7 bộ họp về độc tố khiến cá chết hàng loạt
Chiều 27/4, đại diện các bộ Tài nguyên, Nông nghiệp, Công Thương, Y tế, Khoa học… cùng Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam sẽ họp để đi đến kết luận cuối cùng về nguyên nhân cá chết hàng loạt ở 4 tỉnh miền Trung.
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà sẽ chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành để nghe báo cáo và đi đến thống nhất về nguyên nhân cá chết ở các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên – Huế thời gian qua. Đây là lần đầu tiên kể từ sau vụ cá chết hàng loạt, các bộ ngành mới có cuộc họp chung.
Cá chết lan rộng ở miền Trung như thế nào.
Theo Bộ Khoa học và Công nghệ – cơ quan điều phối hoạt động phân tích, đánh giá của các đơn vị nghiên cứu, đến ngày 26/4 đã có nhiều đơn vị nghiên cứu và quản lý của các bộ, ngành khảo sát, phân tích tìm nguyên nhân cá chết.
Cụ thể, các đơn vị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là Tổng cục Thủy sản cùng Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1, Viện nghiên cứu Hải sản đã lấy mẫu cá chết trong lồng tại Hà Tĩnh; mẫu nước, mẫu trầm tích, sinh vật phù du tại Quảng Trị, Quảng Bình và Thừa Thiên – Huế. Các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp cũng phân tích mẫu môi trường, bệnh dịch thuỷ sản và tảo độc, khảo sát, nghiên cứu về hải dương và dòng chảy ven bờ.
Viện Môi trường nông nghiệp (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) phân tích các mẫu cá, mẫu nước do Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 thu thập được để phân tích độc tố. Các viện nghiên cứu khác thuộc Viện này đã lấy mẫu cá chết và quan trắc môi trường, dòng hải lưu, quan trắc ảnh vệ tinh.
Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) lấy mẫu nước biển, nước thải, mẫu cá chết; Viện Kiểm định an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia (Bộ Y tế) đang phân tích mẫu cá chết do Bộ Tài nguyên gửi.
Video đang HOT
Một con cá vẩu nặng chừng 35 kg được ngư dân phát hiện chết ở bờ biển xã Vinh Mỹ, huyện Phú Lộc (Thừa Thiên – Huế) vào chiều 24/4.
Ngoài 4 bộ trên, Bộ Công Thương tham gia với tư cách cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động sản xuất công nghiệp. Hôm qua đoàn kiểm tra của Bộ đã làm việc với Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, doanh nghiệp có đường ống xả thải ra biển, để kiểm tra việc nhập khẩu cũng như sử dụng hàng trăm tấn hóa chất để súc rửa đường ống.
Một nguồn tin cho biết, Bộ Công an và Quốc phòng sẽ tham gia với tư cách cơ quan bảo vệ vùng biển, hải đảo Việt Nam.
Về việc có gửi mẫu ra nước ngoài để tìm nguyên nhân, trao đổi với báo chí chiều 26/4, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết, trước mắt Bộ chưa làm mà sẽ theo đề xuất của các nhà khoa học.
“Rất khó trả lời bao giờ có kết quả. Tôi đã yêu cầu các nhà khoa học phân tích theo phương pháp loại trừ, tập trung vào các nghi vấn có khả năng nhiều nhất để sớm có câu trả lời”, ông Phát nói.
Một số mẫu cá đang được các nhà khoa học Viện hàn lâm phân tích.
Đầu tháng 4, cá nuôi lồng bè của người dân gần khu kinh tế Vũng Áng (thị xã Kỳ Anh, Hà Tĩnh) đồng loạt chết. Hiện tượng này sau đó lan dọc hơn 200 km bờ biển từ Kỳ Anh (Hà Tĩnh) tới Lăng Cô (Thừa Thiên – Huế). Thống kê đến ngày 25/4, tỉnh Hà Tĩnh có 10 tấn, Quảng Bình 25 tấn, Quảng trị 30 tấn cá biển tự nhiên chết dạt bờ.
Từ ngày 20/4 đến nay, các bộ Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đều có đoàn vào khảo sát thực địa, lấy mẫu cá, mẫu nước và mẫu đất để truy tìm nguyên nhân. Ngày 25/4, những nguyên nhân bệnh dịch, động đất, tràn dầu đều bị loại trừ.
Lãnh đạo hai bộ Tài nguyên và Nông nghiệp đều khẳng định có độc tố rất mạnh từ môi trường tự nhiên là nguyên nhân gây họa. Tuy nhiên, độc tố đó là gì đến nay vẫn chưa được xác định.
Phạm Hương
Theo VNE
Loại bỏ nguyên nhân tràn dầu, sóng thần gây cá chết hàng loạt
Nghi vấn sự cố tràn dầu hay động đất sóng thần là nguyên nhân gây cá chết hàng loạt ở miền Trung được Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam (VAST) loại bỏ.
Từ ngày 19 đến 24/4 tổ công tác thuộc VAST đã đo đạc các thông số, lấy 200 mẫu nước và trầm tích biển, 200 mẫu cá chết tại các điểm Vũng Áng, Đèo Ngang, Cửa Nhật Lệ, Cồn Cỏ, Cửa Tùng, Cửa Việt, Chân Mây và Lăng Cô để tìm hiểu nguyên nhân cá chết hàng loạt .
Kết quả phân tích ảnh vệ tinh VNREDSat-1 và các ảnh vệ tinh khác cho thấy, khoảng thời gian từ 6/4 đến 24/2 chưa phát hiện các vụ tràn dầu lớn tại khu vực nghiên cứu. Nguyên nhân cá chết do tràn dầu tạm được loại bỏ.
Ảnh VNREDSat-1 khu vực lân cận Vũng Áng cho thấy tràn dầu không phải là nguyên nhân dẫn đến cá chết. Nguồn: VAST
Các trạm địa chấn đặt tại các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình và Thừa Thiên - Huế thuộc mạng lưới đài trạm địa chấn Quốc gia do Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam quản lý không ghi nhận được trận động đất nào có độ lớn trên 5 độ Richter xảy ra tại khu vực ngoài khơi miền Trung.
"Hiện tượng sốc nhiệt do phá hủy bề mặt, bên trong vỏ hoặc những biến đổi địa tầng trong vỏ đại dương đã được loại trừ. Ảnh hưởng của hai trận động đất tại Nhật bản vào ngày 14 và 16/4 không gây ra ảnh hưởng đối với khu vực nghiên cứu", báo cáo của Viện nêu rõ.
Về ảnh hưởng của dòng chảy ven bờ khu vực biển miền Trung, theo Viện Địa chất và Địa vật lý biển, thời gian này dòng chảy ven bờ có đặc trưng của thời kỳ gió mùa đông bắc. Dòng chảy ven bờ có hướng từ Bắc xuống Nam với tốc độ thường mạnh nhất vào tháng 1 khoảng 0,75m/s đến 0,85m/s, có khi đạt đến 1m/s. Vận tốc dòng chảy ven bờ giảm dần vào tháng 4-5, đến tháng 7 khi có tác động mạnh của gió mùa tây nam thì nó giảm xuống khoảng 0,25m/s.
Các thông số môi trường và độc tố trong nước, trầm tích tại mặt cắt ngang 25 km từ cửa Cửa Tùng ra đảo Cồn Cỏ cũng được tổ công tác lấy mẫu và phân tích. Để nghiên cứu ảnh hưởng của các yếu tố môi trường đến nguyên nhân cá chết hàng loạt, tổ công tác của Viện Hàn lâm đang khẩn trương xác định tảo độc và phân tích các độc chất trong nước, trầm tích và các mẫu cá đã thu thập tại hiện trường.
Một con cá vẩu nặng chừng 35kg được ngư dân phát hiện chết ở bờ biển Thừa Thiên - Huế chiều 24/4. Ảnh do người dân cung cấp
Hiện tượng cá chết bất thường xuất hiện từ ngày 6/4 tại vùng nuôi lồng xã Kỳ Lợi, Thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, sau đó xuất hiện cá tự nhiên chết hàng loạt tại ven biển các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế.
Nhiều đơn vị chức năng đã vào cuộc tìm hiểu hiện tượng được cho là chưa từng xuất hiện ở Việt Nam. Kết quả phân tích ban đầu của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1 và Cục Thú y cho thấy cá chết bất thường không có các biểu hiện bệnh lý, không tìm thấy tác nhân gây bệnh dịch thông thường. Các thông số môi trường thông thường đều nằm trong giới hạn cho phép. Cá chết nhanh bất thường trên diện rộng có thể do độc tố có độc lực mạnh như sinh học, hóa học hoặc yếu tố khác. Hiện cá chết không xuất hiện nhiều như trước.
Phạm Hương
Theo VNE
Cá biển chết bất thường, rớt giá thê thảm Trong khi các cơ quan chức năng chưa có kết luận chính thức nguyên nhân cá biển chết hàng loạt dạt vào bờ biển trong những ngày qua thì bà con ngư dân và các tiểu thương buôn bán cá biển lao đao vì cá rớt giá, không bán được. Cá chết rất nhanh chứ không chết từ từ Trao đổi với phóng...