78 cô gái mất tích bí ẩn: Những “bông hoa rừng” bị hái trộm
Nhiều năm nay, ở hầu hết các tỉnh biên giới phía Bắc xảy ra rất nhiều vụ mất tích bí ẩn với nạn nhân là hàng nghìn cô gái. Chỉ tính riêng xã Bản Phố – Bắc Hà – Lào Cai đã có 78 cô gái bị mất tích.
Bản Phố – cái tên nổi tiếng với đặc sản rượu ngô được bà con người H’Mông chưng cất từ nguồn nước trong vắt mà thiên nhiên ban tặng. Cũng chính nguồn nước này đã giúp xã Bản Phố có nhiều người con gái đẹp làm say lòng người, với mái tóc đen dài và làn da trắng hồng mịn như cánh hoa. Nhưng thật buồn là chỉ chưa tròn 5 năm, có tới 78 “ bông hoa rừng” bỗng dưng mất tích đầy bí ẩn…
Những căn nhà đìu hiu, buồn tẻ ở Bản Phố.
Bất ngờ trước thông tin có 78 cô gái trong một xã bị mất tích, chúng tôi tìm đến UBND xã Bản Phố để tìm hiểu rõ thực hư. Tiếp chúng tôi, ông Lý Sao Plấu – Trưởng Công an xã Bản Phố – thừa nhận: Từ năm 2008 đến nay đã có 78 phụ nữ ở xã mất tích, đỉnh điểm năm 2009 có đến 23 cô gái, chủ yếu độ tuổi từ 14 đến 18, mất tích.
Hỏi về nguyên nhân, ông Plấu lắc đầu ngao ngán, cho rằng một phần nguyên nhân bắt nguồn từ tập tục kéo vợ (bắt vợ) của người H’Mông. Khi chàng trai thích cô gái nào đó thì rủ bạn bè đi kéo, sau khi kéo về nhà và tìm hiểu ba ngày nếu hợp nhau thì chàng trai ấy báo bố mẹ đem lễ sang nhà gái xin cưới.
Ông Thào Xuân Thành, Chủ tịch UBND xã Bản Phố, đồng tình: “Do có tục bắt con gái nên nhiều gia đình khi mất con không biết mặt mũi của… rể hụt như thế nào. Chờ đến sau 3 ngày hết hạn tục mới đi báo chính quyền thì đã quá muộn”.
Những cô gái H’Mông ở Bản Phố luôn bị kẻ xấu dụ dỗ, lừa đảo đưa đi khỏi bản.
Chính quyền đã dốc sức tuyên truyền, cảnh báo bà con, người dân biết để đề phòng với mưu mô, mánh khóe của kẻ xấu, cố tình tiếp cận, đánh cắp những cô gái non tơ tại Bản Phố. Những bông hoa rừng đẹp hoang dại khi bị bắt đi vẫn nghĩ chỉ đơn giản là tục bắt vợ, không ngờ rằng mình có thể là nạn nhân của những kẻ buôn người.
Chuyện xảy ra đã vài năm nay và trở thành vấn nạn, có tháng có đến 5 cô gái Bản Phố mất tích cùng một thời điểm nhưng chính quyền cũng bất lực.
Video đang HOT
Tính từ đầu năm 2010 đến nay, Bản Phố có hơn 30 cô gái bị dụ dỗ hoặc bị lừa bán sang bên kia biên giới. Những cô gái được đưa lên Mường Khương, biên giới Xín Mần (Hà Giang), cửa khẩu Phố Tèo (TP Lào Cai)… rồi đưa sang Trung Quốc bán lại cho bọn môi giới mại dâm. Thường thì giá của mỗi người được định khoảng 10 – 15 triệu đồng. Những cô gái xinh xắn, trẻ đẹp sẽ được bán với giá cao hơn.
Những cô gái trẻ đẹp ở Bản Phố thường mất tích sau mỗi phiên chợ Bắc Hà.
Ngoài ra bọn tội phạm thường lợi dụng lúc đám đàn bà con gái trên đường đi làm nương, đi hội hoặc đi chợ phiên tìm những phụ nữ có nhan sắc để gạ gẫm, dụ dỗ bằng những lời nói ngọt ngào hoặc vẽ ra viễn cảnh về cuộc sống sung sướng ở bên kia biên giới.
Lại có bọn xấu bỏ công tìm hiểu về những người phụ nữ có mâu thuẫn với chồng rồi tìm cách đánh vào tâm lý, làm cho họ xiêu lòng và tự nguyện đi theo họ. Cũng nhiều ý kiến cho rằng không ít phụ nữ ở độ tuổi 24 – 28 chưa có chồng, bị chê cười là ế chồng, tủi thân nên dễ dàng nghe lời người lạ vượt biên sang Trung Quốc, mong lấy được chồng giàu có.
Trong số 78 “bông hoa rừng” bị hái trộm ở Bản Phố (Bắc Hà – Lào Cai) từ năm 2008 đến nay, có hơn một nửa là người mù chữ hoặc chỉ học hết tiểu học công việc hàng ngày là làm ruộng, trồng ngô, cuộc sống rất khó khăn. Sự nghèo đói cộng trình độ nhận thức kém đã “đẩy” họ trở thành “miếng mồi” ngon cho những tên buôn người. Trong số họ cũng có ít người trở về, song đều trong tình trạng sức khỏe suy kiệt.
Anh Sùng Seo Phái, thôn Phéc Bủng 2, lo lắng khi em gái bị mất tích và lo sợ rằng vợ mình rồi cũng bỏ đi.
Thời gian gần đây, bọn tội phạm còn nghĩ ra nhiều chiêu thức mới để tiếp cận những cô gái trẻ đẹp miền sơn cước. Họ thuê những người môi giới đóng làm bà mai, vờ tổ chức cưới xin hẳn hoi khiến nhiều gia đình mắc mưu.
Nghệ nhân nấu rượu Ma Seo Dín nổi tiếng ở Bắc Hà cũng có cô con gái Ma Thì Dở (sinh năm 1982) bị dụ dỗ bắt đi, đến nay vẫn chưa có tin tức gì. Đó là năm 2007, con gái ông đi chợ, có thanh niên bảo lên xe máy đi cùng về cho đỡ mỏi chân. Chị Dở nhẹ dạ nghe theo và bị kẻ xấu chở luôn đi đâu không rõ. Hai đứa con của chị không có mẹ chăm sóc. “Trong xóm nhỏ này, nhiều đứa trẻ tội nghiệp bị mất mẹ, tội lắm. Chẳng ai biết cái thiên đường mà nhiều kẻ nói láo là có thật không, có lấy được chồng giàu không. Cũng không biết những người đã bị đưa sang đó còn sống hay đã chết”, ông Dín xót xa.
Thực tế là vậy, nhưng ông Plấu, Trưởng Công an xã Bản Phố, lại cho biết, đến thời điểm này cả xã chỉ có hai trường hợp mất tích được người nhà báo lên cơ quan chức năng và sau đó đã tìm được. Đó là trường hợp của chị Li Thị Ly (28 tuổi), vợ anh Ma Seo Dế, và em Sùng Thị Cha (17 tuổi) ở thôn Bửu 1. Cả hai đều bị bán sang Trung Quốc, chịu đòn roi, tra tấn bị ép làm gái bán dâm. Khi trốn thoát trở được về quê nhà, những bông hoa đẹp năm nào đã tàn phai nhan sắc.
Ông Thào Xuân Thành, Chủ tịch UBND xã Bản Phố lo lắng nhưng dường như bất lực.
Theo ông Nguyễn Tường Long – Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Lào Cai – địa bàn tỉnh Lào Cai có rất nhiều nạn nhân bị lừa bán sang Trung Quốc, đặc biệt ở Bản Phố, Bắc Hà và Bản Vược, Bát Xát. Tính từ năm 2009 tới nay, tỉnh Lào Cai mới chỉ mới tiếp nhận được khoảng 400 nạn nhân trở về, chiếm 16%, trong đó phần đông là những người phụ nữ tự trốn thoát.
Riêng ở Bản Phố có nhiều gia đình có hai cô con gái đều mất tích. Chính những gia đình cán bộ huyện, xã cũng có con gái bị mất tích. Từ xa xưa, người ta chỉ nghĩ đến những người vợ chờ chồng đến hóa đá, trở thành hòn Vọng Phu. Thế nhưng ở Bản Phố, hàng trăm người chồng vẫn ngày ngày ôm con mỏi mòn chờ vợ trở về!
Nước mắt trai H’Mông
Câu chuyện về những chàng trai H’Mông suốt ngày chỉ biết nâng bát uống rượu, ít làm việc và điều đặc biệt là không bao giờ khóc. Thế nhưng nhiều người khi được hỏi đến sự mất tích của vợ đã khóc nức nở như đứa trẻ mới lên 3.
Người dân nơi đây bảo rằng, trai H’Mông không bao giờ khóc. Thế nhưng quy luật ấy dường như bị phá vỡ từ khi những kẻ buôn người nhắm vào những cô gái H’Mông. Đưa chúng tôi đi thăm những gia đình có phụ nữ mất tích, ông Lý Seo Plấu, Trưởng Công an xã Bắc Hà chỉ tay lên trên cao của góc rừng: “Thằng Quảng thôn Phéc Bủng 2 đấy. Vợ nó bỏ đi hơn năm nay rồi. Chiều nào nó cũng xách rượu lên rừng ngồi chờ vợ. Cứ uống chán, uống say hắn lại bước thấp, bước cao về nhà…”.
Theo Dantri
Cô giáo nói 10 thứ tiếng
Cô giáo biết 10 thứ tiếng dân tộc thiểu số, chào cờ sáng thứ hai sân trường một trời sắc màu rực rỡ 32 trang phục các dân tộc. Đó là những nét đặc biệt tại một ngôi trường vùng cao.
Cô giáo Đinh Thị Kim Phương (Nhà giáo Ưu tú - Hiệu trưởng Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc - Thái Nguyên) thường giao tiếp bằng tiếng Kinh (vì quê Nam Định), nhưng gặp khi cần thiết, do các trò xuống học nội trú tới từ nhiều bản làng xa xôi, với đủ thứ ngôn ngữ nên có lúc lại nói tiếng Tày, khi tiếng Nùng, Hmông, Dao, Dáy, Mường....
Cô giáo Phương (bên trái) cùng những Đảng viên là học sinh vừa kết nạp.
Ở ngôi trường này, không ít thầy cô giáo nói được 10 tiếng dân tộc khác nhau như cô Phương. Đây dường như cũng là ngôi trường cấp 3 hiếm hoi khi cả 3 năm học cuối cấp chỉ có đúng 1 buổi họp phụ huynh duy nhất từ đầu cấp (vì đa số phụ huynh bận lên nương, lên rẫy lấy đâu thời gian về dự). Sau buổi họp, các học tròđầu còn khét mùi nắng quay về phía bố, mẹ cúi gập chào bái biệt 3 lần.
"Kể từ đây, các em thuộc quyền chăm sóc của các thầy cô giáo. Bố, mẹ các em người về bản, người về vùng núi cao... để vật lộn mưu sinh. Các học trò không được dùng diện thoại di động và ăn, ngủ, học hành, vui chơi đúng giờ quy định", cô Phương nói.
Vui mắt nhất vẫn là thứ 2 hàng tuần, màu sắc từ trang phục của 32 dân tộc thiểu số được các em diện trong lễ chào cờ phủ kín sân trường rực rỡ. Nhiều cô giáocho biết, chính những sắc màu này đã khiến họ tận tâm hơn với nghề hơn và những buổi chào cờ đầu tuần thêm ý nghĩa.
Chuyện độc đáo không kém, khi học sinh tham dự các buổi sinh hoạt chi bộ Đảng cùng với giáo viên. Đầu tháng 9 vừa qua, Phan Thị Quỳnh Trâm (18 tuổi), người Tày, học sinh lớp Dự bị Đại học A4 đã trở thành Đảng viên. Trâm 4 năm liền là Bí thư Chi Đoàn, năm nào cũng tham gia các kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia môn Lịch Sử.
Nữ Đảng viên trẻ này là một trong những bí thư Đoàn năng nổ với phong trào Đôi bạn cùng tiến. Trong đó, Trâm trực tiếp giúp đỡ nhiều bạn tiến bộ. Trâm kể về một kỷ niệm nhỏ: "Cách đây 2 năm, trong lớp có một bạn người Tày lúc nào cũng thể hiện tâm trạng chán nản, học hành sa sút. Qua tìm hiểu, mình được biết bố mẹ bạn ấy đang trong giai đoạn ly thân".
Cô Bí thư chi Đoàn đã tìm mọi cách để tiếp cận với cậu bạn có đôi mắt buồn. Đến nay, cậu bạn có đôi mắt buồn đã hết buồn, học khá và thậm chí được bầu vào ban Chấp hành chi Đoàn của lớp và giúp đỡ cho nhiều bạn học khác tiến bộ. Vương Quốc Dự (17 tuổi), dân tộc Nùng, Uỷ viên Ban Chấp hành Đoàn trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc, "cây sáng kiến" trong phong trào tiết kiệm điện của trường. Tuy đang trẻ, nhưng Dự là đối tượng xét kết nạp Đảng tới đây của trường.
Cô giáo Đinh Thị Kim Phương vẫn còn nhớ mãi cậu học trò Vàng Mí Lùng (quê Mèo Vạc, Hà Giang). Lùng mồ côi cả bố lẫn mẹ, nhà vốn nghèo, anh em đông nên khi anh cả khi lấy vợ đã không cho các em đi học. Tuy nhiên, những con chữ cũng nhiều kiến thức lạ lẫm từ các thầy cô giáo đã hút cậu trốn nhà đi học.
Khi xuống trường nội trú, ngoài bộ quần áo phủ trên tấm thân gầy còm, Lùng chẳng có thứ gì khác. Ba năm học, các thầy cô giáo cưu mang, chăm chút Lùng như con.
Có đợt, giáp Tết Nguyên đán, Lùng phải mổ ruột thừa cấp, các thầy cô và bạn học đã túc trực ngày đêm lo từng miếng ăn, giấc ngủ. Hiện, Vàng Mí Lùng đang là sinh viên năm thứ 3 của trường Đại học Nông Lâm, nhưng vẫn biên thư đều đặn cho các "mẹ", các "bố" ở ngôi trường cũ.
Theo Tiền Phong
Gặp "Vua chạm bạc" chuyên làm đẹp cho các sơn nữ Cụ là Lý Dào Luồng, sinh năm 1932 tại làng Phùng, xã Thái Học (huyện Nguyên Bình, Cao Bằng) là người làm nghề chạm bạc có thâm niên còn sót lại của người dân tộc Dao tiền ở vùng này. Hơn 60 năm trôi qua, bất kể ngày nắng hay mưa, đồng bào dân tộc người Dao tiền sống ẩn mình trên sơn...