8 loài động vật sở hữu siêu năng lực khiến các siêu anh hùng phải ghen tị
Bẻ xương làm vũ khí, xạ thủ bắn tỉa hay khả năng bất tử… Đó là đặc tính của 8 loài động vật này, được cho là sở hữu các năng lực thách giống như những siêu anh hùng Marvel.
Nếu truyện tranh và các bộ phim siêu anh hùng mang đến cho người xem một thế giới viễn tưởng với những nhân vật sở hữu siêu năng lực thì trong thực tế, có những loài động vật sẽ làm chúng ta kinh ngạc với những khả năng phi thường, vượt trội hơn bất kỳ siêu anh hùng hư cấu nào.
Cùng khám phá những siêu năng lực “không tưởng” của 8 loài sinh vật có thật trong thiên nhiên ngay sau đây.
Tôm súng lục bắn đạn bong bóng siêu mạnh
Tôm súng lục bắn đạn tạo ra nhiệt lớn hơn cả dung nham của núi lửa. (Ảnh: nationalgeographic)
Tôm súng lục (còn được gọi là tôm gõ mõ) có tên khoa học là Alpheidae. Chúng có kích thước khoảng 3-5cm, nhìn bề ngoài không khác gì các loài tôm bình thường ngoại trừ đôi càng lệch với một chiếc rất to và một chiếc rất nhỏ.
Nhưng chính đôi càng kỳ cục này lại là thứ vũ khí siêu mạnh của tôm súng lục, có thể giết chết đối phương với một tốc độ kinh hoàng.
Loài giáp xác này chỉ mất 1/100 giây để kẹp càng và tạo ra một bong bóng khí nổ có áp lực lên đến 80kPa ở khoảng cách 4cm kèm theo một sóng xung kích đẩy bóng khí này lao đi với tốc độ 97km/h, tạo ra tiếng nổ lên đến 218 dexibel.
Cú búng càng của tôm súng lục tạo ra một vụ nổ nhỏ dưới nước, có thể khiến những con cá nhỏ bơi gần chết ngay tại chỗ, trong khi những con lớn hơn có thể bị tê liệt. Đây là một sức mạnh khó sánh trong thế giới tự nhiên, so với những sinh vật bằng cỡ của nó.
Ếch Wolverine bẻ xương làm vũ khí
Ếch Wolverine. (Ảnh: nationalgeographic)
Ếch lông (Trichobatrachus robustus), còn được gọi là ếch Wolverine, có cơ thể được bao phủ bởi các cấu trúc giống như lông, tương tự như người sói Wolverine.
Loài ếch có nguồn gốc từ châu Phi này có một cơ chế tự vệ độc đáo, thu hút sự quan tâm của các nhà khoa học trên thế giới.
Khi cảm nhận được mối đe dọa, chúng sẽ cố tình bẻ xương ngón chân của chính mình, biến chúng thành những chiếc vuốt sắc nhọn nhô ra khỏi da và làm tổn thương kẻ tấn công, không khác gì người sói Wolverine.
Loài ếch này thường được tìm thấy ở các khu rừng nhiệt đới, đầm lầy và đất ngập nước ở Lục địa Đen.
Mực nang tàng hình
Bạn có thể phát hiện một con mực nang trong bức ảnh này không? (Nguồn: nationalgeographic)
Trong phim “Fantastic Four” (Bộ tứ siêu đẳng), nhân vật nữ Sue Richards sau khi bị phơi nhiễm tia vũ trụ đã xuất hiện siêu năng lực bẻ cong ánh sáng giúp cô có thể tàng hình.
Ở ngoài đời thực, mực nang chính là phiên bản của Sue Richards trong thế giới động vật với khả năng thay đổi cấu trúc vật lý của da để giống với hầu hết mọi hình dạng dưới nước và hòa lẫn với môi trường xung quanh.
Loài thân mềm này sở hữu một lớp da tinh vi chứa các tế bào sắc tố có thể giãn nở hoặc co lại nhanh chóng, cho phép mực nang thay đổi màu sắc và hoa văn da với độ chính xác đáng kinh ngạc.
Nó cũng có một bộ cơ bắp thứ hai có thể được kích hoạt để tạo ra các vết bướu được gọi là “papillae.” Bằng cách điều khiển các bướu papillae này, mực nang có thể tạo ra kết cấu ba chiều mô phỏng các bề mặt mà nó gặp.
Video đang HOT
Chim ưng Peregrine – thợ săn siêu tốc độ
Chim ưng Peregrine thực hiện cú bổ nhào tấn công con mồi từ trên cao. (Nguồn: iStock)
Khi nói đến tốc độ, ít có sinh vật nào trên Trái đất có thể sánh được với chim ưng Peregrine. Kỹ thuật săn mồi và cấu tạo cơ thể của loài chim này là một ví dụ hoàn hảo về khí động học.
Chim ưng Peregrine luôn săn mồi từ độ cao lớn, hoặc trong khi đang bay, hoặc từ một điểm cao nhìn xuống phía dưới.
Khi phát hiện mục tiêu, chúng sẽ khép chặt cánh rồi lao xuống theo phương thẳng đứng với tốc độ trung bình lên tới 320 km/h và tấn công bằng việc quắp chặt bàn chân, tạo thành một nắm đấm gây choáng hoặc giết chết con mồi với cú va chạm cực mạnh.
Với khả năng khóa mục tiêu từ trên không và tấn công với độ chính xác cao, chim ưng Peregrine là một định nghĩa riêng của thiên nhiên về một siêu anh hùng tốc độ, thuyết phục hơn nhiều so với 2 nhân vật hư cấu Quicksilver của Marvel và Flash của DC Comics.
Chim Lia nhại mọi âm thanh
Chim Lyrebird có thể bắt chước mọi âm thanh mà nó nghe thấy. (Ảnh: iStock)
Nhờ sở hữu thanh quản có cấu trúc đặc biệt, chim Lia (Lyrebird), còn gọi là cầm điểu, có thể nhại lại hầu hết những âm thanh nó nghe được, từ tiếng hót của các loại chim, tiếng động vật kêu như chó sủa, ngựa hí… cho đến những âm thanh cơ học như tiếng cưa máy, tiếng màn trập máy ảnh, thậm chí cả tiếng còi báo động ôtô.
Các nhà nghiên cứu tin rằng khả năng bắt chước không có giới hạn của chúng không chỉ để giải trí, nó đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút bạn tình và thiết lập lãnh thổ riêng.
Loài cầm điểu này sống tại Australia, ở dãy núi Great Dividing và rừng nhiệt đới gần biên giới Queensland và New South Wales.
Nhân vật sở hữu năng lực bắt chước giống như chim Lia trong thế giới siêu nhân viễn tưởng chính là Mystique trong X-men.
Cá Archer – xạ thủ bắn tỉa siêu đẳng
(Nguồn: science)
Cá Archer (hay cá mang rổ) được mệnh danh là cá cung thủ bởi khả năng săn mồi cực kỳ độc đáo: bắn súng nước bằng miệng hạ gục con mồi ở khoảng cách tới 2m.
Cá Archer gồm 7 loài phân bố ở vùng Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, một số vùng biển tại Ấn Độ, Philippines, Australia…
Chúng thường bơi lởn vởn trên mặt nước tìm kiếm những con côn trùng và động vật nhỏ đậu trên cây. Sau khi xác định mục tiêu, chúng sẽ tạo ra áp suất lớn ở miệng để thực hiện cú “bắn súng” từ dưới nước.
Cấu tạo miệng của cá Archer rất đặc biệt, có thể tạo áp suất rất lớn bên trong để phun những tia nước mạnh như “bắn súng nước” vào con mồi.
Điều gây kinh ngạc là bất chấp đặc tính khúc xạ của nước, cá cung thủ luôn xác định chính xác vị trí con mồi ở trên cạn và “tính toán” bắn thật chính xác để con mồi rơi xuống gần miệng – kỹ năng của một xạ thủ bắn tỉa siêu đẳng.
Phiên bản cung thủ siêu đẳng trong vũ trụ Marvel là nhân vật Hawkeye (Clinton Francis), một trong những đặc vụ S.H.I.E.L.D giỏi nhất.
Thằn lằn sừng phun máu bằng mắt
Thằn lằn sừng tự vệ bằng cách phun máu từ mắt. (Ảnh: SWorld).
Đó là thằn lằn sừng, một loài bò sát cỡ nhỏ có nguồn gốc từ Mexico và vùng Tây Nam nước Mỹ. Sinh vật nhỏ này sống chủ yếu tại các sa mạc và môi trường bán khô hạn của Bắc và Trung Mỹ, từ miền nam Canada tới Guatemala.
Giống như những loài thằn lằn khác, thằn lằn sừng khi bị đe dọa sẽ đổi màu da để hòa lẫn vào môi trường xung quanh. Nếu việc ngụy trang không có hiệu quả, chúng sẽ phát ra những tiếng rít đe dọa, giương sừng nhọn về phía kẻ thù.
Trong trường hợp cả 2 phương án trên đều không có tác dụng, chúng sẽ sử dụng độc chiêu cuối cùng khá kinh dị: phun máu từ mắt.
Khi sự nguy hiểm tăng lên tối đa và rơi vào thế tuyệt vọng, thằn lằn sừng sẽ tự làm tăng áp suất làm phồng một túi máu nằm dưới mắt khiến những mạch máu bị vỡ. Máu sẽ phụt theo các ống dẫn nước mắt phun mạnh về phía đối phương, tối đa lên tới 2m, khiến kẻ thù bị bất ngờ và bỏ chạy.
Trong thế giới siêu anh hùng, nếu con thằn lằn sừng là một X-man thì nó sẽ là Cyclops nhưng ngầu hơn và lộn xộn hơn.
Sứa bất tử
Turritopsis dohrnii là loài sinh vật duy nhất có khả năng cải lão hoàn đồng và sống bất tử. (Nguồn: El Pais)
Turritopsis dohrnii là một loài sứa nhỏ chỉ có thể được tìm thấy tại khu vực biển trải dài từ Thái Bình Dương, qua Địa Trung Hải đến Caribe.
Loài sứa này thuộc về họ hải quỳ và san hô, có khả năng bất tử về mặt sinh học. Chúng vẫn có thể bị ăn thịt bởi kẻ săn mồi hoặc chết vì lý do nào đó, nhưng chắc chắn không phải vì tuổi già.
Nếu sứa bị căng thẳng bởi một mối đe dọa từ môi trường sống, và sau khi sinh sản, chúng sẽ đảo ngược quá trình phát triển, trở lại thời kỳ sinh vật đơn bào và phát triển lại từ đầu. Số lần “cải lão hoàn đồng” của chúng là không giới hạn.
Chắc hẳn nhiều fan hâm mộ siêu anh hùng sẽ rất mong ước các Idol của mình có thêm được siêu năng lực bất tử này./.
Độc lạ loài cá có lông như động vật: Việt Nam chỉ 2 nơi tìm thấy, số lượng chưa tới 100 con
Loài cá này đang được xếp vào diện cực kỳ nguy cấp.
Kỳ lạ cá mọc lông ở Mỹ
Vào năm 2017, một số trang tin như Gazette, Vintage News đăng tải thông tin một người đàn ông ở Mỹ đã câu được một con cá mình đầy lông lá sống ở hồ Michigan vùng Wisconsin. Điểm kỳ lạ là con cá này trừ phần đầu ra thì toàn bộ cơ thể đều mọc lông trắng như thỏ.
Trước đó, vào thế kỉ 17, một người dân di cư từ Scotland sang Mỹ đã từng viết trong thư: "Miền đất mới này có rất nhiều con cá mọc lông trên thân". Sau đó, nội dung bức thư này được nhiều người biết đến và họ đã đặt tên cho loài cá lông lá này là Fur Bearing Trout.
Một người đàn ông ở Mỹ đã câu được một con cá mình đầy lông lá sống ở hồ Michigan vùng Wisconsin. (Ảnh: Gazette)
Ngay sau khi thông tin này xuất hiện, nhiều giả thuyết đã được đưa ra tranh luận. Nhiều người cho rằng do thời tiết ở Bắc Mỹ quá lạnh nên cá hồi phát triển thêm bộ lông dầy để giữ cho nhiệt độ. Một số khác thì cho rằng do chính phủ cho rắc một số hóa chất để phục hồi lượng tảo và rêu trong các hồ nước dẫn đến việc cá hồi bị mọc lông trên cơ thể. Cũng có người lại cho rằng, một số loài vi khuẩn và nấm mốc phát triển trong cơ thể loài cá hồi và phát triển ra ngoài giống như lông mao trên cơ thể.
Tuy nhiên, hiện nay, các nhà khoa học vẫn chưa tìm được nguyên nhân chính xác khiến cho những con cá này mọc lông.
Loài cá có lông độc đáo ở Việt Nam
Trên thực tế, một loài cá ở Việt Nam có lông như động vật. Đó là loài bò biển. Theo báo An ninh thủ đô, bò biển, còn gọi là cá cúi, cá nàng tiên hay dugon (Dugong dugon) là một loài vật độc đáo và quý hiếm sinh sống ở các vùng cận duyên biển nhiệt đới.
Bò biển là một loài vật độc đáo và quý hiếm sinh sống ở các vùng cận duyên biển nhiệt đới. (Ảnh: Pinterest)
Ở Việt Nam có 2 khu vực phù hợp để bò biển sinh sống là vùng biển Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) và vùng biển Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang).
Ở trên thế giới, bò biển phân bố ở các vùng ven biển cận duyên nhiệt đới và bán nhiệt đới từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương, bao trùm 37 quốc gia. Eo biển Torres ở châu Úc là địa bàn tập trung đông đảo nhất, với hơn 10.000 con bò biển sinh sống.
Bò biển có tên khoa học là Dugong Dugon, thuộc họ Cá cúi (Dugongidae), bộ Hải ngưu (Sirenia) mà ngày nay chỉ còn bốn loài sinh tồn trên thế giới.
Ở trên thế giới, bò biển phân bố ở các vùng ven biển cận duyên nhiệt đới. (Ảnh: Pinterest)
Theo Người đưa tin, bò biển có thân hình con thoi. Tuy sống dưới nước, sở hữu chiếc đuôi giống cá heo, nhưng chúng lại không có vây lưng. Ðuôi dạng vây nằm ngang, chi trước có hình mái chèo, dùng để chuyển hướng khi bơi và cũng dùng để "bồng" con cho bú giống như người. Vì vậy, trước đây chúng còn được gọi là người cá. Nhiều nhà khoa học tin rằng bò biển chính là nguyên mẫu của nàng tiên cá, mỹ nhân ngư trong truyền thuyết.
Bò biển trưởng thành có thể dài tới 3 mét và nặng khoảng 600 - 700kg. Chúng có hai răng cửa, ba răng tiền hàm và ba răng hàm ở mỗi bên của hàm trên, và ba răng cửa, một răng nanh, ba răng tiền hàm và ba răng hàm ở mỗi bên của hàm dưới.
Chúng thường bơi ở tầng nước sâu từ 2 đến 10 mét nhưng không thể lặn trong nước quá lâu. Cứ 1-2 phút chúng lại ngoi lên vài giây để thở và thường phát ra âm thanh nghe giống như tiếng hú.
Bò biển trưởng thành có thể dài tới 3 mét và nặng khoảng 600 - 700kg. (Ảnh: Pinterest)
Thông tin từ VTC News, bò biển có thời gian mang thai lên đến 13 tháng 10 ngày, mỗi lần hạ sinh một con. Con 18 tháng mới ngừng bú. Vì thời gian nuôi con khá lâu, tốc độ sinh sản của cá cúi khá thấp. Trung bình thì 2,5 đến 7 năm cá cúi mới đẻ một lứa.
Mang thân hình to lớn, cồng kềnh, thoạt nhìn rất dữ tợn, nhưng bò biển lại là loài chuyên ăn thực vật. Chúng sở hữu lớp mỡ rất dày, lại có thêm một lớp lông ngắn thưa thớt bên ngoài nên có thể cảm nhận môi trường xung quanh rất tốt.
Thị lực của bò biển rất kém, nhưng khứu giác của nó rất nhạy bén. Môi rất dày, lởm chởm râu cứng. Chúng thường dùng môi ngoạm lấy rong biển ở dưới đáy biển để ăn. Con đực đôi khi mọc răng dài tương tự như ngà. Chúng có hàm răng rộng và bằng phẳng, thích hợp cho việc ăn tảo.
Thị lực của bò biển rất kém, nhưng khứu giác của nó rất nhạy bén. (Ảnh: Pinterest)
Tuy nhiên vì thức ăn là thực vật thường kém chất bổ nên loài cá cúi có hệ thống tiêu hóa rất dài (45m) để hấp thụ tối đa các chất dinh dưỡng. Dạ dày của chúng giống dạ dày của loài bò trên cạn. Các nhà khoa học cho rằng, điều này chứng tỏ xuất xứ xa xưa của cá cúi là động vật ăn cỏ trên cạn. Sau đó vì lí do nào đó mà di chuyển xuống biển sinh sống.
Khu Bảo tồn thiên nhiên biển Phú Quốc dẫn nguồn từ kết quả điều tra của Quỹ quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF), Việt Nam còn khoảng 100 con bò biển. Trong đó, vùng biển Côn Đảo có khoảng 10 con, còn lại là ở vùng biển Phú Quốc.
Bò biển được xếp ở mức cực kỳ nguy cấp, đe dọa tuyệt chủng trong Sách đỏ Việt Nam và Sách đỏ thế giới. Do di chuyển chậm chạp và thân hình to lớn, loài bò biển thường dễ bị mắc vào lưới đánh cá của ngư dân. Bên cạnh đó, cá cúi cũng bị săn bắt để lấy thịt, da làm thức ăn và răng làm thuốc chữa bệnh hoặc đồ trang sức.
Bên cạnh đó, bò biển cũng bị săn bắt để lấy thịt, da làm thức ăn và răng làm thuốc chữa bệnh hoặc đồ trang sức. (Ảnh: Pinterest)
Ngoài ra, sự bùng nổ của du lịch và nhất là việc khai thác thuỷ sản mang tính huỷ diệt (dùng thuốc nổ, chất độc), nạo vét kênh rạch, xây dựng các bến cá cầu cảng và nhất là việc xả thải từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp làm môi trường biển bị ô nhiễm cũng là nguyên nhân suy giảm loài bò biển... Thêm vào đó, diện tích cỏ biển thu hẹp dần, lá cỏ biển luôn bị lớp trầm tích, tảo và động vật phủ bám khiến cỏ biển quang hợp kém và suy thoái đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới quần thể bò biển.
Cuối năm 2015, Tổ chức bảo vệ động vật hoang dã thế giới đã phối hợp với Khu bảo tồn biển Phú Quốc tổ chức ngày hội bảo vệ bò biển nhằm kêu gọi cộng đồng chung tay bảo vệ loài động vật biển quý hiếm này.
Những "thủy quái" khổng lồ từng phát hiện Ở những khu vực nước sâu của các đại dương xuất hiện nhiều loài động vật vô cùng kỳ lạ đối với con người. Có không ít loài "thủy quái" khiến con người khiếp sợ về độ hung dữ và kích thước "khổng lồ" của chúng. Cá mập voi, còn gọi là cá nhám voi (Rhincodon typus) là loài cá mập lớn nhất...