8 câu hỏi giúp phát hiện sớm bệnh ở cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung đứng đầu trong các bệnh ung thư đường sinh dục nữ, là loại ung thư phát triển chậm, gây bệnh ngay tại cổ tử cung. Trang bị kiến thức về các bệnh cổ tử cung, ung thư cổ tử cung và lên kế hoạch khám phụ khoa đinh kỳ sẽ giúp chị em phụ nữ có thể nói “không” với căn bệnh ung thư này.
Việc phát hiện ra các bệnh tại cổ tử cung phức tạp hơn phát hiện các bệnh về vú. Đối với các bệnh về vú, phụ nữ có thể phát hiện sớm bằng cách tự khám vú. Thế nhưng các bệnh ở cổ tử cung đòi hỏi các chị em phải đi khám phụ khoa mới phát hiện được.
Tính đến thời điểm này chỉ có khoảng 20% phụ nữ trong độ tuổi 20 đến 60 đi khám phụ khoa định kỳ. Số còn lại không chủ động trong việc khám bệnh. Họ chỉ đi khám khi thấy có vấn đề khó chịu tại vùng kín hoặc khi có bạn rủ đi khám hoặc chứng kiến một ca bệnh đã bị ung thư cổ tử cung.
Tám câu hỏi dưới đây sẽ giúp giúp chị em có được kiến thức cơ bản về bệnh tại cổ tử cung, ung thư cổ tử cung để phòng bệnh một cách hữu hiệu nhất cho bản thân.
Câu hỏi 1: Thế nào là cổ tử cung bình thường?
TL: Cổ tử cungbình thường là cổ tử cung mềm mại trong những ngày có kinh nguyệt và trở lại săn chắc sau khi sạch kinh một tuần. Khi khám phụ khoa, bạn quan sát thấy cổ tử cung có màu hồng hào, trơn bóng. Khi bác sĩ sử dụng dung dịch Lugol 3-5%, thuốc bắt màu nâu đều khít đến ven lỗ cổ tử cung.
Câu hỏi 2: Vậy thế nào là cổ tử cung không bình thường?
TL: Là cổ tử cung không có độ trơn bóng, khi bôi Dung dịch Lugol 3-5% thấy bắt màu không đều, lộ ra một vùng không bắt màu, kích thước to hay nhỏ tùy vào độ viêm loét của mỗi người.
Câu hỏi 3: Dấu hiệu nào để biết cổ tử cung đã có vấn đề?
TL: Trên thực tế viêm nhiễm tại cổ tử cung rất kín đáo, ít có biểu hiện để nhận biết. Do đó rất nhiều phụ nữ chủ quan không đi khám, đa phần chỉ đi khám khi thấy có dấu hiệu khó chịu tại vùng kín mà đồng thời phát hiện ra.
Câu hỏi 4: Làm thế nào để biết cổ tử cung đã bị viêm? Viêm nặng hay viêm nhẹ?
TL: Chỉ có đi khám phụ khoa mới biết được cổ tử cung bị viêm. Khi khám phụ khoa, bác sĩ sẽ chấm dung dịch Lugol 3-5% vào cổ tử cung, đánh giá ban đầu xem cổ tử cung có bị viêm hay không, mức độ nặng hay nhẹ, viêm rộng hay hẹp. Có hai mức viêm: Viêm cổ tử cung (nhẹ) và viêm lộ tuyến cổ tử cung (nặng hơn).
Câu hỏi 5: Làm thế nào để biết tại cổ tử có nguy cơ liên quan đến gây ung thư hay đã mắc ung thư?
TL: Cách duy nhất là khám sàng lọc ung thư cổ tử cung, với hai phương pháp: VIA (chấm dung dịch Axit Acetic 3%) hoặc xét nghiệm tế bào âm đạo cổ tử cung (PAP, E-Pret). Kết quả xét nghiệm sẽ đưa ra kết luận ban đầu xem cổ tử cung bình thường, có yếu tố liên quan ung thư hay đã mắc ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, để có được kết luận chính xác về việc có mắc ung thư hay không, người bệnh vẫn cần phải xác định thêm bằng sinh thiết tại chỗ và xét nghiệm tìm vi rút HPV (loại vi rút gây ung thư).
Câu hỏi 6: Nhóm người nào có nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung?
Video đang HOT
TL: Các chị em có các vấn đề dưới đây có nguy cơ mắc bệnh cao:
- Thường xuyên viêm nhiễm tại bộ phận sinh dục dưới, trong đó có viêm lộ tuyến cổ tử cung lâu ngày không chữa.
- Mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục, đặc biệt là bệnh Sùi mào gà (nhiễm HPV).
- Quan hệ tình dục không an toàn.
- Quan hệ tình dục quá sớm trước 17 tuổi, hoặc sinh đẻ, phá thai nhiều lần.
- Đời sống nghèo khó, kém vệ sinh, không đi khám sức khỏe.
- Mắc các bệnh khác khiến sức đề kháng giảm.
- Phụ nữ ở độ tuổi tiền mãn kinh.
Câu hỏi 7: Những dấu hiệu nào nghi ngờ về ung thư cổ tử cung?
TL:
- Ra máu sau giao hợp.
- Ra máu sau mãn kinh, rong kinh kéo dài.
- Ra dịch âm đạo mùi khó chịu.
- Đau vùng khung chậu, đau lưng.
- Đau khi đi tiểu tiện hoặc có máu trong nước tiểu, trong phân.
Câu hỏi 8: Cách phòng tránh viêm nhiễm tại cổ tử cung và ung thư cổ tử cung?
TL:
- Hãy lắng nghe cơ thể của mình, để ý nếu vùng kín có dấu hiệu không bình thường, nên đi khám sớm để được tư vấn và chữa sớm
- Vệ sinh vùng kín đúng cách: Rửa bên ngoài thường xuyên, ngày 2 lần sáng và tối. Rửa bằng dung dịch vệ sinh phụ nữ hoặc nước sạch, rửa dưới vòi nước chảy hay gáo dội. Tuyệt đối không được ngâm bộ phận sinh dục vào chậu hoặc thụt rửa bên trong âm đạo. Ngoài ra, chị em phụ nữ nên hình thành thói quen rửa sau khi đi đại tiện, dùng giấy sạch thấm khô sau khi đi tiểu tiện. Lưu ý không chùi từ sau ra trước để tránh làm dính chất thải từ lỗ hậu môn sang bộ phận sinh dục. Lưu ý vệ sinh khi có kinh nguyệt ngày 3-5 lần kể cả ngày kinh cuối cùng.
- Đi khám phụ khoa định kỳ và làm xét nghiệm đều hàng năm để phát hiện sớm nhất các nguy cơ gây bệnh, hoặc theo hướng dẫn của bác sĩ.
- Nếu có viêm nhiễm tại cổ tử cung, cần chữa sớm để tránh biến chứng.
- Sống chung thủy một vợ một chồng.
- Tiêm phòng ung thư cổ tử cung khi chưa quan hệ tình dục.
Bác sĩ CKI Trần Thị Minh Tâm, với vai trò chuyên gia, tham gia truyền thông về chủ đề “Chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản” đến người lao động tại một số KCN trên địa bàn TP. Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh trong khuôn khổ giai đoạn 2 Dự án “Vì mẹ và bé – Vì tầm vóc Việt” .Đây là dự án do Quỹ Vì Tầm Vóc Việt phối hợp với Công đoàn các KCN và Chế xuất Hà Nội tổ chức với sự tài trợ của tổ chức DKT International Inc và Tập đoàn TH.
Bác sĩ CKI: Trần Thị Minh Tâm
Theo Dân trí
Đây là 6 căn bệnh thường gặp ở cổ tử cung mà con gái nên đặc biệt nắm rõ
Cổ tử cung là khu vực rất nhạy cảm trong cơ thể của con gái, nếu bạn để cổ tử cung bị viêm nhiễm nghiêm trọng thì nguy cơ cao sẽ gặp phải 6 vấn đề sức khỏe phổ biến sau.
Một trong những căn bệnh nghiêm trọng nhất ở khu vực cổ tử cung của con gái chính là bệnh ung thư cổ tử cung. Bên cạnh đó, những căn bệnh về cổ tử cung khác cũng có thể gây ra hiện tương viêm nhiễm, lở loét ở khu vực này. Tuy nhiên, bạn đã nắm rõ được có những loại bệnh về cổ tử cung nào chưa? Cùng tìm hiểu kỹ hơn về các loại bệnh ở cổ cung ngay bây giờ để biết cách nhận biết cho từng loại bệnh nhé!
Viêm cổ tử cung
Đây là một bệnh phụ khoa thường hay gặp ở nữ giới, nó có thể gây ra hiện tượng cổ tử cung bị viêm nhiễm, lở loét hoặc mưng mủ do sự tấn công của các loại vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng. Căn bệnh này không chỉ gây bất tiện trong các sinh hoạt hàng ngày mà còn làm tăng cao nguy cơ sẩy thai, sinh non, vô sinh, hiếm muộn... thậm chí còn dẫn đến biến chứng ung thư cổ tử cung về sau.
Viêm lộ tuyến cổ tử cung
Khi cổ tử cung bị lộ ra ngoài các niêm mạc sẽ khiến những tuyến này dễ bị viêm nhiễm do vi trùng, nấm, ký sinh trùng... xâm nhập vào. Viêm lộ tuyến cổ tử cung cũng có thể gây ra các triệu chứng giống như viêm cổ tử cung hay viêm âm đạo như tiết dịch trắng bất thường ở vùng âm đạo, có mùi hôi khó chịu... Để điều trị căn bệnh này triệt để, bạn nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ chuyên khoa và uống theo đơn thuốc cụ thể. Đặc biệt, cần chủ động điều trị bệnh triệt để hoàn toàn vì nếu không thì bệnh có thể tái phát về sau.
Phì đại cổ tử cung
Căn bệnh này có thể gây ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của nữ giới. Nguyên nhân gây bệnh thường là do sự tích tụ lâu ngày của các lớp dịch nhầy, cặn bã tồn đọng lại nên gây sưng đau, biến dạng, phình to kích thước ở cổ tử cung. Hơn nữa, những người từng nạo hút thai hoặc sinh đẻ nhiều cũng có nguy cơ mắc bệnh phì đại cổ tử cung rất cao do cổ tử cung bị bào mòn nhiều. Khi mắc phải căn bệnh này, các lớp niêm mạc ở bề mặt cổ tử cung sẽ bị sưng đỏ, mưng mủ, lở loét, chảy máu...
Nang naboth cổ tử cung
Tình trạng này là do lớp tế bào biểu mô lát phát triển quá mức trùm lên biểu mô tuyến ngay ở chỗ giáp ranh mối nối với cổ tử cung. Trong đó, biểu mô tuyến là biểu mô tiết dịch nên nó sẽ tiết ra chất dịch không chảy đi đâu được, từ đó đẩy lên và phình to ra. Căn bệnh này thực chất không quá nguy hiểm, do nó có thể tự mất đi và ít khi phát triển to lên. Tuy nhiên, nếu bạn để nó phát triển quá to thì các bác sĩ sẽ phải chọc cho dịch thoát ra ngoài để tránh gây viêm nhiễm do nang tự vỡ. Bên cạnh đó, nang naboth cổ tử cung cũng không làm thay đổi hay rối loạn chu kỳ kinh nguyệt nên con gái không cần quá lo lắng.
Polyp cổ tử cung
Những khối u nhỏ thường xuất phát từ cổ tử cung ngoài hay từ bên trong và lan ra bên ngoài cổ tử cung được gọi là polyp cổ tử cung. Tình trạng này được cấu tạo nên từ các tế bào tuyến tăng sinh phì đạo, bao quanh bởi một khối mô mềm, đa số là lành tính. Kích thước khối u có thể rất nhỏ hoặc phình to rất lớn. Căn bệnh này thường không có những triệu chứng nhận biết rõ ràng mà thường chỉ được phát hiện chính xác nhất qua những lần đi khám phụ khoa định kỳ.
Ung thư cổ tử cung
Đây chính là căn bệnh ở cổ tử cung có tỷ lệ gây nguy hiểm cao nhất. Bệnh ung thư cổ tử cung có thể xuất hiện khi các tế bào cổ tử cung biến đổi hay phát triển bất thường một cách mất kiểm soát. Đặc biệt, nó có thể phát triển bằng cách xâm lấn tại chỗ hay lan rộng đến những vùng cơ quan khác trên cơ thể và gây ra nguy cơ tử vong đột ngột. Dù vậy, bạn vẫn có thể phòng ngừa sớm căn bệnh này bằng hai cách là đi khám tầm soát định kỳ và tiêm vắc-xin để tránh nhiễm các tuýp HPV gây ung thư cổ tử cung.
Theo Helino
Gặp ông 'bụt' của hơn 4.000 trẻ bị bệnh tim bẩm sinh Chiều 28.9, các bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng đã có cuộc gặp gỡ với ông Erich Lejeune (74 tuổi), ông "bụt" - người mang lại cơ hội sống cho của hơn 4.000 bệnh nhi tim bẩm sinh tại miền Trung Việt Nam. Ông "bụt" Erich Lejeune (thứ tư từ trái sang) trao tặng máy siêu âm tim 4 đầu dò phục vụ...