7 dấu hiệu tiền sản giật mà mọi mẹ bầu nên biết
Trong thời gian mang thai, mẹ bầu có nguy cơ đối mặt với không ít các tình trạng y tế nguy hiểm, trong đó có tiền sản giật. Việc nhận biết các dấu hiệu tiền sản giật kịp thời giúp mẹ bầu có thể hạn chế đến mức thấp nhất các nguy cơ xấu.
Tiền sản giật là một tình trạng y tế sản khoa tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của mẹ và bé. Tình trạng này có thể xảy ra vào nửa cuối của thai kỳ và trong vài tuần đầu sau sinh. Tuy nhiên, nó xảy ra phổ biến hơn trong giai đoạn sau của thai kỳ.
Thực tế là nếu có các dấu hiệu tiền sản giật sớm thì bản thân người mẹ và bé cưng sẽ phải đối mặt với nhiều nguy cơ. Theo các chuyên gia sản khoa, ước tính có khoảng 3 – 5% phụ nữ mang thai bị tiền sản giật. Trong bài viết này, Hello Bacsi sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về tiền sản giật và các dấu hiệu nhận biết để có thể can thiệp kịp thời.
Tiền sản giật là gì?
Tiền sản giật là một hội chứng bệnh lý sản khoa hết sức nghiêm trọng thường xảy ra vào nửa sau của thai kỳ (từ tuần thứ 21 trở đi) đi kèm với những dấu hiệu tổn thương các cơ quan khác, thường là gan và thận, phổi. Tình trạng này có liên quan mật thiết đến việc huyết áp tăng cao khi mang thai.
Tình trạng huyết áp tăng nhẹ cũng có thể là dấu hiệu của tiền sản giật khi mang thai. Nếu không chữa trị kịp thời, mẹ bầu có thể bị sản giật, đột quỵ… rất nguy hiểm cho tính mạng của cả hai mẹ con.
7 dấu hiệu tiền sản giật mà mẹ bầu cần lưu tâm
1. Sưng ở mặt hoặc tay
Trong thời gian mang thai, nếu mẹ bầu bị sưng ở mặt, đặc biệt là quanh mắt hoặc tay thì cần hết sức lưu tâm. Đây có thể là dấu hiệu cảnh báo một tình trạng nguy hiểm.
Tuy nhiên, việc mẹ bầu bị sưng ở chân hay các phần khác còn lại của cơ thể thường không có gì đáng lo ngại.
2. Tăng cân nhanh chóng
Trong thời gian bầu bí, mức độ tăng cân của các mẹ bầu sẽ diễn ra tương đối chậm và đều. Thế nên nếu nhận thấy mình tăng cân quá nhanh (1.5 – 2kg/tuần hoặc 5kg/tháng) mà không có nguyên do cụ thể, hãy đến bệnh viện để được các bác sĩ thăm khám và đánh giá tình hình.
3. Một cơn đau đầu dai dẳng
Thực tế là có không ít bà bầu bị đau đầu khi mang thai, một số người bị đau đầu thường xuyên hơn so với người khác.
Video đang HOT
Trong trường hợp bạn bị một cơn đau đầu tấn công và đã uống thuốc giảm đau nhưng không thấy bớt, đừng chần chừ gì nữa mà hãy đến bệnh viện ngay.
4. Tầm nhìn thay đổi hoặc mất thị lực
Tầm nhìn thay đổi và mất thị lực là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm trong thai kỳ không nên bỏ qua. Do đó, nếu mẹ bầu bỗng dưng nhận thấy mình bị hoa mắt hay nhận thấy có các đốm sáng trong tầm nhìn hoặc bị mất thị lực, hãy thông báo cho người thân biết để được đưa đến bệnh viện ngay.
5. Buồn nôn và nôn mửa đột ngột
Nếu bạn đã trải qua giai đoạn nghén và đã hết nôn ói nhưng lại bỗng có cảm giác buồn nôn hay nôn mửa thì nên chú ý. Buồn nôn và nôn mửa đột ngột có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn đang gặp hội chứng bệnh lý tiền sản giật khi mang thai.
6. Đau bụng trên
Bạn có cảm giác bị đau bụng trên nhưng nguyên nhân không phải do ợ nóng càng không phải là do bé cưng chòi đạp? Hãy lưu ý vì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo tiền sản giật. Hãy đến bệnh viện nếu cơn đau không thuyên giảm trong thời gian ngắn.
7. Khó thở
Nếu bạn bỗng dưng thở hổn hển, cảm thấy khó thở, thở hụt hơi… hãy đến bệnh viện để được chăm sóc kịp thời. Việc bỗng dưng khó thở có thể là một dấu hiệu cảnh báo tình trạng sức khỏe thai kỳ vô cùng nguy hiểm.
Trong thời gian mang thai, nếu nhận thấy mình có 1 trong 7 dấu hiệu kể trên, bạn hãy liên hệ với bệnh viện ngay.
Các biến chứng của tiền sản giật
Tiền sản giật là một tình trạng rất nghiêm trọng, có thể đe dọa tính mạng cho cả mẹ và bé nếu không được điều trị. Ngoài ra, tình trạng này còn có thể gây ra các biến chứng như:
Vấn đề chảy máu do lượng tiểu cầu thấpNhau thai bị bóc tách (nhau tự bong ra khỏi thành tử cung)Tổn thương ganSuy thậnPhù phổi
Ngoài ra, với các bé cưng được sinh ra trước thời hạn, con có thể gặp các biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe.
Làm thế nào để hạn chế những biến chứng xấu của tiền sản giật?
Thực tế là nhiều phụ nữ bị tiền sản giật mà không có bất kỳ triệu chứng cảnh báo nào. Thế nên, để đảm bảo sức khỏe cho mẹ và bé trong suốt thai kỳ, bạn nên tuân thủ lịch khám thai và các hướng dẫn của bác sĩ một cách nghiêm túc.
Trong quá trình khám thai, bạn sẽ được kiểm tra huyết áp, xét nghiệm nước tiểu để tìm protein, siêu âm nhằm đo lượng nước ối và đánh giá sức khỏe của thai nhi. Ngoài ra, bác sĩ có thể đề nghị bạn xét nghiệm máu để xem chỉ số men gan có bất thường không và lượng tiểu cầu có ở mức thấp hay không. Bên cạnh đó, mẹ bầu cũng có thể phải tiến hành thực hiện xét nghiệm non-stress test để theo dõi nhịp tim của thai nhi khi con di chuyển trong tử cung.
Huyết áp của mẹ bầu được xem là tăng khi huyết áp tâm thu lớn hơn 140 và huyết áp tâm trương lớn hơn 90 bất kể áp lực máu cơ bản. Điều này là tăng nguy cơ thai chết lưu hay sinh non, gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé.
Nếu được chẩn đoán có nguy cơ bị tiền sản giật, bạn sẽ được các bác sĩ sản khoa theo dõi chặt chẽ hơn. Nếu nhận thấy nguy cơ xấu có thể xảy ra ảnh hưởng nghiêm trọng đến mẹ và bé, các bác sĩ có thể chỉ định để bạn sinh con sớm hơn dự kiến. Lúc này, các biện pháp kích thích khởi phát quá trình chuyển dạ sẽ được áp dụng.
Tiền sản giật có thể dẫn đến sản giật, đột quỵ, co giật khiến mẹ hoặc cả mẹ lẫn bé tử vong. Trên thực tế, phụ nữ mang thai bị tiền sản giật có thể phải gánh chịu những hậu quả sức khỏe lâu dài. Đây là một trong những yếu tố nguy cơ là gia tăng bệnh đột quỵ, bệnh tuyến giáp, sự phát triển của bệnh đái tháo đường và bệnh tim trong tương lai. Do đó, hãy cho bác sĩ biết nếu bạn có một trong các dấu hiệu cảnh báo để họ lên phương án giúp phòng ngừa biến chứng cho bạn.
Theo Hellobacsi
Mẹ 9x trải nghiệm hành trình mang thai qua những lần sinh - tử trong gang tấc, lên bàn mổ với 2 chân tê liệt không thể đi lại
Giây phút được ôm con vào lòng để da tiếp da khiến người mẹ trẻ nghẹn ngào hạnh phúc sau khi trải qua hành trình mang thai đầy gian nan.
Đó là câu chuyện cảm động của mẹ bỉm sữa Trần Thị Vân (27 tuổi, ở thị trấn Nam Phước - Duy Xuyên - Quảng Nam).
Chị Vân chia sẻ, vợ chồng chị cưới nhau từ năm 2017 và có bầu ngay trong tháng cưới. Lúc thử que 2 vạch, hai vợ chồng đều hạnh phúc lắm. Song hành trình mang thai của chị thật sự gian nan, vất vả vô cùng.
Thai được 4 tháng đúng vào dịp tết, hai chồng chị Vân chở nhau đi chúc tết bà con, không may bị người ta đâm phải, ngã lăn ra đường, người trầy xước hết. May mắn thai nhi không bị ảnh hưởng.
Được phen hú hồn, từ đó việc đi lại chị rất hạn chế. Song tới tháng thứ 9, còn đúng một tuần trước ngày dự kiến sinh, bà mẹ xứ Quảng bất ngờ bị co giật tới tím tái người ngợm, chân tay co quắp phải vào viện cấp cứu giữa đêm. Bác sĩ chẩn đoán chị có dấu hiệu của tiền sản giật, cũng may vào viện cấp cứu kịp thời nếu không tính mạng của 2 mẹ con đều gặp nguy hiểm.
Hai mẹ con chị Vân.
Sau hơn tiếng trong phòng cấp cứu chị mới hồi tỉnh. Thật may, bác sĩ thông báo em bé vẫn bình an trong bụng mẹ, khi ấy chị Vân mới thở phào nhẹ nhõm được phần nào.
Yên tâm về nhà đợi ngày trở dạ, vậy mà 4 ngày trước sinh, chị bị tê liệt 2 chân không tự đi lại được. Hoảng quá, chị khóc ầm gọi người thân và một lần nữa lại được đưa vào viện. Bác sĩ nói do thai kì vào những ngày cuối trọng lượng lớn hơn tạo áp lực lên khung xương chậu của chị Vân gây đau tê phần nửa thân người dưới. Thực ra rất nhiều bà bầu mang thai gặp phải vấn đề đau xương chậu, đau lưng như chị. Song do cơ địa riêng, sẽ có người đau ít hơn, người đau nhiều hơn. Chị Vân kém may hơn lại rơi vào số người bị đau nhiều, nên bác sĩ động viên cô cùng người nhà không có gì phải lo lắng quá.
Nghe bác sĩ nói, tinh thần chị cũng được trấn an thêm một chút, bởi lo cho mình thì ít lo cho con thì nhiều. Chị Vân bảo khi ấy, chị chỉ thương con, lo nếu có chuyện gì xấu đến với em bé chắc sẽ không sống nổi.
2 ngày trời nằm bất động, đến quần áo không tự thay được, vệ sinh nặng nhẹ đều phải nhờ người thân giúp. Mẹ đẻ chị Vân nhìn con gái thương chảy nước mắt mà không biết làm sao.
Bước sang ngày thứ 3, chị Vân được bác sĩ chỉ định cho mổ bắt lấy con. Bác sĩ nói lẽ ra chị có thể sinh thường một cách dễ dàng vì siêu âm con tầm trên dưới 3kg một chút. Song vì tình hình sức khỏe như vậy, họ buộc phải chỉ định mổ.
Hoang mang lo lắng, lên bàn mổ bà mẹ trẻ vẫn luôn miệng cầu nguyện cho con được bình an. Nhưng lúc em bé được đưa ra khỏi bụng mẹ, người ngợm bé lại tím tái, dính đầy phân su như thể đi tắm bùn về khiến cả ê kip bác sĩ nhìn con mà xót ruột bảo: "Cũng may mổ lấy thai kịp, muộn chút nữa không biết hậu quả thế nào".
Bé Bống 15 tháng hoạt bát, thông mình và rất quấn mẹ.
Giây phút được ôm con da tiếp da khiến mẹ 9x hạnh phúc nghẹn ngào. Bà mẹ trẻ này chia sẻ rằng, khi ấy nhìn con lành lặn, khỏe mạnh bình thường như bao đứa trẻ khác chị mới thật sự thấy yên tâm.
Con chào đời an toàn, vấn đề còn lại là sức khỏe của mẹ. Không cử động được 2 chân, rời bàn đẻ về phòng hồi sức sau sinh, chị nằm bất động 1 chỗ, vừa đau vết mổ, vừa đau rời rã 2 chân. Chị kể cực nhất là thương con mà chẳng thể ngồi dậy cho con bú. Những lúc con khóc, không thể tự tay ẵm con dỗ dành, trong khi nhìn sang các giường bên thấy mẹ nào con ấy quấn quýt cho nhau ti mà chị tủi thân tràn nước mắt.
Song cũng chính vì thương con nên chị càng quyết tâm tập đi lại bằng mọi giá. Những ngày đầu bước xuống giường sinh là những ngày khó khăn, đau đớn nhất. Nước mắt rơi theo mỗi bước chân người mẹ. Tập tễnh dò dẫm từng bước. Đau đớn như muốn khuỵu gục, nhưng vì con, chị Vân lại nghiến răng cố gắng. Xuất viện về, chị cứ kiên trì vịn tường đi từng bước. Cuối cùng, sau 2 tháng bà mẹ trẻ đã đi lại được 1 cách bình thường.
Vợ chồng chị Vân hạnh phúc bên con gái.
Hơn năm trôi qua, con gái chị Vân cũng đã cứng cáp, khỏe mạnh thông minh khiến mẹ được an ủi rất nhiều.
Nhìn con thơ lớn lên từng ngày, bà mẹ xứ Quảng mỉm cười tâm sự: "Trải qua những lần sinh tử trong gang tấc Vân mới hiểu được tình mẹ thương con lớn cỡ nào. Giờ với Vân không gì quý giá bằng sức khỏe và sự trưởng thành của con gái. Vân chỉ cầu mong ông trời thương cho cả gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc bên nhau. Với Vân như thế là quá đủ. Còn cuộc sống có khó khăn tới đâu, có con làm động lực ở bên, mình sẽ gắng vượt qua được hết".
Theo Helino
Bác sĩ ra bến thuyền đỡ đẻ cho sản phụ 16 tuổi Sản phụ Phùng Thị Lai bị suy thai đang được vận chuyển từ xã lên BV Đa khoa huyện Bắc Mê (Hà Giang) bằng thuyền trong tình trạng nguy kịch. Ngay lập tức, BV đã cử một kíp cấp cứu ra bến thuyền để hỗ trợ. Ngày 1/11, bác sĩ Nguyễn Chung, Giám đốc BV Đa khoa huyện Bắc Mê (Hà Giang), cho...