8 ký hiệu đèn cảnh báo quan trọng nhất trên ô tô
Bảng táp-lô ô tô được thiết kế với rất nhiều ký hiệu/đèn cảnh báo khác nhau, có công dụng cảnh báo người dùng về những vấn đề mà ô tô đang gặp phải.
Với những dòng xe càng hiện đại, trang bị càng nhiều thiết bị tự động hóa càng có nhiều kí hiệu trên táp-lô. Tuy vậy, không phải tài xế nào cũng hiểu được ý nghĩa của các đèn cảnh báo đó.
Hệ thống các loại đèn cảnh báo trên Hyundai Santa Fe 2022
Trong một khảo sát của Tập đoàn Britannia Rescue trên hơn 2.000 tài xế tại Anh quốc, có đến 98% không hiểu hết ý nghĩa của đèn cảnh báo trên táp-lô ô tô và chỉ có 52% người hiểu được một nửa các ký hiệu. Một phần tư trong số họ có ít nhất một hoặc nhiều ký hiệu cảnh báo sáng lên lúc đang lái xe mà họ không hề biết là chuyện gì đang xảy ra, chủ yếu nhất là các cảnh báo liên quan đến đèn động cơ, ắc quy hoặc cảnh báo về dầu. Gần một nửa (48%) các tài xế khi được hỏi thậm chí không nhận ra đèn báo phanh và hơn một phần ba (35%) không thể hiểu được cảnh báo túi khí, trong đó có 27% nhầm đấy là cảnh báo dây an toàn.
Trong số hàng chục ký hiệu trên táp-lô thì chỉ có 8 ký hiệu đèn là quan trọng nhất ở tất cả các loại xe. Nếu một trong 8 ký hiệu đèn này xuất hiện, bạn cần ngay lập tức kiểm tra chiếc xe ngay để đảm bảo an toàn khi vận hành.
Đèn báo động cơ
Ký hiệu đèn báo động cơ trên ô tô
Đây là ký hiệu có tầm ảnh hưởng nghiêm trọng nhất, thường sẽ thể hiện ý nghĩa các vấn đề xảy ra với động cơ xe. Trường hợp khi gặp vấn đề trùng với mã sự cố được lưu trữ ở trong bộ điều khiển xe của bạn thì đèn này sẽ xuất hiện.
Bạn sẽ phải tìm hiểu một số sự cố trong bộ điều khiển động cơ xem nó thể hiện điều gì, lúc đó mới có thể khắc phục và sửa chữa khi vấn đề này xảy ra. Cụ thể, phải sử dụng máy quét OBD-II thì bạn mới có thể đọc được bộ nhớ mã sự cố.
Tốt nhất, hãy gọi cứu hộ để bảo vệ động cơ chiếc xe, không nên tiếp tục điều khiển xe vì có thể làm cho động cơ hư hỏng nặng hơn.
Đèn cảnh báo hệ thống trợ lực vô lăng
Ký hiệu đèn cảnh báo hệ thống trợ lực vô lăng trên ô tô
Đèn cảnh báo vô lăng trợ lực phát sáng có nghĩa là hệ thống trợ lực của vô lăng đang gặp vấn đề. Lúc này, khi xoay vô lăng sẽ cảm thấy nặng và khó xoay. Điều này rất nguy hiểm, nhất là khi lái xe ở tốc độ cao. Vấn đề này thường gặp hơn ở các loại xe sử dụng hệ thống trợ lực dầu.
Điều bạn cần làm là thay thế dầu trợ lực lái định kỳ (đối với hệ thống trợ lực lái thủy lực) giúp cho hệ thống lái xe ở trạng thái tốt nhất. Nếu có bất kỳ vấn đề gì liên quan đến hệ thống trợ lực lái thì bạn nên mang xe ngay đến xưởng sửa chữa.
Đèn báo ắc quy
Ký hiệu đèn báo ắc quy trên ô tô
Khi bình ắc quy vẫn còn hoạt động tốt mà đèn báo này sẽ nổi lên màu da cam trong vài giây đầu tiên và khi tài xế bật chìa khóa điện đèn báo sẽ tắt ngay sau đó. Trường hợp này cho biết, bình ắc quy bị cạn kiệt hay máy phát điện không được sạc thì đèn báo ắc quy sẽ sáng lên và hiển thị màu đỏ.
Video đang HOT
Nếu không có nguồn điện từ bên ngoài hỗ trợ cộng với ắc quy của xe đang dần cạn kiệt, thì xe sẽ không thể khởi động được. Hoặc nếu may mắn khởi động được sau đó, nhiều khả năng xe sẽ “nằm đường” bất cứ lúc nào. Do đó, hãy nhanh chóng thay ắc quy mới.
Đèn cảnh báo túi khí-Airbag/SRS
Ký hiệu đèn cảnh báo túi khí-Airbag/SRS trên ô tô
Khi đèn cảnh báo túi khí bật sáng, lúc này hệ thống túi khí xe của bạn đã bị vô hiệu hóa hoàn toàn. Nguyên nhân của trường hợp này có thể đến từ các giắc cắm trong xe hay một cảm biến va chạm nào đó gặp trục trặc.
Trường hợp xấu nhất khi xảy ra tai nạn sẽ không có túi khí nào để cứu bạn. Do đó, hãy nhanh chóng mang xe đến trạm dịch vụ chính hãng để khắc phục.
Đèn cảnh báo hệ thống phanh
Ký hiệu đèn cảnh báo hệ thống phanh trên ô tô
Có khá nhiều nguyên nhân khiến đèn cảnh báo hệ thống phanh bật sáng. Đó có thể là do má phanh bị mòn, do áp suất dầu phanh không đủ hay đèn phanh bị cháy.
Bạn nên làm gì khi nhìn thấy đèn này? Khi đèn này bật sáng, trong nhiều trường hợp bạn có thể mất phanh. Hãy bật đèn cảnh báo khẩn cấp và đưa xe vào vị trí an toàn. Không nên tiếp tục lái xe nếu dầu phanh bị cạn.
Nếu dầu phanh vẫn đủ, nguyên nhân có thể do cảm biến ABS bị hư hỏng hoặc hệ thống dây dẫn đèn phanh bị đứt hay má phanh quá mòn đến ngưỡng cần phải thay thế. Khi đó, bạn có thể vẫn tiếp tục hành trình, nhưng cần cảnh giác cao độ và khẩn trương đưa xe vào trạm dịch vụ uy tín để xử lý.
Đèn báo áp suất lốp
Đèn cảnh báo áp suất lốp trên Hyundai Santa Fe còn đi kèm với thông số áp suất chính xác cho từng bánh xe
Khi một trong số các bánh xe đang có áp suất lốp nằm dưới mức áp suất lốp cho phép thì lúc này đèn báo này sẽ sáng. Tùy vào từng loại xe mà hệ thống có thể chỉ ra chính xác lốp xe nào gặp vấn đề.
Khi đã bơm đủ áp suất lốp, bạn cần reset lại hệ thống thì lúc này đèn báo TPMS mới tắt.
Đèn cảnh báo nhiệt độ nước làm mát
Ký hiệu đèn cảnh báo nhiệt độ nước làm mát trên ô tô
Khi đèn cảnh báo nhiệt độ nước làm mát trên ô tô bật sáng, sẽ có 2 trường hợp xảy ra:
Chất làm mát có nhiệt độ quá cao và xe sắp nóng lên, đèn sẽ hiện màu đỏ.Ngược lại, chất làm mát có nhiệt độ quá thấp sẽ hiện màu xanh dương, trường hợp này xuất hiện khi xe mới khởi động lại sau một khoảng thời gian dài tắt máy, thường là vào buổi sáng.
Nếu trường hợp mực nước trong bình làm mát vẫn ổn mà đèn báo đỏ thì có thể động cơ xe của bạn đang gặp vấn đề. Nguyên nhân có thể là do thiếu nước làm mát, có không khí trong hệ thống nước làm mát hoặc bơm nước bị hư hỏng.
Nhanh chóng đưa xe vào chỗ an toàn, để máy nổ ở chế độ không tải, đồng thời chuyển điều hòa sang chế độ nóng tối đa và quạt gió mạnh nhất rồi nhanh chóng mở ca-pô lên quan sát xem nước làm mát xem có bị hao hụt hay không.
Nếu thấy nước làm mát có dấu hiệu cạn (có thể kèm theo mùi khét) thì cần tắt máy ngay. Nếu còn nước nhưng nước đang sôi thì hãy để động cơ nổ không tải cho nước được lưu thông trong ít phút đến khi nguội mới tắt máy. Sau đó, bạn có thể bổ sung bằng nước sạch rồi tiếp tục hành trình nhưng hãy theo dõi liên tục, hoặc tốt nhất là đưa xe về garage uy tín để xử lý.
Đèn cảnh báo áp suất dầu
Ký hiệu đèn cảnh báo áp suất dầu trên ô tô
Đèn này sẽ xuất hiện khi bật chìa khóa điện và sẽ biến mất khi động cơ được khởi động thì đó là bình thường. Nhưng khi hệ thống cảm biến phát hiện ra áp suất dầu bôi trơn ở dưới ngưỡng an toàn thì đèn này sẽ bật sáng. Nguyên nhân thiếu áp suất dầu có thể do dầu bị rò rỉ và thiếu, hao dầu, bơm dầu hỏng…
Nhanh chóng dừng xe ở nơi an toàn và tắt máy, đồng thời kiểm tra mức dầu động cơ có bị hao hụt hay không. Nếu hao hụt thì kiếm thêm dầu bôi trơn đổ vào. Nếu dầu không hao thì nguyên nhân có thể do bơm dầu và cần sửa chữa ở garage có uy tín.
Nếu áp suất dầu không đủ, các bộ phận cơ khí chính xác cao bên trong động cơ sẽ không được bôi trơn và bị mài mòn hanh chóng. Các cơ cấu chịu áp lực cao như piston, xi-lanh, trục khuỷu… bị ảnh hưởng nặng nề đầu tiên, thậm chí bị phá vỡ do các chi tiết cào vào nhau. Động cơ của bạn trong phút chốc có thể sẽ biến thành đống sắt vụn.
Lái xe an toàn: Cách bật/tắt động cơ ô tô an toàn
Với những người mới lái, khởi động xe và tắt động cơ làm sao cho đúng cách và an toàn tưởng chừng như là hành động đơn giản nhưng nếu không thực hiện đúng quy trình có thể xảy ra một số sự cố tiềm ẩn cho xe, nặng hơn là gây tai nạn.
Để việc lái xe được an toàn, phải chú ý tới những nguyên tắc tưởng chừng như cơ bản nhất nhưng đôi khi lại bị người ta phớt lờ. Trong đó, việc bật/tắt động cơ cũng có những lưu ý nhất định.
Chọn tư thế lái thoải mái nhất
Đặt mình ghế lái, chỉnh tư thế một cách thoải mái nhất, thắt dây an toàn đúng cách giúp bạn cảm thấy tự tin về tâm lý và tránh được những tình huống nguy hiểm trên đường, đảm bảo an toàn cho bạn và tránh vi phạm luật giao thông.
Chọn tư thế ngồi đúng và thoải mái nhất trước khi khởi động xe
Đối với các dòng xe cao cấp đã có bộ nhớ vị trí ghế, bạn chỉ việc chọn đúng số đã lưu vị trí của mình trước đó và đừng quên điều chỉnh gương chiếu hậu để có thể quan sát được các vị trí xung quanh một cách bao quát nhất.
Điều kiện an toàn để xe khởi động
Tùy vào từng loại xe mà có thể trang bị chìa khóa cơ truyền thống hoặc nút bấm khởi động start/stop. Hầu hết các loại xe ngày nay đều đã trang bị nút bấm và chìa khóa thông minh. Người lái chỉ cần mang theo bên người và bỏ trong túi quần hoặc túi xách mang theo mình.
Đối với xe số sàn: Chân trái đạp côn (ly hợp), chân phải đạp phanh, cần số ở vị trí N, xoay chìa khóa hoặc bấm nút khởi động.Đối với xe số tự động: Hãy đảm bảo đặt cần số ở vị trí "P", đạp phanh và xoay chìa khóa hoặc bấm nút khởi động để bắt đầu vận hành động cơ.Lưu ý trong quá trình xe khởi động
Với ổ khóa cơ, bạn phải xoay chìa khóa qua hai điểm dừng và đẩy vào điểm dừng cuối cùng để khởi động xe, đồng thời dùng tay giữ nguyên vị trí. Trong quá trình xe khởi động, tay giữ chìa khóa duy trì ở vị trí cuối cùng cho đến khi nhận thấy động cơ đã hoạt động thì buông ra. Tránh việc giữ chìa khóa quá lâu trong lúc máy đã nổ có thể gây hư hỏng cho củ đề. Nếu bạn giữ chìa khóa xoay hết mức sau khi động cơ đang chạy, bạn sẽ nghe thấy một âm thanh mài rất xấu phát ra từ các bánh răng trong bộ khởi động và các bánh răng trong động cơ đang ma sát với nhau. Điều này tất nhiên gây ảnh hưởng xấu cho xe.
Việc khởi động xe với hệ thống nút bấm và chìa khóa thông minh ngày nay trở nên an toàn hơn
Đối với xe có nút bấm khởi động, thao tác đơn giản hơn nhiều khi chỉ cần đạp phanh, bấm nút và buông ra ngay lập tức, không cần thiết phải giữ nút bấm luôn ấn xuống như cách giữ chìa khóa cơ. Dù vậy, nếu người sử dụng có giữ nút này lâu cũng không ảnh hưởng gì vì xe được khởi động bằng tín hiệu điện tử.
Vì sao không thể khởi động động cơ?
Một số loại xe được thiết kế an toàn trong quá trình khởi động. Nếu bạn bấm nút/xoay chìa khóa mà không thấy xe khởi động thì sẽ có những nguyên nhân sau:
Đối với xe số sàn: chưa đạp chân côn/bàn đạp ly hợp, hoặc vị trí cần số không nằm ở "N"Đối với xe số tự động: chưa đạp phanh, hoặc cần số không nằm ở vị trí "P" hoặc "N"
Đối với ổ khóa cơ, nếu chìa khóa không thể xoay qua các nấc thứ nhất hoặc thứ hai và tay lái "cứng đơ", dấu hiệu cho thấy xe đang khóa tay lái. Trong trường hợp này, bạn cần phải 'lắc lư' hoặc lắc tay lái qua lại một chút trong khi xoay chìa khóa.
Nguy hiểm trong quá trình khởi động
Đối với xe ô tô đời mới hiện nay, các hãng xe đã nâng cao tính năng an toàn, việc bật động cơ đòi hỏi một loạt các điều kiện (đã đề cập ở trên) mới có thể hoạt động, do vậy rủi ro trong quá trình khởi động xe là rất ít.
Dù vậy, vẫn có những dòng xe đời cũ, nhất là xe số sàn phải đặc biệt lưu ý đến cần số trong quá trình khởi động. Nếu bạn bật động cơ trong khi cần số vẫn nằm ở các vị trí, đặc biệt là số 1, đồng thời chân côn không được đạp xuống hết thì nhiều khả năng xe sẽ ngay lập tức "bắt số" và chồm về phía trước rất nhanh mà bạn không thể kiểm soát, có thể gây tai nạn nếu xung quanh có vận cản hoặc người đi bộ.
Vô lăng thỉnh thoảng có thể bị "khóa" nếu có tác động trong lúc xe tắt máy, lúc này cần xê dịch và "lắc lư" tay lái một chút để mở khóaĐộng cơ khởi động bao lâu thì có thể bắt đầu lăn bánh?
Nếu xe đã tắt máy không hoạt động trong một thời gian tương đối (có thể là qua 1 đêm), động cơ xe cần được "làm nóng" trước khi lăn bánh. Các chuyên gia về ô tô cũng cảnh báo, khởi động máy quá ngắn là nguyên nhân dẫn đến các hỏng hóc không đáng có. Động cơ sẽ kém bền vì dầu máy chưa bơm đủ vào buồng đốt.
Khởi động xe trong khoảng thời gian phù hợp với thời tiết bình thường là 30 - 40 giây. Nếu nhiệt độ xuống thấp, thời gian khởi động sẽ lâu hơn. Hầu hết các loại xe đều tự động đưa tua máy lên cao (khoảng 2.000 vòng/phút) nếu nhận thấy động cơ chưa đủ nóng, ngay sau khoảng thời gian này, động cơ được đưa về chế độ hoạt động bình thường với vòng tua dưới 1.000 vòng/phút. Lúc này, xe có thể lăn bánh bình thường.
Mặt khác, không nên khởi động động cơ quá lâu. Bởi khi xe chạy không tải, nhiệt độ của động cơ không đạt được đến mức như xe lăn bánh. Axít và hơi ẩm không bay hết sẽ đọng lại xi-lanh đến khi động cơ được làm nóng hoàn toàn. Chúng là tác nhân gây hiện tượng ăn mòn động cơ.
Nếu bạn chỉ dừng xe và tắt máy trong khoảng thời gian ngắn trong ngày, việc làm nóng động cơ trước khi lăn bánh là không cần thiết. Dấu hiệu nhận biết là xe hoạt động ở vòng tua bình thường khi khởi động máy.
Tắt động cơ sao cho đúng cách?
Trước khi kết thúc hành trình một vài phút, tài xế hãy tắt điều hòa giúp cơ thể dần làm quen với nhiệt độ bên ngoài, tránh sốc nhiệt. Vì vậy, trước khi kết thúc chuyến đi khoảng 1 - 2 phút, hãy tắt điều hòa, đồng thời chạy quạt gió để làm khô cửa gió, tránh tụ ẩm sinh nấm mốc gây mùi, đồng thời cũng giúp tiết kiệm nhiên liệu hơn.
Nên tắt điều hòa trước khi kết thúc hành trình từ 2-3 phút, vừa tốt cho xe, vừa tránh cho hành khách bị sốc nhiệt
Khi đỗ xe và kết thúc hành trình, nên để động cơ hoạt động không tải khoảng 30 giây trước khi tắt hoàn toàn. Đặc biệt thao tác này rất có ý nghĩa đối với xe có trang bị hệ thống tăng áp (Turbo). Khi di chuyển quãng đường dài, khả năng cao một số bộ phận như tăng áp sẽ nóng hơn các bộ phận còn lại trong động cơ. Việc tắt máy ngay sau đó đồng nghĩa với việc ngưng dòng chảy của dầu trong động cơ, dẫn đến việc để lại dầu nóng ở bộ phận tăng áp và kết quả là dầu bị phân hủy.
Hiện tượng này sẽ làm giảm đặc tính bôi trơn của dầu, ảnh hưởng trực tiếp đến động cơ và khiến việc phải thay dầu diễn ra thường xuyên hơn bình thường.
Cùng Hyundai - Hiểu rõ ràng, lái xe an toàn: Cẩm nang cơ bản cho 'tài mới' Với loạt nội dung hướng dẫn các chức năng trên ô tô cũng như chia sẻ kinh nghiệm từ các "bác tài" thâm niên... Chuyên đề Cùng Hyundai - Hiểu rõ ràng, lái xe an toàn trở thành cuốn cẩm nang bổ ích cho "tài mới". Cùng Hyundai - Hiểu rõ ràng, lái xe an toàn giúp những người lần đầu dùng ô...