7X xứ Lạng với bí quyết trồng cam đặc sản Hà Nội quả ra trĩu cành
Vào vườn cam Canh của gia đình anh Hồ Văn Sỹ (thôn Gốc Gạo, xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn), nhiều người không khỏi ngỡ ngàng trước hình ảnh vườn cam Canh 1.000 gốc sai trĩu quả đang kỳ chờ thương lái vào hái.
Chia sẻ với PV Dân Việt về cơ duyên đến với nghề trồng cam Canh, anh Sỹ tâm sự: “Trước đây tôi trồng lúa, trồng ngô, nuôi lợn, gà. Do giá cả lên xuống thất thường nên hầu như toàn thua lỗ nên rất nản. Tình cờ tôi xem ti vi thấy bà con trồng cam Canh cho năng suất cao và lãi lớn nên cũng bắt đầu nảy sinh trong đầu nhiều ý tưởng”.
Theo anh Sỹ, khoảng năm 2012 – 2013, trong một lần tình cờ qua nhà bạn ở huyện Lục Ngạn (Chũ) tỉnh Bắc Giang chơi, anh rất ngạc nhiên khi thấy người dân ở tỉnh bạn có nhà cao cửa rộng, đời sống khấm khá. Hỏi ra mới biết các hộ dân ở đây đều phát triển cây cam Canh cho hiệu quả kinh tế cao. Sau đó, anh mày mò nghiên cứu, tìm hiểu kỹ thuật và hỏi han những người có kinh nghiệm về giống cây ăn quả này.
“Sau đó, tôi bàn bạc với vợ cải tạo lại diện tích đất đồi dốc trồng ngô, cấy lúa, đất nương rẫy để trồng cam Canh phát triển kinh tế”, anh Sỹ nhớ lại.
Vườn cam canh sai lúc lỉu, bóng mượt xanh mướt sườn đồi nhà anh Sỹ.
Phải đến giữa tháng 10 Âm lịch, cam Canh mới vào mùa thu hoạch, nhưng PV không khỏi thích thú trước những trái cam xanh mươn mướt, căng mọng sai trĩu cành, trông vô cùng thích mắt. Theo anh Sỹ, so với các loại cây ăn quả khác như cam Vinh, bưởi Diễn, bưởi da xanh cùng trồng trong vườn, 2,5ha cam Canh mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn.
Ngoài cam Canh thì cam Vinh tại vườn nhà anh Sỹ quả cũng sai trĩu cành.
Anh Sỹ cho biết, trước kia bãi đồi dốc này là cây dại và cây bạch đàn thì giờ đây hàng năm, nghìn gốc cam Canh chín vàng, đỏ rực phủ kín khu đồi. “Tôi bàn với vợ con, đánh liều phá hết khu đồi bạch đàn để trồng thử 1.000 gốc cam Canh và hơn 100 gốc cam Vinh, vài chục gốc bưởi Diễn. Sau đó năm 2017, tôi mở rộng trồng thêm 1.000 cây bưởi da xanh. Thiên hạ có câu: Có chí làm quan, có gan làm giàu, giờ mình không phải là giàu nhưng cuộc sống cũng khấm khá hơn”, anh Sỹ cười đùa.
Sau hơn 3 năm trồng, vườn cam Canh bắt đầu cho thu hoạch lứa quả đầu tiên. Vụ cam năm 2017, gia đình anh Sỹ thu 20 tấn cam, bán giao cho thương lái với giá 30.000- 35.000 đồng/kg mang về cho gia đình thu nhập vài trăm triệu đồng.
Video đang HOT
“Tôi nhận thấy giống cam Canh cho thu nhập cao, đầu ra cho sản phẩm lại tương đối ổn định. Vì vậy tôi đầu tư thêm vốn liếng khoan giếng, lắp đặt hệ thống nước tưới để tạo điều kiện thuận lợi cho vườn cam sinh trưởng và phát triển tốt hơn”, anh Sỹ cho hay.
Vì cây sai trĩu cành rủ xuống đất, sợ bị gãy cành nên gia đình anh Sỹ – chị Huyền phải “chống gậy cho cây”.
Nói về những khó khăn gặp phải, anh Sỹ chia sẻ, mới đầu trồng bao giờ cũng đầy gian nan và khó khăn. Do chưa có kinh nghiệm trồng và chăm sóc nên cây chậm lớn, hay bị bệnh vàng lá và thối rễ. “Thời gian đó nhìn vườn cây bị hỏng bởi sâu, bệnh nhìn xót lắm, bao nhiêu công sức, tiền bạc đổ hết vào đấy. Nhưng làm rồi rút kinh nghiệm dần dần, từ đó tôi mới có vườn cam Canh như bây giờ”, anh Sỹ nói.
Chị Huyền (vợ anh Sỹ) kiểm tra gậy chống cho cây cam tránh cây nặng quả mà gãy cành.
Theo anh Sỹ, hiện tại bình quân một gốc cam Canh anh thu hoạch từ 55 – 60kg. Hằng năm cứ đến mùa thu hoạch cam, các thương lái lại gọi điện trước rồi đánh xe tải vào tận vườn nhà anh thu mua. Từ lúc chuyển đổi cây trồng trên đất dốc đến giờ, cuộc sống của gia đình anh Sỹ – chị Huyền đã dư giả lên hẳn, đầu ra cho sản phẩm lúc nào cũng ổn định, có lúc gia đình còn thiếu hàng để cung cấp cho các thương lái.
Vườn cây ăn quả xanh mướt, khi quả chín vàng thì sáng rực cả 1 vùng đồi.
Hiện gia đình anh Sỹ có 7ha diện tích trồng các loại cây ăn quả. Riêng cam Canh và cam Vinh, anh ước tính sắp tới sẽ thu trên 25 tấn quả. Nếu giá cả vẫn ổn định từ 30.000 – 35.000 đồng/kg như mọi năm thì ước tính anh thu về trên 700 triệu đồng, chưa trừ chi phí. Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Sỹ còn tạo công ăn việc làm thời vụ cho nhiều lao động tại địa phương.
Theo Danviet
Gái đảm bỏ chục triệu "mặc đồng phục" cho bưởi rồi chờ lái đến hái
Từ diện tích đất đá tổ ong trồng vải thiều thoái hóa, kém hiệu quả, chị Triệu Thị Luận (SN 1985, thôn Vườn Chè, xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn) cùng chồng đã quyết định thay bằng giống bưởi Diễn.
Nhờ "mặc áo đồng phục" cho bưởi Diễn nên vườn bưởi nhà chị quả trĩu cành, chờ thương lái đến "hốt".
PV Dân Việt có mặt tại vườn bưởi của chị Triệu Thị Luận (thôn Vườn Chè, xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng, Lạng Sơn) vào ngày thu đầu tháng 10. Chị Luận đang chăm sóc vườn bưởi Diễn của gia đình mình để chuẩn bị cho thị trường bưởi Tết dịp cuối năm.
Đưa tay hái những lá sâu, dằn lại những chiếc túi bọc từng quả bưởi, chị Luận bảo: "Dùng túi "mặc áo đồng phục" cho bưởi sẽ giúp trái có màu đẹp, côn trùng không bậu vào, bọ xít không hút, ruồi vàng không chích. Khi phun, tưới thì thuốc và phân bón không thâm nhập vào trái bưởi".
Vườn bưởi Diễn được vợ chồng chị Luận "mặc áo" sai trĩu cành.
Vườn bưởi Diễn của gia đình chị Luận vươn mình trong nắng, đón những giọt nước mát lành từ tay người chủ vườn. Những trái bưởi lúc này đã chuẩn bị "vào mẩy", sẵn sàng "lên kệ". Chị cho biết, vườn bưởi Diễn của gia đình đang sang năm thứ 10, dự tính sẽ có hơn 20.000 trái bưởi Diễn phục vụ dịp Tết cuối năm.
Khu vườn của gia đình chị Luận thuộc vùng đất cằn cỗi, tuy nhiên bằng sự chịu thương chịu khó, những thớ đất cằn vẫn cho những trái ngọt, mang thu nhập cao về cho gia đình chị Luận. Chị cho biết: Năm 2009, vợ chồng chị bàn với nhau phá bỏ vườn vải với ý định để trồng cam. Tuy nhiên sau khi bàn kỹ lại, hai vợ chồng muốn tìm loại cây cho quả vào dịp Tết để có thị trường rộng hơn.
Nhận thấy nhiều người bạn ở huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã trồng và mang lại hiệu quả nên gia đình chị quyết định trồng 150 gốc bưởi Diễn. "Mỗi vùng đất khác nhau, cây bưởi diễn cần có chế độ chăm sóc khác nhau, nhưng nếu muốn vườn bưởi có năng suất tốt phải cần rất nhiều yếu tố. Theo đó, điều quan trọng là phải chọn giống tốt và sạch bệnh, lựa chọn được vùng đất phù hợp để cây bưởi Diễn phát triển, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đúng quy trình, kỹ thuật và chăm sóc vườn thường xuyên", chị Luận chia sẻ.
Vườn bưởi Diễn của chị Luận đang sang năm thứ 10, dự tính sẽ có hơn 20.000 trái bưởi diễn phục vụ dịp Tết cuối năm.
Chị Luận cho rằng, trồng bưởi Diễn không dễ như nhiều người vẫn nghĩ. Cây bưởi đòi hỏi vốn đầu tư và chi phí lao động lớn, người trồng bên cạnh kinh nghiệm và ứng dụng tốt khoa học kỹ thuật để cho năng suất cao, còn phải nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng, tình hình giá cả thị trường để có được lợi nhuận.
Nhiều nhà vườn trồng bưởi Diễn hiện nay muốn có thu nhập nhanh nên trồng với mật độ rất dày, cây này cách cây kia chỉ khoảng 1m, sau vài năm đã phải chặt bỏ vì năng suất giảm. "Nhà tôi trước đây trồng quá dày, không năng suất nên sau đó gia đình đã phải chặt tỉa bớt cho thưa để cây có điều kiện phát triển cho quả to đều mà đẹp", chị Luận nói.
Để cây bưởi Diễn cho năng suất cao, trái to, đều, đẹp thì mật độ trồng phải thưa, cây không bị che nắng... cộng với quá trình xử lý đất, kiểm soát thuốc bảo vệ thực vật, theo hướng an toàn,.. sẽ giúp cây bưởi phát triển tốt. Ngoài ra, để có vườn bưởi Diễn có quả phát triển đồng đều, to, đẹp phải chăm sóc kỹ. Nhờ vậy, vườn bưởi của chị Luận luôn cho trái to và đẹp, được thương lái tìm đến tận vườn để mua với giá cao hơn.
"Bưởi Diễn là loại trái cây có giá trị kinh tế và ổn định trên thị trường. Tuy nhiên, hiện rầy rệp và ruồi vàng là đối tượng sâu hại nguy hiểm cho vườn cây có múi. Năm ngoái do không bọc nên bưởi bị ruồi vàng chích, rụng đầy gốc. Năm nay, được người quen giới thiệu cho chỗ mua túi bọc bưởi nên tôi mua hơn 14 triệu đồng tiền túi giấy để bọc quả. Năm đầu tôi cũng hơi lo, liệu bọc quả có ảnh hưởng không. Tuy nhiên nỗi lo lắng đó qua mau khi những trái bưởi không những đẹp mã mà chất lượng ngon hơn hẳn", chị Luận phấn khởi.
Năm nay chị Luận bỏ ra hơn 14 triệu để mua túi giấy "mặc áo" cho vườn bưởi của gia đình.
Vừa kiểm tra những áo của vườn bưởi, chị Luận vừa chia sẻ: Miệng túi được may chắc chắn và lồng sợi dây nhỏ ở miệng túi. Khi bọc chỉ cần dùng tay thít sợi dây này lại là xong. Năm nay vợ chồng chị phải bọc cả tháng mới xong.
"Quả bưởi to bằng nắm tay là bắt đầu bọc. Nhờ bọc sớm, vườn bưởi nhà tôi không có quả nào bị cháy nắng. Trong khi những vườn không bọc túi cho quả, cây nào cũng bị rám quả. Nhờ bọc quả mà sâu đục trái, sâu vẽ bùa không thể tấn công quả. Từ khi "mặc áo" cho quả, không một quả bưởi nào trong vườn nhà tôi bị rụng cả", chị Luận cho biết.
Vườn bưởi Diễn sai lúc lỉu này dự kiến sẽ mang lại cho gia đình chị Luận cả trăm triệu.
Ngoài vườn bưởi Diễn, gia đình chị Luận trồng gần 100 gốc bưởi đào và khoảng 300 gốc cam xoàn đang cho thu hoạch. Chị Luận còn nuôi thêm 300 con gà trống thiến để phục vụ nhu cầu dịp Tết. Chị Luận cho hay: Bưởi chị bán theo quả, trung bình từ 15.000-20.000 đồng/quả bưởi diễn, 10.000-15.000 đồng/quả bưởi đào. Thời điểm Tết, bưởi thường đắt hàng mà giá cũng cao hơn. Chị Luận dự kiến, nếu giá cả ổn định, gia đình chị sẽ thu về trên 200 triệu đồng từ vườn bưởi và cam xoàn.
Hiện nay, mô hình trồng bưởi của gia đình chị Luận được nhiều nông dân trong và ngoài địa phương học hỏi và làm theo. Không chỉ làm giàu cho bản thân, hiện nay anh, chị còn hướng dẫn cho nhiều nông dân ở tại địa phương có nhu cầu chuyển đổi từ đất kém hiệu quả sang trồng bưởi, hỗ trợ về mặt kỹ thuật canh tác, để bà con sản xuất.
Theo Danviet
Xắn tay áo "lao" vào trồng nấm mọc tua tủa, thu 30 triệu/tháng Sau khi về hưu, cô Sái Thị Sinh (SN 1962) tại thôn Bình Chương 1, xã Đình Lập, huyện Đình Lập (Lạng Sơn) đã gây dựng cơ sở trồng nấm sò đảm bảo được khách hàng tin tưởng lựa chọn. Nấm sò đã mang lại cho gia đình cô Sinh thu nhập hơn 300 triệu đồng/năm. Đối với nhiều người, về hưu là...