8 ngư dân mất tích trên biển
Ngày 16/12, UBND xã Quỳnh Long (Quỳnh Lưu, Nghệ An) cho biết, gia đình chủ tàu NA – 93240-TS tại thôn Minh Thành xã Quỳnh Long đã thông báo với địa phương tàu bị mất liên lạc hơn 7 ngày qua, kể từ khi tàu trên đường trở vào đất liền để nghỉ trăng như thường lệ.
Tàu cá được gia đình báo mất tích có công suất máy 250CV của ông Trần Văn Viên (SN 1970, trú tại thôn Minh Thành, Quỳnh Long, Quỳnh Lưu, Nghệ An). Vào thời điểm mất liên lạc trên tàu có 8 lao động tham gia đang khai thác tại toạ độ 105 kinh độ đông – 18,54 vĩ độ bắc.
Theo gia đình chủ tàu Trần Văn Viên, vào ngày 8/12 ông Viên có liên lạc với các phương tiện cùng đi khai thác và báo là đang trên đường về đất liền cách cảng cá Lạch Quèn khoảng 17 hải lý để nghỉ trăng. Đến ngày 9/12 , mọi thông tin liên lạc qua I-com, điện thoại di động và các thiết bị khác đều không thể liên lạc với 8 ngư dân trên tàu, thời điểm mất liên lạc hoàn toàn là lúc 5 giờ sáng ngày 9/12. Theo những ngư dân dầy dạn kinh nghiệm ở đây nhận định, nhiều khả năng tàu đã gặp sự cố và bị nạn do va đập trên biển.
Gia đình nạn nhân Bùi Văn Xào ngóng tin con mất tích trên biển
Mặc dù mất liên lạc hơn 7 ngày qua nhưng đến ngày 15/12, gia đình của 8 ngư dân đi trên tàu ông Trần Văn Viên mới đến trình báo sự việc với cơ quan chức năng.
Hiện UBND xã Quỳnh Long đã trình báo với các cơ quan chức năng để phối hợp với các tổ chức, tàu thuyền khác truy tìm tung tích của 8 ngư dân bị mất liên lạc trên.
Danh sách 8 ngư dân trên tàu cá NA- 9340-TS 1/ Bùi Hoàng Hiệp – Thuyền trưởng – sinh năm 1987 thôn Minh Thành – xã Quỳnh Long- Huyện Quỳnh Lưu. 2/ Trần Văn Viên – Máy trưởng – sinh năm 1970 Thôn Minh Thành – xã Quỳnh Long – Huyện Quỳnh Lưu. 3/ Vũ Văn Vang – sinh năm 1991 Thôn Minh Thành – xã Quỳnh Long- Huyện Quỳnh Lưu. 4/ Bùi Văn Xào – sinh năm 1957 Thôn Minh Thành xã Quỳnh Long- Huyện Quỳnh Lưu 5/ Vũ Văn Biên – Sinh năm 1984 Thôn Minh Thành – xã Quỳnh Long- Huyện Quỳnh Lưu 6/ Bùi Văn Hoài – Sinh năm 1977 Thôn Minh Thyành – xã Quỳnh Long- Huyện Quỳnh Lưu 7/ Hồ Văn Sơn – Sinh năm 1988 – Thôn phú Liên- xã Quỳnh Long- Huyện Quỳnh Lưu 8/ Vũ Văn Quyến – Sinh năm 1971 xóm 7 – xã Quỳnh Thuận – Huyện Quỳnh Lưu
Theo V.Thanh – H.Tình
Trở về sau 20 năm "mất tích" trên biển
Sáng 8/12, người dân xóm Hải Hòa, thôn Thanh Thủy (xã Bình Hải, Bình Sơn, Quảng Ngãi) đổ đến nhà ông Thảo để thấy tận mắt một ngư dân rơi xuống biển mất tích từ 20 năm trước.
Video đang HOT
Chết đi sống lại
Ông Thảo xuất ngũ trở về địa phương ngày 20/10/1984. Và không ai ngờ, sau đó ông đã gửi tiếp cuộc đời mình thêm gần 20 năm tại đất nước Chùa Tháp.
Trên con đường cát dẫn vào làng chài, một người đàn ông gầy guộc, tóc đốm bạc, bước thấp bước cao đi giữa đoàn người. Cả làng chài ùa đến. Người lớn tuổi thì xuýt xoa: "Già và ốm đi chứ đâu có gì khác. Thằng Thảo thiệt đây mà". Đó là ngư dân Tiêu Viết Thảo, người mất tích, được gia đình lập bàn thờ từ 20 năm trước.
Xóm Hải Hòa là làng chài rất nghèo, nằm biệt lập phía ngoài một khu gành. Nghèo đến độ không có nơi neo đậu tàu thuyền, ngư dân chỉ sống nhờ những chiếc thúng câu. Đến tháng 8, trời trở gió nồm, thúng ra biển thường bị lật. Vậy là trai làng khăn gói vào Nam để đi bạn (làm thuê trên tàu người khác - PV) kiếm tiền gửi về lo Tết cuối năm.
Tại ngôi nhà giữa xóm, bà Lê Thị Thơm hằng ngày thắp nén hương trên bàn thờ chồng và mong cho linh hồn ông Thảo siêu thoát.
Sau 20 năm, ông Thảo trở về trong sự ngỡ ngàng của dân làng. Ảnh: L.V.C.
Bấy lâu nay bà Thơm tin rằng, nhờ ông Thảo phù hộ nên 4 người con trai dù thiếu ăn, cực khổ nhưng đều khỏe mạnh, đi biển kiếm được nhiều cá, còn bà qua được bệnh tật. Chỉ thương ông Thảo nằm lạnh dưới nước, hồn lìa, thân xác phiêu bạt.
Bà Thơm nhớ, mùa gió nồm năm 1994, tròn 20 năm trước, bà chạy ngược chạy xuôi vay chằng, vay đụp được 35 ngàn đồng để đưa cho chồng đi xe vào Nam đánh cá thuê. Năm đó, ngư dân Tiêu Viết Thảo 35 tuổi.
Ở Hải Hòa, mười nhà thì hết bảy gia đình lâm cảnh "chị Dậu". Chỉ độc nhất gia đình anh Lương Công Sơn buôn bán nên sắm được chiếc điện thoại bàn. Cuối năm 1994, anh Thảo không về, chỉ điện nhờ nhắn tin cho vợ là: "Ở lại kiếm thêm tiền cho vợ con". Những cuộc điện thoại khá thưa thớt, rồi mất hẳn.
Sau đó, một ngư dân ở xã Bình Thạnh, huyện Bình Sơn đi biển ở phía Nam về cho biết, ông Thảo đi bạn trên tàu ngư dân đảo Phú Quốc do sơ ý bị rơi xuống biển trôi mất xác. Vậy là gia đình ngư dân Tiêu Viết Thảo lập bàn thờ, chít khăn tang cho 4 đứa con trai và khắc linh vị để hằng ngày hương khói.
Những ngày ông Thảo mất tích, 4 người con trai của ngư dân này cùng với người mẹ phải vượt muôn vàn khó khăn. Đứa con lớn là Tiêu Viết Khôi học hết lớp 5 phải nghỉ để vào Nam làm nghề gõ hủ tiếu thuê, ngủ trên vỉa hè. Khi trưởng thành, Khôi quay về quê bắt đầu gây dựng sự nghiệp bằng nghề biển để lo cho em út.
"Dung Quất là cái gì?"
Xóm Hoà Hải - Thanh Thủy nằm trong địa bàn khu kinh tế Dung Quất. Sáng 8/12, bốn chiếc xe máy đưa một người đàn ông có khuôn mặt ngơ ngác xuôi trên con đường này. Một thanh niên há miệng cười khi ngư dân Tiêu Viết Thảo buột miệng hỏi: "Dung Quất à, là cái gì?". Bởi 20 năm trước, thời chưa có Dung Quất thì đây là cung đường cực kỳ khổ ải vì vượt hết đường bùn nhão thì đến đường đá tảng, đường cát lún. Bây giờ, mọi thứ đều đã thay đổi.
Cuốn nhật ký chiến trường K của ông Thảo được gìn giữ 30 năm qua.
Khi ấy, toàn bộ nhà cửa ở xóm chài này đều bằng lá dừa, bây giờ thì khang trang hơn. Túp lều rơm hơn 30 mét vuông của gia đình ông đã được thay bằng ngôi nhà xi măng vững chãi.
Cuối tháng 11, Sở Ngoại vụ Quảng Ngãi nhận được thông báo về việc trao trả ngư dân về nước. Đó là ông Tiêu Viết Thảo. Ông Thảo bị phía Thái Lan bắt giữ 3 năm. Nhờ thông báo về địa phương mà người dân Thanh Thủy mới ngớ ra là ông vẫn còn sống.
Cả làng chạy tới và dúi từng người một ra trước mặt ông Thảo, la to: "Biết đây là ai không, ông đây tên là gì?". Chỉ có số ít người được ông Thảo gật đầu, còn lại là lắc đầu không biết. Khi điểm danh đến ông già Lê Tấn Đức, cả làng cười nghiêng ngả khi thấy ông Thảo tiếp tục lắc đầu và tròn xoe mắt ra hiệu "không biết". Mọi người không nhịn được cười, vì ông Đức là cha vợ ông Thảo, sau 20 năm đã trở thành một ông lão râu tóc bạc trắng.
Tâm lý ông Thảo dần dần ổn định và "câu chuyện đời phiêu dạt" được ông kể bằng những lời ngắt quãng. Hai mươi năm qua, ông lưu lạc sang làm biển và sống với cộng đồng người Việt tại Campuchia. Công việc hằng ngày là qua lại và đánh cá tại đảo Bắc Loan. Cách đây 3 năm, ông Thảo đi bạn cho một chiếc tàu của ngư dân Thái Lan và bị cảnh sát bắt giữ. Do không có giấy tờ tùy thân và nhập cảnh đánh bắt trái phép, nên ông Thảo cùng toàn bộ ngư dân bị cảnh sát bắt giữ. "Chuyến đi đó nhiều mực lắm, tôi định đem tiền quay về Việt Nam thì bị bắt", ông Thảo kể.
Gần 20 năm rồi, tại sao đi biệt mà không có một lời nhắn về Việt Nam với gia đình. Hỏi đến câu này, những người dân làng chài mới sực nhớ và thốt lên "thì ra ông Thảo trở lại chiến trường K".
Trở lại chiến trường K
Kể chuyện với dân làng và gia đình, ông Thảo luôn cũng nhắc đến kỷ niệm ở Campuchia. Cao hứng ông còn xổ một tràng tiếng Campuchia.
Vợ ông Thảo dẹp bàn thờ khi nghe tin ông trở về.
Ngày 17/4/1979, ông Thảo nhập ngũ và là bộ đội tình nguyện tại chiến trường Campuchia. Đơn vị của ông là Sư đoàn 315, Trung đoàn 733, Đại đội 14, phụ trách hỏa lực 12,7 ly. Ông Thảo xuất ngũ trở về địa phương ngày 20/10/1984. Và không ai ngờ, sau đó ông đã gửi tiếp cuộc đời mình thêm gần 20 năm tại đất nước Chùa Tháp.
Người dân ở địa phương cho biết, ông Thảo ngày trước luôn lo toan cho vợ con và không có thói trăng hoa. Một chị phụ nữ lớn tuổi nhắc lại một câu chuyện xưa cũ: "Ổng hát hay, làm thơ cũng giỏi. Tôi còn nhớ sáng đó đi ngang qua nhà nghe ổng hát Tôi không còn thương nhớ người yêu/Từ em cô dâu sính lễ qua cầu... Vậy rồi ổng đi biệt từ đó không về".
Ông Tiêu Viết Hiếu, người anh đầu của ông Thảo, kể: "Nó đi chiến trường K về tặng tui một chiếc áo gió và một cái lồng rất đẹp nuôi con sáo. Nó rất cưng con sáo và bảo con sáo nuôi bên đó rất lâu rồi, giờ ráng mang về Việt Nam làm kỷ niệm". Ông Hiếu chăm sóc con sáo như lời nhắn nhủ của cậu em. Đến một ngày, con sáo sổ lồng không trở về nữa. Và người em trai cũng giống con sáo, đi biển rồi biền biệt, gần 20 năm sau mới trở về quê cũ.
Theo Lê Văn Chương
Tấm gương anh Thời khiến Chủ tịch nước xúc động "Tôi vô cùng xúc động trước sự dũng cảm của anh Phạm Văn Thời khi lao vào sóng dữ trên biển cứu người rồi mãi mãi ra đi khi tuổi còn trẻ, các con của anh còn thơ bé...". Ngày 4/12, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã có Thư thăm hỏi gia đình anh Phạm Văn Thời (trú tại thôn Yên Ngư,...