoại và linh kiện đạt 22,3 tỷ USD, tăng 10,6%; hàng dệt may đạt 15,5 tỷ USD, tăng 4,2%; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 11,1 tỷ USD, tăng 11,2%; giày dép đạt 8,6 tỷ USD, tăng 8,1%…
Về thị trường xuất khẩu 8 tháng, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với 24,6 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2015. Tiếp đến là EU đạt 21,9 tỷ USD, tăng 8,8%; Trung Quốc đạt 12,6 tỷ USD, tăng 15%; Nhật Bản đạt 9,3 tỷ USD, tăng 0,2%; Hàn Quốc đạt 7 tỷ USD, tăng 30,7%.
Video đang HOT
Riêng xuất khẩu sang thị trường ASEAN đạt 11,1 tỷ USD, giảm 10% do xuất khẩu dầu thô sang thị trường này giảm mạnh.
Nhập khẩu hàng hóa giảm 0,3%
Ở chiều ngược lại, kim ngạch hàng hóa nhập khẩu tháng 8 ước đạt 15 tỷ USD, tăng 4,6% so với tháng trước. Tính chung 8 tháng, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước đạt 109,74 tỷ USD, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 45,35 tỷ USD, tăng 0,5%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 64,39 tỷ USD, giảm 0,8%.
Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước là: Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 17,7 tỷ USD, giảm 4,2%; điện thoại và linh kiện đạt 6,5 tỷ USD, giảm 9,2%…
Tuy nhiên, bên cạnh đó, kim ngạch một số mặt hàng nguyên liệu đầu vào phục vụ sản xuất trong nước tăng so với cùng kỳ năm trước, đó là: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 17,5 tỷ USD, tăng 15,5%; vải đạt 6,8 tỷ USD, tăng 2,3%; sắt thép đạt 5,3 tỷ USD, tăng 2,1%…
Về thị trường nhập khẩu, trong 8 tháng năm nay nhập khẩu từ một số thị trường chủ yếu giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó nhập khẩu lớn nhất vẫn từ Trung Quốc đạt 31,6 tỷ USD, giảm 2,8% so với cùng kỳ năm 2015; ASEAN đạt 15,2 tỷ USD, giảm 3,4%; Nhật Bản đạt 9,5 tỷ USD, giảm 2,5%… Riêng nhập khẩu từ Hàn Quốc đạt 20,3 tỷ USD, tăng 9,3% do nhập khẩu mặt hàng xăng và điện tử, máy tính, linh kiện tăng mạnh.
Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa tháng 8 ước tính xuất siêu 200 triệu USD. Tính chung 8 tháng cả nước xuất siêu 2,45 tỷ USD. Trong đó khu vực trong nước nhập siêu 12,73 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 15,18 tỷ USD.
Sẽ thực hiện nhiều giải pháp thúc đẩy xuất khẩu
Để đẩy mạnh xuất khẩu, một số doanh nghiệp (DN) đang đề xuất với cơ quan quản lý mở rộng diện áp dụng thuế GTGT 0% (ví dụ chè, cao su sơ chế), điều chỉnh giảm thuế GTGT với việc mua vải để may xuất khẩu, giảm thuế suất thuế xuất khẩu dăm gỗ…
Về các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu trong những tháng cuối năm, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định: Bộ Công Thương sẽ sát cánh cùng DN giải quyết nhanh những khó khăn như thành lập đường dây nóng và giao cho Cục Xuất nhập khẩu xử lý các vướng mắc cho DN xuất khẩu thông qua đường dây nóng này; thực hiện đơn giản hoá thủ tục hành chính, ban hành nhiều văn bản về hướng dẫn các cơ hội, thách thức từ các FTA cho DN…
Năm 2016 là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch 5 năm kinh tế- xã hội giai đoạn 2016-2020, Chính phủ và các bộ, ngành đã có nhiều quyết tâm và nỗ lực trong công tác cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, các giải pháp nhằm nâng cao năng suất chất lượng, tháo gỡ khó khăn cho DN.
Năm 2016 cũng là năm hoàn tất ký kết các hiệp định thương mại tự do FTA mới, đặc biệt là Hiệp định TPP và Hiệp định FTA Việt Nam-EU, hứa hẹn mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hóa của Việt Nam và có tác động tích cực và quan trọng đối với tăng trưởng xuất khẩu.
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
4 tháng, doanh nghiệp 100% vốn trong nước nhập siêu 5,6 tỷ USD
Theo Bộ Công Thương, 4 tháng đầu năm 2016, Việt Nam xuất siêu khoảng 1,46 tỷ USD, chiếm 2,8% kim ngạch xuất khẩu. Trong khi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) xuất siêu 6,39 tỷ USD thì khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước nhập siêu 5,6 tỷ USD.
Ảnh minh họa
Báo cáo của Vụ Kế hoạch tại buổi họp Giao ban do Bộ Công Thương sáng nay (6/5) cho thấy, kim ngạch xuất khẩu tháng 4 ước đạt 14,1 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung 4 tháng, xuất khẩu ước đạt 52,87 tỷ USD, tăng 6% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên mức tăng này thấp hơn nhiều so với mức tăng 7,2% của cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, xuất khẩu của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt 37,1 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm ngoái, còn xuất khẩu của doanh nghiệp 100% vốn trong nước ước đạt 15,1 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu tháng 4 ước đạt 14 tỷ USD, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính chung 4 tháng, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 51,4 tỷ USD, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm 2015. Trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 30,7 tỷ USD, giảm 1,4%; khu vực đầu tư trong nước đạt 20,7 tỷ USD, giảm 0,8%.
Xét về nhóm hàng, Vụ Kế hoạch cho biết, trong 4 tháng, kim ngạch của nhóm hàng cần nhập khẩu ước đạt gần 44,8 tỷ USD, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu ước đạt 2,2 tỷ USD, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhóm hàng hạn chế nhập khẩu ước đạt 2,2 tỷ USD, tăng 8,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đánh giá bức tranh xuất nhập khẩu 4 tháng đầu năm, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, dù đạt mức tăng 6% trong 4 tháng đầu năm, nhưng so với mục tiêu đề ra từ đầu năm là 10% thì mức tăng còn thấp.
Nguyên nhân là do giá cả của nhiều mặt hàng nông sản cũng như giá dầu vẫn ở mức thấp. Tính chung mức giảm của nhóm hàng khoảng sản sau 4 tháng đã lên tới gần 1 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái.
"Dự báo nhóm nông sản sẽ bị ảnh hưởng do tình hình hạn hán đang lan rộng ở nhiều địa phương của cả nước," ông Phan Văn Chinh nói.
Trước những vấn đề nêu ra, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, một trong những nhiệm vụ Thủ tướng giao Bộ Công Thương là đánh giá việc sụt giảm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu và sản xuất công nghiệp trong 4 tháng đầu năm.
Chính vì vậy, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã yêu cầu các Vụ, Cục chức năng cần xem xét những rào cản về thủ tục hành chính, qua đó rà soát lại và tinh giản giúp doanh nghiệp có nhiều động lực đẩy mạnh xuất khẩu.
"Bộ sẽ chấn chỉnh trong việc giám sát kiểm tra cấp phép trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, một mặt có thể thu hút đầu tư đồng thời tạo thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh," Bộ trưởng lưu ý.
Theo_Tin Nhanh Chứng Khoán
CTCK ngoại không được đầu tư gián tiếp ra nước ngoài Một nội dung đáng chú ý tại dự thảo Thông tư hướng dẫn hoạt động đầu tư gián tiếp ra nước ngoài của tổ chức kinh doanh chứng khoán, quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán, mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) vừa công bố lấy ý kiến các thành viên thị trường là CTCK có vốn...