7 “ông lớn” doanh thu trên 100.000 tỷ đồng năm 2013
Với mức doanh thu trên 100.000 tỷ đồng, PVN, EVN, Petrolimex, Samsung Vietnam, Viettel, VNPT và VietsoPetro đã vượt doanh thu của doanh nghiệp đứng thứ 500 của Bảng xếp hạng Fortunes 500 của Doanh nghiệp Mỹ.
PVN dẫn dầu Top doanh thu năm 2013 với gần 772.000 tỷ đồng.
Ngày 17/1, Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam ( Vietnam Report) đã chính thức công bố Bảng xếp hàng VNR500 – Top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam với vị trí dẫn đầu thuộc về Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN).
Doanh thu năm 2013 của PVN đạt 772.000 tỷ đồng, tương ứng với gần 37 tỷ USD. Vietnam Report cho rằng, nếu Fortune đưa PVN vào bảng xếp hạng Fortune Global 500 năm tương ứng thì PVN sẽ đạt vị trí gần 300 trong bảng xếp hạng này.
Bên cạnh PVN, 6 doanh nghiệp khác trong Bảng xếp hạng VNR500 năm 2013 cũng đạt mức doanh thu trên 100.000 tỷ đồng, cao hơn doanh thu của doanh nghiệp đứng thứ 500 của Bảng xếp hạng Fortunes 500 của Doanh nghiệp Mỹ.
Các doanh nghiệp này gồm có Công ty TNHH Samsung Electronics Vietnam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Liên doanh Việt – Nga VietsoPetro.
Theo kết quả xếp hạng, số doanh nghiệp tư nhân xuất hiện trong danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2013 chiếm tới hơn 44%, cao hơn số doanh nghiệp nhà nước (hơn 40%) và doanh nghiệp nước ngoài (hơn 15%).
Tuy nhiên, xét về doanh thu, khối doanh nghiệp nhà nước vẫn chiếm tới hơn 62% trong tổng doanh thu của toàn bảng xếp hạng VNR500 năm 2013, cho thấy các doanh nghiệp nhà nước vẫn tiếp tục chi phối nền kinh tế. Nối gót là khối doanh nghiệp tư nhân với 19,4% và doanh nghiệp nước ngoài với 18,5% tổng doanh thu của bảng xếp hạng.
Doanh thu của doanh nghiệp, nhất là khối tư nhân, tăng đều trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế.
Video đang HOT
Ngoài ra, so với năm 2012, danh sách năm nay có sự xuất hiện của hơn 160 cái tên mới, tương ứng với hơn 32% số doanh nghiệp của BXH, trong đó có tới 40,4% là doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước chiếm 36,6% và doanh nghiệp nước ngoài chiếm 23%.
Theo dõi VNR500 từ năm 2007 tới nay, điểm đáng chú ý là mức doanh thu tối thiểu để lọt vào danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam tăng dần qua từng năm, dù năm 2012 có sụt giảm do ảnh hưởng từ những bất ổn kinh tế năm 2011: lạm phát cao hơn 18%, bất động sản đóng băng, giá vàng tăng vọt, ngân hàng lao đao vì nợ xấu sau quãng thời gian tăng trưởng quá nóng…
Đơn vị xếp hạng cho rằng, cùng với xu thế hội nhập kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam đang tận dụng tốt thời cơ và vững vàng tăng trưởng doanh thu hàng năm.
Khoáng sản, xăng dầu, tài chính dẫn đầu Top doanh thu
Xét theo lĩnh vực, công nghiệp vẫn là nhóm có đông doanh nghiệp lớn nhất (xấp xỉ 72%), đồng thời cũng là nhóm có tổng doanh thu lớn nhất (trên 73,6%) của bảng xếp hạng VNR500 năm 2013.
Doanh thu từ ngành khoáng sản gấp đôi ngành điện và gần gấp 3 ngành tài chính.
Kế tiếp là lĩnh vực dịch vụ (số doanh nghiệp chiếm gần 22% với tổng doanh thu chiếm 23,5%) và lĩnh vực nông- lâm- thủy sản (số doanh nghiệp chiếm hơn 6% với tổng doanh thu chiếm gần 3%).
Xét theo ngành nghề, ngành khoáng sản- xăng dầu có tổng doanh thu chiếm tới hơn 33,6% tổng doanh thu của toàn bảng xếp hạng, tiếp đến là ngành điện (14,5%) và ngành tài chính- bao gồm ngân hàng, tài chính, chứng khoán, bảo hiểm và vàng bạc (12,3%).
Thế nhưng, nếu tính toán hệ số sinh lời trên nguồn vốn chủ sở hữu (ROE) thì cơ khí lại là ngành có hệ số ROE trung bình ngành cao nhất (0,47), tiếp theo là ngành điện (0,46) và thực phẩm- đồ uống (0,43).
Các ngành khác đều có ROE trung bình ngành dưới 0,4, đồng nghĩa với việc với mỗi 10 đồng vốn chủ đầu tư, các doanh nghiệp này kiếm về chưa được 4 đồng lãi. Điều này cho thấy cơ hội tăng trưởng của các ngành Top 3 về ROE kể trên là rất lớn.
Bích Diệp
Theo Dantri
Tái cơ cấu VNPT lợi nhiều bề
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho biết: Việc tái cơ cấu Tập đoàn VNPT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm tổ chức thực hiện thắng lợi quá trình cổ phần hóa DNNN theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Tái cơ cấu DNNN là nhiệm vụ trọng tâm, nhằm nâng cao năng lực, sức cạnh tranh và hiệu quả hoạt động của các DNNN, tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững của cả nền kinh tế, thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và sự chỉ đạo của Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh trong Hội nghị Tổng kết năm 2013 và Triển khai kế hoạch năm 2014 của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam ngày 10/1/2014.
Quyết định số 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước giai đoạn 2011-2015" đã đặt ra mục tiêu, nguyên tắc, nhiệm vụ và giải pháp cho việc tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) giai đoạn 2011-2015.
Triển khai Quyết định trên, Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT) đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) xây dựng Đề án "Tái cơ cấu Tập đoàn VNPT giai đoạn 2013-2015", theo đó sẽ tách một trong hai mạng thông tin di động hiện nay của VNPT ra khỏi Tập đoàn, tuân thủ đúng quy định về sở hữu chéo của pháp luật về viễn thông, được ghi trong Điều 17 Luật Viễn thông và Điều 3 Nghị định 25/2011/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông.
Tách Mobifone thành doanh nghiệp độc lập
Vấn đề được mọi người quan tâm, thảo luận là phương án nào, tách Vinaphone hay Mobifone ra khỏi VNPT và cổ phần hóa, sẽ mang lại nhiều hiệu quả và lợi ích hơn cho doanh nghiệp và đất nước?
Về vấn đề này, ý kiến của các chuyên gia cho rằng, việc cổ phần hóa Vinaphone sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc định giá doanh nghiệp, bởi đây vốn là doanh nghiệp hạch toán phụ thuộc, tài sản vốn có nhiều đan xen cùng hệ thống VNPT địa phương. Thêm nữa, Vinaphone chưa tích lũy được nhiều kinh nghiệm hoạt động kinh doanh độc lập, chưa từng quản lý một mạng thông tin di động hoàn chỉnh, toàn bộ hệ thống bán hàng, cung cấp dịch vụ cũng dựa vào lực lượng và cơ sở vật chất của các VNPT tỉnh, thành phố là chủ yếu.
Do đó việc tách Vinaphone ra khỏi Tập đoàn để thành lập một doanh nghiệp viễn thông mới, độc lập, có sức vươn, cạnh tranh ngang bằng với Mobifone và Viettel sẽ gặp rất nhiều khó khăn, khả năng thành công không cao.
Còn Mobifone đã và đang là doanh nghiệp hạch toán độc lập với Tập đoàn mẹ (VNPT), có nhiều năm kinh nghiệm hoạt động kinh doanh độc lập, hiệu quả; có hệ thống các kênh phân phối bán hàng, điều hành kinh doanh riêng, chuyên nghiệp... nên ngay sau khi tách, Mobifone chắc chắn vẫn hoạt động như một doanh nghiệp độc lập hoàn chỉnh, hứa hẹn sẽ trở thành một Tổng công ty Viễn thông mạnh, hoạt động hiệu quả, có năng lực canh tranh cao.
Hơn nữa, thương hiệu Mobifone vốn có uy tín, được đánh giá cao, nên khi thực hiện cổ phần hóa sẽ có sức hút đối với các nhà đầu tư chiến lược có tiềm năng kinh tế, mang lại lợi ích cao hơn cho Nhà nước và bản thân doanh nghiệp.
Trong thực tế thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Mobifone đã có thời gian được xem xét định giá để cổ phần hoá. Việc điều chuyển một số bộ phận kinh doanh chưa hiệu quả của VNPT sang Tổng công ty Viễn thông Mobifone sau khi tái cơ cấu cũng sẽ làm cho bức tranh tài chính của VNPT thêm rõ ràng và minh bạch
Đồng thời khi phải hoạt động dưới sức ép cạnh tranh với hai "ông lớn" là Mobifone và Viettel, VNPT buộc phải tiến hành nâng cao năng lực quản trị, sức cạnh tranh, tất yếu dẫn đến nâng cao hiệu quả kinh doanh dịch vụ thông tin di động và các dịch vụ viễn thông khác.
Trong bức tranh tổng thể, việc thực hiện tái cơ cấu VNPT theo hướng tách và thành lập Tổng công ty Mobifone góp phần tạo nên một thị trường viễn thông, với môi trường cạnh tranh lành mạnh, phát triển bền vững dựa trên ba trụ cột doanh nghiệp có tiềm lực và quy mô lớn là VNPT, Viettel và Mobifone, không những làm chủ thị trường trong nước mà còn dư sức vươn thế giới, phù hợp với Quy hoạch phát triển viễn thông Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 32/2012/QĐ-TTg ngày 27/7/2012. Tất cả những điều trên đã được đặt ra và xem xét cẩn trọng, thấu tình, đạt lý. Nội dung dự thảo lần cuối Đề án tái cơ cấu Tập đoàn VNPT đã đề xuất phương án tách Mobifone ra khỏi VNPT, thành lập Tổng công ty Viễn thông Mobifone.
Tạo đột phá cho thị trường viễn thông
Trao đổi với Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Bộ trưởng Bộ TTTT, kiêm Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Bắc Son cho biết: Việc tái cơ cấu Tập đoàn VNPT là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm tổ chức thực hiện thắng lợi quá trình cổ phần hóa DNNN theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Trong quá trình xây dựng Đề án tái cơ cấu Tập đoàn VNPT, Bộ đã tập trung phân tích, đánh giá thận trọng, khoa học các phương án, trên cơ sở phát huy cao độ trách nhiệm, trí tuệ của đội ngũ cán bộ trong các đơn vị thành viên và trong Ban Lãnh đạo của Tập đoàn VNPT, cùng sự đóng góp tâm huyết, sâu sắc của các cán bộ lão thành trong ngành và các chuyên gia. Đồng thời, trong cả quá trình xây dựng Đề án, Bộ TTTT luôn nhận được sự chỉ đạo sát sao của Thường trực Chính phủ, trực tiếp là của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.
Đến nay, sau nhiều bước tiếp thu, chỉnh sửa, Đề án đã hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
"Khi thực hiện tái cơ cấu Tập đoàn VNPT xong, chắc chắn thị trường viễn thông Việt Nam sẽ có những đột phá mới. Tiến trình cổ phần hoá Mobifone sẽ sớm được diễn ra theo Quyết định số 528/QĐ-TTg ngày 14/6/2005, cũng như yêu cầu có tính tiên quyết về cổ phần hoá DNNN thể hiện trong Thông điệp đầu năm của Thủ tướng Chính phủ. Trên cơ sở đó, các doanh nghiệp viễn thông sẽ lớn mạnh, hoạt động hiệu quả hơn, đóng góp tích cực vào tiến trình tái cơ cấu DNNN, góp phần đem lại hiệu quả và lợi ích cao nhất cho doanh nghiệp, cho đất nước", Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nhấn mạnh.
Theo Yến Linh
Chinhphu.vn
Học bổng VNPT tiếp sức "Hành trình tri thức" Ngày 8/12, 51 suất học bổng VNPT với tổng trị giá 60 triệu đồng đã được trao cho các em học sinh tại Hải Dương trong chương trình Tổng kết 3 năm "Hành trình tri thức" và trao Học bổng Khuyến học "VNPT - Chắp cánh tài năng Việt" do VNPT Hải Dương tài trợ chính và Đài Truyền hình Hải Dương đồng...