8 món hủ tiếu hấp dẫn của Sài Gòn
Hủ tiếu bột lọc, hủ tiếu cá, hủ tiếu sườn, hủ tiếu hồ… là những biến tấu khác nhau của hủ tiếu mê hoặc thực khách.
Hủ tiếu cá
Hủ tiếu cá hấp dẫn thực khách với những cọng bánh to gần gấp đôi cọng bánh phở và những lát cá lóc trắng phau tươi ngon. Đi kèm hai thành phần trên là loại nước lèo có màu mờ mờ đục đục như làn sương nhưng tươi ngọt do được hầm hoàn toàn bằng xương heo và cá tươi.
Hủ tiếu cá ở Sài Gòn thường được bán trong các tiệm mì Tàu. Tuy nhiên nổi tiếng và được biết đến nhiều nhất là hủ tiếu cá Nam Lợi trên đường Tôn Thất Đạm. Đây là quán có thâm niên lâu nhất (60 năm), mắc nhất Sài Gòn (70.000 đồng) và phong cách phục vụ bị phàn nàn nhiều nhất. Nếu không thích quán “sang, chảnh” này, bạn có thể thưởng thức hủ tiếu cá tại quán 134 Ký Con, khẩu phần nhiều hơn, giá rẻ hơn (45.000 đồng).
Địa chỉ tham khảo:
43 Tôn Thất Đạm, P. Bến Nghé, Q. 1; Mở cửa: 6h sáng đến 12h trưa, chiều từ 14h -21h. Chiều CN nghỉ.
Điểm tâm 134 Ký Con, 134 Ký Con, P. Nguyễn Thái Bình, Q. 1; Mở cửa: 6h30 sáng đến 11h trưa.
Hủ tiếu hồ
Gọi là “hủ tiếu hồ” nhưng “cọng” hủ tiếu mà ta thấy thực chất là những miếng bột mỏng gần giống bánh ướt nhưng dày hơn và có hình vuông (cỡ 40 x 40mm). Riêng chữ “hồ”, có ý kiến cho rằng trong nguyên bản của người Tiều phần nước lèo có pha thêm một chút bột năng để có được độ sệt. Cũng có người cho rằng chữ “hồ” này để gợi nhớ về cộng đồng người Tiều tập trung ở tỉnh Hồ Nam (phía Nam Trung Quốc).
Không như các món mì, hủ tiếu khác, hủ tiếu hồ chỉ dùng chung với lòng heo khìa cùng cải chua. Cách ăn này hình thành từ thói quen dùng cải chua để hãm béo của người Tiều.
Địa chỉ tham khảo:
Hủ tiếu Triều Châu, 49 Dương Đình Nghệ, P. 8, Q. 11. Mở cửa: 6h – 22h hàng ngày.
Hủ tiếu Đỗ Khôn – Huy Đạt, 26 Đình Hòa, P. 13, Q. 8. Mở cửa: 6h30 sáng đến 11h30 trưa
Hủ tiếu bột lọc không chỉ lạ với cọng hủ tiếu được làm bằng bột lọc, vuông vức, to vừa phải, dai mà vẫn mềm mà ở những lát cật heo xắt to bản thơm, giòn sần sật đã được xử lý hết mùi hôi đặc trưng.
Video đang HOT
Điểm cộng của món ăn này là vị dai dai của cọng hủ tiếu to, vuông vức. Song nó cũng là một hạn chế trong khâu chế biến, bởi nếu không canh đúng thời gian ngâm, cọng hủ tiếu dễ bị mủn, gãy, mất ngon.
Địa chỉ tham khảo:
Hủ tíu mì cật, 62 Trương Định, P. Bến Nghé, Q. 1; mở cửa: sáng từ 6h đến 11h30 trưa, chiều từ 15h – 21h. Chiều Chủ nhật nghỉ.
Hủ tiếu sa tế
Là một đặc sản của người Tiều và chỉ được lưu truyền trong cộng đồng này nên hủ tiếu sa tế khó tìm thấy hơn các món hủ tiếu khác.
Hủ tiếu sa tế quyến rũ thực khách với nồi nước dùng kết hợp trên 20 loại gia vị khác nhau như tỏi, hành tím, gừng, sả, đại hồi, tiểu hồi, quế, ớt khô, ớt bột, đậu phộng, mè rang… Sự tổng hòa của các loại gia vị này tạo nên món nước dùng thanh dịu mà không kém phần nồng nàn, mang đủ vị cay, chua, béo, mặn, ngọt độc đáo.
Hủ tiếu sa tế nai là ngon nhất song thỉnh thoảng chúng ta vẫn bắt gặp món ăn này đi cùng lòng heo hay thịt bò.
Địa chỉ tham khảo:
Hủ tiếu Đỗ Khôn – Huy Đạt, 26 Đình Hòa, P. 13, Q. 8. Mở cửa: 6h30 sáng đến 11h30 trưa.
Hủ tiếu Triều Châu, 9 Dương Đình Nghệ, P. 8, Q. 11. Mở cửa: 6h sáng đến 10h.
Hủ tiếu Quốc Ký, 52 Ngô Đức Kế, P. Bến Nghé, Q. 1. Mở cửa: 6h sáng đến 10h tối.
Hủ tiếu sườn non
Bên cạnh những thành phần quen thuộc của món hủ tiếu là lòng heo, gan, thịt bằm, tôm… thì điểm nhấn ấn tượng của món ngon này là dẻ sườn non to vừa được ninh khá mềm nhưng không bị bở, hòa chung với phần nước lèo đậm đà. Ngoài miếng sườn non ấn tượng, vị ngọt của nước dùng hoàn toàn được nấu bằng sườn nón chứ không thêm gia vị cũng thu hút không kém.
Địa chỉ tham khảo:
Hủ tiếu Mỹ Phương, 172 Trần Bình Trọng, P. 3, Q. 5. Mở cửa: sáng từ 6h30 đến 13h trưa, chiều từ 16h – 22h.
Hủ tiếu mì sườn Tùng Hưng, 147A, Trần Hưng Đạo, Q. 1. Mở cửa từ 7h30 – 23h.
Hủ tiếu bò viên
Cách ăn hủ tiếu với bò viên khá phổ biến ở Sài Gòn. Đa phần ăn bò viên cùng cọng hủ tiếu mềm và mì sẽ ngon hơn là cách ăn với cọng hủ tiếu dai. Có nhiều tiệm người Hoa quen gọi món này là “phở” do cách ăn rất gần với phở bò viên của người Việt.
Địa chỉ tham khảo:
Hủ tiếu Quốc Ký, 52 Ngô Đức Kế, P. Bến Nghé, Q. 1. Mở cửa: 6h – 22h hàng ngày.
Hủ tiếu Nam Vang
Hủ tiếu Nam Vang có nguồn gốc từ Campuchia nhưng do người Hoa chế biến. Nguyên liệu chính là hủ tiếu và nước dùng là thịt bằm nhỏ nấu cùng lòng heo. Nhờ cách chế biến này nên nước dùng có vị ngọt khá đặc biệt.
Nếu như tô hủ tiếu nguyên bản ở Phnompenh chỉ bao gồm thịt heo bằm và xắt miếng, ăn chung với xà lách và giá sống thì khi du nhập Sài Gòn, món ăn này đã “bổ sung” thêm gan, tim, bao tử, phèo, tôm và trứng cút.
Địa chỉ tham khảo:
Hủ tiếu Nam Vang – Phú Quý, 84 Hồ Thị Kỷ, P. 14, Q. 10.
Hủ tiếu Nam Vang Hồng Phát, 389 – 391 Võ Văn TầnP. 5, Q. 3.
Hủ tiếu Nam Vang – Ty Lum, 93 Huỳnh Mẫn Đạt, P. 7, Q. 5.
Hủ tiếu Mỹ Tho
Hù tiếu Mỹ Tho là một biến thể của hủ tiếu Nam Vang. Có hai cách thưởng thức hủ tiếu Mỹ Tho là khô và nước. Mỗi cách đều có điểm cộng khác nhau. Nhưng với thực khách sành ăn, hủ tiếu khô với điểm nhấn nước sốt chua ngọt ẩn dưới lớp thịt bằm, sườn non, xá xíu, con tôm luộc kia khá đặc biệt. Nhất là khi vị chua ngọt này hòa với vị mặn của lớp tôm khô cháy tỏi phía trên, vị ngon càng khó cưỡng. Nêm thêm một chút chanh, ngắt thêm vài cọng giá sống, rau cần, hòa lẫn với bánh hủ tiếu mới thấy hết cái ngon của tô hủ tiếu trứ danh.
Quán hủ tiếu Mỹ Tho ngon nhất Sài Gòn có lẽ là hủ tiếu Cả Cần góc Nguyễn Phi Phương – Hùng Vương. Song có một điều đáng lưu ý là quán chia theo ca với 2 chủ khác nhau. Ca buổi chiều được đánh giá nấu món này ngon hơn. Đó cũng là lý do khách đến quán từ trưa đến tối đông hơn buổi sáng.
Địa chỉ tham khảo:
Địa chỉ: Hủ tiếu Mỹ Tho – Cả Cần, 110 Hùng Vương, P. 9, Q. 5. Mở cửa: Ca sáng (6h đến 12h), ca chiều (12h đến 2h sáng).
Theo Tapchiamthuc
Hủ tiếu cá Nam Lợi: Vị ngon 60 năm của Sài Gòn
Người sành ăn món Hoa ở Sài Gòn không ai là không biết quán hủ tiếu cá Nam Lợi lâu đời này.
Tô hủ tiếu cá "mơ màng khói sương"
Trong quyển Sài Gòn Tạp Pín Lù, học giả Vương Hồng Sển đã có so sánh về ẩm thực Hoa và Pháp như sau: "Người Pháp lập tiệm ăn, bếp giấu sau nhà. Chú Ba Tàu, bếp dọn trước cửa, vừa chiêu hàng, vừa khoe con cá tươi, cọng rau vui mắt, trái ớt thấy bắt thèm...". Qua đó ta thấy được những khác biệt thú vị trong văn hóa ẩm thực Âu và Á. Bên thì chậm rãi và kín đáo, bên thì "có gì làm đó", phô trương tất cả ra. Đó có lẽ cũng là mẫu số chung của những hàng quán của người Hoa thường thấy, đằng trước lúc nào cũng là một xe mì hay hủ tiếu nghi ngút khói. Bàn ghế thì trong ngoài đủ cả, khách muốn ngồi đâu thì tùy, thậm chí ngồi ăn chung cũng chẳng sao. Rồi dần dần người Sài Gòn cũng "áp dụng" cách bán đó, tiệm cơm bún cháo phở gì cũng phải trưng ra bên ngoài cho khách nhìn qua cái đã. Riết rồi thành một thói quen, một văn hóa hàng quán đặc trưng.
Mì gà ngon hơn khi ăn khô
Người sành ăn món Hoa ở Sài Gòn không ai là không biết quán hủ tiếu cá Nam Lợi lâu đời này. Quán nằm trên con đường yên tĩnh Tôn Thất Đạm khúc gần với Hàm Nghi (ngó sang bên kia là Chợ Cũ), mở đã hơn 60 năm nay. Hủ tiếu cá đúng điệu cọng bánh phải gần gấp đôi cọng bánh phở, cá phải là loại cá lóc tươi ngon xắt lát. Khác với các phiên bản hủ tiếu cá thường thấy, nước lèo ở đây lại mờ mờ đục đục nhìn thoáng qua như một làn sương mờ, có lẽ một phần tỏa ra từ tóp mỡ được chan ở phía trên. Vị ngọt ngào mà thanh đạm của nước lèo hầm từ xương heo cùng những miếng cá tươi ngon sẽ dễ dàng chinh phục những thực khách khó tính nhất.
Một món khác cũng khá ngon là mì khô gà. Cách ăn mì hay hủ tiếu khô của ẩm thực Trung Hoa có thể cũng là "nguồn cơn" khiến món hủ tiếu Nam Vang của Campuchia cũng có 2 phiên bản khô và nước. Tôi thích ăn khô hơn vì với cách này ta mới thấy hết cái ngon của tóp mỡ, cái ngọt của miếng thịt gà xé sợi cũng như vị béo của cọng mì. Đó là chưa kể đến cái vị "tổng hợp" độc đáo của tất cả các thứ trên hợp lại. Để ăn món này chỉ cần nêm nhẹ một chút dấm đỏ, một chút nước tương tùy theo khẩu vị là ổn.
Bánh patêsô, món ăn kèm thú vị
Nhưng đến quán Nam Lợi mà chưa ăn... bánh patêsô thì kể như là chưa đến. Mà hình như loại bánh này cũng không bán nhiều trong các quán ăn mà chủ yếu là ở các tiệm bánh tươi (fresh bakery - các loại bánh làm và bán trong ngày, khác với bánh đóng gói để được nhiều ngày). Patêsô (pátê chaud) thực ra khởi nguồn từ món bánh Pháp thường gọi là "hot pastry pie" hay "hot meat pie". Có tài liệu cho rằng, người Hải Nàm (gốc đảo Hải Nam) thường đi tàu biển, làm bồi cho Tây nên khi mở tiệm nước thường có bán kèm bánh tây như pátê chaud, soux cream... Cùng với bánh mì và pátê, bánh patêsô đã "ở lại" Việt Nam với nhiều thay đổi so với nguyên bản cho phù hợp với khẩu vị địa phương. Phần vỏ bánh patêsô của Nam Lợi giòn mà không quá dày, còn phần nhân thì không quá nhiều nhưng cũng đủ cho người ăn cảm nhận được vị đậm đà đặc trưng. Để ý kỹ mới thấy cách nêm nếm phần nhân món bánh này khá giống với bánh bao. Một sự trùng hợp thú vị trong quan điểm ẩm thực Á Âu chăng?
Không gian của Nam Lợi, từ bàn ghế cho đến cách trang trí dễ gợi nhớ ta về những ngày tháng cũ. Đôi khi nhìn dòng người tấp nập ra vào, tôi tự hỏi họ đến đây vì điều gì? Vì tô hủ tiếu ngon, cái bánh nóng giòn kia, hay chỉ đơn giản là những cảm xúc xưa cũ?
Hủ tíu cá Nam Lợi
43 Tôn Thất Đạm, phường Bến Nghé, quận 01
Mở cửa: 6h sáng đến 12h trưa, chiều từ 2h đến 9h tối. Chiều CN nghỉ.
Giá: Hủ tíu cá (70.000đ/tô), mì gà (70.000đ/tô), bánh patêsô (13.000đ/cái)
Theo SGAT
Qua quận 8 tìm ăn hủ tiếu hồ Hủ tiếu hồ là món ăn khá phổ biến trong cộng đồng người Tiều. Tuy nhiên món "bánh canh" này (cách gọi vui của một số thực khách) lại rất khó tìm thấy ở Sài Gòn. Muốn ăn bạn phải chạy vào Chợ Lớn hoặc qua tới quận 8. Không biết tên gọi "hủ tiếu hồ" có từ đâu, chứ món này lại...