8 năm chậm triển khai, chủ đầu tư dự án nghỉ dưỡng gần 3.500 tỷ đồng tại Vũng Tàu xin giãn tiến độ thêm 4 năm nữa
Công ty CP Đầu tư xây dựng giải trí Đại Dương vừa có báo cáo gửi UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xin giãn tiến độ Dự án Khu du lịch Đại Dương tại Chí Linh – Cửa Lấp, phường 11, TP. Vũng Tàu. Dự án có diện tích khoảng 19,5 ha với tổng vốn đầu tư 3.350 tỷ đồng.
Dự án Khu du lịch Đại Dương tại Chí Linh – Cửa Lấp, phường 11, thành phố Vũng Tàu (gọi tắt là Dự án) có diện tích khoảng 19,5 ha với tổng vốn đầu tư 3.350 tỷ đồng do Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Giải trí Đại Dương làm chủ đầu tư.
Dự án được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư lần đầu vào năm 2010 và chứng nhận thay đổi lần thứ nhất vào năm 2014 với mục tiêu xây dựng Khu du lịch nghỉ dưỡng bao gồm nhiều loại hình vui chơi, giải trí nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách trong nước và quốc tế.
Theo kế hoạch ban đầu, Dự án được khởi công xây dựng năm 2014 và dự kiến cuối năm 2020 sẽ hoàn thành đưa vào hoạt động, kinh doanh.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, sau khi được chấp thuận chủ trương, Dự án đã được hoàn tất các thủ tục đất đai, đồng thời đã được UBND thành phố Vũng Tàu phê duyệt quy hoạch 1/500, Sở Tài nguyên và Môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Tuy nhiên, đến nay, Nhà đầu tư chưa triển khai các bước tiếp theo của dự án theo như quy hoạch đã được phê duyệt (do Công ty gặp khó khăn về tài chính và người đại diện theo pháp luật gặp vấn đề về sức khỏe). Dự án thuộc diện chậm triển khai.
Để có cơ sở tiếp tục triển khai thực hiện dự án, Công ty xin giãn tiến độ thực hiện dự án đến năm 2022 sẽ đưa toàn bộ dự án vào hoạt động khai thác; đồng thời, Công ty sẽ thực hiện ký quỹ đầu tư theo quy định hiện hành.
Theo thông tin từ UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Phó Chủ tịch Nguyễn Thành Long về cơ bản thống nhất với việc giãn tiến độ thực hiện của Dự án Khu du lịch Đại Dương, đồng thời đề nghị Nhà đầu tư cam kết ký quỹ đầu tư theo quy định của pháp luật.
Video đang HOT
Ngoài ra, Phó Chủ tịch cũng yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Sở Tài nguyên và Môi trường, các sở, ban, ngành liên quan tiếp tục giám sát, kiểm tra tiến độ triển khai của dự án sau khi được đồng ý giãn tiến độ thực hiện.
Được biết, ngoài dự án Khu du lịch Đại Dương, Công ty CP Đầu tư xây dựng giải trí Đại Dương đang xây dựng 2 dự án khác tại Bà Rịa Vũng Tàu là dự án KCN Mỹ Xuân B1 và Khu du lịch Hồng Quang Long Hải
Trong đó, KCN Mỹ Xuân B1 được xây dựng trên cơ sở diện tích 145,7 ha tại xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành, Tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu.
Khu du lịch Hồng Quang Long Hải trải dài bên sườn đồi Thủy Tiên thuộc thị trấn Long Hải, huyện Long Điền – tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Đây là Quần thể khu du lịch bao gồm một khách sạn 10 tầng, quy mô 100 phòng đạt tiêu chuẩn 5 sao và 33 căn biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp có khuôn viên và hồ bơi riêng.
Lan Nhi
Theo Trí thức trẻ
Hà Nội: Dự án 'đất vàng' lợi dụng điều chỉnh quy hoạch để chây ỳ?
Các đại biểu HĐND thành phố Hà Nội đặt vấn đề, nhiều chủ đầu tư dự án liên tục đề nghị điều chỉnh quy hoạch để lợi dụng, chậm đưa đất dự án vào triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố.
Sáng nay, 13/8, trong phiên giải trình về việc quản lý dự án vốn ngoài ngân sách chậm triển khai, vi phạm luật đất đai trên địa bàn thành phố, khi đặt câu hỏi với Giám đốc Sở QH&KT thành phố Hà Nội, đại biểu Đoàn Việt Cường nêu vấn đề, có hiện tượng các chủ đầu tư dự án lợi dụng việc điều chỉnh quy hoạch để chây ỳ, kéo dài, không triển khai dự án.
Trả lời vấn đề này, ông Lê Vinh, Giám đốc Sở QH&KT Hà Nội cho rằng, để triển khai một dự án, đầu tiên phải là công tác quy hoạch. "Cho nên, khi dự án chậm, nguyên nhân là do chủ đầu tư cố tình chứ không phải do công tác quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch", ông Vinh nói.
Phiên giải trình của HĐND thành phố Hà Nội sáng 13/8
Tuy nhiên, ông Vinh cũng thừa nhận, có một số dự án khi quy hoạch được duyệt rồi thì không triển khai mà tính chuyện xin điều chỉnh. "Nguyên nhân của việc này thì phải thông qua kiểm tra mới trả lời được", ông Vinh nói.
Ông Vinh cũng nêu một số trường hợp như ở Hà Tây, khi sáp nhập thì nhiều dự án phải điều chỉnh để phù hợp với quy hoạch mới.
Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Hoài Nam không đồng tình với câu trả lời của Giám đốc Sở QH&KT Lê Vinh. "Tôi chưa đồng tình với giám đốc Sở QH&KT chỗ nói báo cáo của HĐND hiểu không đúng vai trò của công tác quy hoạch", ông Nam nói.
Theo ông Nam, qua giám sát, HĐND thành phố đặt vấn đề có việc chủ đầu tư các dự án lợi dụng việc điều chỉnh quy hoạch để kéo dài việc đưa đất vào sử dụng.
"Chúng tôi có trong tay rất nhiều bằng chứng, nhiều chủ đầu tư chẳng liên quan gì đến quy hoạch phân khu, ngay trong khu vực nội thành này thôi, nhưng mà xin điều chỉnh từ 1 đến 3 lần, thậm chí 5 lần. Mỗi lần xin điều chỉnh đều theo hướng tăng mật độ, tăng chiều cao, tăng diện tích sử dụng. Lấy cớ đó, mỗi lần điều chỉnh quy hoạch cho kéo dài thời gian nên cứ 2- 3 năm lại xin một lần. Có dự án nằm ở trung tâm quận Hoàn Kiếm, trung tâm quận Hai Bà Trưng, ít nhất 3 - 4 lần điều chỉnh quy hoạch, nhưng vẫn nằm im chưa sử dụng", ông Nam nêu ví dụ.
Theo ông Nam, vấn đề ở đây là Sở QH&KT có tham mưu cho thành phố, đối với các chủ đầu tư cố tình chống đối thì nếu cần thiết, phải kiên quyết thu hồi. "Đó là cách đặt vấn đề của đoàn giám sát HĐND thành phố", ông Nam khẳng định.
Trao đổi lại vấn đề này, ông Lê Vinh cho rằng, chưa đủ cơ sở để kết luận có việc xin điều chỉnh quy hoạch để kéo dài thời gian, chây ỳ, không triển khai dự án. "Cái này phải tổ chức thanh tra, kiểm tra mới kết luận được", ông Vinh nói.
Theo ông Vinh, đứng ở góc độ quy hoạch, khi quy hoạch cấp trên có sự điều chỉnh thì chủ đầu tư theo luật có điều kiện, có cơ sở để đề nghị thay đổi.
Dẫn chứng về các công trình ở Lò Đúc, Hàng Bài, ông Vinh nói rằng, việc 2 - 3 lần xin điều chỉnh, tập trung vào tăng chiều cao, tăng mật độ... thì thực chất, dự án đã được phê duyệt cách đây 5 - 6 năm.
"Khi quy hoạch mới được điều chỉnh, quy chế quản lý về kiến trúc cao tầng, thấp tầng được phê duyệt thì chủ đầu tư cũng có đề xuất xin điều chỉnh. Nhưng đến thời điểm này, tất cả đề nghị điều chỉnh đã được chúng tôi báo cáo UBND thành phố, thành phố báo cáo Bộ Xây dựng và Thủ tướng. Những cái đó vẫn chưa được cấp trên chấp thuận, vẫn còn đang yêu cầu thành phố và bộ Xây dựng tiếp tục xem xét", ông Vinh nói.
Ông Vinh khẳng định, chưa có dự án nào được chấp thuận điều chỉnh trong nội đô. "Họ có đề nghị, ví dụ như chỗ Tràng Thi trước quy hoạch làm văn phòng, nhà ở cao cấp, giờ đề nghị thành khách sạn. Chúng tôi báo cáo rằng thành phố đang thiếu khách sạn, việc làm khách sạn rất tốt, nhưng vẫn phải báo cáo Thủ tướng", ông Vinh nói.
Trao đổi thêm về các công trình này, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, với dự án 94 Lò Đúc, vừa qua, UBND thành phố đã mời chủ đầu tư là Tân Hoàng Minh, yêu cầu cam kết thực hiện đúng quy hoạch.
"Thời gian qua, thành phố có điều chỉnh một việc trong khu này. Ở đây có hai trường học ở hai vị trí khác nhau. Chúng tôi yêu cầu hai trường học này phải đưa vào một điểm trường để tận dụng không gian cho trường rộng thêm. Chủ đầu tư đã hoàn thiện và cam kết trong thời gian tới sẽ đầu tư", ông Chung nói.
Theo ông Chung, với dự án liên quan đến văn phòng và khách sạn tại đầu Lý Thường Kiệt và Hàng Bài, Tập đoàn T&T cũng sẽ triển khai trong thời gian tới.
Riêng dự án 22 - 24 Hàng Bài, trước kia chủ đầu tư xin làm căn hộ cao cấp nhưng thời gian vừa qua có đề xuất chuyển sang xây dựng khách sạn.
"Hiện nay thành phố cũng đang thiếu trầm trọng khách sạn nên cũng ủng hộ chủ trương này. Chủ đầu tư đang hoàn thiện thiết kế cơ sở và thiết kế chi tiết. Thành phố cũng sẽ thẩm định sớm để chủ đầu tư có thể thi công sớm nhất", ông Chung nói.
Theo Trường Phong
Tiền phong
TP.HCM: Truy nã chủ đầu tư dự án Long Phụng Residence ôm tiền bỏ trốn nhiều năm liền Công an TP.HCM đã phát lệnh truy nã ông Huỳnh Văn Ánh, Giám đốc Công ty Địa ốc Bình Tân, chủ đầu tư chung cư Long Phụng Residence về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản vì ông này đã bỏ trốn. UBND quận Bình Tân cho hay đến nay chung cư Long Phụng Residence vẫn chưa xây dựng hoàn thiện; cơ sở...