8 cách nhận diện rau nhiễm hóa chất đơn giản 99% chị em chưa biết
Rau là thực phẩm hàng ngày trên mâm cơm của tất cả các gia đình vì vậy lựa chọn rau sao cho ngon không nhiễm hóa chất là mối quan tâm của tất cả các chị em. Dưới đây là cách nhận biết rau nhiễm hóa chất đơn giản chị em không thể bỏ qua.
1. Rau cải
Rau cải mọng nước, nhiều dinh dưỡng nên thu hút nhiều sâu bọ cắn phá. Vì vậy, các chủ vườn thường tăng cường phun thuốc trừ sâu, phân đạm cho rau vào khoảng thời gian trước khi thu hoạch. Điều này khiến cho dư lượng phân bón, thuốc trừ sâu không có đủ thời gian để phân hủy, khi rau đưa vào chế biến món ăn sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe.
Khi bạn cầm trên tay bó cải non mơn mởn, lá xanh ngắt, không dấu vết của sâu bọ và phần thân chắc mập, đều tăm tắp một cách bất thường, đó chính là rau cải được bón nhiều phân đạm nitrat. Bạn không nên sử dụng loại cải này, nhất là ăn sống.
2. Rau muống
Khi dùng quá nhiều đạm hoặc phân bón lá thì thân rau thường to hơn bình thường, rau giòn, lá màu xanh đen. Khi luộc rau, nước luộc khi nóng có màu xanh nhạt, khi nguội nước biến thành màu xanh đen và có vẩn kết tủa đen. Những loại rau này khi ăn xong, nếu tinh ý ta nhận thấy có vị chát.
Vì vậy, bạn nên chọn những mớ rau ngọn nhỏ, nhìn hơi cứng nhưng ăn lại rất giòn, ngon và an toàn. Ngoài ra, rau không chứa hóa chất sẽ có vệt nhựa loãng ngắt cuống. Rau muống ngon nhất vào khoảng tháng 4, 5, 6 của năm.
3. Giá đỗ
Người tiêu dùng thường thích mầm giá to, trắng, giòn và ít rễ. Để làm được giá đỗ như vậy một phần rất ít do kinh nghiệm của người làm giá nhưng chủ yếu khi hạt đỗ nảy mầm, người sản xuất đã dùng phân bón lá trộn với các loài thuốc trừ cỏ có tính hướng gốc (để diệt phần rễ cây mà phần mầm cây không bị ảnh hưởng) pha loãng, sau đó tưới lên giá đỗ và ủ lại.
Những loại giá đỗ này khi làm nộm hoặc xào tái ta thấy nước có màu nhờ đục từ giá đỗ chảy ra đĩa.
4. Rau ngót
Để lựa chọn rau an toàn, bạn nên tránh những bó rau ngót có lá quá non, to, mỏng lá. Hãy chọn những bó lá dày vừa phải, sẫm màu.
5. Cà chua
Những quả cà chua sạch thường không có màu đồng đều mà thường chỗ vàng chỗ đỏ do được để chín tự nhiên, những chỗ ít ánh mặt trời hơn sẽ chín chậm.
Trong đống cà chua, cũng có những quả xanh hơn quả khác. Do không qua quá trình dấm nên phần cuống cà chua sạch thường vẫn cứng.
6. Mướp đắng
Bạn nên chọn những quả có kích thước vừa phải, mặt vỏ có nhiều gân nhỏ li ti sẽ an toàn và chất lượng.Những quả to, màu xanh nhạt, thân phình to, da láng bóng là những quả hái từ cây bón nhiều đạm, chất kích thích sinh trưởng nên chất lượng sẽ kém và thường bị nhiễm độc khi ăn.
Bạn nên chọn những quả có kích thước vừa phải, mặt vỏ có nhiều gân nhỏ li ti sẽ an toàn và chất lượng.
7. Dưa leo
Dưa leo ngon nhất là loại màu xanh trắng (không quá non hay úa vàng), không có vết thâm hay ố vàng, vỏ nhẵn mịn, cầm vào thấy chắc tay, bên ngoài có những mấu nhỏ nổi lên.
8. Rau cần
Khi thấy thân rau to, ngó rau trắng ngần, rau nhanh bị héo, nếu để đến ngày hôm sau thì rau héo úa, thân khô tóp lại nhăn nheo, khi xào nấu lá rau biến màu xanh đen… là loại rau cần phun quá nhiều thuốc trừ sâu (nhóm lân hữu cơ) và phân bón qua lá.
Video đang HOT
Theo www.phunutoday.vn
Mẹ trẻ 8x chia sẻ kinh nghiệm chọn thực phẩm sạch và xây dựng thực đơn cân bằng cho gia đình
Những kinh nghiệm hữu ích trong việc lựa chọn thực phẩm sạch sẽ giúp bạn có thêm thông tin hữu ích trong việc xây dựng chế độ ăn uống cho gia đình.
Nếu bạn là một người thích du lịch và thích tìm hiểu những món ăn ngon ở mỗi đất nước mà mình tới thì tức là bạn có cùng sở thích với Huyen Chi. Với bà mẹ trẻ 8x này, việc tìm hiểu những món ăn ngon ở mỗi vùng đất mình đi qua không chỉ là sở thích mà còn là đam mê bất tận. Nhưng đó là câu chuyện khi Huyen Chi còn độc thân, khi đã có gia đình và có một cậu con trai nhỏ đáng yêu, niềm đam mê mới đã ngày một lớn lên đó chính là những thứ liên quan tới thực phẩm sạch, một cuộc sống lành mạnh.
Hàng ngày trên Facebook cá nhân của mình, bà mẹ trẻ thường chia sẻ những thông tin hữu ích về việc sử dụng thực phẩm, cách ăn uống điều độ... mọi chia sẻ có thể chỉ mang tính chất cá nhân, gói gọn trong những mối quan hệ thân thiết của mình nhưng nguồn năng lượng sống khỏe, sống cân bằng, sống lành mạnh của Huyen Chi sẽ là làn gió mát lành để lan tỏa tới mọi người.
Chào chị, cám ơn chị đã dành thời gian chia sẻ cùng độc giả. Nếu lướt sơ qua Facebook cá nhân của chị sẽ thấy ngay chị là một người luôn tìm kiếm thông tin và nghiên cứu các thông tin hữu ích liên quan tới việc sử dụng một nguồn thực phẩm sạch. Vậy theo chị, một cách đơn giản nhất, thực phẩm sạch là như thế nào?
Chào bạn, những chia sẻ này của mình là những kiến thức mình tự tích lũy được qua tìm hiểu sách báo... có thể chưa hẳn là hoàn toàn chính xác với tất cả mọi người nhưng nó là những điều mình đã thực hiện cho gia đình mình và những người thân xung quanh.
Theo mình, thực phẩm sạch theo khái niệm của mình là thực phẩm không dùng hóa chất trong quá trình canh tác, chế biến và bảo quản.
Còn lại mình xếp vào nhóm thực phẩm an toàn theo tiêu chuẩn như VietGap, rồi những thực phẩm biết rõ là bẩn.
Hiện tại nguồn thực phẩm sạch đang bị "đánh đồng" và quá nhiều thông tin đa chiều về thực phẩm sạch, thực phẩm hữu cơ, làm thế nào để có thể phân biệt được về cơ bản loại thực phẩm mà mình nên dùng?
Thực phẩm hữu cơ là thực phẩm sạch. Còn thực phẩm sạch bao gồm thực phẩm hữu cơ và các thực phẩm hoang dại tự nhiên ở các vùng mà đất, nước còn chưa bị ô nhiễm.
Cách đầu tiên là đánh giá, lựa chọn thương hiệu uy tín - đặt niềm tin vào thương hiệu. Nếu bạn cẩn thận, thi thoảng bạn quay lại đánh giá họ một lần. Có những thương hiệu lúc đầu làm tốt và nghiêm ngặt, dần dần họ lỏng lẻo.
Cách thứ hai là bạn dựa vào kinh nghiệm (xây dựng kinh nghiệm) khả năng đánh giá cảm quan thực phẩm. Cái này không đảm bảo 100% nhưng rất hữu ích khi bạn đi chợ mua hàng. Đi chợ cũng là thú vui. Ví dụ: thực phẩm tự nhiên thường sẫm màu hơn (nếu là rau thì xanh sẫm hơn), thân cứng chắc hơn (không quá èo uột ọng nước), trông khỏe khoắn. Một cách nào đó bạn có thể cảm nhận được là thực phẩm đó khỏe mạnh và có sức sống tốt.
Kinh nghiệm thì cần xây dựng dần. Thường nó bắt đầu bằng việc bạn quen dùng thực phẩm sạch sau đó khi ăn thực phẩm nuôi công nghiệp bạn sẽ phát hiện ra ngay.
Ví dụ thịt gà bạn thả tự nhiên ở đồi nước sẽ trong, xương sẽ chắc, thậm chí xương còn cứng đanh lại, cơ chắc, gân rất dai, thịt ngọt thơm và nước rất rất ngọt.
Nếu bạn ăn rau ngót trồng tự nhiên trên núi thì khi ăn rau bón đạm chẳng hạn bạn sẽ thấy nó nhạt nhẽo hơn nhiều. Những loại rau bón đạm mỡ màng nhưng oặt oẹo, thiếu sắc xanh và ăn rất chán.
Nếu bạn từng ăn rau thơm trồng tự nhiên, bạn sẽ thấy chúng cứng cáp hơn và hương tinh dầu mạnh đậm hơn.
Thêm nữa ăn thực phẩm đúng vụ cũng là một cách. Đúng mùa vụ rau củ sinh trưởng tốt, giá rẻ, họ cũng ít dùng thuốc hơn.
Thực tế thì để tiêu thụ 100% thực phẩm sạch ở thành thị là khó. Về cơ bản mình nghĩ mọi người có thể chọn 80% các loại thực phẩm cơ bản mình ăn là sạch còn lại 20% cho những gì thoải mái hơn.
Vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm hiện nay đang là vấn đề cấp thiết, nhưng cũng rất khó để có thể "tự cấp tự túc" được nguồn thực phẩm cho gia đình. Vậy theo chị có cách nào để giải quyết vấn đề này không?
Mình thích rau được trồng tự nhiên hơn là rau trồng trong nhà kính, nhà lưới... Sự thật là rau cần tổng hợp các chất từ đất, nước và ánh sáng tự nhiên ở những nơi đất, nước và không khí sạch thì mới có "sinh khí", mình ăn vào mới tốt.
Thế nên mình không ủng hộ việc trồng rau ở trong thùng xốp, nhất là lại ở cạnh đường nhiều khói bụi, gần sông ô nhiễm. Rau như vậy thì cũng độc.
Mình nghĩ ra 3 cách:
- Các gia đình chung nhau mua/ thuê một lô đất rồi chia lô mỗi gia đình trồng một ô.
- Các gia đình chung nhau mua/ thuê đất làm trang trại rồi thuê người làm theo quy trình của mình, sau đó thực phẩm thu hoạch được chia cho các gia đình.
- Các gia đình chung nhau đặt mua của một gia đình nào đó ở quê (ai đó tin tưởng được và những người có kiến thức việc trồng rau sạch) mỗi tuần họ sẽ chuyển rau củ cho mình một lần.
Chị đã áp dụng việc sử dụng sản phẩm và thực phẩm sạch vào bữa cơm gia đình như thế nào?
Mình sử dụng tối đa các thực phẩm sạch có được trong khả năng của mình nhưng cũng không nặng nề tới mức là 100% đảm bảo chắc chắn phải sạch. Thi thoảng mình vẫn đi chợ mua các loại rau gia vị, thấy rau gì ngon của các cô ở quê mang ra mình vẫn mua.
Rau củ thông thường mình mua ở siêu thị. Khi có rau gửi về từ trên rừng mình sẽ rửa, để ráo, chia phần cho từng bữa, cho vào túi bio, ép khí rồi cất vào tủ đá. Rau ngót và rau mùng tơi để được tủ lạnh rất tốt. Các loại lá thơm cứng như lá mắc mật cũng để được cách này.
Các loại thịt như gà, lợn, vịt (mình bắt đầu hạn chế ăn thịt đỏ) gửi trên rừng về mình sẽ chia phần, đôi khi tẩm ướp sẵn rồi cất vào tủ đông.
Khi không có thực phẩm gửi xuống thì mình mua đồ ở siêu thị. Chọn các loại sạch và mua số lượng ít. Tức giảm LƯỢNG tăng CHẤT. Ví dụ thay vì ăn 4 lạng thịt mình sẽ mua 2 lạng thịt lợn sinh học chẳng hạn.
Với chị, một thực đơn cho gia đình như thế nào là lành mạnh?
Lành mạnh theo mình hiểu tức là có một cơ thể (body) và tinh thần (mind & spirit) khỏe mạnh.
Như thế thực đơn sẽ cần để ý tới 3 yếu tố là CHẤT (cái gì) và LƯỢNG (bao nhiêu) và NHƯ THẾ NÀO.
Ví dụ uống một tách cafe vào buổi sáng bạn sẽ thấy sảng khoái nhưng uống đến tách thứ 3 bạn sẽ thấy mệt. Hay ăn 1 bát cơm gạo nguyên cám nhai kỹ khiến bạn nhẹ bụng, no lâu, thoải mái nhưng ăn 2 bát nhai rối sẽ làm bạn khó chịu, khó tiêu, mệt mỏi.
Hiện tại mình đang điều chỉnh trên thực đơn 50 - 70% cơm gạo lứt, 20 - 30 % rau, 10% protein động vật và 10% cho những thứ còn lại.
80% là ăn uống lành mạnh, 20% là ăn uống tự do ví dụ như đi ăn hàng với bạn bè, ăn sinh nhật, ăn cỗ bàn...
Khi ăn thì cố gắng ăn chậm nhai kỹ và ăn vừa đủ, tránh để mình bị no quá - trước mắt làm mình thấy mệt, còn lâu dài thì sẽ sinh bệnh tật. Việc nhai kỹ lúc đầu rất khó chịu, nhưng khi bạn quen rồi và thấy ăn như vậy cơ thể nhẹ nhàng hơn bạn sẽ có động lực.
Bạn cũng có thể tìm hiểu về phương pháp ăn nhiều dầu lành mạnh như dầu olive, dầu dừa, dầu vừng các loại hạt. Phương pháp này họ dùng dầu là nguồn năng lượng chứ không phải carb.
Còn phương pháp low-carb sử dụng nhiều nhiều đạm động vật, hiện tại mình không ủng hộ vì có quá nhiều tài liệu và nghiên cứu độc lập cũng như chính thức chống lại nó và phương pháp này cũng không thuận với tự nhiên. Bạn thử tìm hiểu về người Eskimo - tuổi thọ của họ rất ngắn vì họ phải ăn thịt (họ không có nguồn lương thực khác). Nếu chúng ta lên đó sống với họ và ăn uống như họ, ta chỉ sống được 1 - 2 năm.
Bạn thử tìm hiểu về cấu tạo hệ tiêu hóa của con người. Tuyến nước bọt là kiềm để tiêu hóa ngũ cốc, đường ruột dài để hấp thu chất từ rau củ, răng hàm bằng để nghiền.
Còn thực phẩm cho các bé có cần quá khác biệt hay cần phải ưu tiên hơn so với người lớn không?
Từ khi con ăn dặm thì con ăn gì nhà mình ăn nấy và ngược lại. Tức là đồ ăn của con thường không khác biệt so với đồ ăn của cả gia đình. Ngược lại bữa ăn gia đình sẽ được thay đổi một chút để con vẫn ăn được và bố mẹ cũng ăn được.
Mình thường không nấu đồ ăn riêng chỉ dành cho con. Trừ những trường hợp giả sử tự nhiên con không hứng thú với cơm, mình sẽ thử nấu riêng cháo, súp hay khoai tây nghiền để tìm hiểu nguyên nhân. Vì con chán cơm hay vì con không muốn ăn gì cả?
Lúc đầu mình sẽ đưa nhiều đồ để con lựa chọn. Mình chỉ cố gắng hiểu con thích ăn gì, thay đổi khẩu vị như thế nào để điều chỉnh.
Ví dụ mình sẽ luộc nhiều loại rau để xem con chọn loại nào, loại nào ăn rồi nhè, loại nào ăn và ăn thun thút.
Con sẽ là người lựa chọn ăn gì, ăn bao nhiêu và ăn như thế nào. Hiện tại mình chỉ hạn chế con ăn đồ ngọt và uống quá nhiều sữa.
Việc lựa chọn và có một chế độ dinh dưỡng lành mạnh như vậy gia đình chị có hay đi ăn ở tiệm không vì rõ ràng là chất lượng đồ ăn ở tiệm sẽ không bao giờ có thể đảm bảo hoàn toàn như do mình tự chế biến được.
Rất may là công việc của vợ chồng mình không đòi hỏi chúng mình phải đi ăn ngoài nhiều. Nên ba bữa của bọn mình đều là đồ ăn ở nhà. Thường mình sẽ chỉ nấu một bữa buổi tối, còn sáng và trưa ai việc nấy, nếu tiện sẽ ăn cùng với nhau không thì thức ăn đã có sẵn.
Rất ít khi bọn mình đi ăn ngoài, nhưng khi đi mình sẽ tận hưởng nó.
Còn nếu công việc của bạn phải đi ăn ngoài thì hãy để bữa ăn ở nhà là bữa chính. Mang theo các đồ ăn vặt lành mạnh. Khi đi ăn ngoài, mình ăn chậm lại, ít thôi, chọn lựa đồ ăn, nhai kỹ, nói chuyện với mọi người. Bạn sẽ thấy mình ăn ít hơn mọi người nhiều mà lại no.
Theo chị việc lưu trữ thực phẩm để sử dụng lâu dài có điểm gì cần lưu ý?
Lưu trữ thực phẩm để dùng lâu dài thì bạn cần lưu ý về an toàn vệ sinh thực phẩm và sự biến chất của thực phẩm.
Với các thực phẩm sống (chưa nấu chín) mà để ở trong tủ đông thì các enzyme dù hoạt động với tốc độ chậm nhưng vẫn sẽ làm thực phẩm (thịt, cá, su hào, rau...) phân hủy dần dần. Nên bạn cần chú ý để sử dụng trước khi chúng bị giảm chất lượng quá nhiều. Bạn có thể tìm kiếm trên internet bảng liệt kê các loại thực phẩm và thời gian bảo quản trong tủ đông tương ứng.
Hơi lạ, nhưng các thực phẩm đã nấu chín như thịt kho chẳng hạn, sẽ để được trong tủ đông thoải mái hơn so với đồ tươi sống vì nó ổn định hơn.
Với các thực phẩm lên men như dưa muối, thì bạn nên cho vào tủ mát trước khi nó bị chua. Như vậy bạn có thể bảo quản trong đó tới 1-2 tháng ăn dần.
Với các loại thực phẩm chế biến ví dụ bạn nấu cà chua, tương ớt hay mứt mận để dùng trong vòng 1-2 tháng, bảo quản trong tủ mát, thì bạn cần lưu ý khử trùng lọ bằng cách đun trong nước sôi chừng 5-10 phút trước khi cho các loại sốt vào, và nên cho sốt vào khi lọ còn nóng. Để lọ nguội dần rồi mới cho vào tủ lạnh. Khi cho đồ nóng vào lọ bạn nên đặt lọ trên khăn hoặc thớt gỗ (chứ không phải mặt bàn đá) để tránh vỡ lọ vì chênh lệch nhiệt độ. .
Nếu đưa ra nguyên tắc quan trọng để đảm bảo có một chế độ dinh dưỡng lành mạnh cho gia đình sẽ là gì?
CÂN BẰNG
Thực ra mỗi cá thể rất khác nhau. Bạn cần hiểu về thực phẩm, dinh dưỡng và hiểu các thành viên trong gia đình.
Đôi khi thức ăn tốt cho người này lại không tốt cho người khác. Điều này giống như thuốc hạ huyết áp dùng cho người bị huyết áp cao nhưng không dùng cho người bình thường và đặc biệt nguy hiểm với người bị huyết áp thấp.
Ăn cân bằng tức là ăn để cân bằng lại. Ví dụ khi ăn mặn thì bạn có nhu cầu uống thêm nước, Muối dương/ Nước âm, Muối kiềm/ Nước thường là axit.
Trời nóng bạn ăn rau muống luộc dằm sấu vì rau, nước, sấu chua đều âm và có tính mát (nghe âm dương hơi khó gần và phức tạp nhưng khi bạn tìm hiểu sẽ thấy dần dần áp dụng nó lại thành đơn giản nhất vì bạn có thể dùng trực giác và phán đoán).
Người béo thì ăn thanh đạm hơn. Người gầy thiếu máu thì bổ sung thực phẩm giàu chất sắt. Dù bạn theo bất kỳ chế độ nào thì nguyên tắc vàng là LẮNG NGHE CƠ THỂ và điều chỉnh. Nếu bỗng nhiên khi theo một chế độ ăn uống bạn thấy bệnh cũ tái phát rồi sau vài hôm khỏe thì không sao. Nhưng nếu bạn thấy các dấu hiệu, báo hiệu cơ thể bị quá sức chịu đựng và đang đi xuống một cách tổng thể thì bạn cần điều chỉnh ngay.
Bạn nên dành chút thời gian, ví dụ là 15 phút trước khi đi ngủ, để hiểu thêm về dinh dưỡng, âm dương, kiềm axit, các chế độ dinh dưỡng khác nhau (macrobiotics, ayurveda), tìm hiểu về các bệnh tiểu đường (diabetes) và đặc biệt là autoimmunity disease, tìm hiểu về cách đọc một người để biết họ cần ăn gì (cái này nghe hơi buồn cười). Một bài báo hay một vài lời khuyên sẽ không đủ để vẽ cho bạn một bức tranh toàn diện và chi tiết.
Tìm hiểu về dinh dưỡng rất quan trọng, nó liên quan trực tiếp tới sức khoẻ của bạn và gia đình. Y học hiện đại phương Tây đang ngày càng phát triển theo hướng y học tổng thể, lấy chế độ ăn uống làm gốc rễ của sức khoẻ. Vai trò của các bác sỹ rất quan trọng, nhưng vai trò của bạn trong việc kiến tạo sức khoẻ bản thân và gia đình còn quan trọng hơn, bởi chính mâm cơm hàng ngày vừa có thể là dưỡng nhưng cũng có thể là hoại, lại hoàn toàn phụ thuộc vào sự hiểu biết của bạn.
Cám ơn chị về những chia sẻ đầy hữu ích và thú vị. Chúc chị và gia đình luôn mạnh khỏe!
Theo Helino
6 mẹo khử sạch thuốc trừ sâu, hóa chất trong rau củ quả Thuốc trừ sâu trong rau củ quả là nỗi lo rất lớn của nhiều gia đình. Vấn đề đặt ra ở đây là làm thế nào để làm sạch rau của quả nếu có thuốc trừ sâu và hóa chất. Dưới đây chúng tôi sẽ chia sẻ 6 mẹo làm sạch hóa chất, thuốc trừ sâu trong rau của quả đơn giản, hiệu...