8 nhân vật xấu số khiến khán giả chỉ muốn “triệu hồi” trở lại trên màn ảnh Hoa Ngữ
Theo dõi nhiều tác phẩm truyền hình Hoa Ngữ sở hữu cái kết bi thảm, khán giả không đành lòng chia tay với nhân vật mình yêu thích mà chỉ muốn nhà sản xuất cho họ cơ hội tái sinh trên màn ảnh.
Sinh ly tử biệt là tình tiết thường gặp trong các bộ phim truyền hình, đặc biệt là các tác phẩm cổ trang với kết thúc buồn do Trung Quốc sản xuất. Khi đó, các nhân vật xuất hiện trong phim đều đã được an bài sẵn một kết cục nhất định. Có người sẽ tiếp tục sống nhưng day dứt, đau khổ, người lại ra đi không hẹn ngày trở lại.
Theo dõi nhiều tác phẩm truyền hình Hoa Ngữ với cái kết âm dương cách biệt. Khán giả thường không đành lòng chia tay nhân vật nam/nữ chính mà mình yêu thích. Nhưng nếu được cứu một trong 8 nhân vật xấu số dưới đây, bạn sẽ cứu ai?
1. Mã Nhĩ Thái Nhược Hy ( Bộ Bộ Kinh Tâm)
Bộ Bộ Kinh Tâm là bộ phim truyền hình Hoa Ngữ từng làm mưa làm gió trên màn ảnh nhỏ nửa cuối năm 2011. Có lẽ, khán giả vẫn còn nhớ như in mối tình sâu đậm của Nhược Hy và Tứ A Ca. Vì bối cảnh ban đầu là hai thời đại hoàn toàn khác nhau, nên chuyện sinh ly tử biệt dường như đã được định sẵn.
Tuy rằng, cái chết của Nhược Hy cũng là cái kết mở cho phần 2 – Bộ Bộ Kinh Tình, nhưng người xem vẫn muốn được thấy một Nhược Hy xinh đẹp trong phục trang thời nhà Thanh, sánh đôi bên Tứ A Ca hơn.
2. Thẩm Tinh Di (Năm Ấy Hoa Nở Trăng Vừa Tròn)
Cho đến bây giờ, tình yêu mà Thẩm Tinh Di dành cho Châu Doanh trong tác phẩm Năm Ấy Hoa Nở Trăng Vừa Tròn vẫn được đánh giá là sự thủy chung bất diệt. Năm lần bảy lượt bị đối xử phũ phàng, nhưng chỉ cần Châu Doanh cần thì Thẩm Tinh Di sẽ ngay lập tức đến bên cô. Thậm chí, anh còn sẵn sàng đánh đổi cả tính mạng vì cô.
Thế nhưng rất đáng tiếc, mối tình giữa Tinh Di và Châu Doanh lại không có được kết cục tốt đẹp. Cuối cùng, Tinh Di đã qua đời ngay trong chính vòng tay của Châu Doanh. Ở một góc độ khác, cái chết của Thẩm Tinh Di được xem như một sự giải thoát. Tuy nhiên, chi tiết này vẫn để lại cho khán giả cảm giác tiếc nuối cho chàng nam chính đáng thương này.
3. Triệu Linh Nhi ( Tiên Kiếm Kỳ Hiệp Truyện)
Trong bộ phim được khán giả trẻ yêu thích một thời Tiên Kiếm Kỳ Hiệp Truyện, Lưu Diệc Phi vào vai Triệu Linh Nhi, công chúa nước Nam Chiếu. Cuộc gặp gỡ giữa nàng và Lý Tiêu Dao ở chốn bồng lai tiên cảnh đã gắn kết cuộc đời của hai người với nhau. Mối tình của Lý Tiểu Dao và Triệu Linh Nhi như một bản tình ca buồn không có hồi kết.
Họ thề non hẹn biển, cùng trải qua những thăng trầm, những hiểu lầm xa cách để rồi đoạn kết vẫn là lời biệt ly không hẹn ngày tái ngộ. Bởi lẽ Triệu Linh Nhi là hậu nhân của Nữ Oa, mang trên mình trọng trách cứu nhân độ thế. Cuối cùng, nàng đã hy sinh thân mình, từ bỏ tình yêu với Tiêu Dao để tiêu diệt thủy quái.
4. Lâm Nguyệt Như (Tiên Kiếm Kỳ Hiệp Truyện)
Trước vai Độc Cô Bàn Nhược trong web drama Độc Cô Thiên Hạ, nhiều người cho rằng, nhân vật hay nhất mà An Dĩ Hiên từng thể hiện là Lâm Nguyệt Như trong tác phẩm Tiên Kiếm Kỳ Hiệp Truyện. Lâm Nguyệt Như – một cô gái hoạt bát, ương ngạnh – đem lòng yêu nam chính Lý Tiêu Dao. Tuy biết rằng trái tim của Lý Tiểu Dao không thực sự dành cho mình, nhưng nàng vẫn một lòng một dạ sát cánh bên chàng. Vì hạnh phúc của Tiêu Dao, Nguyệt Như chấp nhận hy sinh thân mình.
5. Mai Trường Tô ( Lang Gia Bảng)
Lang Gia Bảng là bộ phim để lại cảm giác day dứt, buồn thuương khôn nguôi trong lòng khán giả. Nhân vật Mai Trường Tô được nhận xét là hình mẫu nam chính hoàn hảo, sở hữu vẻ đẹp từ cái tâm đến ngoại hình. Chàng là một người tài giỏi, từ một kẻ thất thế trở thành giáo chủ của Giang Minh Tả, quyền lực phong tỏa khắp 14 châu.
Ngoài mục đích chính lật lại vụ án hàm oan của gia tộc, Mai Trường Tô luôn một lòng phò tá nước nhà, cho tới lúc hy sinh cũng là trên sa trường. Cái kết bi thương trong tập cuối, dù đã được dự đoán từ trước nhưng vẫn khiến người xem nước mắt tuôn rơi. Khán giả từng hy vọng rằng, nhà sản xuất sẽ thực hiện một cái kết hạnh phúc cho Mai Trường Tô. Tiếc rằng, nguyện vọng này không bao giờ thành hiện thực.
6. Vũ Văn Nguyệt ( Sở Kiều Truyện)
Video đang HOT
Sở Kiều Truyện đã lấy yếu tố tín ngưỡng và tình yêu làm chủ đề xuyên suốt bộ phim. Khác với nam phụ Yên Tuân, tình cảm nam chính Vũ Văn Nguyệt dành cho nữ chính Sở Kiều không bao giờ được thể hiện ra mặt, mà chỉ qua sự bảo vệ một cách âm thầm của chàng đối với nàng. Sau bao nhiêu gian nan thử thách, khi Sở Kiều đã hiểu rõ tâm ý của Vũ Văn Nguyệt thì cũng là lúc hai người phải chia xa.
Trong tập cuối của bộ phim Sở Kiều Truyện, Vũ Văn Nguyệt rơi xuống hồ băng, đẩy Sở Kiều lên vì muốn nàng tiếp tục sống. Cái kết lửng lơ này khiến biết bao khán giả bức xúc, phẫn nộ. Hy vọng rằng, nhà sản xuất sẽ thực hiện tiếp phần 2 cho Sở Kiều Truyện để Vũ Văn Nguyệt có cơ hội trở lại và sống hạnh phúc bên nữ chính.
7. Bách Lý Đồ Tô (Cổ Kiếm Kỳ Đàm)
Cổ Kiếm Kỳ Đàm không chỉ đơn thuần là một bộ phim chuyển thể từ game online mà còn mang đến cho người xem sự suy ngẫm về nhân sinh quan, tình yêu, cuộc sống. Chuyện tình của cặp đôi Đồ Tô và Tình Tuyết cũng phần nào dang dở, dù họ có cùng nhau trải qua bao nhiêu phong ba bão táp, nhưng vì duyên phận mỏng manh mà vẫn phải chịu cảnh âm dương cách biệt.
Bách Lý Đồ Tô đã hy sinh thân mình, tháo bỏ phong ấn rồi tan biến trong hư không. Dù Tình Tuyết vẫn mãi đi tìm hình bóng của người thương, nhưng chẳng ai biết được, liệu hành trình ấy có thành công hay không.
8. Lưu Phất Lăng ( Vân Trung Ca)
Có thể nói rằng, mối tình thanh mai trúc mã giữa Lưu Phất Lăng và Vân Ca là linh hồn của tác phẩm Đại Hán Tình Duyên: Vân Trung Ca. Dù yêu nhau đến vậy, thế nhưng họ vẫn không thể có được hạnh phúc trọn vẹn. Một chuyện tình đẹp chỉ bắt đầu bằng lời ước hẹn thời thơ ấu, vậy mà qua 10 năm xa cách, hai con người ấy vẫn luôn hướng về nhau.
Sự chung thủy mà Lăng ca ca dành cho Vân Ca là tình cảm lay động lòng người. Họ đã trải qua rất nhiều gian khổ cùng nhớ thương, đến lúc được ở cạnh nhau thì cũng là lúc Lưu Phất Lăng bị hãm hại bởi chính những âm mưu chốn cung đình. Thời gian ở bên Vân Ca chỉ còn tính bằng ngày. Khoành khắc Vân Ca đau khổ chia ly với Lưu Phất Lăng trong một ngày trời tuyết vẫn luôn mang đến sự ám ảnh trong lòng khán giả.
Theo Trí Thức Trẻ
Công thức làm phim của Vu Chính: Không scandal, màu mè thì "xịt"?
Vu Chính là một tên tuổi "nổi tiếng vì tai tiếng" trong làng giải trí Hoa Ngữ. Công thức làm phim của biên kịch "vàng" luôn tồn tại những yếu tố: gây tranh cãi và màu mè.
Với những khán giả thường xuyên theo dõi phim truyền hình Trung Quốc, hẳn nhiên, cái tên Vu Chính không còn quá xa lạ với họ. Ngay từ những tác phẩm đầu tay, biên kịch "vàng" của xứ sở gấu trúc đã khiến cộng đồng mạng bao lần dấy lên tranh cãi. Nếu không vì những scandal liên quan đến việc đạo nhái thì cũng là những lần "chế" kịch bản vô tội vạ hay thước phim màu mè.
Dưới đây là những yếu tố góp phần tạo nên công thức làm phim của Vu Chính. Phải chăng, chỉ cần thiếu một trong những điều này, tác phẩm mà biên kịch "vàng" dành trọn tâm huyết sẽ chệch đường ray?
Dàn diễn viên toàn mỹ nam, mỹ nữ - nhưng cũng có lúc đi ngược với tiêu chuẩn vốn có
Các tác phẩm cộp mác Vu Chính đều chú trọng vào phần nhìn hơn diễn xuất thực lực. Do vậy, "nàng thơ", "chàng thơ" của biên kịch "vàng" đều là những gương mặt sở hữu nhan sắc rạng ngời màn ảnh. Còn diễn xuất, có thì tốt, không có cũng chẳng sao. Trong số đó phải kể đến một vài cái tên nổi bật như: Angela Baby, Hoắc Kiến Hoa, Quan Hiểu Đồng, Tống Uy Long.
Tuy nhiên, cũng có một số diễn viên hội tụ cả hai yếu tố diễn xuất cùng vẻ ngoài ăn hình như Trương Dật Kiệt, Dương Dung. Tiếc rằng, những nhân tài này khi xuất hiện trong các dự án được chú ý của Vu Chính thì lại thiếu cơ hội để tỏa sáng khi chỉ đảm nhận vai phụ.
Dương Dung, Trương Dật Kiệt phần lớn được chú ý khi đảm nhận vai phụ trong phim Vu Chính
Thêm vào đó, không phải lúc nào biên kịch vàng cũng áp dụng tuyệt chiêu "mỹ nam, mỹ nữ" điển hình. Có những khi Vu Chính lại đi ngược lại với tiêu chuẩn của khán giả khi lựa chọn những diễn viên có nhan sắc "chẳng liên quan" đến nhân vật họ đảm nhận. Hai ví dụ điển hình nhất chính là Viên San San và Trần Nghiên Hy.
Viên San San từng là "gà cưng" của biên kịch "vàng", một gương mặt luôn dính tranh cãi về diễn xuất "đơ" như tượng sáp và không cảm xúc. Mỗi lần lên sóng, Viên San San đều bị "dìm hàng" không thương tiếc khi xuất hiện bên cạnh những nữ phụ xuất sắc hơn như Thư Sướng trong Cung Tỏa Châu Liêm hay Trương Mông trong Mỹ Nhân Vô Lệ. Dù đảm nhận vai Thánh Cô Nhậm Doanh Doanh trong Tiếu Ngạo Giang Hồ (2013), Viên San San cũng thất bại thảm hại trước "Đông Phương Bất Bại" Trần Kiều Ân.
Sang đến Tân Thần Điêu Đại Hiệp (2014), Vu Chính lần nữa khiến khán giả "hết hồn" khi lựa chọn Trần Nghiên Hy cho vai Tiểu Long Nữ. Khí chất thần tiên chẳng thấy đâu, nữ chính mà người xem được thấy là một Cô Cô mặt "bánh bao", nhan sắc trung bình, cư xử hệt như cô hàng xóm. Lý do để Vu Chính lựa chọn Trần Nghiên Hy, ngoài việc thù lao nữ diễn viên đề nghị rẻ như bèo ra, thì là để tạo "phốt" nhằm gây sự chú ý - giống như trường hợp của Viên San San.
Gây tranh cãi với những kịch bản được cho là đạo nhái hay bóp méo nguyên tác gốc
Vu Chính không chỉ là biên kịch "vàng" mà còn là kẻ "điếc không sợ súng". Khi bị cả thiên hạ "ném đá", chỉ trích thì Vu Chính vẫn ung dung cho ra đời những bộ phim với nội dung gây tranh cãi. Nếu là phim remake, hẳn nhiên, kịch bản sẽ được biên kịch "vàng" cải biên vô tội vạ, thay đổi hình tượng nhân vật đến nỗi khiến fan nguyên tác không thể nhận ra.
Đông Phương Bất Bại được làm nữ chính và yêu Lệnh Hồ Xung
Điển hình trong khoản sáng tạo vô bờ bến của Vu Chính là việc phá nát các tác phẩm của Kim Dung khi chuyển giới cho Đông Phương Bất Bại (Trần Kiều Ân) trong Tân Tiếu Ngạo Giang Hồ (2013) từ ái nam ái nữ thành nữ chính hoàn chỉnh lại si tình với Lệnh Hồ Xung (Hoắc Kiến Hoa). Tiếp đó, biên kịch "vàng" còn phá nát nội dung của Thần Điêu Đại Hiệp khi biến tác phẩm này thành câu chuyện đậm chất ngôn tình với những mối tình tay ba, tay tư sến súa.
"Cung Tỏa Tâm Ngọc" bị cho là đạo nhái nội dung của "Bộ Bộ Kinh Tâm"
Vu Chính cũng gây tai tiếng khi dính nghi án đạo nhái tác phẩm kinh điển Bộ Bộ Kinh Tâm của thiên hậu làng văn học Trung Quốc - Đồng Hoa. Kịch bản của Cung Tỏa Tâm Ngọc - bộ phim mang đến thành công cho Phùng Thiệu Phong và Dương Mịch - có tình tiết giống Bộ Bộ Kinh Tâm đến 80%. Tác phẩm Mỹ Nhân Thiên Hạ bị coi như Vượt Ngục phiên bản cổ trang nhưng Vu Chính vẫn dửng dưng trước mọi cáo buộc.
Rồi cũng đến lúc, biên kịch "vàng" phải ra hầu tòa khi đạo nội dung tác phẩm Mai Hoa Lạc của nhà văn Quỳnh Dao rồi đưa vào kịch bản của Cung Tỏa Liên Thành. Sau cùng, Vu Chính thua kiện, phải đền bù cho nữ văn sĩ 5 triệu NDT (~ 17,9 tỷ đồng) và dự án Cung Tỏa Liên Thành bị cấm phát sóng vô thời hạn. Từ sau vụ kiện này, tên tuổi của Vu Chính cũng tụt dốc không phanh trong giới.
Tuy nhiên "ngựa quen đường cũ", gần đây nhất, Vu Chính lại dính vào nghi án đạo nhái nội dung của tiểu thuyết Đông Cung rồi đưa vào tác phẩm Phượng Tù Hoàng. Hiện tại, phía tác giả Phỉ Ngã Tư Tồn đã làm việc với luật sư để kiện Vu Chính ra tòa. Nhiều người đặt ra câu hỏi, vì sao Phượng Tù Hoàng sở hữu nguyên tác gốc đồ sộ đến vậy mà Vu Chính vẫn phải đạo nhái? Là do thói quen, hay do bản thân Vu Chính muốn "lăng xê" cho con cưng bằng chiêu thức cũ?
Trang phục và tạo hình nhân vật phải độc đáo, lạ mắt và... gây sóng gió trên mạng xã hội
Với bộ phim đang phát sóng là Phượng Tù Hoàng, Vu Chính đã khiến mạng xã hội Trung Quốc nổi sóng trước tạo hình vô cùng khó đỡ của nữ chính Quan Hiểu Đồng - người đảm nhận vai công chúa Lưu Sở Ngọc. Ngay từ ngày khai máy, việc Quan Hiểu Đồng diện mái tóc giả theo phong cách máy khâu đã làm biết bao người phải cười lăn cười bò.
Kiểu tóc "máy khâu" của Quan Hiểu Đồng trong "Phượng Tù Hoàng"
Đôi môi thâm cùng mái tóc "ngố tàu" của Viên San San trong "Cung Tỏa Liên Thành"
Tạo hình "vùi dập" nhan sắc của Trần Kiều Ân trong "Nữ Nhân Của Vua"
Trong những tác phẩm trước đó của biên kịch "vàng", Viên San San với mái tóc mái quá ngắn trông vô cùng "ngố tàu" kết hợp với đôi môi thâm sì, thiếu sức sống trong Cung Tỏa Liên Thành; Trần Kiều Ân thì bị vùi dập không thương tiếc với tạo hình quá sến trong Nữ Nhân Của Vua đều từng là chủ đề được khán giả bàn luận rôm rả.
"Cô Cô đùi gà" - sáng tạo mang tính "kinh điển" mà cũng vô cùng "kinh hoàng" của Vu Chính
Đỉnh cao của việc tạo "bão" cộp mác Vu Chính, chính là lúc biên kịch "vàng" giới thiệu đến khán giả nhân vật Tiểu Long Nữ trong tác phẩm Tân Thần Điêu Đại Hiệp (2014) do mình sản xuất. Qua bàn tay cùng ý tưởng của Vu Chính, nữ chính huyền thoại trong tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung đã biến thành Cô Cô "bánh bao" khi sở hữu kiểu tóc búi cao hai bên trông như miếng đùi gà cùng gương mặt bầu bĩnh kém thanh thoát. Tiểu Long Nữ xấu nhất mọi thời đại này từng "tạo" nên trào lưu châm biếm, chế ảnh trên mạng xã hội.
Trang phục màu sắc "hoa lá cành" cũng là một trong những nét đặc trưng của các bộ phim do Vu Chính thực hiện. Quần áo của dàn diễn viên chính có thể thiên biến vạn hóa: từ gam màu bắt mắt cho đến tông màu trầm. Tổng thể khi nhìn vào, khán giả ai cũng phải hoa mắt trước rừng màu sặc sỡ đến nỗi... quên luôn cả theo dõi, bàn luận về tình tiết bộ phim. Ngoài trường hợp ngoại lệ như Vân Trung Ca, đa phần những tác phẩm "lòe loẹt hóa" của Vu Chính đều bị chê là khoa trương, quê mùa và sến sẩm.
Cảnh phim xa hoa, kỹ xảo "ảo diệu" đến mức khó tin
Vu Chính có lẽ rất ám ảnh về cái đẹp nên không chỉ diễn viên lung linh, trang phục bắt mắt mà ngoại cảnh cũng phải thật lộng lẫy, xa hoa. Dù là nhà dân bình dị hay cung đình giàu sang. Điển hình như ngôi nhà hoang mà Lục Trinh (Triệu Lệ Dĩnh) và Cao Trạm (Trần Hiểu) trú ẩn trong bộ phim Lục Trinh Truyền Kỳ từng khiến khán giả tưởng nhầm thành dinh thự của giới quý tộc quyền quý.
Bối cảnh xa hoa quá mức cần thiết là điểm trừ lớn trong phim của Vu Chính
Truy Tìm Ký Ức - bộ phim được Vu Chính thực hiện với phong cách nghiêm túc hơn bình thường - cũng không thoát khỏi tuyệt chiêu xa hoa của biên kịch "vàng". Ví như đồn công an tại thành phố Giang - nơi cặp đôi chính Hàn Trầm và Tô Miên làm việc. Trong nguyên tác, đây là một nơi có diện tích khá nhỏ và bình thường. Thế nhưng khi lên phim, nó lại bị phóng đại quá đà, thậm chí còn "xịn sò" và hoành tráng đến mức khó tin.
Đây là "đồn công an" sau khi bị Vu Chính "chế" quá đà
Có lẽ, vì bỏ quá nhiều kinh phí đầu tư vào khâu "xây nhà" mà loạt cây cối xuất hiện trong phim của Vu Chính đều là đồ giả hoặc như được cắt ghép vào khung hình cho thêm phần đặc sắc, lãng mạn. Kỹ xảo cũng kém được đầu tư khi chất lượng chỉ dừng ở mức "ba xu". Những cảnh quay hành động trong phim Vu Chính càng không được đánh giá cao, thậm chí nhiều người còn đùa rằng, diễn viên đang múa chứ không phải đánh võ.
Kỹ xảo kém đẹp trong những bộ phim trước đó của Vu Chính
Kết
Sau scandal đạo nhái Mai Hoa Lạc, tên tuổi của Vu Chính không còn được như trước và thụt lùi hơn rất nhiều so với thời hoàng kim trước kia. Các tác phẩm của anh, dù thực hiện một cách nghiêm túc hay gây tranh cãi, cũng không còn được khán giả để tâm đến hay bàn luận (chỉ trích) rôm rả như trước đây hay đạt tỷ suất người xem ấn tượng đến khó ngờ. Sự thất bại của Phượng Tù Hoàng, một tác phẩm kết hợp yếu tố bớt lòe loẹt lẫn scandal bên lề, là hồi chuông cảnh tỉnh cho Vu Chính.
"Triều Ca" - dự án được Vu Chính đặt rất nhiều tâm huyết cùng sự kỳ vọng
Có lẽ, biên kịch "vàng" nên hướng đến việc thực hiện những tác phẩm có chất lượng và bớt nhảm nhí để thay đổi hình ảnh tệ hại trước nay trong mắt khán giả. Hy vọng rằng, dự án cổ trang chuẩn bị ra mắt - Triều Ca - do Vu Chính thực hiện sẽ hội tụ những điểm tiến bộ về mọi mặt và bớt những điểm "tào lao" trong phong cách làm phim trước nay của anh để thành công.
Theo Trí Thức Trẻ
6 "bom xịt" đầy cay đắng của màn ảnh Hoa Ngữ dù sở hữu đội hình "trong mơ" "Tru Tiên", "Tư Mỹ Nhân" hay "Trạch Thiên Ký" là ba trong số những tác phẩm truyền hình bị gán mác bom xịt gây thất vọng trên màn ảnh nhỏ dù có sự góp mặt của dàn diễn viên Hoa Ngữ đình đám. Nhiều bộ phim truyền hình xứ Trung sau khi công bố danh sách dàn diễn viên đã làm khán giả...