7 điều đặc biệt tại phiên toà xét xử ông Phan Văn Vĩnh
92 người hầu toà, phòng xử rộng 1.000 m2, chủ toạ xét hỏi làm bị cáo dù phản cung cũng phải nhận tội.
Sáng 13/11, TAND tỉnh Phú Thọ khai mạc phiên toà lớn nhất trong lịch sử với 92 bị cáo ở 6 nhóm tội danh. Trong các bị cáo có hai người từng mang chức vụ cao là cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh và cựu cục trưởng Cục cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao C50 Nguyễn Thanh Hoá.
Đường dây đánh bạc trực tuyến này với số tiền thu gần 10.000 tỷ đồng được xác định là đường dây có quy mô lớn nhất cả nước.
Sau 10 ngày thẩm vấn và ba ngày tranh tụng, chủ toạ thông báo HĐXX nghị án kéo dài, sẽ công bố bản án vào sáng 30/11.
13 ngày vừa qua, việc điều hành, tổ chức phiên tòa có nhiều điểm đặc biệt.
HĐXX dưới sự điều hành của nữ chủ toạ. Ảnh: Phạm Dự.
Phòng xét xử hơn 1.000 m2
Chánh án TAND tỉnh Phú Thọ Ngô Tố Dụng cho biết đây là vụ án tính chất phức tạp, số lượng người bị xét xử lớn nhất từ trước tới nay tại Phú Thọ. Toà đã cải tạo khu vực sân chừng 1.000 m2 thành phòng xử án “rộng mênh mông”.
Hai màn hình lớn được đặt hai bên, VKS thường trình chiếu từng bút lục khi cần thiết hoặc các văn bản cho bị cáo, người liên quan đối chiếu. Nhiều luật sư chia sẻ dù dự nhiều phiên tòa song chưa thấy ở đâu đầu tư hiện đại như ở đây, xứng đáng là “phiên tòa mẫu”.
Phiên tòa có lịch làm việc dày đặc kéo dài từ thứ hai tới hết thứ bảy song thời gian bố trí nghỉ hợp lý. Cụ thể, sáng 7h30-11h, chiều từ 14h đến 17h.
Sân toà được trải thảm nhựa, khoảng 120 băng ghế được xếp ngay ngắn. Ảnh: Phạm Dự
Dùng xe cẩu chuyển hồ sơ vụ án từ VKS về tòa
Khi nhận hồ sơ từ VKSND tỉnh, toà cử hơn 10 thư ký sang kiểm đếm bút lục trong hai ngày. Sau đó, để chuyển số hồ sơ lên xe, cơ quan tố tụng phải thuê máy cẩu.
Hồ sơ vụ án để trong 7 chiếc tủ sắt cao hơn hai mét, tất cả đều có khoá bảo mật. Từ nhiều tháng trước phiên tòa, các thẩm phán đều đọc hồ sơ tới khuya mới về.
Theo VKS, từ giai đoạn điều tra, dù huy động hơn 100 cán bộ công an, lực lượng kỹ thuật tham gia suốt 12 tháng song việc điều tra vẫn chưa thể triệt để. Vụ án liên quan nhiều cấp, ngành.
Video đang HOT
Khẳng định “không có vùng cấm”, VKS nói vụ án còn được điều tra tiếp ở giai đoạn hai, trong đó có làm rõ dấu hiệu nhận hối lộ, động cơ vụ lợi của ông Vĩnh và cựu cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hoá.
Gần 300 người tham gia tố tụng
Những người tham dự phiên tòa. Ảnh: Phạm Dự.
Theo công bố của chủ tọa, phiên xử có mặt 91 bị cáo, một người xin vắng mặt, 30 luật sư bào chữa. Gần 200 người tham gia tố tụng. 72 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan được triệu tập song vắng nhà tới 300%
Để phục vụ xét hỏi 92 bị cáo, HĐXX mời 14 người làm chứng và ba điều tra viên của Cơ quan An ninh điều tra (Công an tỉnh Phú Thọ).
Luận tội kiểu cuốn chiếu
Bản luận tội không trình bày theo mô tuýp thông thường mà VKS vận dụng kiểu cuốn chiếu với từng bị cáo. Ví dụ: Sau khi đưa ra nội dung truy tố với ông Phan Văn Vĩnh, bản luận tội nêu lại tình trạng thẩm vấn của bị cáo này tại tòa, tiếp đó là những căn cứ, lập luận của cơ quan công tố về hành vi phạm tội. Cuối cùng, VKS đề nghị tội danh cũng như mức hình phạt.
Nhiều luật sư nhận định cách luận tội như trên là “khoa học, dễ theo dõi”. Khi đối đáp, công tố viên cũng chỉ nêu ý chính trong nội dung cáo trạng nên giúp phiên tòa tiết kiệm được thời gian.
Phần tranh luận cũng được HĐXX áp dụng hình thức cuốn chiếu. Nghĩa là bị cáo tranh luận, sau đó luật sư trình bày bào chữa rồi đại diện VKS tranh luận trực tiếp. Xong bị cáo này mới đến bị cáo khác.
Không bị cáo nào kêu oan
Sáng 21/11, VKS cho hay 89/91 bị cáo có mặt, ba bị cáo, riêng bà Lê Thị Lan Thanh, Phan Văn Vĩnh (cựu trung tướng, cựu tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát), Nguyễn Thanh Hóa (cựu cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao – C50). Trong đó, bị cáo Vĩnh chưa thừa nhận lợi dụng chức vụ mà khai chỉ phạm lỗi gián tiếp, thiếu trách nhiệm. Bị cáo Hóa quanh co chối tội, đổ lỗi cho người khác.
Tuy nhiên sang tới ngày 22/11, cả ba bị cáo đều thay đổi lời khai, nhận tội. Đặc biệt là ông Nguyễn Thanh Hóa, từ khi bước vào tranh luận tới lúc nói lời sau cùng, ông nhiều lần nói xin lỗi với Đảng, Bộ Công an, với Nguyễn Văn Dương và cấp dưới cũ của mình ở C50.
Còn Nguyễn Văn Dương chỉ xin hưởng khoan hồng để yên tâm cải tạo, không chống án.
Ông Nguyễn Thanh Hóa đã nhận tội sau một ngày phản cung. Ảnh: Phạm Dự.
Bị cáo ở 24 tỉnh, thành phố
Tháng 5/2017, Huy bí tiền chơi bạc bèn lên mạng Internet tìm cách chiếm quyền sử dụng tài khoản Facebook của một phụ nữ ở tỉnh Phú Thọ, lừa bạn của cô này chuyển 110 thẻ cào với giá trị 55 triệu đồng. Số thẻ này Huy dùng để chơi bạc ở cổng game Rikvip/Tip.Club và cho bạn chơi cùng.
Khi hành vi lừa đảo bị phát giác, từ lời khai của Huy, cơ quan điều tra phát hiện đường dây đánh bạc qua mạng núp bóng game bài do Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam tổ chức. Kết quả, 92 người phải hầu tòa về 6 tội danh.
Theo đó, mạng lưới đã lôi kéo được gần 43 triệu tài khoản tham gia đánh bạc trực tuyến. Tổng doanh thu bất chính lên tới gần 10.000 tỷ đồng. Trong 92 bị cáo hầu tòa có 43 người tham gia đánh bạc trải khắp 24 tỉnh thành, từ đồng bằng đến miền núi, từ thành thị tới nông thôn, có cả tri thức, công nhân, nông dân, sinh viên.
Một trong số đó là bị cáo Phạm Quang Minh (Bắc Giang). Ở phần thẩm vấn Minh trình bày đã thua khoảng hai tỷ đồng và từ đây kéo theo bao hệ lụy khiến giờ “vô cùng ăn năn hối hận vì đã không biết trân trọng cuộc sống trước đây”. Từ người kinh doanh quần áo có thu nhập ổn định, Minh đã phá sản, phải bán nhà, vay nợ người thân, vợ hiện bỏ đi đâu không rõ.
Các con bạc dù đến từ Đà Nẵng, TP HCM, Bình Dương, hay Cao Bằng, Phú Thọ… đều điểm chung là: thua bạc, mất tiền.
Nhanh chóng thu hồi được hơn 1.300 tỷ đồng
Theo thông báo của cơ quan công tố, trong vụ án này, hơn 20 bị cáo cùng nhóm các cựu chủ đại lý cấp một, hai, người đánh bạc đã bị tạm giữ đồ vật, tài sản, tiền mặt trị giá hơn 1.300 tỷ đồng. Trong đó, Phan Sào Nam đã tự nguyện nộp 1.300 tỷ trong 1.500 tỷ đồng thu lời bất chính. Dương chỉ nộp hơn 240 tỷ và bị cho rằng vẫn che giấu nguồn tiền bất minh còn lại khoảng 1.500 tỷ đồng.
So với nhiều vụ đại án khác, nguồn tiền thu hồi trong vụ án này là “con số mơ ước”. Ông Đinh La Thăng trong hai vụ án phải bồi thường 630 tỷ đồng song ông nói chỉ có “nửa căn nhà chung cư” là tài sản chung vợ chồng để có thể kê biên thi hành án.
Cơ quan chức năng xác định Nguyễn Văn Dương (chủ tịch Công ty TNHH Đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao – CNC), Phan Sào Nam (chủ tịch VTC Online) và các đồng phạm đã lợi dụng công nghệ cao để tổ chức đánh bạc qua mạng. Việc này có sự trợ giúp của ông Vĩnh và Hoá là những người có chức vụ quyền hạn trong cơ quan nhà nước được giao đấu tranh phòng chống tội phạm công nghệ cao.
Bảo Hà
Theo VNE
Hai cựu tướng công an "chưa thành khẩn khai báo"
Đại diện Viện KSND tỉnh Phú Thọ nhận định, hai cựu tướng công an là Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa chưa thành khẩn khai báo, quanh co chối tội, đổ lỗi cho người khác, không nhận tội lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ.
Đại diện Viện KSND đề nghị: Phan Văn Vĩnh 7 năm đến 7 năm 6 tháng tù, Nguyễn Thanh Hóa 7 năm 6 tháng đến 8 năm tù, Nguyễn Văn Dương 11 - 13 năm tù, Phan Sào Nam 6 - 7 năm tù Ảnh: Sơn Quân
Ngày 21.11, phiên tòa xét xử hai cựu tướng công an và đường dây đánh bạc ngàn tỉ qua mạng internet kết thúc phần thẩm vấn 92 bị cáo, chuyển sang phần luận tội.
Vụ án lớn kỷ lục của ngành tư pháp
Dì ruột và chị họ Phan Sào Nam được đề nghị hưởng án treo
Cũng trong bản luận tội được công bố tại tòa ngày 21.11, đại diện Viện KSND tỉnh Phú Thọ đề nghị mức án 15 năm tù đối với bị cáo Lưu Thị Hồng, Tổng giám đốc Công ty CNC, về tội tổ chức đánh bạc. Các bị cáo khác thuộc công ty bình phong của C50 cũng bị đề nghị mức án từ 15 - 49 tháng tù về các tội đánh bạc, tổ chức đánh bạc, rửa tiền và yêu cầu nộp nhiều tỉ đồng tiền thu lợi bất chính.
Viện KSND đề nghị tuyên phạt bị cáo Đỗ Bích Thủy, Giám đốc Công ty Nam Việt và là chị họ bị cáo Phan Sào Nam, mức án 24 - 27 tháng tù về tội tổ chức đánh bạc, cho hưởng án treo, thời gian thử thách gấp đôi mức án bị tuyên; bị cáo Phan Thu Hương (57 tuổi, Q.Tây Hồ, Hà Nội), dì ruột bị cáo Phan Sào Nam, 3 năm tù về tội rửa tiền, cho hưởng án treo, thời gian thử thách 5 năm từ ngày tuyên án sơ thẩm...
Đại diện Viện KSND tỉnh Phú Thọ nhận định, vụ án sử dụng mạng internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, đánh bạc, mua bán trái phép hóa đơn, rửa tiền, đưa hối lộ, lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ xảy ra tại Phú Thọ và một số tỉnh, thành do bị cáo Nguyễn Văn Dương (Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao - CNC), và đồng phạm lợi dụng công nghệ cao, có sự trợ giúp của Phan Văn Vĩnh (cựu trung tướng, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an) và Nguyễn Thanh Hóa (cựu thiếu tướng, cựu Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - C50) là những người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan được nhà nước giao đấu tranh, phòng chống tội phạm công nghệ cao.
Từ tháng 4.2015, đường dây này đã xây dựng một hệ thống gồm 25 đại lý cấp 1 và 5.877 đại lý cấp 2; qua đó lôi kéo được gần 43 triệu tài khoản đăng ký tham gia đánh bạc trực tuyến. Tổng thu lời bất chính thông qua hoạt động nạp tiền, thẻ vào dịch vụ tổ chức đánh bạc trái phép gần 10.000 tỉ đồng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Vụ án có quy mô tội phạm xảy ra trên không gian mạng ở cả trong nước và quốc tế; tổng cộng đã khởi tố 105 người, trong đó có cả cán bộ mang trọng trách, chức vụ cao trong cơ quan nhà nước. Đến nay, cơ quan chức năng đã thu hồi được hơn 1.300 tỉ đồng, kê biên tài khoản ngân hàng được hơn 240 tỉ đồng... Đây là vụ án lớn kỷ lục của nền tư pháp. Liên ngành tư pháp T.Ư cho phép giải quyết cơ chế đặc biệt. Vụ án chia thành 2 giai đoạn, giai đoạn 1 chứng cứ sai phạm đến đâu xử lý đến đấy, sau đó sẽ tiếp tục điều tra xử lý.
Hai cựu tướng công an "có dấu hiệu bảo kê, nhận hối lộ"
Đại diện Viện KSND cho rằng bị cáo Phan Văn Vĩnh đã tạo điều kiện cho Nguyễn Văn Dương và đồng bọn phạm tội tổ chức đánh bạc ở 3 giai đoạn. Giai đoạn 1, các bị cáo Vĩnh và Hóa biết Công ty CNC có ý tưởng làm trái pháp luật trong lĩnh vực công nghệ cao nhưng không có biện pháp giáo dục, phòng ngừa. Trước khi Dương và đồng phạm vận hành game trái phép, bị cáo Vĩnh và Hóa đã có nhiều báo cáo lên cấp trên để xin cấp phép cho Công ty CNC (là công ty bình phong của C50) vận hành game đánh bạc, kết nối với các công ty game lậu thâm nhập, nắm tình hình... Giai đoạn 2, biết Công ty CNC vận hành game bài nhưng không chỉ đạo ngăn chặn, một mặt còn xin cấp phép hoạt động thí điểm. Giai đoạn này, Công ty CNC vừa có trụ sở nằm trong Tổng cục Cảnh sát (số 10 Hồ Giám, Q.Đống Đa, Hà Nội), vừa có quyết định là công ty bình phong của C50 nên không cơ quan nào xem xét, xử lý... Giai đoạn 3, có hành vi trái pháp luật nhưng không chấp hành mệnh lệnh của cấp trên, tiếp tục chỉ đạo cấp dưới báo cáo không trung thực, hợp thức hóa hành vi sai phạm của mình... "Xét hành vi nêu trên của Phan Văn Vĩnh đã đầy đủ dấu hiệu đồng phạm giúp sức cho Nguyễn Văn Dương cùng đồng phạm khác tổ chức đánh bạc trái phép. Song, về chủ thể thì Phan Văn Vĩnh là người có chức vụ quyền hạn với đầy đủ công cụ, phương tiện, lực lượng được nhà nước giao để thực hiện việc phòng ngừa, trấn áp, có ý nghĩa quyết định việc sống còn của game bài do Nguyễn Văn Dương cùng đồng phạm vận hành nhưng Phan Văn Vĩnh không làm mà để tồn tại, phát triển gây ra hậu quả đặc biệt nguy hiểm cho xã hội. Do vậy, xét về bản chất thì hành vi của Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa có dấu hiệu "bảo kê", nhận hối lộ. Trong đó, Phan Văn Vĩnh là người chỉ huy, còn Nguyễn Thanh Hóa là người thực hành tích cực", đại diện Viện KSND nêu.
Trước tòa, bị cáo Phan Văn Vĩnh không thừa nhận tội danh lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, chỉ nhận thiếu trách nhiệm, lỗi cố ý gián tiếp để ông Nguyễn Thanh Hóa, Nguyễn Văn Dương tổ chức đánh bạc. Do cơ quan điều tra chưa đủ căn cứ xác định bị cáo Vĩnh và Hóa hưởng lợi cá nhân, nên việc xem xét xử lý hành vi của bị cáo Vĩnh dừng lại mức đủ yếu tố cấu thành tội lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Viện KSND đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Vĩnh phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ với mức án từ 7 năm đến 7 năm 6 tháng tù, thời hạn tù tính từ ngày 6.4.2018.
Đối với bị cáo Nguyễn Thanh Hóa, đại diện Viện KSND nêu với chức năng, nhiệm vụ được Bộ Công an giao chức năng đấu tranh phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, bị cáo Hóa đã không hoàn thành nhiệm vụ, tham mưu cho ông Vĩnh soạn thảo Quyết định 158 công nhận Công ty CNC là công ty bình phong. Khi biết Công ty CNC hoạt động tổ chức đánh bạc, bị cáo không ngăn chặn, xử lý mà còn tham mưu, ban hành các văn bản tạo điều kiện thuận lợi cho hành vi tổ chức đánh bạc, bao che không cho các phòng nghiệp vụ có chức năng phòng, chống tội phạm công nghệ cao được xác minh, xử lý. Khi lãnh đạo Bộ Công an yêu cầu báo cáo hành vi đánh bạc của hai game bài có dấu hiệu vi phạm pháp luật, bị cáo Hóa không chấp hành ý kiến chỉ đạo. Đến khi có văn bản lần thứ hai, sau 50 ngày mới chỉ đạo Phòng Tham mưu báo cáo lãnh đạo Bộ Công an nhưng báo cáo không trung thực để che giấu hành vi phạm tội của Công ty CNC. Quá trình điều tra, cơ quan điều tra chưa có đủ căn cứ khẳng định bị cáo Hóa hưởng lợi cá nhân nên việc xem xét, xử lý bị cáo mới chỉ dừng ở mức độ đủ yếu tố cấu thành tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn...
Hành vi của bị cáo Hóa giữ vai trò là người thực hành tích cực, truyền đạt ý kiến của ông Phan Văn Vĩnh, ngăn cản cấp dưới kiểm tra, xử lý đối với game bài do Nguyễn Văn Dương cùng đồng phạm vận hành. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo Hóa không thành khẩn, không ăn năn hối lỗi về hành vi phạm tội của mình mà còn đổ lỗi cho người khác. Trong khi chính bản thân bị cáo là người thực hành tích cực, biết rõ ý định của Nguyễn Văn Dương muốn vận hành cổng thanh toán cho game cờ bạc ngay từ sau khi hợp tác với C50 năm 2011 nhưng vẫn chỉ đạo soạn thảo và ký nhiều văn bản giúp Nguyễn Văn Dương cùng đồng phạm tổ chức đánh bạc. Đại diện Viện kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Hóa phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, mức án từ 7 năm 6 tháng đến 8 năm tù.
Tịch thu, sung công hơn 3.100 tỉ đồng
Trái ngược với hai cựu tướng công an, Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam (Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty VTC Online) được đại diện Viện KSND nhận định là thành khẩn khai báo. Riêng Phan Sào Nam còn tích cực khắc phục hậu quả, giúp cơ quan điều tra trong quá trình xác minh vụ án.
Đại diện Viện KSND nêu, Nguyễn Văn Dương đã thừa nhận tội danh truy tố là tổ chức đánh bạc, rửa tiền. Bị cáo Dương là đối tượng cầm đầu, chỉ huy các đối tượng hoạt động tại Công ty CNC và một số công ty khác. Qua tổ chức đánh bạc, Dương thu lợi bất chính hơn 1.655 tỉ đồng. Quá trình điều tra, Dương đã tự thú về việc được các bị cáo Vĩnh và Hóa tạo điều kiện cho tổ chức đánh bạc trực tuyến trên mạng internet, nên khi có được nguồn thu từ việc tổ chức đánh bạc, để che giấu Dương đã thực hiện hành vi rửa tiền, đến nay mới thu hồi hơn 240 tỉ đồng và 4 ô tô chưa định giá. Hành vi của Dương đủ yếu tố cấu thành tội tổ chức đánh bạc và rửa tiền. Viện KSND đề nghị tuyên phạt Dương 8 - 9 năm tù về tội tổ chức đánh bạc, 3 - 4 năm tù về tội rửa tiền, tổng hợp hình phạt 11 - 13 năm tù, tính từ ngày 30.8.2017; tuyên tịch thu sung ngân sách hơn 1.655 tỉ đồng...
Đại diện Viện KSND nhìn nhận, bị cáo Phan Sào Nam đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình như cáo trạng truy tố. Thông qua hoạt động tổ chức đánh bạc trái phép, Nam thu lợi bất chính số tiền hơn 1.475 tỉ đồng. Sau đó, Nam chuyển tiền lòng vòng qua nhiều trung gian, chuyển cho người thân đầu tư bất động sản, bạn bè cất giữ hộ... Tổng số tiền rửa tiền của Nam là hơn 320 tỉ đồng. Số tiền 3,5 triệu USD Nam khai gửi ở ngân hàng tại Singapore khi xác minh xong sẽ tịch thu sung công quỹ, không đặt vấn đề xử lý trách nhiệm hình sự. Cơ quan điều tra đã thu giữ được của Nam 1.080 tỉ đồng, phong tỏa tài khoản ngân hàng, kê biên nhà, 13 hợp đồng mua bán căn hộ, 4 ô tô, tổng thu hiện nay là hơn 1.300 tỉ đồng, đạt hơn 90,7% tổng số tiền phạm tội mà có. Viện KSND đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Nam 3 - 4 năm tù về tội tổ chức đánh bạc, 3 năm tù về tội rửa tiền, tổng hợp hình phạt 6 - 7 năm tù; tuyên tịch thu sung công quỹ gần 1.475 tỉ đồng do phạm tội mà có...
Trách nhiệm của các nhà mạng
Trong biên bản luận tội đọc tại tòa, đại diện Viện KSND cũng cho rằng, việc sử dụng thẻ viễn thông để thanh toán nội dung số trong đó có game có từ năm 2011 chứ không phải tới game Rikvip mới vi phạm. Việc này có sự đồng ý của Bộ TT-TT thông qua việc phê duyệt đề án cung cấp game G1 (trò chơi điện tử có sự tương tác giữa nhiều người chơi với nhau đồng thời thông qua hệ thống máy chủ trò chơi của doanh nghiệp - PV) khi doanh nghiệp xin giấy phép cung cấp trò chơi điện tử G1 trên mạng. Đại diện Viện KSND nhấn mạnh, sai phạm của doanh nghiệp viễn thông cho sử dụng mạng, sử dụng thẻ viễn thông vào nội dung số nói chung và game nói riêng là do văn bản cá biệt của Bộ TT-TT. Do đó, về nguyên tắc, muốn thu tiền của các doanh nghiệp viễn thông thì phải xử lý được cán bộ của Bộ TT-TT đã ra văn bản quản lý hành chính sai trái pháp luật, còn các nhà mạng chỉ xử lý theo trách nhiệm dân sự là hưởng lợi không có căn cứ pháp lý theo quy định của bộ luật Dân sự 2015.
Từ đó, Viện KSND đề nghị chỉ thu của nhà mạng số tiền lợi tức được hưởng theo tỷ suất lợi nhuận trên doanh thu và tính lại số tiền các nhà mạng phải nộp. Cụ thể, Tổng công ty viễn thông MobiFone chỉ phải nộp số tiền 15,591 tỉ đồng thay vì hơn 38 tỉ như cáo trạng; Tổng công ty dịch vụ viễn thông Vinaphone chỉ phải nộp 13,462 tỉ đồng thay vì hơn 60 tỉ đồng; Tổng công ty viễn thông quân đội Viettel chỉ phải nộp 106,760 tỉ đồng thay vì hơn 274 tỉ đồng như cáo trạng.
Theo TNO
Bị cáo Phan Văn Vĩnh: "Tôi cho tổ ong vào tay áo" Nguyên Tổng cục trưởng Cảnh sát Phan Văn Vĩnh cho rằng, khi đặt bút ký quyết định cho phép công ty CNC thí điểm cổng game đánh bạc, ông đã tự cho cả đàn ong, tổ ong vào tay áo. Hối hận vì "nuôi ong tay áo"? Ngày 23/11, tại TAND tỉnh Phú Thọ, bị cáo Phan Văn Vĩnh - nguyên Trung tướng,...