7 điểm du lịch hấp dẫn trong tháng 12
Tháng 12 là thời điểm các thành phố bắt đầu lên đèn để đón Giáng sinh. Loạt điểm đến sau đây sẽ gợi ý giúp bạn những nơi dừng chân hấp dẫn cho chuyến hành trình cuối năm.
Ảnh: Shutterstock.
Dresden (Đức): Dresden là thành phố thủ phủ của bang tự do Sachsen tại Đức. Tháng 12 là thời điểm Dresden trở nên sống động dưới những ánh đèn lung linh được trang trí khắp nơi. Nổi bật tại đây là chợ Giáng sinh Striezelmarkt, khu chợ lâu đời nhất ở Đức. Du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng tháp Pyramind bằng gỗ, cao nhất thế giới (14 m). Ngoài ra, bạn cũng có thể mua đồ lưu niệm hay thưởng thức các hương vị ẩm thực đặc trưng của địa phương.
Ảnh: Shutterstock.
Rovaniemi (Phần Lan): Rovaniemi là thành phố ở tỉnh Lapland, Phần Lan. Đến đây, bạn như lạc vào một xứ sở mùa đông thực thụ với tuyết trắng. Nhiệt độ khu vực này thường dao động trong khoảng từ âm 4 độ C đến âm 11 độ C. Rovaniemi là nơi phù hợp cho những người yêu thiên nhiên. Bạn có thể ngắm cực quang Bắc Âu hay khám phá ngôi làng của ông già Noel. Ẩm thực của vùng cũng là một điểm nổi bật, bạn sẽ được ăn những bữa tiệc phong cách tuần lộc mộc mạc hay trải nghiệm leipjuusto (món tráng miệng làm từ bánh mì và phô mai) lạ vị.
Ảnh: Shutterstock.
Hokkaido ( Nhật Bản): Hokkaido là hòn đảo lớn thứ hai của Nhật Bản. Đây là nơi có khí hậu lạnh nhất xứ Phù Tang. Nhiệt độ trung bình vào tháng 12 khoảng âm 12 độ C đến âm 4 độ C. Mùa đông đến, những bông tuyết rơi dưới ánh mặt trời lãng mạn và từng mảng băng tuyết phủ trắng xóa cả vùng. Du khách đến đây có thể tham gia vào lễ hội tuyết Sapporo hay chiêm ngưỡng hiện tượng “bụi kim cương” kỳ thú được hình thành khi nhiệt độ dưới âm 15 độ C.
Ảnh: Shutterstock.
Video đang HOT
Bath (Anh): Bath là thành phố ở hạt lễ nghi Somerset, phía tây nam nước Anh. Tháng 12 là thời điểm diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi tại nơi này. Du khách có thể tham quan chợ Giáng sinh, ngắm những nhà thờ độc đáo và trải nghiệm các lễ hội đường phố. Nổi bật nhất là phòng tắm La Mã với dòng suối nước nóng tự nhiên, nơi được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. Bạn sẽ dễ dàng cảm nhận sự ấm áp đặc biệt bởi những hơi nước bốc lên từ đây.
Ảnh: Shutterstock.
Stockholm ( Thụy Điển): Thủ đô Stockholm được ví như “Venice của phương Bắc”. Mùa đông tại đây rất lạnh, nhiệt độ có thể xuống dưới âm 25 độ C. Tuy vậy, thành phố này vẫn không mất đi vẻ trầm mặc, duyên dáng của một trong những nơi đáng sống nhất thế giới. Đến Stockholm, bạn hãy ghé thăm những bảo tàng, phố cổ Gamla Stan, cung điện Hoàng gia, nhà thờ cổ kính bên bờ biển Baltic. Ngoài ra, khu vực xung quanh thành phố còn có các hoạt động thú vị khác như trượt tuyết, cưỡi tuần lộc hay ngủ trong khách sạn và các lều tuyết làm bằng băng.
Ảnh: Shutterstock.
Goa (Ấn Độ): Goa là một tiểu bang nằm ở vùng duyên hải Konkan, miền tây Ấn Độ. Tháng 12 là mùa du lịch cao điểm cuối cùng trong năm của Goa. Tiểu bang nhỏ bé gây ấn tượng với du khách bằng những vùng đất trù phú, bãi biển hoang sơ và ẩm thực hấp dẫn. Rất nhiều du khách đổ về đây để hòa mình trong những bãi biển đẹp, miền cát trắng trải dài. Vào buổi tối, nơi này còn diễn ra các lễ hội vui nhộn, mang đậm bản sắc văn hóa địa phương.
Ảnh: Shutterstock.
Cuba: Tháng 12 là thời điểm bắt đầu mùa khô của Cuba,.Vì vậy, tại đây không lạnh, cũng chẳng lấp lánh tuyết rơi như những nơi khác. Tuy nhiên, bạn sẽ cảm nhận được từng cơn gió biển ngay trong lòng thành phố. Du khách đừng bỏ lỡ cơ hội tham quan khu phố cổ với những lối kiến trúc độc đáo, đi dọc trên con đường đá ven biển Malecon. Đây không chỉ là một địa điểm để dạo chơi, thư giãn mà còn là nơi cho bạn cơ hội khám phá nhiều lát cắt văn hóa, lịch sử thú vị.
Theo news.zing.vn
Dải ngân hà quên lãng
Bạn có bao giờ nhìn thấy bầu trời sao lấp lánh trọn vẹn hình ảnh của dải ngân hà?
Những chòm sao vốn ngày thường mờ nhạt hoặc phải dùng kính viễn vọng soi mãi mới thấy, thì giữa đêm khuya, mở cửa ra nhìn, cả thiên hà lấp lánh rung rinh trên vòm trời cong như mái nhà thờ khổng lồ.
Một phần ba nhân loại không còn thấy được dải ngân hà - là tựa bài báo tôi đọc được trên một tạp chí thiên văn năm 2016, và cũng là lời của Thomas - một người đi cắm trại quê ở vùng Bishop, California (Hoa Kỳ) nói với tôi. Thomas tự hào ông vẫn còn thấy được ngân hà mỗi chiều cuối tuần. Đó là đặc sản của quê hương ông. Tờ quảng cáo du lịch, thị trấn bé nhỏ sát dãy núi Sierra Nevada viết: "Bishop - Nơi bạn có thể thấy được dải ngân hà, là điểm đến yêu thích của những nhiếp ảnh gia thiên văn và nhà nghiên cứu thiên văn khắp thế giới".
Buổi chiều hôm ấy, Thomas dắt con trai của ông đi cắm trại, dựng lều ngay một khối đá lớn để tránh gió, và vô tình trở thành "hàng xóm" của chúng tôi - cũng đang cắm trại cạnh đó. Ở Bishop, niềm vui của nhiều người thật đơn giản và... miễn phí. Xách lều đi vào thung lũng, ngủ một đêm, chui ra khỏi lều giữa đêm nhìn dải ngân hà say đắm, và xếp lều trở về nhà sáng hôm sau. "Vợ chồng tôi định chuyển về Los Angeles làm việc, nhưng lại nghĩ đến chuyện con trai không còn được thấy bầu trời nữa đành thôi" - Thomas đã chọn sự quý giá mà 1/3 nhân loại không còn được thấy nữa: con trai ông có cả bầu trời, có cả dải ngân hà trong ánh mắt.
Thiên nhiên ở Bishop, California, nơi người dân vẫn tự hào quê hương họ là một trong những nơi hiếm hoi trên thế giới mà con người có thể quan sát dải ngân hà trên bầu trời không ô nhiễm
Tôi không định kể cho Thomas nghe về Sài Gòn của tôi, thành phố chìm trong màu mờ mờ buổi sớm. Những đứa lãng mạn như tôi gọi là sương mù, để tưởng tượng về vùng đất yêu thương nhiều ấm áp nào đó ẩn trong tâm trí. Người thực tế thì mở điện thoại, kiểm tra ứng dụng AirVisual để thấy thành phố giờ đang ở độ ô nhiễm cực cao, bụi mịn PM10, PM2.5 nhiều, và nguy hiểm khi ra đường. Một cô bạn của tôi bị đau mắt đỏ suốt hai tuần liền ngay thời gian đó. Bác sĩ muốn cô hạn chế ra đường. Cô nhắn: "Ngày nào cũng đi làm, làm sao mà không ra đường được?"- Có hôm cô ngồi làm và chảy nước mắt vì cộm quá khó chịu.
Làm sao để giải thích cho kẻ có cả trời xanh hiểu rằng ở một vùng đất khác, trời xanh chỉ là khái niệm tạm bợ, nơi người ta tranh cãi nhau đến ngạt thở dựa trên vài con số trong ứng dụng điện thoại. Và để chống lại những lo âu về ô nhiễm, một nhóm người đơn giản là tìm cách... xóa ứng dụng đo ô nhiễm bầu trời đó. Sự mù lòa khiến người ta nghĩ bầu trời vẫn xanh (dù xanh hơn hay mờ đục chắc chỉ là ảo tưởng). Sự bảo thủ với điều không biết khiến người ta coi nhẹ giá trị của những điều tất nhiên phải có trong đời - như là trời xanh, ngày nào nó cũng ở đó, và ta chẳng cần màng gì quan tâm cho mệt.
Những người ở vùng núi xa xôi Bishop California hiểu về những điều có sẵn theo cách khác. Tự nhiên tồn tại ngay mái hiên nhà họ. Dãy núi Sierra Nevada hùng vĩ nằm ngay sau lưng nhà. Trước mặt là dòng sông Owen khổng lồ cung cấp nước sạch cho toàn bộ thành phố Los Angeles cách đó hàng trăm dặm. Tắm mình giữa tự nhiên trong lành nguyên vẹn, dân Bishop đối đãi với thiên nhiên bằng sự trân trọng như người quen bên nhà.
Vài nhóm leo núi góp tiền xây vài cái nhà vệ sinh tự hủy trong thung lũng, chỉ kèm theo câu mong du khách hãy giữ gìn thung lũng sạch. Những nhóm mê xe đạp địa hình có hẳn ngày để đi dọn đường xá, để người đi xe đạp thấy rõ chỉ dẫn, không tự tiện đạp xe khỏi đường quy định, hủy hoại cây cỏ xung quanh. Cả thung lũng nổi tiếng về xe đạp địa hình chỉ thấy lờ mờ vết xe đạp trên một con đường kẻ chỉ duy nhất, toàn bộ hoa dại, cây cỏ khắp thung lũng không vết bánh xe đụng vào. Trong đêm cùng chúng tôi cắm trại, con trai của Thomas sắp xếp máy ảnh, kính viễn vọng, ngồi đợi đến tận hai giờ sáng để thấy được bầu trời. Cậu nhất quyết chụp được một tấm ảnh chòm sao cậu yêu thích để dán vào bài luận ở trường.
Đêm đó, tôi được thấy dải ngân hà. Đó là vòm trời đen thẫm phủ đầy sao, kết ánh lấp lánh như chiếc áo vũ hội của một cô đào cải lương có hiệu ứng ánh sáng chen vào. Đó là những chòm sao trở nên rõ ràng như tấm bản đồ của nhà thiên văn học. Đây đó, một đuôi sao băng rất bé vèo bay qua, lịm tắt. Bầu trời chuyển động. Nó nhấp nháy như mắt người tình, sáng rực rỡ hơn cả ngàn vạn ánh đèn thành phố mà người từng chứng kiến ở những đô thị xa hoa.
Tôi hỏi cậu bé về ý nghĩa của bầu trời. Cậu bé nói nó không biết (có lẽ chỉ có người lớn chúng ta mưu cầu ý nghĩa của một vật về sự tồn tại của chúng). Cậu bé muốn tuần nào cũng xin ba cho cắm trại và nó sẽ chụp hết những chòm sao bạn nó thích và tặng cho từng đứa. Như một sứ mệnh tự quy định mà bọn trẻ vẫn làm cho bạn bè chúng, hoàn toàn không suy tính gì xa hơn.
Những người mất bầu trời thường suy nghĩ gì? - Ý nghĩ thình lình hiện ra giữa lúc dải ngân hà nhấp nháy dịu dàng. Trong một đêm ở Sài Gòn, đứng trên cao ốc, tôi không thấy gì ngoài ánh đèn màu đỏ loang loáng dưới phố khiến bầu trời đặc quánh, đen ngòm. Đó là ô nhiễm ánh sáng. Trong các đô thị khổng lồ, ánh sáng con người tạo ra trộn vào nhau tạo thành một chiếc lồng khổng lồ. Nó giam giữ mắt người trong vùng sáng đó. Ánh sáng cũng làm mắt bị nhầm lẫn, không thể phân định được đâu là ngôi sao, đâu là vùng sáng của đèn. Ánh sao chìm biến mất trong vùng ánh sáng vàng, gần giống với "chiếc lồng ánh sáng" ta bắt gặp nếu đi từ một ngọn núi cao và nhìn xuống đô thị đầy nhà cửa.
Tôi nghĩ những người mất bầu trời thực ra không suy nghĩ gì. Họ quên mất sự tồn tại của dải ngân hà từ lâu rồi. Cũng như họ từng nghĩ trời xanh là mãi mãi, thì không trời xanh nữa cũng chỉ là chuyện... thường thôi.
Thế kỷ này báo hiệu những chuyện "thường thôi" đầy bất trắc và vô phương như vậy. Ta trở thành 1/3 cái nhân loại vĩnh viễn mất trí tưởng tượng vào dải ngân hà - đơn giản vì ta chẳng bao giờ còn biết đến sự tồn tại của nó nữa. Con người xếp mình trong những tòa cao ốc, yên tâm vô cùng khi đọc chỉ số không khí: "Cực kỳ ô nhiễm" - và vội vàng lồng chiếc khẩu trang lên mặt - tức tốc lao ra đường trong buổi chiều muộn. Có ngàn việc để lo. Có vô số giá trị để theo đuổi. Có hàng trăm lý do để ta phớt lờ bầu trời vĩnh viễn biến mất khỏi tâm trí mình.
Mất bầu trời chẳng phải chuyện gì to tát lắm. Bây giờ nhân tai xảy ra nhiều đến mức, người ta chỉ thấy quá tải niềm bực dọc và thù địch. Ta cố quên đi mùi nước hôi thối từ vòi nước nhà mình. Ta đã rắp tâm xóa đi ứng dụng đo ô nhiễm không khí. Ta phớt lờ dòng sông nước lên xuống cực đoan và những phản ứng kỳ lạ không rõ ràng. Ta cố gắng thuyết phục mình chỉ là một nhân hình trong 7,5 tỷ con người khác đang vần vũ bước đi trong cuộc đời này. Ta có thể vẫn ổn - như tất cả những người đang bịt khẩu trang khác đang nhìn nhau giữa phố.
Ai quan tâm gì một dải ngân hà lãng mạn vô công rỗi nghề?
Nhưng, có thể dải ngân hà chứa đựng một mật ngữ khác về đời sống. Một nhân loại đã từng rất gần gũi thiên nhiên, đã yêu và chuyện trò về trời sao trước giờ say giấc nồng, đã lớn lên và ghi nhớ ký ức về miền vô tận lấp lánh, đã hẹn hò và đam mê dưới ánh sao trời. Nhân loại đó, từng sống vì nhiều giá trị khác - ngoài tiền, ngoài khói thải, ngoài xe hơi, ngoài ứng dụng đo độ ô nhiễm - bởi vì họ sở hữu trời xanh.
Đến một ngày trời xanh trở thành cổ tích, ta không cần đánh sập một ứng dụng báo khí độc tràn về, mà vẫn phải hít thở hàng ngày trong mỏi mệt và vất vả vô cùng.
Đó là khi những người ở đô thị nhận ra: thiên nhiên và bầu trời đã quay lưng từ bỏ họ - chẳng cần một ứng dụng nào.
Bài & ảnh: Khải Đơn
Theo nguoidothi.net.vn
Ảnh cực độc lần đầu công bố về Bắc Bộ năm 1900 Phố Hàng Đào ở Hà Nội, thành Bắc Ninh, núi Kỳ Lừa ở Lạng Sơn... là loạt ảnh tư liệu quý giá mà nhiều người chưa từng được xem về xứ Bắc Bộ năm 1900. Vùng ngoại ô Hà Nội, Bắc Bộ năm 1900. Một khu chợ ở ngoại ô Hà Nội. Phố Hàng Đào ở trung tâm Hà Nội. Một con đường...