72 giờ dò tìm người tiếp xúc bệnh nhân nCoV
Mỗi ngày thiếu tá Hoàng Anh Tuấn qua tiệm phở trên phố Trần Tế Xương ba lần vào giờ không cố định để kiểm tra người bên trong có ra ngoài hay không.
Đó là cách cảnh sát khu vực phường Trúc Bạch, quận Ba Đình giám sát cách ly tại nhà gia đình 4 người do liên quan “bệnh nhân 20″. Cùng với ba lần kiểm tra đột xuất của anh Tuấn, y tế phường cũng đến đo thân nhiệt hai lần trong ngày. Quy trình lặp lại trong 14 ngày. Xong việc, anh Tuấn trở về chốt cách ly ở đầu phố Trúc Bạch tiếp tục công việc trực ban.
Suốt hai tuần từ khi Hà Nội xuất hiện ca nhiễm nCoV, những cảnh sát như thiếu tá Tuấn sẽ phải xác minh nhanh nhất người từng tiếp xúc với ca nhiễm. Thông tin họ cung cấp mỗi giờ, mỗi ngày về lịch sử tiếp xúc sẽ giúp chính quyền can thiệp sớm và có biện pháp cách ly. “Tìm kiếm” và “cách ly kịp thời” trở thành biện pháp mấu chốt trong cuộc chiến chống Covid-19 của Việt Nam.
Thiếu tá Hoàng Anh Tuấn, cảnh sát khu vực Công an phường Trúc Bạch. Ảnh: Phạm Dự.
22h ngày 6/3, Hà Nội thông báo cô gái sống tại căn nhà 125 Trúc Bạch là “bệnh nhân 17″, cắt đứt chuỗi 23 ngày toàn quốc không có ca nhiễm mới. Hôm sau, “bệnh nhân 20″ được xác định là tài xế của “bệnh nhân 17″.
Khi thông tin được phát ra, việc lập danh sách “các F” – những người tiếp xúc gần hoặc liên quan ca bệnh dồn lên vai lực lượng cảnh sát khu vực và cán bộ phường. Thiếu tá Tuấn hiểu nếu mình không tranh thủ từng giờ từng phút, không làm việc với “200% sức lực” có thể những người này sẽ vô tình đi ra ngoài, gặp nhiều người khác. Lúc ấy, “danh sách F sẽ tăng theo cấp số nhân”.
Cảnh sát được lệnh “khoanh vùng” tính từ căn nhà số 125 Trúc Bạch. Camera từng nhà trong khu phố được trích xuất và người dân được vận động cung cấp thông tin về lịch sử đi lại của những người sống ở căn 125. Đêm ấy, công an các địa bàn Hà Nội tung quân tìm kiếm được hơn 200 người liên quan “bệnh nhân 20″, từ F1 đến F4.
Sáng hôm sau, anh Tuấn được người dân báo tin trước đó thấy “bệnh nhân 20″ ở trước quán phở trên phố Trần Tế Xương. Ông chủ quán sáng hôm ấy đang bê phở cho khách thì ngạc nhiên khi thấy anh đến tìm. Ông nói không nhớ ai với ai trong hàng trăm lượt khách ra vào mỗi sáng. Nhưng nghe tin quán nằm trong chuỗi lịch sử đi lại của người nhiễm nCoV, ông liền dừng việc kinh doanh, cùng gia đình tự nguyện cách ly. Dựa vào các yếu tố dịch tễ, gia đình bốn người được cách ly tại nhà, có giám sát của công an khu vực và cán bộ y tế phường.
Những người làm việc tại quán cũng cần xác minh để cách ly. Quán có người giúp việc làm theo giờ, tên Hạnh ở phường Bồ Đề (quận Long Biên) nhưng cô này không có số điện thoại. Trưa 7/3, anh Tuấn sang Long Biên tìm, nhờ cảnh sát khu vực ở đó xác minh giúp song được báo “không có người tên Hạnh như miêu tả, chỉ có người tên Vân”.
Anh vui mừng khi tìm đúng người và phát hiện người phụ nữ giúp việc ở quán phở có hai tên. Loanh quanh cả tiếng mới tìm được nhà chị này, anh vào dặn dò chị tự cách ly. Từ báo cáo của anh, lãnh đạo phường Trúc Bạch gửi công văn sang phường Bồ Đề, đề nghị hướng dẫn cách ly và giám sát trường hợp trên. Hôm đó là chiều thứ bảy. Nếu không có việc xảy ra tại phường Trúc Bạch liên quan người nhiễm nCoV, hôm đó anh đã đưa vợ đi dạo phố, mua quà nhân ngày 8/3.
Vừa từ phường Bồ Đề trở về chốt trực, điện thoại Tuấn lại có tin nhắn báo người phụ nữ trên phố Lạc Chính đã gặp vợ “bệnh nhân 21″ ở lớp yoga, rồi tiếp xúc với “con gái, con rể, mẹ chồng, chị chồng, người làm biển quảng cáo, ông sửa điều hòa, chị bán rau ở chợ Châu Long, người bán hàng trên phố Nguyễn Khắc Hiếu”. Anh thiếu tá cảnh sát khu vực ngồi bấm đốt ngón tay, liệt kê lại danh sách mà chị này đã gặp trong ngày 5/3.
72 giờ tính từ đêm 6/3, Tuấn không nhớ anh đã tìm gặp bao nhiêu người, chỉ biết “nhận được điện thoại là đi”. Sổ, bút tốc ký với những câu hỏi lặp lại thành quy trình “anh chị đã đi những đâu, đã gặp những ai?”.
Trung tá Dương Minh Tuyến, Phòng Tham mưu Công an Hà Nội, gọi 72 giờ tính từ thời điểm xác nhận có bệnh nhân nhiễm nCoV ” là “72 giờ vàng”. Các cảnh sát phải làm việc hết công suất và rò tìm được người từ F1 đến F4.
Video đang HOT
Công an làm nhiệm vụ tại chốt cách ly Trúc Bạch. Ảnh: Giang Huy.
Tối 6/3, trung tá Lê Anh Quang, Trưởng công an phường Trúc Bạch, vội bỏ mâm cơm vừa dọn lên bàn để quay lại trụ sở làm việc, khi nhận được tin trên địa bàn có ca nhiễm nCoV.
Đêm ấy, ông Quang thấy các thuộc cấp đã “đi như chạy” khi chuyển barie đến các điểm phong tỏa. Ban đầu, công an tìm những người tiếp xúc theo lời khai của “bệnh nhân 17″ với cơ quan y tế. Nhưng để không lọt người nghi nhiễm, các chiến sĩ đã rà soát toàn bộ camera trong khu vực để xác định chính xác những người gặp gỡ cô gái trở về từ Anh này.
Theo yêu cầu của Công an thành phố, các chiến sĩ làm việc tại chốt phong tỏa hoặc tiếp xúc với người nghi nhiễm sẽ “ăn, ngủ, nghỉ, làm việc” tại chỗ, không được về nhà trong 14 ngày.
Cổ tay áo lấm bẩn vì bận làm nhiệm vụ hai ngày chưa thay. Ảnh: Phạm Dự.
Trước 20h mỗi ngày, thiếu tá Tuấn sẽ điểm lại số người đã ra vào khu cách ly Trúc Bạch trong sổ theo dõi, ký xác nhận trước khi đổi gác. Trên bàn trực ngoài chai sát khuẩn còn có ấm nước chè xanh chống buồn ngủ. “Bà con tặng cả đấy”, anh Tuấn lại bấm đốt ngón tay liệt kê: “Anh em phường Điện Biên tặng cho mấy chục thùng nước, phó công an quận tặng mấy thùng sữa, công an Phúc Xá tặng 2 tạ cam. Cơm nước có người của ủy ban lo. Bà con thấy anh em ngồi nhiều còn cho mượn cái ghế xếp dựa đỡ đau lưng”.
Anh Tuấn kể khi biết tin “bệnh nhân 17″ trú ở phường Trúc Bạch, bố mẹ anh đòi mang cháu về quê ở tỉnh Yên Bái tránh dịch. Anh trấn an bố mẹ, nhắc hạn chế rao khỏi nhà rồi bảo vợ đưa con sơ tán về nhà bố mẹ đẻ ở khu vực Xuân Phương, cách Trúc Bạch gần 20 km. Nửa tháng nay, anh “gặp” cậu con trai 6 tuổi qua những cuộc gọi video trên điện thoại
Chiều hôm trước, anh nhờ bố đẻ mua thêm một túi đồ dùng sinh hoạt. Ông cụ nán đợi con ở barie đoạn phố Trấn Vũ để nhìn xem “mặt mũi gầy béo thế nào” song anh phải động viên: “Bố về đi. Bao giờ hết cách ly con về”. Thấy ông đi khỏi, anh mới ra xách túi đồ, nhờ người phun khử trùng rồi mang vào chốt.
Xa vợ nửa tháng, anh tự giặt quần áo mà không phiền ai. Tám năm qua kể từ khi kết hôn, giờ người đàn ông 37 tuổi mới tự giặt quần áo như thời độc thân.
Phạm Dự – Hoàng Phương (vnexpress.net)
Nghe "tân binh" kể chuyện trực chiến tại khu cách ly Covid-19
Với một cậu thanh niên 23 tuổi, việc tham gia vào lực lượng kiểm soát tại khu cách ly, của căn bệnh truyền nhiễm đang lây lan toàn cầu quả thực là một trải nghiệm quá đỗi mới mẻ và lạ thường.
Cũng như nhiều thanh niên khác của phường Dịch Vọng, ngay khi một đoạn ngõ 165 Cầu Giấy được cách ly, vì phát hiện bệnh nhân nghi mắc Covid-19, Phạm Ngọc Tiến (23 tuổi) được UBND phường Dịch Vọng huy động, để tham gia vào lực lượng chốt trực tại khu cách ly.
Một nhiệm vụ mới mẻ và lạ thường...
Khu cách ly tại Ngõ 165 Cầu Giấy.
Tiến cùng 7 thành viên khác của lực lượng dân quân tự vệ phường Dịch Vọng là 1 trong 3 lực lượng sẽ phối hợp cùng thực thi nhiệm vụ tại chốt trực này bao gồm: Dân quân tự vệ, Bảo vệ dân phố và Công an nhân dân.
Theo chia sẻ của Tiến, nhiệm vụ trực tại khu vực cách ly sẽ được chia làm 3 ca: Ca sáng (6 giờ - 12 giờ), ca chiều (12 giờ - 19 giờ), ca tối (19 giờ - 23 giờ). Mỗi ca, lực lượng của dân quân tự vệ sẽ bố trí một người trực.
Phạm Ngọc Tiến (23 tuổi) là một trong những thành viên trẻ nhất của lực lượng tham gia chốt trực khu cách ly Covid-19 tại Cầu Giấy.
"Nhiệm vụ của chúng tôi tại chốt trực trước hết là kiểm soát không cho những người trong khu vực cách ly đi ra ngoài vùng kiểm soát; kế đến, cung cấp thực phẩm của UBND phường tiếp tế vào từng hộ gia đình; bên cạnh đó, trong trường hợp khu cách ly có vấn đề gì xảy ra thì mình sẽ nắm tình hình và báo về trung tâm chỉ huy để có hướng giải quyết" - Tiến cho biết.
Cập nhật sổ trực là một trong những nhiệm vụ mà lực lượng tham gia chốt trực phải thực hiện trước khi bàn giao ca trực.
Hoang mang, bỡ ngỡ những ngày đầu
Đối với một thanh niên trẻ như Tiến, tham gia vào lực lượng kiểm soát tại khu cách ly bệnh truyền nhiễm là một nhiệm vụ mới mẻ và lạ thường. Do đó, vào những ngày đầu trực chiến cậu tân binh này cũng khó tránh khỏi những hoang mang, bỡ ngỡ, nhất là khi Covid-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn thế giới.
"Tôi và các anh em trong chốt trực lúc đầu cũng cảm thấy lo sợ vì dịch lây lan nhanh quá. Nhưng sau một thời gian công tác, đến hôm nay đã là buổi thứ 6 tôi trực tại đây, thì đã quen dần và nhận ra rằng, việc có bị lây bệnh hay không chủ yếu nằm ở sức đề kháng, cách phòng ngừa của mình", Tiến chia sẻ . "Cứ ăn uống đầy đủ, rửa tay xà phòng, thỉnh thoảng đi lại một chút cho tinh thần sảng khoái thì nỗi sợ dịch sẽ chẳng còn".
"Tân binh" này cũng chia sẻ rằng, khi biết tin con đi làm nhiệm vụ ở khu cách ly Covid-19, bố mẹ cậu rất lo lắng, nhưng cũng may nhờ thông tin trên báo đài, mà các bậc phụ huynh hiểu ra được và động viên con hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Tiến kể: "Trước mỗi lần đi làm nhiệm vụ trực chốt, bố mẹ tôi luôn nhắc chú ý rửa tay, đeo khẩu trang. Lúc tôi xong ca trực trở về, việc đầu tiên làm là bỏ áo quần ngoài ra chiếc thau trước cửa để mẹ giặt, trước khi vào nhà. Một điều may mắn nữa là hàng xóm ở khu tôi sống có nhận thức cao, nên từ ngày đi làm nhiệm vụ đến nay, mọi người hay sang nhà hỏi thăm, động viên tôi làm tốt để nhanh chóng hết dịch, bởi bây giờ ai cũng mong trở lại cuộc sống như bình thường lắm rồi".
Tương thân, tương ái
Khu cách ly cầu giấy là một đoạn nằm cuối con ngõ nhỏ, nên so với khu cách ly ở ở phố Trúc Bạch, nơi đây vắng vẻ và ít sầm uất hơn rất nhiều, cộng với việc các hàng quán đóng cửa gần hết vì sợ dịch, nên cả con đường dường như chỉ có bóng dáng của lực lượng trực chốt là luôn thường trực. Tiến kể: "Con ngõ này do có dịch nên vắng lắm, anh em trong chốt trực chúng tôi nhiều khi cũng cảm thấy buồn. Quán xá đóng cửa hết nên chúng tôi muốn mua gì cũng khó".
Ngõ 165 Cầu Giấy vắng hoe sau khi có lệnh cách ly.
Trước tình hình thực tế, các thành viên trong chốt thường chủ động chuyện cơm nước tại nhà trước khi đến ca trực, còn nếu không thì cũng mua đồ ăn sẵn ở nơi khác mang đến để luôn chủ động, đảm bảo đúng giờ, đúng quy định trực. "Nhiều lúc buồn thì anh em cũng chỉ biết đặt giao hàng đôi ba cốc trà sữa, vài chai nước ngọt uống với nhau cho vui vẻ" - Tiến cười.
Việc phải gánh trên vai thêm một nhiệm vụ chiếm đến 6 tiếng mỗi ngày, đương nhiên sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống và công việc hàng ngày của những người tham gia chốt trực, đặc biệt là lực được huy động đột xuất như dân quân tự vệ. Lấy trường hợp của Tiến, một buổi cậu đi trực chốt, một buổi lại vội về lo công việc kinh doanh của mình.
Tinh thần tương thân, tương ái hiển hiện tại khu cách ly Covid-19 không chỉ là giữa các cán bộ ngày đêm túc trực và người dân sống trong khu cách ly, mà còn là sự thông cảm, nhường nhịn lẫn nhau giữa chính những thành viên tại chốt trực.
Tiến kể: "Đi trực thế này với tôi và các bạn độc thân còn đỡ, chứ các anh có vợ con thì thật vất vả. Vì vậy, trong cách phân công lịch trực, lực lượng trẻ sẽ tạo điều kiện để những thành viên đã lập gia đình được trực theo lịch cách nhật, mỗi ngày có thể trực liền 2 ca để còn có ngày nghỉ về với vợ, con".
"Ai cũng có cái khó, có việc riêng của mình, quan trọng nhất là biết thông cảm cho nhau. Mình còn trẻ, chưa vướng bận điều gì thì cứ xung kích đi đầu thôi" - Cậu dân quân tự vệ cười nói, rồi xin phép kết thúc cuộc trò chuyện để thực hiện nhiệm vụ đã được giao.
Minh Nhật (dantri.com.vn)
Hơn 130 người tiếp xúc bệnh nhân Covid-19 xét nghiệm âm tính Ban Chỉ đạo Phòng chống Covid-19 tỉnh Quảng Nam sáng 17/3 cho biết 131 trường hợp người tiếp xúc với nhiều bệnh nhân nCoV kết quả xét nghiệm âm tính. Trong đó, những người âm tính gồm: - 37 người đi cùng chuyến bay VN54 có "bệnh nhân 17" Nguyễn Hồng Nhung; - 26 người tiếp xúc với "bệnh nhân 31" và "bệnh...