8 kịch bản có thể gây địa chấn với cổ phiếu, trái phiếu và tiền điện tử thế giới năm 2023
Ngân hàng Standard Chartered (Anh) mới đây đã liệt kê 8 kịch bản có thể làm rung chuyển thị trường năm 2023.
Hoạt động tại sàn giao dịch chứng khoán New York, Mỹ ngày 13/12/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Theo Standard Chartered, việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ ( FED) cắt giảm lãi suất 200 điểm cơ bản và giá dầu giảm hơn 50% là hai trong số những bất ngờ tiềm ẩn về kinh tế và tài chính có thể ảnh hưởng mạnh đến thị trường trong năm nay.
Trong báo cáo đăng tải ngày 3/12/2022, các nhà chiến lược lại Standard Chartered đã đề cập đến 8 viễn cảnh sẽ tạo địa chấn với cổ phiếu, trái phiếu và tiền điện tử.
Một trong số đó là FED cắt giảm lãi suất 200 điểm cơ bản, sau khi Mỹ bị suy thoái nghiêm trọng trong nửa đầu năm 2023 do chính sách thắt chặt tiền tệ đang diễn ra. Điểm cơ bản là thuật ngữ được sử dụng liên quan đến lãi suất, có nghĩa là 1/100 của 1%.
FED đã tăng lãi suất thêm 400 điểm cơ bản năm 2022 và cũng đang kiểm soát nguồn cung tiền tệ trong nền kinh tế bằng cách cắt giảm bảng cân đối kế toán 95 tỷ USD mỗi tháng thông qua một chương trình có tên là thắt chặt định lượng (QT). Bảng cân đối kế toán của FED là một báo cáo tài chính được cập nhật hàng tuần, cho biết FED nợ và sở hữu những gì. Tuy nhiên, có khả năng FED sẽ phải nhanh chóng chuyển hướng sang nới lỏng tiền tệ nếu dữ liệu kinh tế cho thấy nó bị thắt chặt quá nhanh.
Video đang HOT
Chiến lược gia trưởng tại Standard Chartered – ông Eric Robertson nói: “Vào năm 2023, tình trạng bất ổn nhẹ có thể nhanh chóng trở thành hoảng loạn kinh tế. Sa thải lan rộng từ lĩnh vực công nghệ sang nhà ở và bán lẻ, sang cả công nghiệp và dịch vụ tài chính. Việc tạm dừng quá nhanh có thể trở thành một trục xoay, sau đó trở thành một sự đảo ngược toàn diện vào giữa năm. Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) tạm dừng QT và cắt giảm lãi suất 200 điểm cơ bản trước cuối năm 2023″.
Theo Standard Chartered, một viễn cảnh khác ảnh hưởng đến thị trường là giá dầu Brent có thể giảm mạnh xuống chỉ còn 40 USD/thùng do nhu cầu sụt giảm trong bối cảnh suy thoái. Theo Standard Chartered, lệnh ngừng bắn ở Ukraine sẽ tạo ra “cơn bão hoàn hảo” cho thị trường dầu mỏ, khiến giá dầu trượt dốc. Một giải pháp giải quyết xung đột Nga – Ukraine sẽ loại bỏ phần bù rủi ro liên quan đến chiến tranh ra khỏi chi phí năng lượng, khiến giá dầu giảm. Dầu thô hiện giao dịch ở mức hơn 80 USD/ thùng, do đó, việc rơi xuống mức 40 USD có nghĩa là giảm 50%.
Tiền kỹ thuật số có thể lại “chệnh choạng” trong năm 2023. Standard Chartered cho rằng sự sụp đổ của sàn giao dịch FTX vào cuối năm 2022 có thể ảnh hưởng, khiến năm 2023 Bitcoin giảm 70% xuống còn 5.000 USD.
Cơ sở lọc dầu của Iran trên đảo Khark, ngoài khơi vùng Vịnh. Ảnh: AFP/TTXVN
Năm yếu tố khác Standard Chartered đánh giá có thể gây rối loạn thị trường năm 2023 là đồng euro tăng 19% so với đồng bạc xanh Mỹ, giao dịch ở mức 1,25 USD đổi 1 euro sau khi Nga đồng ý dàn xếp hòa bình ở Ukraine.
Chỉ số Nasdaq 100 lao dốc thêm 50% khi các công ty công nghệ hứng chịu làn sóng phá sản tương tự vỡ bong bóng dot-com đầu những năm 2000. Bong bóng dot-com xảy ra trong giai đoạn 1995 – 2000 với đầu tư mang tính đầu cơ cao vào các công ty công nghệ. Bong bóng vỡ vào đầu năm 2000 sau khi các nhà đầu tư nhận ra rằng nhiều công ty trong số này có mô hình kinh doanh không khả thi.
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc tăng 10% lên 6,4 nhân dân tệ đổi 1 USD khi Bắc Kinh tích cực mở cửa lại nền kinh tế.
Giá lương thực giảm khoảng 15% khi Nga kết thúc cuộc chiến ở Ukraine, dẫn đến nguồn cung dư thừa và cuối cùng là giảm phát.
Các thành viên đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ bỏ phiếu luận tội Tổng thống Joe Biden, cản trở động lực của đảng Dân chủ trước cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2024.
Nhà sáng lập sàn giao dịch tiền kỹ thuật số FTX bị buộc tội lừa đảo
"Ông trùm tiền điện tử" Sam Bankman-Fried - nhà sáng lập kiêm cựu Giám đốc điều hành (CEO) của sàn giao dịch tiền điện tử FTX - đang đối mặt nhiều tội danh.
Trong các đơn kiện đệ lên tòa ngày 13/12, cả Ủy ban Giao dịch Chứng khoán Mỹ (SEC) cùng Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai (CFTC) đều cáo buộc Bankman-Fried phạm tội gian lận.
Người sáng lập sàn giao dịch tiền điện tử FTX Sam Bankman-Fried tại phiên điều trần ở Washington, DC, Mỹ ngày 8/12/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Ông Bankman-Fried đã bị bắt ngày 12/12 tại nhà riêng ở Bahamas, theo đề nghị của Mỹ. Thẩm phán tại Bahamas đã bác bỏ yêu cầu được bảo lãnh để tại ngoại của Bankman-Fried và duy trì lệnh tạm giam trong thời gian tiến hành các thủ tục pháp lý liên quan việc dẫn độ đối tượng này về Mỹ. Theo truyền thông địa phương, tòa án Bahamas sẽ tiến hành xem xét yêu cầu dẫn độ của Mỹ vào ngày 8/2/2023. Trong khi đó, Văn phòng Tổng chưởng lý ở Bahamas cho biết Bankman-Fried sẽ bị giam giữ tại nước này cho tới khi Mỹ yêu cầu dẫn độ.
Trước đó, Văn phòng Công tố quận Nam New York (Mỹ) đã chia sẻ một bản cáo trạng được niêm phong với Chính phủ Bahamas, tạo tiền đề cho việc dẫn độ và xét xử Bankman-Fried tại Mỹ. Trong bản cáo trạng, văn phòng trên nêu rõ Bankman-Fried đã thực hiện hành vi rửa tiền, vi phạm luật huy động tài chính và thực hiện hành vi lừa đảo kể từ khi thành lập công ty vào năm 2019 hoặc thậm chí sớm hơn thời điểm này. Công tố viên Damian Williams đánh giá "đây là một trong những vụ gian lận tài chính lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ". Ông cũng để ngỏ khả năng buộc tội các cá nhân khác có liên quan trong vụ việc này.
Trong những tuần gần đây, tỷ phú Sam Bankman-Fried (30 tuổi) đã phớt lờ những khuyến nghị về pháp lý và nhiều lần xuất hiện trên các phương tiện truyền thông để giải thích về sự thất bại đột ngột của FTX, thường là thông qua những liên kết video được phát đi từ Bahamas - nơi FTX đặt trụ sở chính.
Việc bắt giữ tỷ phú này là động thái cụ thể đầu tiên của các cơ quan quản lý nhằm buộc các cá nhân phải chịu trách nhiệm về vụ phá sản của sàn FTX vào tháng trước. Trong khi Mỹ theo đuổi các cáo buộc hình sự đối với ông chủ FTX, Bahamas cũng sẽ tiếp tục các cuộc điều tra hình sự và pháp lý về sự sụp đổ của sàn tiền điện tử này, với sự hợp tác liên tục của các đối tác thực thi pháp luật và cơ quan quản lý ở Mỹ và các nơi khác.
Tháng 11 vừa qua, FTX và các công ty con của sàn giao dịch này tại Mỹ đã nộp đơn xin phá sản và ông Bankman-Fried từ chức CEO của FTX. Sàn giao dịch tiền điện tử từng lớn thứ 2 thế giới này đã sụp đổ một cách chớp nhoáng sau vài ngày nhà đầu tư liên tục rút tài sản khỏi các ví tiền, đồng thời không thể tìm được "phao cứu sinh" sau khi sàn giao dịch Binance từ chối mua lại.
Trong quá trình điều tra sau đó, các công tố viên phát hiện các chi tiết đáng ngờ về dòng tiền giữa FTX với quỹ phòng hộ tiền điện tử Alameda Research (cũng do ông Bankman-Fried sáng lập). Đồng thời, sàn tiền điện tử cũng vướng nghi án chiếm dụng tiền gửi của khách hàng.
Trong một loạt các cuộc phỏng vấn và xuất hiện trước công chúng vào cuối tháng 11 và tháng 12 vừa qua, ông Bankman-Fried thừa nhận những thất bại trong quản lý rủi ro nhưng tìm cách tránh xa những cáo buộc gian lận, nói rằng ông không bao giờ cố ý "trộn lẫn" tiền của khách hàng trên FTX với tiền tại Alameda Research.
Từ góc nhìn của các chuyên gia pháp lý, nếu bị kết tội gian lận chuyển tiền của FTX qua Alameda Research, Bankman-Fried có thể phải đối mặt với án tù chung thân.
Diễn biến mới liên quan tới sàn giao dịch tiền điện tử FTX Ngày 23/11, Ủy ban Điều tra tội phạm tài chính Thổ Nhĩ Kỳ (MASAK) cho biết nước này đã tịch thu tài sản của cựu Giám đốc điều hành (CEO) FTX Sam Bankman-Fried trong bối cảnh cuộc điều tra về sàn giao dịch tiền điện tử lớn này đang diễn ra. Biểu tượng của sàn giao dịch tiền kỹ thuật số FTX trên...